00:21 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương I

Thứ tư - 02/04/2014 00:29
Thần Đạo Học - Chương I

Thần Đạo Học - Chương I

Cảm ơn Chúa đã dự bị cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam có được một Giáo sĩ hết lòng vì công việc Chúa, là Giáo sĩ J. D. Olsen, đã để lại cho Hội thánh Việt Nam nhiều di sản quý giá, kể cả sự sống của ông ...
-------------------------------
 

CHƯƠNG I
Thần Đạo Học

(Dựa theo Quyển Thần Đạo Học của
Giáo Sĩ John Drange Olsen - 1958)
********************************************

Lời tựa,

Cảm ơn Chúa đã dự bị cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam có được một Giáo sĩ hết lòng vì công việc Chúa, là Giáo sĩ J. D. Olsen, đã để lại cho Hội thánh Việt Nam nhiều di sản quý giá, kể cả sự sống của ông [ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại Ngã Sáu Võ Thị Sáu, và an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước đây - nay là Công viên Lê Văn Tám], trong đó có Bộ Thần Đạo Học. Nay tôi xin dựa vào Bộ sách quý này để soạn lại những lẽ đạo căn bản dùng cho Hội thánh ngày nay.
Đặc biệt Giáo sĩ Olsen là người Canada dâng mình truyền giáo tại Việt Nam, ông lại viết các sách giải nghĩa Kinh thánh, quyển Mục sư Chỉ Nam, và Bộ Thần học bằng tiếng Việt và cho người Việt bằng màu sắc Việt Nam. Thật cảm tạ Chúa!
Đây là tấm lòng người đi sau học đòi người đi trước, gọi là nhớ ơn người đã có công khó với Hội thánh Việt Nam, hầu công khó đó không  bị mai một. Hi vọng thế hệ kế tiếp nhờ vậy mà đứng vững để phục vụ Chúa.
Gởi người hầu việc Chúa mai sau,
Những năm gần đây, Hội thánh chung có nhiều biến động, tôi viết bộ sách này để mong những người hầu việc Chúa mai này có thể giữ được Thần học nền tảng và kỷ cương Hội thánh đã có, hoặc mai sau còn có tài liệu để những thế hệ sắp tới biết được Hội thánh ngày xưa là thế.
 
Có ba khuynh hướng:

1.   Khuynh hướng Thần học Kinh viện: tức là những bộ Thần học được viết từ những kiến thức rút ra từ những Trường lớp cao cấp, trong đó trích dẫn quan điểm của các Thần học gia nổi tiếng, có khi để minh chứng, cũng có khi để bài bác. Đa số thuộc về Thần học phương Tây, và đặc điểm của các sách Thần học này là trưng dẫn rất nhiều tên của các Thần học gia.
2.   Khuynh hướng Thần học Triết lý: tức là những bộ Thần học mang nặng tính lý luận, những ý kiến các Triết gia của các thời đại, trong hoặc ngoài Giáo hội. Thí dụ như những cách chứng minh qua Bản Thể Luận, Vũ Trụ Luận… Đặc điểm các sách Thần học này ít khi thấy trưng dẫn Kinh thánh.
3.   Khuynh hướng thứ ba là khuynh hướng Thần học Bình dân: Chúng ta có thể gặp những sách Thần học loại này qua những quyển Phước Âm Yếu Chỉ, Tín Lý Căn Bản. Đặc điểm của loại sách Thần học này về hình thức không mang tính đồ sộ, thường là mỏng; nội dung thì ngắn gọn và được trưng dẫn Kinh thánh nhiều khi minh chứng lẽ đạo.
Và tôi chọn khuynh hướng Thần học Bình dân này để định hướng cho Bộ Thần học dành cho người Việt Nam của tôi - vì tôi là người Việt Nam. Tuy nhiên, vì đa số người Việt Nam luôn có tinh thần tôn sư trọng đạo, đọc một sách tôn giáo bất kỳ, thường có mục đích 'để tin', hơn là chỉ thuần nghiên cứu. Có đôi khi lúc đầu là nghiên cứu nhưng sau đó thì tin, hoặc nghiên cứu với thái độ tôn kính, tôn trọng, dù không tin.
Do đó, tôi viết quyển Thần học cho người Việt Nam này, ngoài những cách giải thích đã từng có trong các bộ Thần học kinh viện (dĩ nhiên có chọn lựa những gì dễ hiểu cho người bình dân), tôi muốn dùng những lý luận bình dân, trưng dẫn những bằng cớ quen thuộc với người Việt Nam, nhất là qua những thực tế gần gũi với người Việt Nam, và luôn hướng người đọc vào phương diện đọc để tin. Nói như vậy, không có nghĩa là không cần quan tâm đến những cái cần trong Thần học kinh viện hoặc Thần học Triết lý, cho nên tôi cũng có trưng dẫn những ý kiến của các Thần học gia hoặc trích dẫn sự giải thích nào, xét ra dễ hiểu cho người bình dân Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ lời vị Giáo sư dạy Thần học cho tôi từ lúc còn vỡ lòng trong Chúa: Không bao giờ có hai nhà Thần học đồng ý với nhau, hoặc anh có lý hơn tôi hoặïc ngược lại. Nói như vậy không có nghĩa là vấn đề sẽ 'bỏ lửng', nhưng phải dừng lại và chấp nhận trên căn bản Kinh thánh. Tôi tránh né những tranh luận 'đúng' hay 'sai' trong những lẽ đạo nào đó theo quan niệm hoặc kinh nghiệm cá nhân. Thí dụ gần đây có tranh luận về 'phép lạ hay Đấng làm phép lạ; quyền năng hay không phải quyền năng'. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Tú Xương:
Đồng giỏi sao đồng không cứu nước,
Hay đồng cũng sợ súng thần công?
Và bài học trong Giăng 9:1-7 cần cho những tranh luận Thần học biết bao. Các môn đồ của Chúa Jêsus tranh luận quan điểm thần học: Tại người này hay tại cha mẹ người này khiến cho người này mù? Khi cuộc tranh luận chỉ còn cách trình cho Chúa Jêsus thì họ được nghe một câu trả lời: Không phải tại ai cả, vấn đề là người mù này cần được sáng mắt mà không ai quan tâm. Nói như Hoàng đế Napoleon trong thư gởi cho Bộ trưởng Thông tin: Hãy cẩn thận, e rằng đang khi muốn tránh cực đoan này, chúng ta sẽ rơi vào cực đoan khác.

Có quyền năng thì cứ đem ra cứu người khỏi sự hư mất, hơn là mất thì giờ tranh luận. Kinh nghiệm của Giáo hội thời Trung cổ là đã dành quá nhiều thì giờ để tranh luận thần học, thay vì truyền giảng Tin lành cứu người. Buồn thay qua 700 năm tranh luận, để rồi Giáo hội bị Hồi giáo quét sạch khỏi Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu và một phần Tây Âu.
Có một câu chuyện trong Phật giáo kể rằng: Có hai nhà s? tranh luận về lá phướn đang bị gió lay động. Nhà sư A hỏi nhà sư B: Theo huynh thì gió động hay phướn động? Nhà sư B đáp: Phướn động. Nhà sư A nói: Nếu không có gió động thì làm sao phướn động được. Đó là gió động. Nhà sư B hỏi: Gió động sao không thấy? Chỉ thấy phướn động. Chợt có Sư trụ trì đi ngang qua, cả hai trình hỏi: Bạch thầy, gió động hay phướn động? Sư trụ trì trả lời: Gió không động, mà phướn cũng không động. Chỉ có tâm các ngươi động.






 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn