Câu Hỏi 32: ...Vậy, phải chăng tôi không được yêu kẻ thù của Chúa, nghĩa những người không tin Chúa, và phải giết họ trước cây thánh giá?

Câu Hỏi 32: ...Vậy, phải chăng tôi không được yêu kẻ thù của Chúa, nghĩa những người không tin Chúa, và phải giết họ trước cây thánh giá?
Cảm ơn Chúa cho Vị thính giả đã đọc rất nhiều Lời Chúa dạy trong Kinh thánh. Hai câu Kinh thánh mà vị thính giả đã trưng dẫn để hỏi thuộc hai trường hợp khác nhau.


CÂU HỎI: Trong Mathiơ 5:43-44, Chúa  dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù… Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Nhưng trong Luca 19:27, Chúa phán: Hãy mang những kẻ thù của Ta, những kẻ không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta. Vậy, phải chăng tôi không được yêu kẻ thù của Chúa, nghĩa những người không tin Chúa, và phải giết họ trước cây thánh giá?

TRẢ LỜI:
Cảm ơn Chúa cho Vị thính giả đã đọc rất nhiều Lời Chúa dạy trong Kinh thánh. Hai câu Kinh thánh mà vị thính giả đã trưng dẫn để hỏi thuộc hai trường hợp khác nhau.

TRƯỜNG HỢP THEO CÂU KINH THÁNH TRONG MATHIƠ 5:43-44

Đây là hai câu Kinh thánh trong Bài Giảng Trên Núi của Chúa Jêsus, được các nhà giải nghĩa Kinh thánh xem như Tuyên Ngôn Nước Trời của Chúa Jêsus Christ khi Ngài chính thức thi hành chức vụ của Ngài để thiết lập Vương quốc Thiên Đàng trên đất.
Qua hai câu Kinh thánh nầy, Chúa Jêsus đã làm một bảng so sánh giữa hai thứ luật:


1. Luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước mà Chúa Jêsus nói đến trong phần đầu của câu 43, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.
Và Chúa Jêsus cũng giải thích Luật nầy như sau: “Nếu anh em yêu những kẻ yêu mình thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu anh em tiếp đãi anh em mình mà thôi thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? (c.46-47). Chúa Jêsus cho thấy đó là bình thường, giống như người chưa tin Chúa Jêsus cũng có làm, dù đôi khi người chưa tin Chúa họ cũng không yêu đồng loại, đừng nói đến yêu kẻ thù.

2. Luật thứ hai là Luật Mới của Chúa Jêsus, Chúa Jêsus: “Ấy là yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, chẳng những không ghét mà còn yêu kẻ thù nghịch mình.

Tại sao Chúa Jêsus dạy Luật yêu kẻ thù và Chúa Jêsus biết những người nghe Ngài dạy họ có khả năng làm được? Vì Chúa Jêsus dạy Luật nầy cho người mà Ngài gọi là ANH EM, tức là người đã ăn năn tội và đã tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của mình.
Khi một người ăn năn tội là người đó đã nhận ra chính mình là tội nhân đáng chết đời đời nơi Hồ Lửa hình phạt, người đó biết mình khi chưa tin Chúa Jêsus thì người đó vốn là thù nghịch với Đức Chúa Trời như Kinh thánh phán: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác (Êph. 2:1-3).
Người ăn năn tội cũng nhìn nhận Đức Chúa Trời đã yêu thương mình đã đến thế gian giáng sanh làm người là Chúa Jêsus chịu chết đền tội cho mình, như Kinh thánh phán: Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống lại với Chúa Jêsus Christ (Êph. 2:4-5). Và người đó chỉ lấy đức tin tiếp nhận sự cứu rỗi, sự tha tội của Đức Chúa Trời qua công lao của Chúa Jêsus Christ.
Sau khi người ấy tin Chúa Jêsus rồi, Chúa ngự vào lòng người đó và ban năng lực cho người đó làm được những điều Chúa đã dạy, trong đó có Luật yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Tôi xin nhắc lại, không phải người đó tự mình thi hành được Luật yêu kẻ thù, nhưng sức mạnh của Chúa ban cho người đó khiến người đó yêu được kẻ thù mình, như Chúa Jêsus đã dạy trong Bài cầu nguyện mẫu với câu Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi (Math. 6:12). Chúa Jêsus cũng thuật một thí dụ về một đầy tớ không thương xót đã hà hiếp người mắc nợ mình chỉ một nợ nhỏ, trong khi Chủ đã tha nợ lớn cho người đầy tớ đó, Chúa Jêsus phán: Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử các ngươi như vậy (Math. 18:23-35). Thánh Phaolô đã dạy: Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy (Êph. 4:32); Phao-lô cũng làm chứng: Tôi làm được mọi sự nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi (Philíp 4:13). Đó là lý do chắc chắn người tin Chúa Jêsus có thể yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình.

