Câu Hỏi 27: Mathiơ 1:1-16 kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 27 thế hệ, còn Luca 3:23-38 thì kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 41 thế hệ. Vậy, tôi phải tin vào thánh Mathiơ hay thánh Luca?

Câu Hỏi 27: Mathiơ 1:1-16 kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 27 thế hệ, còn Luca 3:23-38 thì kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 41 thế hệ. Vậy, tôi phải tin vào thánh Mathiơ hay thánh Luca?
Kính thưa Quý Vị thính giả, tôi cảm ơn Chúa cho vị thính giả có câu hỏi hôm nay là người thích nghiên cứu Kinh Thánh, rất nhiều người học Kinh Thánh ít khi để ý đến bảng gia phả được ghi trong Kinh Thánh.

Mathiơ 1:1-16 kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 27 thế hệ, còn Luca 3:23-38 thì kể gia phả của Chúa Jêsus gồm 41 thế hệ. Vậy, tôi phải tin vào thánh Mathiơ hay thánh Luca? Tôi biết truyền thống Do thái khi kể gia phả của một người con bao giờ cũng qua dòng họ người cha chứ không qua dòng họ của mẹ, trừ khi đứa con đó là con hoang.

Trả Lời: 

Kính thưa Quý Vị thính giả, tôi cảm ơn Chúa cho vị thính giả có câu hỏi hôm nay là người thích nghiên cứu Kinh Thánh, rất nhiều người học Kinh Thánh ít khi để ý đến bảng gia phả được ghi trong Kinh Thánh.

Trước hết, tôi xin nói việc: Tôi nên tin thánh Mathiơ hay thánh Luca?
Tôi khẳng định là Vị thính giả không cần tin vào thánh Mathiơ hay thánh Luca, vì dù hai vị thánh đó rất tốt, đáng được tôn trọng nhưng họ cũng chỉ là người như mọi người. Điều chúng ta cần tin là tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, trong quyển Kinh Thánh đó có hai sách Tin Lành do hai vị thánh nầy viết ra là sách Mathiơ và sách Luca. Nói rõ hơn, chúng ta tin là tin Lời của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, không đặt niềm tin của mình vào con người dù con người đó là những vị thánh.
Về sự khác nhau của hai Bảng Gia Phả.
Có những sự khác nhau về việc chép Bảng Gia Phả của Mathiơ và Luca theo mục đích của hai ông trong việc viết sách của mình để giới thiệu Chúa Jêsus Christ là Đấng Cứu Thế; nói cách khác, hai vị thánh đồ nầy chung một mục đích giới thiệu Chúa Jêsus Christ bằng hai cách khác nhau, trong đó có đề cập đến Bảng Gia Phả của Chúa Jêsus.

THỨ NHẤT:

Thánh Mathiơ viết sách của ông với mục đích giới thiệu Chúa Jêsus Christ là Vua cho người Y-sơ-ra-ên, theo như lời hứa của Đức Chúa Trời đối với tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham và với vua Đa-vít. Do đó, Thánh Mathiơ đã bắt đầu Bảng Gia Phả của ông từ Áp-ra-ham. xuống đến Đavít và cứ theo các chi thuộc dòng dõi chính của vua Đa-vít xuống tới Giô-sép. Vì vậy, khi đọc sách Mathiơ, độc giả sẽ thấy Chúa Jêsus thuộc dòng dõi vua chính thống Đa-vít, có các vị vua từ Đông phương đến thờ lạy, có phản ứng của vua Hê-rốt đang cai trị dân Y-sơ-ra-ên, và cảnh Chúa Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị vua, cảnh Chúa Jêsus chịu đóng đinh trên thập tự giá với bảng đề: Người nầy là Jêsus, Vua dân Giu-đa. Đặc biệt Mathiơ đã ghi lại lời tuyên bố cuối cùng của Chúa Jêsus Christ trước giờ thăng thiên: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta…, nghĩa là Chúa Jêsus làm Vua trên trời và dưới đất, đồng thời với tư cách Vua trên muôn vua, Chúa Jêsus đã ban Đại Mạng Lịnh cho các môn đồ ra đi rao giảng Tin Lành cho muôn dân.  

Còn Thánh Luca viết sách của ông để giới thiệu Chúa Jêsus Christ cho người Hi Lạp, mà người Hi Lạp lúc bấy giờ rất nặng về Triết học. Trước khi Chúa Jêsus giáng sanh thì Hi Lạp đã sản sinh ra các Triết gia nổi tiếng như Socrate, Plato, Aristote, mà trong quan điểm triết học thì con người là chủ đề chính triết học luôn quan tâm đến. Lợi dụng sự quan tâm nầy, Luca đã giới thiệu Chúa Jêsus Christ là một con người trọn vẹn cho độc giả Hi Lạp của ông. Với mục đích nầy, thánh Luca đã thuật lại câu chuyện Chúa Jêsus giáng sanh rất con người, không có cung điện cũng không có vua nào đến chiêm bái, chỉ có những người chăn chiên bình thường đến mừng trong khung cảnh rất đời thường là chuồng chiên máng cỏ. Với mục đích giới thiệu Chúa Jêsus là một con người trọn vẹn, thánh Luca đã lập một Bảng Gia Phả theo Hệ của Ma-ri với câu: Giô-sép con Hê-li, mà Hê-li là cha của Ma-ri, trong khi cha của Giô-sép là Gia-cốp, rồi lần lượt truy cập lên không phải chỉ đến vua Đa-vít, rồi lên đến Áp-ra-ham, mà truy đến A-đam là người đầu tiên do Đức Chúa Trời dựng nên.

