Câu Hỏi 6: Khi có thiên tai, chùa hay nhà thờ đều bị sập, vậy thì Chúa và Phật có khác gì nhau đâu? Trong cùng một chiếc xe đò gặp tai nạn, người tin Chúa và người không tin Chúa đều bị nạn giống nhau không?

Câu Hỏi 6: Khi có thiên tai, chùa hay nhà thờ đều bị sập, vậy thì Chúa và Phật có khác gì nhau đâu? Trong cùng một chiếc xe đò gặp tai nạn, người tin Chúa và người không tin Chúa đều bị nạn giống nhau không?
Cảm ơn vị thính giả đã có một câu hỏi rất thực tế trong cuộc sống hằng ngày, Tôi xin chia hai câu hỏi để trả lời.

Cảm ơn vị thính giả đã có một câu hỏi rất thực tế trong cuộc sống hằng ngày, Tôi xin chia hai câu hỏi để trả lời.
  1. Vấn đề nhà thờ bị sập:
Tôi muốn đọc cho Bạn và Quý vị thính giả đang lưu tâm đến câu hỏi đặc biệt nầy nghe Lời của Đức Chúa Trời phán về Đền thờ mà vua Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên đã xây cho Chúa vào năm 1011 đến 1004 trước khi Chúa Jêsus giáng sinh. Trong ngày Lễ khánh thành đền thờ đầu tiên nầy, Đức Chúa Trời đã phán với vua Sa-lô-môn: “Đức Giê-hô-va (đây là một danh xưng mà người Y-sơ-ra-ên xưng gọi Đức Chúa Trời) phán với người (tức là vua Sa-lô-môn) rằng: Ta đã nhậm lời cầu nguyện nài xin của ngươi thưa trước mặt ta; ta đã biệt riêng ra thánh cái đền nầy mà ngươi đã cất, để cho danh ta ngự tại đó đời đời; mắt và lòng ta sẽ thường ở đó mãi mãi… Nhưng nếu ngươi và con cháu các ngươi xây bỏ ta, không giữ các điều răn và luật lệ ta đã truyền cho các ngươi, đi hầu việc những thần khác và thờ lạy chúng nó, thì ta sẽ truất Y-sơ-ra-ên khỏi đất ta đã ban cho chúng nó, trừ bỏ khỏi trước mặt ta cái đền nầy mà ta đã vì danh ta biệt riêng ra thánh, và Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên lời tục ngữ và trò cười giữa muôn dân. Còn cái đền nầy, dầu cao dường nào, ai đi ngang qua gần nó cũng lấy làm lạ lùng, chê bai, mà rằng: Cớ sao Đức Giê-hô-va có làm cho xứ nầy và đền nầy như vậy? Người ta sẽ đáp rằng: Ấy vì chúng nó đã lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng nó, là Đấng đem tổ phụ họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; họ theo các thần khác, thờ lạy các thần ấy, và hầu việc chúng nó; vì cớ đó, Đức Giê-hô-va đã giáng trên họ các tai họa nầy. (I Vua 9:3, 6-9)
Như vậy, đối với Chúa cái khối vật chất mà chúng ta gọi là đền thờ hay nhà thờ không quan trọng bằng việc vâng giữ Lời của Chúa dạy qua Kinh thánh. Nếu có đền thờ đẹp, nguy nga mà không làm theo Lời Chúa thì Chúa từ bỏ đền thờ và Chúa có thể cho phép đền thờ trở nên cớ khiến người ta chê bai.
Và Lời Chúa thật đã ứng nghiệm trên đền thờ hai lần:
·         Lần thứ nhất là sau khi vua Sa-lô-môn qua đời, người Y-sơ-ra-ên lần lần phạm tội không vâng lời Chúa dạy, bắt chước các nước chung quanh đi thờ hình tượng, dù nhiều lần Chúa dùng các đấng tiên tri cảnh cáo kêu gọi họ ăn năn, nhưng rất tiếc càng ngày dân Y-sơ-ra-ên càng phạm tội nặng thêm dù có những năm tháng họ quay lại với Đức Chúa Trời. Cuối cùng đến năm 586 trước khi Chúa Jêsus giáng sinh, Chúa đã cho phép người Ba-by-lôn dưới sự chỉ huy của vua Nê-bu-cát-nết-sa đã chiếm thành Giê-ru-sa-lem và phá hủy đền thờ mà vua Sa-lô-môn đã xây dựng.
·         Lần thứ hai là sau khi Chúa Jêsus giáng sinh, Ngài đã đi khắp các thành, khắp các làng trong nước Y-sơ-ra-ên rao giảng đồng thời kèm theo biết bao dấu kỳ phép lạ mà Chúa Jêsus đã làm để kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế hầu được tha tội. Tiếc thay như Kinh thánh đã ghi lại: Chúa Jêsus – Ngài đã đến trong xứ mình song dân mình chẳng hề nhận lấy (Giăng 1:11). Chẳng những vậy họ còn đóng đinh Chúa Jêsus trên cây thập tự. Vì tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên quá lớn, nên 40 năm sau khi Chúa Jêsus chịu chết và sống lại, tức là vào năm 70 sau khi Chúa Jêsus giáng sinh, Chúa đã cho phép quân đội La Mã dưới quyền chỉ huy của Tướng Titus đã phá thành Giê-ru-sa-lem và phá cả đền thờ chỉ còn chừa lại một vách tường đền thờ như hiện còn ngày nay.
