Câu Hỏi 43: Ý nghĩa ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ là gì?

Câu Hỏi 43: Ý nghĩa ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ là gì?
Với truyền thống của người VN chúng ta là ‘ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng’, tôi nghĩ chúng ta nên để thì giờ nói đến vấn đề ‘tạ ơn, cảm ơn’ trong Mùa Lễ Tạ Ơn nầy.


TRẢ LỜI:

Với truyền thống của người VN chúng ta là ‘ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng’, tôi nghĩ chúng ta nên để thì giờ nói đến vấn đề ‘tạ ơn, cảm ơn’ trong Mùa Lễ Tạ Ơn nầy.

I/. THỨ I: NGUỒN GỐC LỄ TẠ ƠN:

Mỗi năm vào ngày thứ năm của tuần thứ tư tháng 11, nước Mỹ chọn làm ngày Lễ Tạ Ơn. Đó là Ngày Lễ, còn Mùa Lễ Tạ Ơn chính thức được bắt đầu sau khi Lễ Halloween kết thúc, và bao giờ cũng vậy, Lễ Tạ Ơn kết thúc bằng một Ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) ngay sau ngày thứ năm Lễ Tạ Ơn.
Sự tích về ngày Lễ Tạ Ơn

Ngày 6 tháng 9 năm 1620, nhóm người tin kính Chúa lên chiếc tàu tên Mayflower, họ gồm102 người Anh, họ là những người Tin Lành đã bị  vua James I đuổi ra khỏi nước vì họ không thể từ bỏ niềm tin Tin Lành nơi Chúa theo lịnh vua. Mayflower một thuyền buồm trọng tải 180 tấn. Cuộc hành trình náo động, lạnh và nguy hiểm. Sau  65 ngày trên biển lạnh, vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, sau hành trình dài 2.750 hải lý (1 mile = 1,852 km), họ đến một bờ biển chưa ai đặt chân tới mà sau này là Massachusetts.
Sau 6 tháng trên đất liền, thời tiết khắt khe và thiếu thốn, cùng với bệnh dịch đã làm cho 46 người trong số 102 người tới nơi chết trước mùa Xuân, trong đó có 14 người vợ (trong số  18 người cả thảy), 13 người chồng (trong số 24 người). Những người sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do người dân da đỏ cung cấp.  May mắn thay, mùa gặt năm 1621  thành công giúp những  di dân sống sót nên họ quyết định làm lễ  Tạ Ơn Chúa và họ mời 91 người bản xứ là thổ dân da đỏ, đã giúp họ sống còn năm đầu tiên của họ trên đất Mỹ vì đã cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng.

Theo lịch sử thế giới, không phải nước Mỹ là quốc gia duy nhất biết tổ chức Lễ Tạ Ơn với câu chuyện chiếc tàu Mayflower, mà các quốc gia Âu châu cũng như ngay tại châu Mỹ trước khi nước Mỹ lập quốc, đã có Lễ Tạ Ơn.

Tuy nhiên, vì chúng ta là người VN, nên câu hỏi đặt ra là: ‘Người VN có Lễ Tạ Ơn không?’, và câu trả lời của tôi là CÓ! Tại sao tôi dám khẳng định như vậy? Tôi xin nêu bằng cớ:

BẰNG CỚ: Người VN chúng ta có ngày Lễ Tạ Ơn là vào ngày Tết Nguyên Đán. Ngày Tết nầy, người VN chúng ta tổ chức sau những ngày thu hoạch xong vụ mùa làm ruộng cực nhọc. Vào những ngày Tết, người VN đã nhớ đến Ơn Trời qua những chiếc bánh chưng bánh dày để nhớ đến ơn Trời ban cho trời tròn và đất vuông mới có hạt gạo nuôi con người sống; nhớ đến công ơn ông bà cha mẹ với câu: Mùng Một tết cha, Mùng Ba tết Thầy và biểu lộ qua tinh thần về quê Ăn Tết, đi làm xa cách mấy cũng tìm dịp về quê có Ông Bà Cha Mẹ để thăm nom. Người Việt ở Mỹ, dù xa nhà hơn 14 ngàn cây số, dù tiền vé máy bay ngày Tết lên giá cao, vẫn ráng về VN thăm ông bà cha mẹ, người thân.

TẠ ƠN THÌ AI CŨNG BIẾT, DÂN TỘC NÀO CŨNG CÓ, ĐIỀU CHÚNG TA CẦN NÓI LÀ ĐỐI TƯỢNG TẠ ƠN.

