Câu Hỏi 33: Ý nghĩa của sự cầu nguyện là gì? Năng lực của sự cầu nguyện như thế nào? Có sự tương quan, mối liên hệ nào của sự cầu nguyện và thiền định không?

Câu Hỏi 33: Ý nghĩa của sự cầu nguyện là gì? Năng lực của sự cầu nguyện như thế nào? Có sự tương quan, mối liên hệ nào của sự cầu nguyện và thiền định không?
Cảm ơn Chúa, trong những ngày thăm quê hương, tôi có nhận được những câu hỏi của một số doanh nhân trẻ tại Việt Nam quan tâm đến Tin Lành của Chúa Jêsus Christ, những câu hỏi rất thiết thực đối với sinh hoạt tâm linh hiện nay.

CÂU HỎI: Ý nghĩa của sự cầu nguyện là gì? Năng lực của sự cầu nguyện như thế nào? Có sự tương quan, mối liên hệ nào của sự cầu nguyện và thiền định không? Có thể sử dụng sự cầu nguyện như là phương thức để đạt được sự minh triết, kiểm soát được cảm xúc và đạt được hạnh phúc nội tâm và tập trung như thiền định không?


TRẢ LỜI:
Cảm ơn Chúa, trong những ngày thăm quê hương, tôi có nhận được những câu hỏi của một số doanh nhân trẻ tại Việt Nam quan tâm đến Tin Lành của Chúa Jêsus Christ, những câu hỏi rất thiết thực đối với sinh hoạt tâm linh hiện nay.
Tôi sẽ theo từng phần của câu hỏi để trả lời:


1. VỀ Ý NGHĨA CỦA SỰ CẦU NGUYỆN.

 
Hai từ ‘cầu nguyện’ đã nói lên ý nghĩa của sự cầu nguyện là Lòng nguyện thế nào thì cầu thế ấy. Như vậy sự cầu nguyện không phải là đọc một bài kinh thuộc lòng, hoặc chỉ đơn thuần là cầu xin khấn vái điều gì, mà đa dạng phong phú hơn.
Người tin Chúa Jêsus theo Tin Lành thường gọi sự cầu nguyện là trò chuyện với Chúa như con nói chuyện với Cha, như lời dạy của Chúa Jêsus khi các môn đồ của Ngài xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Kinh thánh ghi lại như sau: Có một ngày, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, … Ngài phán rằng: Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha! … (Luca 11:1-2).
Tiếp theo đó, Chúa Jêsus dạy cầu nguyện với Chúa còn thân mật hơn nữa, Chúa Jêsus phán: “Nếu một người trong các ngươi có bạn hữu, nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh, vì người bạn tôi đi đường mới tới, tôi không có chi đãi người. Nếu người kia ở trong nhà trả lời rằng: Đừng khuấy rối tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh; - ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu lấy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn, sẽ dậy và cho người đủ sự cần dùng. Ta lại nói cùng các ngươi: hãy xin sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ”.
Bạn thấy rõ người tin Chúa Jêsus cầu nguyện không phải là nghi lễ tôn giáo mà là cuộc trò chuyện thân mật giữa con với Cha, giữa hai người bạn thân – thân đến nỗi nửa đêm cũng gọi cửa mượn điều mình cần, người tin Chúa Jêsus có thể bộc bạch những gì lòng mình muốn nói cách tự nhiên không cần nghi thức gì cả. Điều quan trọng là người tin Chúa Jêsus biết họ có thể cầu nguyện được với Đức Chúa Trời như vậy là bởi họ tin nhận công lao cứu chuộc của Chúa Jêsus trên cây thập tự đổ huyết đền tội cho họ, nhờ đó họ được làm con của Đức Chúa Trời như Chúa phán “Hễ ai đã nhận Ngài – Chúa Jêsus Christ – thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12). Do đó, khi cầu nguyện xong luôn người tin Chúa Jêsus luôn nói câu: Nhơn danh hay Trong danh Chúa Jêsus Christ – nghĩa là họ nhờ Chúa Jêsus Christ mà lời cầu nguyện của họ được nhậm như Chúa dạy: “Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho” – (Giăng 14:14), Chúa cũng dạy: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người… (I Tim. 2:5).
Tôi thường ví sự cầu nguyện của người tin Chúa Jêsus như chúng ta sử dụng một điện thoại tối tân nhất, không cần nối mạng, không cần dây, không cần máy điện thoại, không cần bấm số, không cần bất cứ phương tiện nào, không cần trung gian tiếp sóng, người tin Chúa Jêsus vẫn có thể trực tiếp nói chuyện với Đức Chúa Trời, qua Chúa Jêsus Christ yêu thương dễ dàng.