THỨ HAI.

Chúng ta dò theo Bảng Gia Phả sẽ thấy Giô-sép và Ma-ri đều thuộc dòng dõi vua Đa-vít, từ Đa-vít trở đi có hai huyết thống riêng rẽ, chỉ hợp nhất trong Sa-la-thi-ên và Xô-rô-ba-bên.
Đúng như vị thính giả đã nói, theo phong tục của người Y-sơ-ra-ên thì người cha mới được đứng tên khai sanh cho đứa con, do đó, thánh Mathiơ viết đến Giô-sép thì viết: Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ, không viết Giô-sép sanh Chúa Jêsus theo cách viết như những thế hệ trên, nghĩa là Giô-sép không liên quan phần xác trong việc sanh Chúa Jêsus, mà chỉ trên danh nghĩa cha nuôi theo pháp luật. Đây là một chân lý quan trọng chứng minh lời tiên tri từ buổi sáng thế, ngay khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời đã công bố lời hứa Đấng Cứu Thế sẽ đến bởi dòng dõi người nữ, nghĩa là sự ra đời của Đấng Cứu Thế không có sự liên hệ với người nam.

Cách đây hơn 50 năm, nhiều người đọc sự giáng sanh của Chúa Jêsus bởi nữ đồng trinh đã cho rằng đó là câu chuyện thần thoại vì làm sao một nữ đồng trinh lại có thể thụ thai sanh con được? Thật sự, qua Kinh Thánh sách Tin Lành do thánh Luca viết đã ghi lại thắc mắc nầy của chính Ma-ri. Vì thánh Luca là một Bác sĩ thời đó (Côlôse 4:14) nên ông ghi rất rõ lời Ma-ri hỏi thiên sứ khi Ma-ri nghe thiên sứ báo tin cô sẽ mang thai Đấng Cứu Thế. Chúng ta hãy nghe bảng tường thuật của thánh Luca ghi trong sách Luca đoạn 1 từ câu 30 như sau:

“Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng. Ma-ri bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời. Kìa, Ê-li-sa-bét, bà con ngươi, cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; người ấy vốn có tiếng là son, mà nay cưu mang được sáu tháng rồi. Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được”.

Chính Ma-ri cũng không thể tin rằng cô có thể chưa chồng mà mang thai. Phần Giô-sép là chồng hứa của Ma-ri cũng đồng tâm trạng được thánh Mathiơ ghi lại như sau: “Vả, sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus Christ xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là JÊSUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội. Mọi việc đã xảy ra, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”.

Với hai đoạn kinh văn đó, chúng ta và Giô-ép cũng như Ma-ri không phải hạng mê tín, họ cũng thắc mắc vì ngoài khả năng hiểu biết của con người khi một cô gái đồng trinh lại chịu thai. Nhưng Chúa đã truyền phán mấy điều:

(1)   Không có việc chi Đức Chúa Trời không làm được, vì người VN chúng ta cũng từng kinh nghiệm trước những việc con người không làm được cũng đã thốt lên: Chỉ có Trời làm! Và Ma-ri mang thai không phải là trường hợp duy nhất, Chúa đã chỉ cho Ma-ri một người bà con là bà Ê-li-sa-bét tuổi già son sẻ đã mang thai được sáu tháng trước. Đặc biệt là qua Kinh Thánh, đã nhiều lần Chúa đã thi hành quyền năng của Ngài trong những trường hợp kỳ diệu: Từ lúc chưa có nam hay nữ, Chúa đã dựng nên A-đam; chỉ có một mình người nam, Chúa đã dựng nên người nữ; Bà Sara là vợ của Áp-ra-ham đã già trên 90 tuổi ngay cả vợ chồng Áp-ra-ham cũng nhìn nhận không còn khả năng sinh con, Chúa cũng đã cho sinh một con trai. Trước đây có nhiều người chế giễu Kinh Thánh cho rằng việc Ma-ri đồng trinh thọ thai là thần thoại. Nhưng từ khi khoa học phát minh ra Phương pháp sinh sản Vô Tính (Clonic) thì những nụ cười chế nhạo đó đã không còn. Con người còn có thể sinh sản theo cách vô tính thì huống chi Đức Chúa Trời Toàn Năng, ấy là chưa kể khoa học của con người còn tiến xa nữa. Chúng ta không phải là khoa học gia chuyên ngành thì không nên phê phán, và con người với biết bao giới hạn không nên đem giới hạn của mình để phán đoán khả năng vô hạn của Đấng Tạo Hóa.