Như tôi đã nói, các dân tộc Âu châu từ trước khi nước Mỹ được thành lập đã có Lễ Tạ Ơn Đức Chúa Trời. Người Mỹ cũng đã bắt đầu Lễ Tạ Ơn với mục đích Tạ Ơn Đức Chúa Trời là Đấng mà những người Mỹ đầu tiên vì đức tin nơi Ngài mà họ được Chúa ban cho nước Mỹ, đồng thời họ cũng tổ chức Lễ Tạ Ơn để cảm ơn những người bản xứ da đỏ đã giúp họ bước đầu sinh sống tại Mỹ. Vì vậy, từ ngữ Thansgiving phải được hiểu là Lễ Tạ Ơn Chúa và Tạ Ơn Người.
Tuy nhiên, như Lời Chúa phán trong Kinh thánh: Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình; rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhơn vì Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần tượng Ba-anh, bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Quan. 2:10-11), thế hệ người Mỹ ngày nay không còn biết Tạ Ơn Chúa, Lễ Tạ Ơn chỉ còn là dịp tiện đi shopping, dùng thời gian long-weekend để vui chơi chưa nói đến là để phạm tội.

Người VN chúng ta có truyền thống ‘ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng’, tôi cũng đã nói trước đây qua chương trình Con Đường Vĩnh Phúc, dân tộc VN chúng ta là dân tộc biết Trời, có lòng tôn kínhTrời, điều đó được bày tỏ qua ngôn ngữ, qua văn học.

Thí dụ: Người VN dùng từ ÔNG – Ông Trời, là một nhân xưng đại danh từ với ý tôn kính mỗi khi nói đến Đấng Tạo Hóa. Nước VN chúng ta là nước theo nông nghiệp, nên ngay cả bác nông dân ngoài đồng cũng biết câu: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…” Trong cuộc sống hằng ngày, người VN chúng ta cũng biết quyền lực của Ông Trời với những lời: ‘Thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu’, hay: “Cho hay muôn sự tại Trời”, Số Trời đã định…

Chỉ tiếc một điều hầu như chúng ta chỉ nhớ ơn người trồng cây, nhớ công người đào giếng, mà không nhớ đến Đấng ban cây trồng, ban đất để cây lớn lên có trái cho chúng ta ăn; chúng ta không nhớ Đấng Tạo Hóa ban nước cho chúng ta sử dụng, cho nên càng ngày chúng ta càng xa cách Đức Chúa Trời Tạo Hóa. Ông bà người VN chúng ta kể rằng từ xa xưa Trời rất gần con người, chỉ cần bắc thang leo lên là có thể lên trời chơi, bởi đó có câu: bắc thang lên hỏi Ông Trời, nhưng vì loài người cứ than phiền kêu Trời ơi Trời hỡi, Trời nhức đầu quá nên lần lần cách xa con người – tôi không biết đây có phải là ‘thuyết vũ trụ trương nở’ của người VN không.
Do xa mặt cách lòng nên người VN chúng ta cũng giống như người Mỹ ngày nay chỉ còn nói Lễ Tạ Ơn mà không nói Lễ Tạ Ơn Chúa hay Lễ Tạ Ơn Trời mà chỉ còn Tạ Ơn con người; những ngày Lễ Tạ Ơn, ngày Tết trở thành cơ hội chỉ để nhớ ơn con người, cơ hội để đền ơn đáp nghĩa con người, chưa kể là cơ hội để mua chuộc con người, mua chuộc thần thánh.

Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi thiết tha kêu gọi Quý Vị Thính giả bình tâm dành chút thì giờ nghĩ lại bao nhiêu ân huệ mà loài người chúng ta hưởng của Đức Chúa Trời Tạo Hóa, từ mưa, nắng, gió, không khí, thức ăn, thời tiết,…Quý vị thử nghĩ những thứ ấy do ai ban cho? Kinh thánh lại còn nhắc chúng ta một sự ban cho lớn hơn hết mà không thần nào, không người nào có thể ban cho chúng ta, ấy là: « Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài (là Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Chúa Jêsus, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16).

