Câu Hỏi 26: Kinh Thánh cho thấy Chúa chỉ thương người Do thái, tôi là người Việt Nam, nếu tôi theo đạo thì tôi có bao nhiêu hi vọng, xác suất là bao nhiêu, để được Chúa cứu?

Câu Hỏi 26: Kinh Thánh cho thấy Chúa chỉ thương người Do thái, tôi là người Việt Nam, nếu tôi theo đạo thì tôi có bao nhiêu hi vọng, xác suất là bao nhiêu, để được Chúa cứu?
Cảm ơn Chúa cho tôi nhận được câu hỏi hôm nay với đặc điểm là Vị Thính giả đã trưng dẫn nhiều câu Kinh Thánh trong câu hỏi để chứng minh điều muốn hỏi, ngoài ra tôi cũng cảm ơn Chúa là vị thính giả đã nêu câu hỏi vì sự ưu tư của mình đối với sự cứu rỗi của Chúa cho.
Cảm ơn Chúa cho tôi nhận được câu hỏi hôm nay với đặc điểm là Vị Thính giả đã trưng dẫn nhiều câu Kinh Thánh trong câu hỏi để chứng minh điều muốn hỏi, ngoài ra tôi cũng cảm ơn Chúa là vị thính giả đã nêu câu hỏi vì sự ưu tư của mình đối với sự cứu rỗi của Chúa cho.

Qua câu hỏi, có ba điều được nêu ra:

THỨ NHẤT: Có những câu Kinh Thánh được trích dẫn liên quan đến địa vị của người Y-sơ-ra-ên – hay người Do thái đối với Đức Chúa Trời.
THỨ HAI: Tại sao người Do thái – hay người Y-sơ-ra-ên - lại có vị trí ưu tiên đối với Đức Chúa Trời.
THỨ BA: Đức Chúa Trời có yêu thương các dân tộc không phải người Y-sơ-ra-ên, trong đó có người Việt Nam chúng ta không?
Bây giờ theo từng câu Kinh Thánh vị thính giả đã nêu ra, tôi sẽ trình bày 3 điều.

CÂU KT THỨ NHẤT VỊ THÍNH GIẢ ĐÃ NÊU: là Mathiơ 15:24, Chúa Jêsus đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.
Bối cảnh những lời nầy là Chúa đang phán với một người đàn bà Ca-na-an, một người không phải là người Do thái, bà đến xin Chúa Jêsus chữa lành cho con gái của bà đã bị quỉ ám, khốn cực lắm.
Lúc Chúa Jêsus phán lời nầy Chúa gọi dân Y-sơ-ra-ên là chiên của Chúa, là con của Chúa (c.26); còn các dân tộc khác người Y-sơ-ra-ên, tiêu biểu là người đàn bà Ca-na-an nầy là những con chó con (c.26). Chúa Jêsus không gọi các dân là chó hoang, hoặc sài lang (sói), là những từ ngữ Chúa thường dùng để gọi những kẻ ác, kẻ giả dối, những kẻ thù ghét Chúa. Người Y-sơ-ra-ên cũng nuôi chó (Luca 16:21), nhất là để giúp coi giữ bầy chiên, và người đàn bà Ca-na-an xưng nhận bà cũng như các dân là những con chó con ở quanh bàn của con cái. Thật sự trong bối cảnh văn hóa nào cũng vậy, chó nuôi là một con vật được xem là quý sau con cái.

Điều quan trọng là Chúa Jêsus không ghét bỏ các dân mà tiêu biểu là người đàn bà Ca-na-an. Bằng cớ là Chúa Jêsus đã bằng lòng đối đáp với người đàn bà Ca-na-an, đặc biệt là qua những lời đối đáp, rõ ràng Chúa Jêsus chỉ muốn trắc nghiệm đức tin của người đàn bà nầy. Bằng cớ thứ hai Chúa Jêsus không ghét bỏ dù người đó không phải dân Y-sơ-ra-ên là Chúa Jêsus đã khen người đàn bà nầy có đức tin lớn, Chúa Jêsus hầu như không khen người Y-sơ-ra-ên nào như vậy. Bằng cớ thứ 3 chứng minh Chúa không ghét bỏ các dân không phải dân Y-sơ-ra-ên là Chúa đã chữa lành cho con gái người đàn bà Ca-na-an.