Luật yêu kẻ thù như mình của Chúa Jêsus dạy không phải là Luật Lý Tưởng, mà chính Chúa Jêsus đã thi hành Luật yêu thương kẻ thù, nổi bật là lúc Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, trong cảnh đau đớn, trước những lời chế nhạo của những kẻ thù nghịch, Chúa Jêsus đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23:34).

Không phải chỉ một mình Chúa Jêsus yêu kẻ thù nghịch đã đóng đinh Ngài, ngay cả một Chấp sự như Ê-tiên, khi bị những người thù ghét ông lôi ông ra ngoài thành để ném đá giết ông, Ê-tiên đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ”, người nói lời yêu thương đó xong mới trút linh hồn. Rồi như Thánh Phao-lô dù đang bị Đế quốc La-mã bách hại, bỏ tù, ông vẫn viết thư kêu gọi Hội thánh khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho các vua, cho các bậc cầm quyền, chẳng những cho họ bình an mà còn xin Chúa cho họ được cứu (I Tim. 2:1-4).
Cá nhân tôi trong một lần bị bỏ tù vì tội giảng Tin Lành của Chúa Jêsus, người hỏi cung tôi nói rất nhiều lời phạm thượng với Chúa và xúc phạm Hội thánh của Chúa, lúc ấy lòng tôi tức giận lắm. Khi trở lại phòng giam, tôi cầu nguyện trình bày mọi điều cho Chúa. Sau giấc ngủ trưa thức dậy, lòng tôi bật lên một khúc nhạc với lời cầu xin Chúa: Xin ban cho con một tình yêu, một tình yêu giống Chúa khi xưa; xin ban cho con một tình yêu, một tình yêu giống như Ngài. Xin ban cho con một tình yêu, một tình yêu giống Chúa yêu con, yêu kẻ thù và chết thay cho người. Lạy Cha, xin thứ tha, dù rằng họ đã đóng đinh Ngài. Xin ban cho một tình yêu, một tình yêu giống Chúa yêu con, yêu kẻ thù và chết thay cho người. Lòng tôi thấy nhẹ nhàng phước hạnh.

TRƯỜNG HỢP THEO CÂU KINH THÁNH TRONG LUCA 19:27.

Đây là lời của Chúa Jêsus phán về thí dụ một vị thế tử đi xa đặng chịu phong chức, trước khi đi đã gọi mười người đầy tớ giao mỗi người một nén bạc và dạy rằng: Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về. Song dân xứ ấy ghét người, thì sai sứ theo đặng nói rằng: Chúng tôi không muốn người nầy cai trị chúng tôi. Khi được phong chức làm vua rồi trở về, có những đầy tớ vâng lời làm lợi nén bạc ra, bất kể lợi ít hay nhiều, đều được chủ là vị vua mới khen thưởng. Tuy nhiên cũng có đầy tớ khác đầy miệng lưỡi đến thưa với chủ mình: Lạy Chúa, đây nầy, nén bạc của Chúa tôi đã gói giữ trong khăn; bởi tôi sợ Chúa, vì Chúa là người nghiêm nhặt, hay lấy trong nơi không để, gặt trong chỗ không gieo. Chủ rằng: Hỡi đầy tớ ngoan ác kia, ta cứ lời người nói ra mà xét người. Người đã biết ta là người nghiêm nhặt, hay lấy trong nơi không để, gặt trong chỗ không gieo; cớ sao ngươi không giao bạc ta cho hàng bạc? Khi ta về, sẽ lấy lại vốn và lời. Vì vậy, Chủ là Vua đã ra lịnh chém đầu tên đầy tớ nầy.
Cảm ơn Vị thính giả đã thêm một ý trong câu hỏi nầy: phải giết họ trước cây thánh giá? Vị thính giả nói như vậy chắc chắn đã biết người nầy bị chém đầu là vì tội đã biết tánh ý của Chủ, biết bổn phận mình phải làm gì đối với Chủ, nhưng tên đầy tớ nầy đã không vâng lời làm theo, dù Chủ đã ban ơn như đã ban cho mọi người như nhau, đã dạy phải làm gì, bằng chứng là người đó đã biết Chúa Jêsus đã chịu chết trên cây thánh giá đền tội cho chính mình, nhưng người ấy chỉ đứng nhìn cho vui, cho biết, mà không nhận lấy công lao sự chết chuộc tội của Chúa Jêsus cho mình. Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương sẵn tha thứ cho tội nhơn bằng lòng ăn năn, nhưng Đức Chúa Trời cũng là Đấng Thánh Khiết Công Bình sẵn sang phạt tội nhơn nào không chịu ăn năn. Chúa phán về Ngài rằng: “… Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời (Xuất. 34:6-7).

