Câu Hỏi 55: Làm sao biết được Ý CHÚA? Xin Chúa cho điều đó xảy ra thì biết được Ý CHÚA, có được không?

Câu Hỏi 55:  Làm sao biết được Ý CHÚA? Xin Chúa cho điều đó xảy ra thì biết được Ý CHÚA, có được không?
Cảm ơn Chúa về câu hỏi quan trọng nầy, bởi vì chúng ta không thể tìm biết Ý Chúa ở đâu ngoài quyển Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời.


TRẢ LỜI:

Cảm ơn Chúa về câu hỏi quan trọng nầy, bởi vì chúng ta không thể tìm biết Ý Chúa ở đâu ngoài quyển Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời.
Qua Kinh thánh, Lời Chúa cho chúng ta:

I/. NĂM CÁCH BIẾT Ý CHÚA.


1. Cách thứ 1 để biết Ý Chúa là qua một sự hiện thấy đặc biệt:

 
Chúng ta có thể biết được Ý Chúa qua một sự hiện thấy đặc biệt nào đó.
Thí dụ như: Trong câu chuyện Chúa Jêsus Christ giáng sanh, sách Tin Lành Mathiơ của Kinh Tân Ước đã ghi: Vả, sự giáng sanh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh… (Math. 1:18-20). Và nhiều lần, Chúa đã dùng chiêm bao để cho Giô-sép biết ý của Chúa. Toàn bộ Kinh thánh cũng có nhiều lần Chúa dùng những sự hiện thấy như chiêm bao để bày tỏ ý của Chúa cho các thánh đồ, hoặc cho những người có cần như vua Ai Cập với chiêm bao 7 năm được mùa và 7 năm đói kém; vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa với chiêm bao pho tượng mô tả lịch sử nhân loại từ đời của vua vào năm 606 TC đến khi Chúa Jêsus Christ trở lại thế giới nầy lần thứ hai.


2. Cách thứ 2 để biết Ý Chúa là qua cảm giác vui buồn:

 
Kinh thánh cũng ghi lại cách thứ hai để biết Ý của Chúa qua cảm giác vui buồn trong đời sống của chúng ta. Trường hợp của vua Sau-lơ khi ông không làm theo ý Chúa, Chúa lìa bỏ Sau-lơ, đời sống của ông không còn vui vẻ nữa, Kinh thánh chép: Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va khiến một ác thần khuấy khuất người (I Sam. 16:14). Cá nhân của vua Đa-vít cũng ghi lại kinh nghiệm gặp sự buồn rầu khi ông không làm theo Ý Chúa như sau: Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa (Thi. 51:12)

3. Cách thứ 3 để biết Ý Chúa: là qua những dấu hiệu mà chúng ta đặt ra để thử Chúa.

 
Kinh thánh ghi lại một người tên Ghê-đê-ôn đã đưa ra những dấu hiệu để biết rõ Ý Chúa có sai ông giải cứu dân Chúa không. Ghê-đê-ôn thưa cùng Chúa rằng: Nếu Chúa muốn dùng tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như lời Chúa phán, thì tôi sẽ để một lốt chiên trong sân đạp lúa; nếu sương chỉ đóng trên lốt chiên, còn đất lại khô ráo, thì tôi sẽ nhận biết Chúa dùng tay tôi giải cứu Y-sơ-ra-ên, y như Chúa đã hứa vậy. Việc bèn xảy ra như vậy: ngày mai Ghê-đê-ôn dậy sớm, ép vắt lốt chiên, thì sương chảy ra đầy một chén nước. Ghê-đê-ôn lại thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Xin cơn thạnh nộ Chúa chớ nổi phừng cùng tôi, tôi chỉ sẽ nói lần này thôi. Xin Chúa để tôi làm thử với lốt chiên chỉ một lần nầy mà thôi: xin cho một mình lốt chiên phải khô, còn sương lại đóng khắp trên đất. Trong đêm đó, Đức Chúa Trời bèn làm như vậy: chỉ một mình lốt chiên thì khô, còn khắp trên đất lại bị sương phủ (Quan. 6:36-40).

4. Cách thứ 4 để biết Ý Chúa: là xin ý kiến của một người yêu mến Chúa.

 
Kinh thánh ghi lại nhiều người thường tìm biết Ý Chúa bằng cách hỏi ý kiến của các tiên tri, thánh đồ. Kinh thánh ghi lại vua A-háp của nước Y-sơ-ra-ên đã hỏi ý kiến của một tiên tri khi A-háp ra trận đánh vua Bên-Ha-đáp của nước Sy-ri (I Vua 20:13-14); vua Giô-si-a đã cho người đi hỏi Ý Chúa qua nữ tiên tri Hun-đa (II Sử. 34:20-21)

5. Cách thứ 5 để biết Ý Chúa là qua Kinh thánh:

 
Cách thứ 5 để biết Ý Chúa là chính Lời của Chúa. là Kinh thánh.
Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời đã bày tỏ toàn bộ Ý của Ngài trên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người chúng ta.
Vì Đức Chúa Trời đã mặc khải ý của Ngài đầy đủ, trọn vẹn trong Kinh thánh, không cần thêm một cách nào nữa. Do đó, nếu chúng ta sử dụng những cách đã nói để biết Ý Chúa thì những cách đó phải được Kinh thánh kiểm chứng. Tại sao?


