Câu Hỏi 37: Nếu nhìn vào khía cạnh chương trình của Đức Chúa Trời đối với việc Chúa Jêsus chịu thương khó ...Nếu không có Giu-đa thì sẽ có người khác đóng vai trò nầy

Câu Hỏi 37: Nếu nhìn vào khía cạnh chương trình của Đức Chúa Trời đối với việc Chúa Jêsus chịu thương khó ...Nếu không có Giu-đa thì sẽ có người khác đóng vai trò nầy
Cảm ơn Chúa, đây là một câu hỏi nữa của các doanh nhân trẻ, đặc biệt liên quan đến một nhân vật dính líu đến tiền bạc là Giu-đa.


CÂU HỎI:

Nếu nhìn vào khía cạnh chương trình của Đức Chúa Trời đối với việc Chúa Jêsus chịu thương khó, chết trên cây thập tự, thì Giu-đa là một người đáng thương vì là tội đồ nằm trong chương trình của Chúa. Nếu không có Giu-đa thì sẽ có người khác đóng vai trò nầy.

TRẢ LỜI:

Cảm ơn Chúa, đây là một câu hỏi nữa của các doanh nhân trẻ, đặc biệt liên quan đến một nhân vật dính líu đến tiền bạc là Giu-đa. Qua câu hỏi, tôi thấy có 3 điều cần được nói đến, dĩ nhiên trọng tâm của câu hỏi là về Giu-đa, nên chúng ta có thể nói:


1. Chương trình của Đức Chúa Trời nói gì về Giu-đa?
2. Việc Chúa Jêsus chịu chết liên quan gì với Giu-đa?
3. Và Giu-đa là người đáng thương hay đáng phạt?

 
Tôi xin theo thứ tự ba vấn nạn trên mà trình bày.

I/. THỨ 1: CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI NÓI GÌ VỀ GIU-ĐA:

Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài là Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình (I Côr. 14:33). Và Lời Chúa cũng dạy: Mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự (I Côr. 14:40). Vì vậy, Đức Chúa Trời luôn hoạch định chương trình rõ ràng cho bất cứ công tác nào Ngài định làm.

Thí dụ: Trong công cuộc sáng tạo vũ trụ, Đức Chúa Trời đã tiến hành theo một thứ tự hoàn hảo bắt đầu từ việc dựng nên nước, sau đó có sự sáng, trình tự tiến đến là không khí, rồi đất, các loài thực vật được dựng nên, rồi thời tiết được Chúa dựng nên để phát triển sự sống. Và kỳ diệu thay, dường như người VN chúng ta đã biết trình tự sáng tạo các loài với câu: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng để nói đến trình tự sáng tạo của Đức Chúa Trời đối với các loài sinh vật cho trái đất: đầu tiên là loài chim, các loài thủy sinh vật, rồi động vật trên đất, cuối cùng là con người. Một chương trình hoàn hảo không còn có thể hoàn hảo hơn!

Khi dựng nên con người, Kinh thánh cũng ghi lại rằng: Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất (Sáng 1:26).

Khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời đã công bố chương trình cứu rỗi cho loài người mà Ngài đã sắm sẵn: Ta sẽ làm cho mầy (tức là quỉ Satan) cùng người nữ, dòng dõi mầy (tức là những kẻ theo quỉ Satan) cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người (Sáng. 3:15). Chính ma quỉ vẫn nhớ chương trình của Chúa sẽ phạt nó, nên nó đã nói với Chúa Jêsus: Lạy Con Đức Chúa Trời, … có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi trước kỳ không? (Math. 8:30).
Kinh thánh cho chúng ta biết vì Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi sự, ở khắp mọi nơi, làm được mọi việc, nên chương trình của Chúa bao giờ cũng trọn vẹn và không hề thất bại. Bên cạnh đó Chúa cũng là yêu thương nên chương trình của Đức Chúa Trời luôn phát xuất từ lòng Chúa yêu thương, dĩ nhiên Chúa là Công Bình, Thánh khiết không kể kẻ có tội là vô tội, nhưng Chúa đã lập chương trình là để tha thứ cho kẻ có tội biết ăn năn.
Bây giờ chúng ta trở lại với trường hợp của Giu-đa, Chúa Jêsus phán: Con người (tức là Chúa Jêsus) đi (nghĩa là Chúa Jêsus chịu chết), y theo lời đã chép về Ngài; song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn! (Math. 26:24). Rõ ràng Chúa lập trình sẽ có người phản nộp Chúa Jêsus để Ngài chịu chết đền tội cho loài người, nhưng Chúa không lập trình người phản Chúa phải chết và bị hình phạt.