CÂU KT THỨ HAI MÀ VỊ THÍNH GIẢ ĐÃ NÊU là trong Mathiơ 1:21. Câu Kinh Thánh nầy là lời của vị thiên sứ báo tin cho ông Giô-sép là chồng hứa của bà Ma-ri. Giô-sép là cha nuôi của Chúa Jêsus khi Ngài giáng sanh trên đất. Lời đó như sau: Người (hay là Ma-ri) sẽ sanh một trai, ngươi (tức là ông Giô-sép) khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.
Bối cảnh của câu Kinh Thánh nầy là đang khi Giô-sép bối rối khi nghe tin người vợ hứa của ông là Ma-ri đã mang thai trong khi hai người chưa ăn ở cùng nhau, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ của Ngài đến giải thích cho Giô-sép biết Ma-ri mang thai là bởi Chúa, Ma-ri sẽ sanh một con trai; và Chúa truyền cho Giô-sép phải đặt tên con trai đó là JÊSUS, đồng thời thiên sứ cũng giải thích ý nghĩa danh JÊSUS là vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.

Hai từ ‘dân mình’ cho thấy Chúa vẫn nhớ đến lời hứa của Chúa với tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham. Chúa hứa gì với tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên? Kinh Thánh ghi lại lời hứa đó: Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước (Sáng. 12:2-3). Chúa đã hứa sẽ ban phước cho dòng dõi của Áp-ra-ham là dân Y-sơ-ra-ên, họ sẽ trở nên nguồn phước cho các chi tộc thế gian. Bởi cớ đó Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời khi giáng sanh làm người trên đất, Chúa đã chọn làm người Y-sơ-ra-ên và xem người Y-sơ-ra-ên là dân mình, như câu Kinh Thánh đã nói: họ được yêu thương bởi cớ các tổ phụ (Rô. 11:28b)

Tại sao tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham được đặc ân dường ấy? Chúng ta hãy nghe Kinh Thánh trả lời: Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu (Hêb. 11:9); và Kinh Thánh xác nhận:… Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người (Rô. 4:3). Chúa chọn và ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên vì tổ phụ của họ là một người có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Trong khi đó các dân tộc có tổ phụ là những người không hề tin Đức Chúa Trời, hơn thế nữa các dân tộc thường tạo ra những truyền thuyết nguồn gốc dân tộc mình bằng những huyền sử mê tín dị đoan, không có thật, ấy là chưa kể còn đi ngược lại lời Chúa dạy, hoặc còn dám tự nhận mình có nguồn gốc hạ cấp từ con vật nầy con vật kia. Trong lời hứa với Áp-ra-ham, Chúa đã hứa các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ Áp-ra-ham mà được phước, nghĩa là qua dân Y-sơ-ra-ên các dân tộc khác cũng sẽ được phước trong đó có người VN chúng ta. Kỳ diệu thay, ngay chính đêm Chúa Jêsus giáng sanh, thiên sứ của Đức Chúa Trời đã công bố mục đích Chúa Jêsus giáng sanh là để đem sự vui mừng lớn cho muôn dân – không phải một dân…

Hai từ ‘dân mình’ cũng nhắc chúng ta một câu Kinh Thánh khác có đề cập đến ‘dân mình’ như sau: Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy (Giăng 1:11). Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa đã dành ưu tiên giáng sanh làm một người Y-sơ-ra-ên để cứu dân Y-sơ-ra-ên trước. Qua 33 năm rưởi, Chúa Jêsus đã đi khắp các thành các làng của người Y-sơ-ra-ên giảng dạy về Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, làm biết bao nhiêu phép lạ, chữa lành biết bao nhiêu bệnh tật, cuối cùng, Chúa Jêsus đã tình nguyện chịu chết giữa người Y-sơ-ra-ên và đã sống lại chính mắt họ xem thấy, như lời Thánh Phierơ đã tuyên bố: Hỡi người Y-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, tức là Người mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, sự lạ và dấu lạ ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết. Người đó bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi. Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Người sống lại, bứt đứt dây trói của sự chết, vì nó không thể giữ Người lại dưới quyền nó (Công vụ 2:22-24). Rõ ràng người Y-sơ-ra-ên là dân tộc đầu tiên biết rõ biết chắc Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời, biết rõ biết chắc Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế duy nhất, vì dưới trời nầy chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu. Một đặc ân lớn dành cho một dân tộc có tổ phụ là người có đức tin.

Dù vậy, đáng tiếc thay, người Y-sơ-ra-ên đã từ chối Chúa Jêsus, bởi cớ đó, Đức Chúa Trời đã tạm quên dân Y-sơ-ra-ên, Chúa đem sự cứu rỗi chuyển qua các dân tộc khác trên thế giới. Chúa Jêsus đã cảnh cáo người Y-sơ-ra-ên đang khi Chúa còn trên đất rằng: Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng. Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Math. 8:11-12). Thánh Phaolô mà vị thính giả đã nêu tên trong câu hỏi đã giải thích việc chuyển quyền nầy như sau trong Kinh Thánh: Tôi lại hỏi rằng: Có phải dân Y-sơ-ra-ên vấp chơn dường ấy hầu cho té xuống chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng ấy là bởi tội lỗi họ mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ (Rô. 11:11), nghĩa là chính vì dân Y-sơ-ra-ên từ chối nhìn nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của họ, nên Chúa đã đem sự cứu rỗi cho dân ngoại không phải Y-sơ-ra-ên, trong đó có người VN chúng ta nhờ đó các dân tộc được hưởng tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi qua Chúa Jêsus Christ.