2. VỀ NĂNG LỰC CỦA SỰ CẦU NGUYỆN.

 
Chúa Jêsus Christ đã nói về năng lực của sự cầu nguyện như sau: “Các ngươi nhơn danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, … Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho” (Giăng 14:13-14). Tại sao Chúa Jêsus khẳng định người tin Chúa Jêsus xin điều chi Chúa cũng làm cho được? Vì Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Tạo hóa Toàn năng, không việc chi Chúa không làm được. Do đó, người tin Chúa Jêsus gặp bất cứ hoàn cảnh nào dù vui hay buồn; khó khăn thế nào, kể cả bất cứ bịnh tật chi… họ cầu xin Chúa đều được cả. Dĩ nhiên, cầu nguyện như Cha con, bạn thân trò chuyện, thì không phải chỉ cầu nguyện là để XIN mà có những giờ phút chỉ cần gặp nhau cũng quá đủ.
Một người tin Chúa Jêsus đã mô tả sự cầu nguyện khi ông quỳ nơi chân Chúa với những lời rất ngọt ngào: Khi tôi quỳ nơi chân Chúa, hồn như chấp cánh về chốn cao vời. Cũng có một người tin Chúa Jêsus viết về sự cầu nguyện: Tôi đi một mình vào nơi thanh vắng, tiếng sương đêm chưa ráo trên ngàn hoa hồng, và văng vẳng tiếng ai giọng khoan nhân thân ái? Chính Jêsus Christ Con Trời hiện ra, Chúa với tôi tâm giao như Ngài đi bên tôi. Những lời nầy khiến tôi nhớ bài thơ của Xuân Diệu: Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá, ánh sáng rơi đầy trên lối đi. Tôi với người yêu qua nhè nhẹ, im lìm chẳng biết nói năng chi. Có cái gì đó thân mật quá mà không cần lời nói Bạn à. Cầu nguyện là thế, Bạn hiểu không?


3. VỀ CÂU HỎI: CÓ SỰ TƯƠNG QUAN, LIÊN HỆ NÀO GIỮA SỰ CẦU NGUYỆN VÀ THIỀN ĐỊNH KHÔNG?

 
Tôi xin trả lời là CÓ và KHÔNG. Về hình thức thì có những nét giống, hai bên đều có thể nhắm mắt (dù người cầu nguyện đôi khi mở mắt, như khi họ lái xe trên đường), có thể tìm một nơi yên tĩnh (dù người cầu nguyện có thể cầu nguyện bất cứ nơi nào, không hạn chế). Tuy nhiên đa phần là khác nhau.

KHÁC NHAU THỨ 1: LÀ VỀ ĐỐI TƯỢNG.