II/. THỨ 2: SỰ KIỆN CHÚA JÊSUS CHỊU CHẾT LIÊN QUAN GÌ ĐẾN GIU-ĐA?

Lời Đức Chúa Trời mà tôi vừa đọc là: Con người (là Chúa Jêsus) đi, y theo lời đã chép về Ngài..., như vậy sự kiện Chúa Jêsus chịu chết đền tội cho loài người không phải là một việc tình cờ, mà là một chương trình đã được Đức Chúa Trời lập trình từ trước.
Người VN chúng ta có câu sinh hữu hạn, tử vô kỳ, tất cả loài người kể cả các danh nhân giáo chủ đều đã chết và là một cái chết không báo trước. Còn đối với Chúa Jêsus, qua Kinh thánh cho chúng ta biết sự chết của Chúa Jêsus là một cái chết đã được báo trước, báo trước ngay từ khi tổ phụ loài người phạm tội chối từ đi theo đường lối của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời đã công bố Chúa Jêsus sẽ đến thế gian bởi dòng dõi người nữ và mục đích sự chết của Ngài là để cứu loài người khỏi tội, đem con người trở lại địa vị là con của Đức Chúa Trời, đồng thời để hủy diệt quyền lực của ma quỉ. Kinh thánh cũng công bố Chúa Jêsus sẽ chịu chết cách nào nữa.
1.000 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, Kinh thánh cũng báo trước quang cảnh khi Chúa Jêsus chịu chết, qua Thi thiên thứ 22, như:


- C.1, Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài kìa bỏ tôi? Đây là lời Chúa Jêsus thốt lên khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, Đức Chúa Trời chí thánh cũng phải lìa bỏ Chúa Jêsus khi nhìn thấy tội lỗi của toàn thể nhân loại đang chất trên Chúa Jêsus.

- C.6-7, nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu, là điều ô nhục của loài người, và vật khinh dể của dân sự. Kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi, trề môi, lắc đầu,… Kinh thánh đã báo trước khi Chúa Jêsus bị đóng đinh chịu chết đền tội cho nhân loại thì những kẻ thù ghét Ngài đã nhạo báng, chê cười.

- C.18, chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm về áo dài tôi. Kinh thánh đã báo trước cảnh bọn lính Lamã canh gác lúc Chúa Jêsus chịu chết đã bắt thăm chia áo Chúa nơi chân thập tự.

 
740 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, Kinh thánh phán: (Êsai 53:4-6), sự chết của Chúa Jêsus đã được báo trước là một cái chết khốn khổ, bị đánh đập, bị đòn roi, bị đóng đinh vì tội lỗi của hết thảy chúng ta, của quý vị thính giả và của tôi.
Riêng về Giu-đa, Kinh thánh nói gì? lời Chúa đã rao báo: Đến nỗi người bạn thân tôi, mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi (Thi. 41:9), và  Chúa Jêsus đã nhắc lại lời tiên tri nầy sau khi Ngài đã rửa chân cho các môn đồ (Giăng 13:18).
Thật, Chúa Jêsus đã biết trước Giu-đa sẽ phản nộp Ngài, nhưng Chúa Jêsus đã không hề thù ghét Giu-đa, Chúa Jêsus đã chọn và lập Giu-đa làm một trong 12 sứ đồ, là những người thân cận nhất với Ngài trong suốt hơn 3 năm rưởi trên đất của Ngài. Chúa Jêsus đã tin cậy để giao cho Giu-đa làm thủ quỹ cho đoàn truyền giáo của Ngài; và Giu-đa đã ăn bánh của Chúa Jêsus trong Lễ Tiệc Thánh. Nói chung một lời, Chúa Jêsus đã kéo Giu-đa thật gần Ngài hơn để Giu-đa thấy được tình yêu thương của Chúa đối với ông, không hề ghét bỏ ông, dù Ngài biết ông sẽ phản nộp Chúa, chắc chắn mục đích của Chúa Jêsus là để mở đường cho Giu-đa sau nầy ăn năn.