Qua Kinh thánh và qua bằng cớ lời Chúa phán về đền thờ được ứng nghiệm, đối với người tin Chúa thì nhà thờ là nơi biểu tượng sự hiện diện của Chúa rõ nhất nhưng điều quan trọng là tấm lòng của những người họp trong đền thờ đó có vâng theo lời Chúa dạy để làm theo không. Chúa phán: Đức Chúa Trời là Thần Linh, ai thờ phượng Chúa phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng. Lời Chúa còn dạy: Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự ở trong anh em sao? (I Côr. 3:16; 6:19). Do đó người tin Chúa Jêsus theo Tin Lành có thể họp lại bất cứ nơi nào để thờ phượng Chúa, vì họ có một Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, Đức Chúa Trời biết hết mọi sự, làm được mọi điều, và người tin Chúa Jêsus theo Tin Lành biết rõ thân thể của họ là đền thờ của Đức Chúa Trời nên ở đâu cũng thờ phượng Chúa được, bao nhiêu người ngay cả một mình cũng thờ phượng Chúa được.
Bây giờ sự khác nhau giữa nhà thờ của tin Chúa Jêsus theo Tin Lành với những nơi thờ tự của các tôn giáo, xin dành cho Bạn và Quý Vị nhận định.
  1. Phần thứ hai của câu hỏi là Về chiếc xe đò bị tai nạn:
Thưa Quý vị thinh giả, tôi cảm ơn vị thính giả đã hỏi câu hỏi nầy, vì tôi thấy nhiều người Việt Nam thường cho rằng khổ quá nên theo đạo, và cũng vì đó cũng cho rằng khi nào khổ thì sẽ theo đạo Tin Lành. Đây là một sự hiểu lầm Tin Lành của Chúa Jêsus.
Có một bài hát trong Hội thánh Tin Lành chúng tôi viết rằng: Chúa không có hứa người tin Ngài sẽ không bao giờ hoạn nạn nữa, Chúa không có hứa người tin Ngài sẽ không bị tai nạn, nhưng Chúa có hứa trong những lúc hoạn nạn, tai nạn, Chúa sẽ ở cùng, an ủi và cứu giúp cho.
Cho nên như câu hỏi của Bạn đặt ra: Trong cùng một chiếc xe đò bị nạn, người tin Chúa và người không tin Chúa đều bị nạn có giống nhau không? Tôi xin nêu ba trường hợp rồi xin Chúa cho bạn có khôn ngoan để nhận ra có khác nhau không.
·         Trường hợp thứ nhất: Người tin Chúa có thể được Chúa giải cứu.
Kinh thánh có ghi lại những trường hợp người tin Chúa gặp nguy biến và Chúa đã giải cứu. Tôi xin thuật lại một trường hợp như vào năm 606 trước khi Chúa Jêsus giáng sinh, tại nước Ba-by-lôn - một đế quốc nằm ở khu vực phía Nam nước Iraq ngày nay, nổi tiếng với Vườn Treo được liệt vào 1 trong 7 kỳ quan cổ của thế giới – Hoàng đế lúc đó của Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng lên một pho tượng và ra lịnh tất cả mọi người từ quan đến dân đều phải sấp mình thờ lạy pho tượng, ai không quỳ lạy pho tượng của vua sẽ bị quăng vào lò lửa đang cháy hực. Lúc ấy có 3 người Y-sơ-ra-ên tin kính Đức Chúa Trời đã học biết Đức Chúa Trời cấm thờ lạy hình tượng có mặt lúc bấy giờ, nên không chịu quỳ lạy hình tượng của vua và bị vua Nê-bu-cát-nết-sa ra lịnh bắt cả 3 người quăng vào lò lửa hực đã được nung nóng thêm gấp bảy lần. Khi bị quăng vào, những người phụ trách quăng họ đã bị cháy ngay lúc vừa quăng, nhưng cả 3 người tin Chúa lại không hề bị cháy đến nỗi cũng không bị hơi lửa bám vào. Chính vua Nê-bu-cát-nết-sa cũng ngạc nhiên khi thấy Chúa giải cứu người tin Chúa và vua hạ mình ăn năn nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đấng Cao Cả.
·         Trường hợp thứ hai: Chúa không giải cứu.
Kinh thánh cũng ghi lại có những trường hợp Chúa không giải cứu người tin Ngài, mà cho phép họ chịu hoạn nạn có khi đến nỗi chết. Như trường hợp của một người trong những người đó tên Ê-tiên được ghi trong sách Công vụ 7:54-60, đã bị người Y-sơ-ra-ên ném đá đến chết. Hoặc như sứ đồ Phao-lô bị Hoàng đế La Mã xử tử bằng cách chém đầu.