Tôi nhớ những ngày trong tù vì Chúa, tôi có gặp một người tên là Tôn Thất Định. Khi anh ấy bị đưa vào phòng giam, tôi thấy anh ấy thường hay ngồi quay mặt vào vách yên lặng khá lâu. Tôi biết anh ấy ngồi thiền. Vài hôm sau, chúng tôi làm bạn và tôi đã giới thiệu với anh về Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Tạo hóa vì yêu thương loài người đang đắm chìm trong tội lỗi, Chúa Jêsus đã giáng sanh làm người tại làng Bết-lê-hem, nước Y-sơ-ra-ên, sống trên đất hơn 33 năm, Chúa Jêsus đi khắp nước Y-sơ-ra-ên rao giảng về một Đức Chúa Trời yêu thương không muốn một người nào chết mất, muốn mọi người ăn năn tội tin nhận Chúa Jêsus để được cứu. Chúa Jêsus cũng làm biết bao nhiêu phép lạ chữa bịnh, đuổi quỉ, hóa bánh nuôi người, kêu người chết sống lại thậm chí có người đã chết 4 ngày có mùi vẫn được Chúa Jêsus kêu sống lại. Tuyệt điểm của tình yêu thương mà Chúa dành cho chúng ta là Chúa Jêsus đã tình nguyện chịu chết trên cây thập tự đổ huyết đền tội cho tôi và cho anh. Tôi khuyên anh Định ăn năn tội tin Chúa Jêsus để được Chúa tha tội, được những ngày trên đất bình an, được sự sống vĩnh phúc nơi Thiên đàng vinh hiển với Chúa. Cảm ơn Chúa, anh Định đã bằng lòng ăn năn tội tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của anh. Ngay sau khi tin Chúa, anh Định hỏi tôi rằng trước nay anh học thiền, bây giờ tin Chúa Jêsus rồi thì có nên thiền không? Và anh giải thích đại khái Thiền là vận dụng trí năng vào một điểm, tập trung để loại những tạp niệm ra khỏi tư tưởng của mình, làm cho tâm trí trống không, hi vọng lần lần người tọa thiền sẽ dùng tâm trí của mình điều khiển vật chung quanh. Tôi nói với anh: Bây giờ anh Định đã tin Chúa Jêsus, thay vì ngồi thiền thì anh hãy dùng thì giờ đó cầu nguyện với Chúa, thay vì anh tập trung vào một điểm không có thật thì anh có một đối tượng có thật và toàn năng là Đức Chúa Trời là Cha của người tin và Chúa Jêsus Christ là Đấng Cứu thế của chúng ta; thay vì anh vận dụng trí năng để đẩy tạp niệm trên thực tế là không thể được thì anh hãy dùng thì giờ đó trình bày với Chúa những gì anh cần, những gì anh mong muốn Chúa làm cho anh như xin Chúa ban bình an cho anh trong những ngày tù, xin Chúa cứu giúp vợ con anh tại quê nhà, cầu nguyện cho những người anh quen biết để họ cũng sớm được cứu như anh. Những người làm chính trị như anh cũng có thể cầu nguyện cho quê hương sớm an bình, dân tộc được cứu rỗi. Nói tóm lại, Thiền là anh tập trung vào anh, còn cầu nguyện là anh tập trung vào Chúa và dâng hết gánh nặng mình cho Chúa như Chúa dạy: Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em (I Phi. 5:7). Điều quan trọng là anh sẽ thấy lời cầu nguyện của anh Chúa trả lời cách mầu nhiệm, không hề mơ hồ như khi anh tọa thiền. Cảm ơn Chúa, sau đó anh Định đã nghe lời tôi khuyên, anh đã dùng thì giờ cầu nguyện cho gia đình như anh cho biết là vợ của anh ở tại Phan Rang đang bịnh nặng, anh muốn tôi giúp anh khi ra khỏi nhà tù tìm cách gởi cho vợ con anh quyển Kinh thánh và chuyển lời anh là anh muốn vợ con của anh đọc Kinh thánh, tin Chúa Jêsus như Tin Lành của Chúa dạy.

Như vậy, tọa thiền là tập trung vào một điểm Ảo, một vật hay một nhân vật Ảo rồi tự mình cố đẩy ra khỏi tâm trí những tạp niệm – đó có phải là tự lừa dối mình không? Tình cờ tôi nghe một người đóng vai Tế Điên Hòa thượng trong một phim truyền hình hỏi sư phụ của mình tại sao bắt Tế Điên tọa thiền, trong khi có mắt mà không cho nhìn, có tai mà không cho nghe, có tâm trí mà không cho suy nghĩ, có tay chân mà không cho làm gì cả, đó là trái lẽ tạo hóa.