III/. THỨ 3: GIU-ĐA ĐÁNG THUƠNG HAY ĐÁNG PHẠT? Câu hỏi có ý biện hộ cho Giu-đa nên đã nói: Giu-đa là một người đáng thương vì là tội đồ nằm trong chương trình của

Chúa. Nếu không có Giu-đa thì sẽ có người khác đóng vai trò nầy
Để trả lời lời biện hộ của vị thính giả, chúng ta cần biết qua về Giu-đa.


- Tên của Giu-đa theo tiếng Y-sơ-ra-ên có nghĩa là ngợi khen, một cái tên rất tốt.
- Giu-đa là một trong 12 người được Chúa Jêsus chọn làm sứ đồ, tức là 12 người thân cận nhất của Chúa Jêsus khi Chúa thi hành chức vụ của Ngài trên đất.
- Giu-đa đã từng được Chúa Jêsus sai đi rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời yêu thương, được Chúa Jêsus ban quyền năng chữa bịnh đuổi quỷ cặp theo.
- Giu-đa là được tín nhiệm làm thủ quỹ cho đoàn truyền giáo của Chúa Jêsus.

Như vậy, Giu-đa là người biết rõ Chúa Jêsus là Đấng đến thế gian làm Cứu Chúa của nhân loại, Giu-đa đã theo Chúa Jêsus suốt hơn 3 năm từng nghe Chúa Jêsus giảng, từng thấy Chúa Jêsus làm biết bao phép lạ, từng được Chúa Jêsus ban cho quyền phép để giảng Tin Lành cho người khác, nhưng rất tiếc tấm lòng của Giu-đa không để Chúa Jêsus làm chủ, mà Giu-đa đã để cho tiền bạc làm chủ. Kinh thánh nói về Giu-đa: Người nói vậy, chẳng phải lo cho người nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong (Giăng 12:6).

Người VN có câu: Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng cũng là ông chủ xấu. Kinh thánh dạy: Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rể mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn (I Tim. 6:10).

Tôi xin kể một truyện vui mà tôi tình cờ nghe được có liên quan đến tiền bạc: Có một cặp vợ chồng nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Một ngày kia, hai vợ chồng trúng số độc đắc, trong niềm vui, hai vợ chồng ngồi lại bên nhau bàn tính ngày mai có tiền sẽ làm gì, người vợ nói: mình sẽ mua một cái nhà mới, một cái tủ lạnh mới; người chồng nói: mình sẽ mua một chiếc xe mới, một bộ bàn ghế mới… Rồi hai vợ chồng thiếp đi trong giấc ngủ với giấc mơ ngày mai sẽ có nhiều cái mới. Nửa đêm người chồng chợt thức giấc trong lúc trong trí vẫn còn hình ảnh của những cái mới sẽ mua sắm, nhìn qua bên cạnh thấy người vợ đang ngủ say sưa, người chồng bỗng nghĩ: cái gì cũng mới, sao còn người vợ cũ? Tiền bạc đã trở thành ông chủ làm rạn nứt hạnh phúc gia đình.

Giu-đa cũng đã để tiền bạc làm chủ đời sống của ông và ma quỉ đã lợi dụng sự tham tiền đó khiến Giu-đa bán Chúa Jêsus, nộp Ngài để người ta đóng đinh Chúa Jêsus.
Lời biện hộ cho Giu-đa mà vị thính giả đưa ra là: Giu-đa đáng thương vì là tội đồ nằm trong chương trình cứu thế của Chúa. Đúng, Giu-đa thật đáng thương, Kinh thánh làm chứng rằng Chúa thương Giu-đa hơn chúng ta, chẳng những Chúa yêu thương Giu-đa, mà Ngài còn muốn cứu Giu-đa khỏi tội lỗi kinh khiếp phản nộp Chúa Jêsus. Kinh thánh phán: Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Jêsus Christ vì chúng ta chịu chết (Rôma 5:8) – tôi tin rằng trong những người có tội đó có cả Giu-đa. Kinh thánh cũng phán: nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn (II Phi. 3:9).
Bây giờ chúng ta làm một cuộc so sánh tội của Phierơ và của Phaolô với tội của Giu-đa nhé:


- Phierơ thì chối không biết Chúa Jêsus 3 lần, Kinh thánh còn nói rõ chẳng những Phierơ chối Chúa mà người bèn rủa mà thề khi chối Chúa Jêsus.
- Còn Phaolô thì sao? Chúng ta hãy nghe Phaolô nói về tội của ông: tôi ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo… trong những kẻ có tội đó, tôi là đầu, là người đứng đầu tội nhân, nghĩa là người có tội nặng nhất trong những người có tội (I Tim. 1:13, 15). Thật, Phaolô là người từng bắt bớ Đạo Chúa, giết những người tin Chúa Jêsus, hà hiếp bắt người tin Chúa Jêsus phải nói lời phạm thượng.

Giữa Phierơ với Phaolô so với Giu-đa, ai tội nặng hơn? Ai đáng bị Chúa phạt hơn? Có nhiều người nói Phierơ và Phaolô đáng phạt hơn, nhưng theo tôi ai cũng đáng bị Chúa phạt cả. Thế tại sao Phierơ và Phaolô được Chúa tha thứ, còn Giu-đa lại chết đi còn bị rủa sả (Công. 1:17-20)?
Kinh thánh cho biết sau khi Phierơ nhận ra ông đã chối Chúa ba lần sau tiếng gà gáy, Phierơ đã khóc lóc một cách đắng cay, Phierơ đã hạ mình ăn năn thống hối. Còn Phaolô thì nói: nhưng tôi đã đội ơn thương xót, vì tôi đã làm những sự đó lúc tôi ngu muội chưa tin… Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó tôi là đầu. (I Tim. 1:13).

Trong khi đó, Giu-đa đã làm gì sau khi biết ông đã phạm tội làm đổ huyết vô tội? Giu-đa đã trả lại tiền bán Chúa cho những kẻ chủ mưu, rồi đi thắt cổ tự tử. Giu-đa đã hối hận, nhưng Giu-đa không hối cải; Giu-đa biết mình có tội nhưng không tìm sự tha thứ; Giu-đa biết đau xót về tội của mình nhưng không biết nhìn vào Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Chúa Jêsus chịu chết đền tội cho ông, dù Giu-đa đã biết Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời với bao nhiêu lời giảng, bao nhiêu quyền năng mắt ông thấy tai ông nghe và chính ông cũng đã được nhận lãnh quyền năng đó. Giu-đa đã từng thấy những tội nhân đáng chết thế mà một khi họ ăn năn tội quay lại tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của họ, tức thì đời sống của họ được tha thứ, được vui mừng, được bình an, như người đàn bà tại thành Samari, như người đàn bà phạm tội tà dâm bị bắt quả tang; như Chúa Jêsus đã từng kể lòng yêu thương sẵn tha thứ trong câu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng, người cha sẵn lòng tha thứ khi đứa con quay về với vòng tay yêu thương của cha nó, để rồi Chúa Jêsus kết luận: Các ngươi là người xấu mà còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời chẳng ban những vật tốt cho người xin Ngài sao? Vậy mà Giu-đa đã quên hết lòng yêu thương của Chúa, có lẽ trí óc và lòng của ông chỉ còn lại những đồng tiền và những đồng tiền. Và đó là lý do Giu-đa đáng thương, và đã được Chúa yêu thương đã dùng dây nhơn tình, dùng xích yêu thương kéo ông lại thật gần Chúa, nhưng Giu-đa đã không nhận, nên Giu-đa đáng phạt.

Vấn đề còn lại là Bạn thính giả hoặc giống Phierơ, giống Phaolô hay giống Giu-đa? Vì Bạn là doanh nhân, mong Bạn sẽ không để đồng tiền che khuất sự cứu rỗi của Chúa cho Bạn như Giu-đa!
Muốn thật hết lòng.