- Vì không phải chiêm bao nào cũng là Ý Chúa. Kinh thánh dạy: Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao (Truyền. 5:3). Người theo Tin Lành tin Chúa Jêsus sống bằng Lời Đức Chúa Trời không sống bằng chiêm bao, chỉ có mấy người chơi số đề mới sống bằng chiêm bao. Vì vậy, người tin Chúa Jêsus phải hằng ngày học Lời Chúa là Kinh thánh để biết Ý Chúa dạy mình điều gì, không ngồi đó để thắc mắc về chiêm bao.

- Cảm giác của chúng ta tùy thuộc vào sức khỏe thuộc thể cũng như thuộc linh. Một người bịnh sốt rét thì không còn cảm giác nóng hay lạnh bên ngoài; một tên cướp khi cướp được tài sản người khác, nó sẽ thấy vui, chắc chắn cảm giác đó không đúng. Một người bịnh thuộc linh thì vui buồn sẽ sai lạc. Thí dụ, khi một thanh niên yêu một người nữ ngoại đạo và được đáp ứng, người thanh niên đó sẽ vui, nhưng mở Lời Chúa ra sẽ thấy đó là điều sai vì Chúa dạy: Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin (II Côr. 6:14).

- Dấu hiệu thử Chúa cần phải kiểm chứng bằng Kinh thánh xem dấu hiệu đó có được Lời Chúa cho phép không. Một người tin Chúa Jêsus không thể đưa dấu hiệu nếu Chúa cho tôi trúng số độc đắc thì Ý Chúa muốn tôi dâng tiền cho Chúa. Dâng hiến là bổn phận của người tin Chúa, không thể lấy lòng tham tiền bạc của mình để làm dấu hiệu biết Ý Chúa có cho mình dâng hiến không.

- Hỏi ý kiến một người, dù người đó có ơn Chúa, yêu mến Chúa, nhưng có khi hoàn cảnh của người đó với hoàn cảnh của mình khác nhau, không thể áp dụng chung. Vào những năm tháng khó khăn, một người được cho là có ơn Chúa đã khuyên một thanh niên bỏ việc đang làm để hết thì giờ phục vụ Chúa như người khuyên đó. Tôi không đồng ý, vì hoàn cảnh của người khuyên rất tốt, đời sống kinh tế thoải mái nhờ được bà con bên ngoài giúp đỡ, trong khi người thanh niên nầy phải đi làm công và còn trách nhiệm lo cho cha mẹ nữa.
Nói tóm lại, Bạn thính giả không cần phải thắc mắc đi tìm Ý Chúa, vì Ý Chúa đã được tỏ bày rõ ràng trong Kinh thánh. Điều chúng ta cần là làm theo Lời Chúa phán: Quyển sách luật pháp nầy [tức là Kinh thánh] chớ xa miệng ngươi [tức là phải đọc], hãy suy gẫm ngày và đêm [tức là phải học], hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình và mới được phước (Giô-suê 1:8)
Tuy nhiên, điều quan trọng người tin Chúa Jêsus phải nhớ là:

II/. Ý CHÚA BAO GIỜ CŨNG TỐT LÀNH CHO CHÚNG TA.

Tôi nói: Ý Chúa bao giờ cũng tốt lành, không nói: Ý Chúa bao giờ cũng đem đến cho chúng ta giàu có, thịnh vượng, may mắn. Nhiều người hiểu lầm hễ làm theo Ý Chúa thì thuận lợi. Giống một thi sĩ đã cầu nguyện: ‘Con quỳ lạy Chúa trên trời, cho con cưới được chính người con yêu’, cưới được chính người mình yêu, biết người đó có yêu mình không? Văn hào André Maurois nói: Dù có yêu nhau thế mấy, đôi bên nam nữ nên biết rằng mình sẽ phải sống với một người xa lạ và người đó sẽ làm cho mình ngạc nhiên vô cùng.
Ý Chúa bao giờ cũng tốt lành cho loài người chúng ta, dù khi Chúa cho chúng ta gặp phải hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, khi đó chúng ta phải nghĩ đến 3 phương diện:


1. Ý Chúa cho chúng ta gặp hoạn nạn để sửa dạy chúng ta vì chúng ta làm điều sai phạm với Chúa. Kinh thánh ghi lại dân Y-sơ-ra-ên đang khi đi trong đồng vắng, Chúa đã làm nhiều phép lạ nuôi họ bằng bánh từ trời, nước từ hòn đá phun ra cho họ uống, nhưng lòng tham dục của họ vẫn muốn thách thức Chúa, họ đòi được ăn thịt vì cho rằng Chúa sẽ không thể nào có thịt nuôi họ. Chúa đã cho chim cút đến đầy dẫy cho họ ăn đồng thời cũng để phạt lòng tham ăn của họ khiến nhiều chết vì thịt trào ra lỗ mũi.
Vào một chiều tối Chúa nhật năm 1986, Hội thánh Chúa tại Quận 6 nhờ tôi đến làm chứng về Chúa cho một ông họ Tạ. Ông đi nhà thờ nghe giảng nhiều lần nhưng không chịu tin Chúa. Khi tôi đến thăm thì thấy ông bị liệt hai chân.Tôi giải thích về Chúa và khuyên ông tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của ông. Ông Tạ nói với tôi: ‘Nếu Mục sư cầu nguyện cho gia đình tôi được xuất ngoại dễ dàng, thì tôi tin’. Tôi nói với ông: ‘Được, ông thách thức Chúa, tôi sẽ cầu nguyện Chúa cho ông và gia đình đi, ông chắc chắn tin Chúa phải không?’ Bất ngờ, ông Tạ la lên: ‘Thôi, mục sư đừng cầu nguyện, tôi không dám thách thức Chúa nữa. Tôi tin Chúa’. Tôi hỏi tại sao? Ông bật khóc và nói: ‘Tối thứ bảy hôm qua, tôi đi nhà thờ ra về đến cổng, mấy ông trong nhà thờ khuyên tôi tin Chúa Jêsus, tôi nói: Tôi thách Chúa cho gia đình tôi được xuất cảnh, tôi tin Chúa liền. Về đến nhà, khuya tôi bị tai biến mạch máu não, liệt hai chân đây. Tôi không dám thách thức Chúa nữa’. Ý Chúa đã dùng bịnh tai biến để cứu ông Tạ và gia đình ông.

2. Phương diện thứ 2, Ý Chúa dùng hoạn nạn không phải để sửa phạt mà để dùng chúng ta vào công việc lớn hơn. Như trường hợp của chính Chúa Jêsus khi Ngài đến thế gian. 740 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, Đức Chúa Trời đã cho biết Ý Chúa là Chúa Jêsus sẽ đến thế gian sống trong gia đình nghèo, phải chịu đau thương, sỉ nhục, mà chúng ta là cho rằng Chúa Jêsus bị Đức Chúa Trời sửa phạt. Kinh thánh chép: Người đã lớn lên trước mặt Ngài như cái rể ra từ đất khô… Thật, người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh (Êsai 53:2, 4-5). Bạn thính giả hãy bình tâm suy nghĩ để thấy rõ Ý Chúa qua đời sống Chúa Jêsus tốt lành biết bao cho chính Bạn!

3. Phương diện thứ 3, Ý Chúa cho chúng ta gặp hoạn nạn là vì đó là tai nạn chung cả cộng đồng, người tin Chúa Jêsus ở trong cộng đồng đó thì cũng phải cùng chịu chung.
Vì vậy Lời Chúa dạy: Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy (I Tês. 5:18).
Tuy nhiên, tôi muốn gởi đến bạn thính giả và Quý vị thắc mắc của tôi: Quý Vị và Bạn thính giả:

III/. MUỐN BIẾT Ý CHÚA để làm gì?

Một số người thường cho rằng họ muốn biết Ý Chúa, nhưng họ chỉ muốn biết Ý Chúa có giống ý của họ không? Nếu giống thì họ rất vui, nhưng nếu Ý Chúa không giống ý của họ, họ sẽ buồn và sẽ không còn quan tâm Ý Chúa nữa.

Kinh thánh cho biết Chúa Jêsus đến thế gian là để làm theo Ý Cha trên trời. Kinh thánh ghi lại: Tôi bèn nói: Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến – Trong sách có chép về tôi – Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa (Hêb. 10:7). Bằng cớ là trong đêm trước khi chịu đóng đinh trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã cầu nguyện với Cha Ngài: Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!  - chén đó là con đường đau khổ sỉ nhục và mang lấy hết thảy tội lỗi của nhân loại trên thập tự đổ huyết đền tội cho loài người, con đường đó ghê gớm, kinh khiếp, bản tánh thánh khiết của Chúa Jêsus khiến Ngài muốn từ chối, nhưng Chúa Jêsus đã tiếp tục cầu nguyện: “Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Math. 26:39). Chúa Jêsus sẵn sàng chấp nhận làm theo Ý Đức Chúa Trời hoàn thành chương trình chịu chết chuộc tội cho loài người, dù đó là con đường đau khổ, chết cách sỉ nhục.

Bạn thính giả đã muốn biết Ý Chúa, và đây là Ý Chúa được ghi trong Kinh thánh dành cho Bạn: Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn (II Phi. 3:9). Ý Chúa muốn Bạn ăn năn tội và tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của Bạn để Bạn không còn bị cơn giận của Đức Chúa Trời trong hiện tại, không bị hình phạt đời đời nơi Hồ Lửa đời sau; Ý Chúa muốn Bạn được nhận lấy Sự Sống Vĩnh Phúc ngay trong đời nầy cũng như đời sau. Bây giờ, Bạn đã biết ý Chúa đối với Bạn rồi, xin Chúa cho Bạn mau lẹ vâng lời Chúa mà làm theo để được Chúa gọi Bạn là Người Khôn Ngoan cất nhà trên Hòn Đá là Chúa Jêsus Christ!