(2)   Chúa cũng cho Ma-ri và Giô-sép biết trước Ma-ri sẽ sanh một con trai, dù lúc bấy giờ chưa có máy siêu âm để biết trai hay gái
(3)   Chúa đã truyền cho Ma-ri và Giô-sép đặt tên con trẻ được sanh ra là JÊSUS, nghĩa là Đấng Cứu Thế.
(4)   Hơn thế nữa, thiên sứ nhắc lại cho Giô-sép biết việc Ma-ri mang thai sanh Đấng Cứu Thế là Jêsus đã được các tiên tri báo trước rồi, bây giờ được ứng nghiệm. Rõ ràng sự giáng sanh của Chúa Jêsus không phải là việc tình cờ mà đã được báo trước từ buổi sáng thể (Sáng. 3:15); được Chúa tỏ cho Áp-ra-ham từ 2 ngàn năm trước khi Chúa giáng sanh là Đấng Cứu Thế sẽ đến từ dòng dõi của ông là dân Y-sơ-ra-ên (Sáng. 12:1-4); với Đa-vít từ 1 ngàn năm trước là Đấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng dõi của vua Đa-vít, sanh bởi nữ đồng trinh (Êsai 7:14), ngay tại làng Bết-lê-hem xứ Giuđê (Michê 5:1-2).

Với những lời tiên tri được ứng nghiệm cách kỳ diệu như vậy qua sự giáng sanh của Chúa Jêsus, vừa đúng từng chi tiết Gia Phả, hợp lý, hợp khoa học, Tôi xin được hỏi Bạn một câu: Bạn có tìm được một người nào, một danh nhân giáo chủ sanh ra kỳ diệu như Chúa Jêsus không? Tôi quả quyết là KHÔNG!
Điều quan trọng cần được nói đến là tại sao Chúa Jêsus phải giáng sanh bởi người nữ đồng trinh? Tại sao Chúa Jêsus phải giáng sanh theo phổ hệ dòng dõi Áp-ra-ham và vua Đa-vít? Tại sao Chúa Jêsus phải giáng sanh làm một con người trọn vẹn?
Kinh Thánh giải thích rõ ràng những thắc mắc đó.

1.      Kinh Thánh khẳng định rằng chẳng có một người công bình trên đất, dẫu một người cũng không (Rô. 3:10), chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô. 3:23). Vì vậy không có người nào có đủ tư cách chết thay hay đền tội cho loài người, cần phải có Đấng Vô Tội đền tội cho loài người. Đó là lý do Chúa Jêsus phải giáng sanh không theo công lệ thiên nhiên, giáng sanh không bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người (Giăng 1:13). Bởi đó Chúa Jêsus được sanh ra không mang lấy nguyên tội của tổ phụ truyền lại. Rồi suốt 33 năm rưởi trên đất, Kinh Thánh làm chứng Chúa Jêsus chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài chẳng có chút chi dối trá, đến nỗi những kẻ ghét Ngài cũng không bắt tội Ngài được (Giăng 8:46), ngay cả vị quan tòa xử án Chúa Jêsus là Tổng đốc Phi-lát cũng nhìn nhận: Ta không tìm thấy người nầy có tội lỗi chi (Giăng 19:4). Chúa Jêsus là Đấng Vô Tội chịu chết cho kẻ có tội là Quý Vị Thính Giả và chính tôi, ngoài Chúa Jêsus không có ai kể cả thiên sứ có thể làm Đấng Cứu Thế.

2.      Chúa Jêsus phải giáng sanh theo dòng dõi Áp-ra-ham và dòng vua Đa-vít để làm ứng nghiệm lời tiên tri Đấng Cứu Thế sẽ ra đời từ dân Y-sơ-ra-ên, và Ngài sẽ làm Vua trên muôn vua Chúa trên muôn Chúa.

3.      Chúa Jêsus phải giáng sanh làm một con người trọn vẹn để có thể cảm thông mọi sự yếu đuối của con người. Kinh Thánh xác nhận: Nhơn đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy (Hê. 2:17-18).

Nói tóm lại, cảm ơn Vị Thính Giả đã gởi cho chúng tôi một câu hỏi đặc biệt nhờ đó chúng ta biết rõ Chúa Jêsus giáng sanh vừa hợp lý, hợp pháp, hợp khoa học ngày nay, lại còn làm ứng nghiệm những lời tiên tri từ sáng thế từ hàng ngàn năm trước rao báo điều kiện của một Đấng Cứu Thế. Tôi mong Quý Vị Thính Giả và riêng vị thính giả của chúng tôi đừng để một tị hiềm nào hoặc một sự cứng lòng nào ngăn trở Quý Vị ăn năn tội nghi ngờ Chúa, vui mừng tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của chính mình ngay để tội được tha, được hưởng sự sống Vĩnh phúc của Chúa ban.