CÂU KT THỨ BA MÀ VỊ THÍNH GIẢ ĐÃ NÊU TRONG CÂU HỎI về con số 144.000 người được cứu đã ghi trong sách Khải huyền 7:4 như sau: Tôi lại nghe số người được đóng ấn là: mười bốn vạn bốn ngàn người được đóng ấn từ trong các chi phái dân Y-sơ-ra-ên. Và qua những câu Kinh Thánh tiếp theo thì số 144.000 người đó là từ 12 chi phái của người Y-sơ-ra-ên, mỗi chi phái có 12.000 người.
Có nhiều ý kiến giải thích về số 144.000 người được cứu nầy, nhưng đa số cho rằng đây là 144.000 người Y-sơ-ra-ên dâng mình làm ‘tôi tớ’ (như trong 7:3) ra đi giảng Tin Lành khắp thế giới sau khi Chúa Jêsus Christ tái lâm chặng thứ nhất nơi không trung, khi đó toàn thể dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở lại tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế (Rô. 11:25-28), trách nhiệm chính thức ra đi rao giảng Tin Lành sẽ thuộc về tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong thời xảy ra Đại nạn trên đất.

Nói chung, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời dành cho đặc ân ưu tiên, kế đó là các dân tộc khác, vì vậy, thời kỳ Đức Chúa Trời tạm quên dân Y-sơ-ra-ên để ban sự cứu rỗi cho dân ngoại như dân VN chúng ta được gọi là thời kỳ ân điển, ân sủng, nghĩa là Đức Chúa Trời ban ân cứu rỗi hoàn toàn miễn phí cho những dân tộc không đáng được cứu.

Dù vậy, vị thính giả của chúng tôi đã hơi nóng vội khi đọc đến 144.000 người Y-sơ-ra-ên được cứu, trong những câu Kinh Thánh kế tiếp trong sách Khải huyền 7:9-10 ghi như sau:  Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là. Chúng ta không thể phủ nhận rằng trong vô số người thuộc mọi nước, mọi dân tộc, mọi tiếng nói đó có nước VN chúng ta, có dân tộc VN chúng ta, và có tiếng VN chúng ta. Một lần nữa chúng ta hãy nghe chính Chúa Jêsus xác nhận: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian – không phải chỉ yêu thương dân Y-sơ-ra-ên… (Giăng 3:16).

Còn lại 2 câu Kinh Thánh mà vị thính giả đã nêu ra là Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi (Hêb. 13:8), và Ngài (hay Chúa Jêsus) sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng (Luca 1:33). Đúng như vậy, Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời nên Ngài không bao giờ thay đổi tình yêu thương của Ngài, và sự công bình của Chúa cũng không thay đổi, cho nên lời Chúa đã phán: Ai tin Chúa Jêsus - bất kể người đó là người Y-sơ-ra-ên hay người VN, thì được sự sống đời dời; ai không chịu tin Chúa Jêsus – thì bất kể người đó là người Y-sơ-ra-ên hay người VN cũng chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.

Duy có điều vị thính giả hỏi: Vậy, tôi là người VN, nếu tôi theo đạo thì tôi có bao nhiêu hi vọng, xác suất là bao nhiêu, để được Chúa cứu? Căn cứ vào Lời Chúa là Kinh Thánh, tôi khẳng định: nếu Bạn theo đạo, Bạn không có một hi vọng gì cả để được cứu, xác suất của Bạn là KHÔNG – hoàn toàn bằng KHÔNG. Tại sao? Vì muốn được cứu không phải là Bạn theo Đạo mà Bạn có bằng lòng lòng ăn năn tội của chính mình đồng thời quyết định nhận lấy công lao chịu chết đền tội và sống lại của Chúa Jêsus cho chính Bạn hay không?

Vấn đề là Bạn, thay vì cứ đứng đó băn khoăn theo đạo hay không theo đạo, thì Bạn đừng nghi ngờ Chúa, hãy vui mừng nhận lấy sự cứu rỗi của Chúa bằng cách lấy đức tin với lòng thành thật nói với Chúa vài lời: Lạy Chúa Jêsus, con ăn năn tội của con đã nghi ngờ Chúa. Con quyết định tin nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa nhận con làm con của Ngài. Nhơn danh Chúa Jêsus Christ  – Amen.

Hôm nay là quá trễ cho Bạn rồi, đừng chần chừ nữa.