Tuy nhiên cả hai trường hợp Chúa cho xảy ra đều có mục đích: như Ê-tiên bị ném đá chết được Chúa dùng làm cơ hội khiến Tin Lành được giảng ra khắp nơi cách mạnh mẽ (Công vụ 8:1-4). Trường hợp sứ đồ Phao-lô sau những năm tháng đi khắp vùng Tiểu Á Tế Á và Âu châu rao giảng Tin Lành của Chúa Jêsus Christ, Chúa cho phép người La Mã bắt chém đầu ông, nhưng đang khi bị giam chờ ra pháp trường, chúng ta hãy nghe vị thánh Phao-lô nầy nói: ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta, Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó… (II Tim. 4:7-8)
Và tôi không thể không nói với Bạn trường hợp của Chúa Jêsus, Ngài đã bị đánh đập, bị đòn roi, bị đóng đinh dã man trên thập tự giá và chết cách sỉ nhục như một tội nhân tội nặng nhất, thuộc giai cấp hèn hạ nhất. Tại sao Đức Chúa Trời để Chúa Jêsus chịu chết như vậy? Kinh thánh trả lời: Chúa Jêsus đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Chúa Jêsus chịu mà chúng ta được bình an, bởi lằn roi Chúa Jêsus chịu chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, Đức Chúa Trời đã đem hết thảy tội lỗi của loài người chúng ta chất trên Chúa Jêsus (Êsai 53:5-6). Theo lẽ thường bị nạn, bị giết là thua, là thất bại, nhưng rõ ràng Chúa Jêsus bằng lòng chịu nạn, chịu đòn roi, chịu bị giết sỉ nhục, là vì loài người chúng ta, để ai đó dù tội nặng thế nào bằng lòng đến với Chúa Jêsus cũng được tha hết mọi tội; dù người ở giai cấp hèn hạ nào bằng lòng đến với Chúa Jêsus cũng được tha sạch mọi tội. Đó là lý do những người tin Chúa Jêsus reo lên cách vui mừng: “Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (I Côr. 15:55-57).
Đó là lý do thánh Phao-lô nói: Sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy! (Philíp 1:21).
Tôi tin rằng đến đây bạn đã thấy sự khác nhau theo câu hỏi của bạn.
·         Trường hợp thứ ba: Sau cái chết.
Qua Kinh thánh Lời Chúa dạy, người tin Chúa Jêsus theo Tin Lành biết rõ biết chắc nếu họ qua đời thì họ được về ở với Chúa trên Thiên đàng phước hạnh đời đời vinh hiển, còn người không tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của mình sẽ phải đi vào nơi hồ lửa địa ngục chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.
Bạn đã thấy hai bên khác nhau hoàn toàn.
Nói tóm lại, đối với người tin Chúa Jêsus:
  1. Thứ nhất: chắc chắn còn sống trên đất thì còn có thể gặp hoạn nạn.
  2. Thứ hai: khi người tin Chúa gặp hoạn nạn thì họ sẽ tự xét mình trong ba điều: (1) Có phải Chúa cho họ gặp hoạn nạn vì họ đã làm gì sai Lời Chúa là Kinh thánh nên bị Chúa dùng hoạn nạn sửa phạt để họ tỉnh thức mà ăn năn; (2) Hoặc họ bị hoạn nạn vì Chúa muốn luyện tập họ để dùng họ vào việc lớn hơn; (3) Hoặc đó là hoạn nạn chung, mà họ là người sống trong cộng đồng đó thì phải cùng chịu, nhưng tấm lòng họ lúc nào cũng bình an, thỏa lòng vì biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều do Đức Chúa Trời là Cha yêu thương họ gởi đến cho họ nên bao giờ cũng tốt lành cho họ.
Vì Bạn đã giả định dặt ra câu hỏi, tôi cũng xin giả định Tôi với bạn cùng đi trên chuyến xe đò hoặc trên chuyến bay bị nạn đó, vì tôi được Chúa dạy hoạn nạn là ơn phước được giấu kín mà Chúa dành cho tôi là người tin Chúa (Gia cơ 1:12); còn bạn dựa vào niềm nào để chịu đựng hoạn nạn? Giả định như hoạn nạn khiến tôi chết thì tôi biết rõ biết chắc là tôi được về Thiên đàng ở với Chúa đời đời phước hạnh vinh hiển; còn Bạn nếu qua đời bạn sẽ về đâu? Bạn hãy nghe Chúa phán trong Kinh thánh về số phận người không tin Chúa khi qua đời như sau: Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai. Mong rằng Bạn sẽ thấy được sự khác nhau và mau mau ăn năn tội với Chúa và tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của Bạn như lời Chúa trong Kinh thánh khuyên mời: Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng (Truyền. 12:1).