KHÁC NHAU THỨ 2 LÀ VỀ MỤC ĐÍCH

Theo câu hỏi của người hỏi, như vậy mục đích của người tọa thiền là để mong muốn đạt đến sự minh triết, kiểm soát được cảm xúc và đạt được hạnh phúc nội tâm, và tập trung như thiền định không? Đúng ra, Bạn nên nói: Thiền định có làm cho con người trở nên minh triết không? có kiểm soát được cảm xúc của mình không? và có đạt được hạnh phúc nội tâm không? Rõ ràng, người tọa thiền chỉ quan tâm chính mình tìm cách để nâng mình lên.
Trong khi đó sự cầu nguyện mà Chúa dạy trong Kinh thánh hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta hãy nghe Chúa Jêsus dạy về sự cầu nguyện mà người Tin Lành theo Chúa Jêsus gọi là Bài Cầu nguyện Chung được ghi trong sách Tin Lành theo thánh Mathiơ chương 6 từ câu 9 đến câu 13, gồm những phần như sau:


1. Bắt đầu bài cầu nguyện chung nầy, Chúa Jêsus dạy người cầu nguyện biết cầu nguyện là nói chuyện với Cha ở trên trời với câu: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời. Một lần nữa tôi nhắc lại điều Chúa dạy: cầu nguyện là trò chuyện giữa con với Cha, không cần khuôn sáo, bài bản, nghi lễ, nhưng đầy thân ái, tự nhiên, nếu không muốn nói là đôi khi còn được nũng nịu với Chúa.

2. Lời kế tiếp, Chúa Jêsus dạy người cầu nguyện dành lời tôn vinh chúc tụng Đức Chúa Trời là Cha về sự thánh khiết, cao quý của Chúa: Danh Cha được tôn thánh, nhắc người cầu nguyện nhớ Chúa là thánh, con người chúng ta là tội nhân không thể đến gần Đức Chúa Trời Chí Thánh, nhưng bởi công lao chuộc tội của Chúa Jêsus trên cây thập tự đổ huyết đền tội mà người cầu nguyện được cứu, được trở nên thánh xứng đáng đến với Đức Chúa Trời Chí thánh mà cầu nguyện.

3. Sau đó, người cầu nguyện trình bày lòng mong muốn Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời, nghĩa là người cầu nguyện biết mục đích cầu nguyện là xin Chúa cho có nhiều người được cứu, được thoát khỏi kiếp nô lệ cho ma quỉ, thoát khỏi tánh tự cao hạ mình ăn năn tội tin Chúa Jêsus hầu được gia nhập vào Vương quốc của Chúa, để người tin Chúa Jêsus dù sống trên đất cũng hưởng được hương vị như ở trên trời với Chúa.

4. Sau khi chúc tụng Chúa, cầu nguyện cho những người chung quanh, người tin Chúa Jêsus cũng trình bày những nhu cần của chính mình. Là con người ai cũng phải quan tâm sự sống hằng ngày, người không tin Chúa sẽ tự mình tìm kiếm sự sống mỗi ngày, còn người tin Chúa Jêsus họ tìm sự sống hằng ngày với lòng biết ơn Cha trên trời là Đấng Tạo hóa ban cho. Họ sẽ không kiêu ngạo kiểu bàn tay nầy làm nên tất cả, nhưng họ sẽ nói như thánh Phao-lô nói: Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi (Phi-líp 4:13).

5. Hằng ngày người cầu nguyện với Chúa luôn sống trong tinh thần tha thứ như Chúa đã tha thứ mình, và họ luôn xin Chúa gìn giữ họ sống tránh khỏi điều ác, thắng được những cám dỗ của xác thịt, của thế gian, và của ma quỉ. Họ biết cầu nguyện xin Chúa giữ họ trước khi điều ác xảy đến.
Qua bài cầu nguyện như Chúa dạy, tôi tin rằng Bạn đã nhận ra nhu cần của chính Bạn không phải là tự mình đi vào một lối mòn ảo tự lừa dối mình, hoặc để mình trở thành bậc minh triết, nhưng Bạn cần ăn năn tội tin nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của mình, để Bạn trở nên con của Đức Chúa Trời, được trở nên thánh, để được cầu nguyện với một đối tượng toàn năng có thật, và để biết yêu tha nhân, yêu chính mình, nghĩa là để sống cuộc đời có ý nghĩa phong phú như Đức Chúa Trời đã ban cho con người và muốn con người như Bạn và tôi có được.

Bạn hãy tin Chúa Jêsus và cầu nguyệnvới Chúa  – Không cần lừa dối mình bằng cách tọa thiền!