Thật ra tại người VN chúng ta cứ nghe nói đến Đạo thì cứ nghĩ ngay đến những triết lý tôn giáo dạy làm lành lánh dữ, nên bỏ qua Lời của Trời dạy trong Kinh thánh, Chúa không dạy loài người chúng ta phải làm lành để được cứu, Lời Chúa cho biết vì loài người chúng ta không thể làm lành được dù ý thức muốn làm lành, nhưng bởi mọi người đều đã phạm tội và ở dưới sự cai trị của ma quỉ khiến chúng ta không làm lành được. Do đó, Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời phải đến thế gian tìm và cứu con người bằng cách Ngài tình nguyện chịu chết đền tội cho con người trên thập tự giá. Sau ba ngày, Chúa Jêsus đã sống lại và sống đời đời để bảo đảm sự cứu rỗi của Chúa ban cho người bằng lòng ăn năn tội, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa. Tôi xin nhắc lại: Chúa hi sinh chịu chết chuộc tội để ban cho chúng ta sự cứu rỗi, chúng ta chỉ cần lấy đức tin nhận lấy sự ban cho của Chúa. Quý Vị có thấy sự ban ơn cứu rỗi vô giá của Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời dành cho Quý Vị và tôi không?

III/. CÁCH TẠ ƠN

Với truyền thống ‘biết ơn’ của người VN, các bậc cha mẹ đã biết dạy con từ lúc bé thơ, dù mới chỉ bập bẹ ư a. Khi ai cho bé quà gì, cha mẹ bảo bé: Ạ, ạ đi con ! Đó là lời cảm ơn, tạ ơn người VN chúng ta được học từ bé thơ.

Đến nước Mỹ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy văn hóa ‘cảm ơn’ – thank you, hình như được cài đặt sẵn trên môi miệng của người Mỹ. Vào nhà hàng, ra sân bay, chúng ta luôn nghe tiếng cảm ơn của người Mỹ.

Có người nghĩ nói lời ‘cảm ơn’ không có gì mà ông mục sư nầy lầm ầm ĩ. Tôi cho rằng rất quan trọng, vì người VN chúng ta có câu nói đáng nhớ: Tiếng chào cao hơn mâm cỗ, lời cảm ơn cao lắm chứ. Ngưòi ta kể rằng một đêm đông nơi nước Nga lạnh, một người đàn bà đến xin Văn hào Leon Tolstoi chút lửa. Sau khi nhận được lửa, người đàn bà quay đi, bà nghe Tolstoi hỏi: Bà ơi, bà vừa nói gì đó? Người đàn bà trả lời: Tôi đâu có nói gì. Tolstoi nói: Vậy mà tôi tưởng bà nói cảm ơn.
Kinh thánh cũng ghi lại một việc liên quan đến vấn đề ‘tạ ơn’. Kinh thánh ghi lại Chúa Jêsus gặp 10 người bị phung cùi, Chúa Jêsus đã chữa lành cả 10 người, nhưng chỉ có 1 người biết quay lại cảm ơn Chúa. Chúa Jêsus đã phán: Không phải mười người được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chỉ có người ngoại quốc nầy trở lại ngợi khen Đức Chúa Trời ư? (Luca 17:17-18). Kinh thánh cũng nói về thái độ của một số người nhận những ơn lành của Chúa ban nhưng không biết tạ ơn Chúa, kk phán: Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa (Rôma 1:21).

Chúng ta đã bước vào Mùa Lễ Tạ Ơn, và chỉ còn một tuần nữa là chúng ta có ngày Lễ Tạ Ơn, hình ảnh của con gà tây quay tròn béo trong những cửa hàng, những câu chào Happy Thanksgiving giăng mắc trong các cửa hàng cũng như trên môi của nhiều người cũng như trong những tấm Thiệp mà Quý Vị gởi đến những người mình mang ơn. Có một năm, cộng đồng VN chúng ta tại Cali đã tổ chức mời cho được vị thuyền trưởng của một con tàu đã cứu những người VN lênh đênh trên biển cả trong những ngày phong trào vượt biên, đến Cali để người VN hải ngoại tỏ lòng cảm ơn vị thuyền trưởng đó. Chỉ với những ân huệ đời nầy mà chúng ta còn biết tri ân, mang ơn như vậy, huống chi đối với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương ban cho chúng ta biết bao ơn lành không kể xiết, ban cho chúng ta sự sống và hơi sống, từ vật chất đến sự cứu rỗi đời đời có một không hai, không người nào thần nào có thể ban cho. Suốt những ngày nầy, khi đến nơi nào nghe được từ ngữ Thanksgiving, thank you; thấy những hình ảnh về Lễ Tạ Ơn, xin Chúa là Đấng yêu thương không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn mọi người ăn năn để được cứu, nhắc Quý Vị lòng biết tạ ơn Chúa qua hành động ăn năn tội của mình bao nhiêu năm quên ơn Trời, quay lại vâng lời Chúa tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình. Khi đó, tôi quả quyết Quý Vị không thể nào không buột miệng thốt lên lời như thánh Phao-lô đã nói: Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể (II Cor. 9:15).