Theo như lời của Thánh Phao-lô dạy mà tôi đã trưng dẫn ở trên, thánh Phao-lô dạy người tin Chúa phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình với mục đích như Chúa dạy: Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Tuy nhiên trong trường hợp nầy, tên đầy tớ đã từ chối tình yêu thương của Chúa, không vâng lời Chúa, lại còn bẻm mép lý luận, thay vì ăn năn, nên nó đã bị hình phạt. Đây không phải là kẻ thù, cũng không phải kẻ ngược đãi, mà kẻ vô tín, biết Chúa rõ ràng mà không chịu hạ mình ăn năn. Lời Chúa phán trong Kinh thánh về kẻ vô tín, nghĩa là kẻ biết rõ biết chắc về Chúa mà không ăn năn để tin như sau: Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin (tức là kẻ vô tín), kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai. (Khải. 21:8).

Chúa Jêsus cũng đã thuật một câu chuyện về một người nhà giàu ăn ở rất là sung sướng trên đất, trong cảnh sung sướng đó, người giàu nầy quên cả người anh em nghèo ngồi trước cửa chờ ăn những thức ăn trên bàn rơi xuống, và cũng trong cảnh giàu có đó, người nầy quên cả lời Chúa dạy ăn năn tội. Do đó, khi chết, người giàu nầy phải vào Âm phủ chịu khổ. Chúng ta hãy nghe lời người giàu nầy nói trong Âm phủ: Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên thấy Áp-ra-ham… bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi. Và khi nghe tổ phụ Áp-ra-ham giải thích trong Âm phủ không còn cơ hội ăn năn, người giàu nầy mới nhớ đến những người trong gia đình mình muốn họ nghe Tin Lành của Chúa Jêsus hầu được cứu khỏi vào Âm phủ như mình. Tổ phụ Áp-ra-ham cho biết rằng những người sống trên đất đã được nghe giảng Lời Chúa là Kinh thánh rồi, họ phải nghe lời dạy đó để ăn năn tội lỗi của mình. Thật không ngờ người giàu nầy có lẽ theo thói quen ỷ vào cái giàu của mình nên đã cãi lại không đồng ý với lời dạy của Tổ phụ Áp-ra-ham. Người giàu nầy đã ở trong Âm phủ mà vẫn cố cãi lại, chứng tỏ khi còn sống trên đất đã mồm mép như thế nào. Tôi xin hỏi Quý Vị người như thế có đáng bị phạt không? Chắc chắn đáng phạt nặng.

Đây cũng là điều mà tôi nhờ ơn Chúa gởi đến Quý Vị thính giả và riêng đối với vị thính giả có câu hỏi hôm nay. Vị thính giả đã đọc Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, chắc chắn biết rõ Chúa là Ai, Chúa đã làm gì cho loài người và cho chính mình và Chúa muốn chúng ta làm gì. Thế thì xin đừng cứng lòng từ chối tiếp nhận Chúa làm Chủ đời sống mình để được cứu, được tha tội, được làm con của Chúa, được hưởng phước đời nầy cũng như vĩnh phúc đời sau. Đừng giống người đầy tớ bị phạt, cũng đừng giống người giàu nơi Âm phủ. Lời Chúa phán: Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi, nghĩa là Chúa cho chúng ta biết không có cơ hội tin Chúa trong ngày mai. Rất nhiều lần Đức Chúa Trời yêu thương nhắc nhở loài người đừng từ chối sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho, Chúa phán: “nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? (Hêb. 2:3). Thánh Gia-cơ cũng khẳng định: Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội (Gia cơ 4:17). Hôm nay Bạn cho là quá sớm, nhưng Bạn ơi, ngày mai thì quá trễ!