00:45 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương V - Đức Thánh Linh

Thứ ba - 07/10/2014 04:09
Thần Đạo Học - Chương V - Đức Thánh Linh

Thần Đạo Học - Chương V - Đức Thánh Linh

Đặc điểm của Đức Chúa Trời như Kinh thánh dạy là một Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một. Dù Kinh thánh không nói đến Danh xưng Ba Ngôi, nhưng có nói Ba Danh xưng: Cha, Con và Thánh Linh.
--------------------------







CHƯƠNG V
ĐỨC THÁNH LINH

********************************



Đặc điểm của Đức Chúa Trời như Kinh thánh dạy là một Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một. Dù Kinh thánh không nói đến Danh xưng Ba Ngôi, nhưng có nói Ba Danh xưng: Cha, Con và Thánh Linh.
Chúng ta có thế nói Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã dọn đường cho sự cứu rỗi trong thời Cựu Ước; đến Tân Ước thì Ba Ngôi Đức Chúa Trời thực hiện xong công tác cứu rỗi đó qua Chúa Jêsus Christ; và trong thời hậu Tân Ước, Ba Ngôi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh đã ứng dụng sự cứu rỗi cho loài người, khiến họ tự cáo về tội lỗi, thuyết phục loài người ăn năn tội, tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu thế của chính mình, cảm hóa cùng thánh hóa họ, gây dựng Hội thánh, dọn đường cho Chúa Jêsus Christ tái lâm và đưa muôn vật đến thành tựu ý chỉ của Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Có một câu chuyện về một bà tín đồ khi được Ban Chấp Hành Hội thánh hỏi Phước Âm Yếu Chỉ hầu cho bà chịu báp-têm. Câu hỏi được nêu ra cho bà ấy là: ‘Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?’ Bà ấy trả lời: ‘Thưa, Đức Chúa Trời có Hai Ngôi’. Ban Chấp Hành Hội thánh nghĩ rằng bà nghe chưa rõ, nên hỏi lại: ‘Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?’ Bà ấy rất bình tĩnh trả lời: ‘Thưa, Đức Chúa Trời có Hai Ngôi’. Một vị trong Ban Chấp Hành thất vọng mà nói: ‘Rất tiếc bà trả lời sai, vì Đức Chúa Trời có Ba Ngôi’. Bà ấy đáp: ‘Tôi cũng biết Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, nhưng vì từ ngày tin Chúa đến bây giờ, tôi chỉ nghe Mục sư giảng về Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Chúa Jêsus Christ, chưa hề nghe về Đức Thánh Linh, nên tôi cho rằng Đức Chúa Trời chỉ có Hai Ngôi’.
Vị trí của Thánh Linh cũng quan trọng trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, nhưng cũng có nhiều người tin Chúa chưa hiểu rõ hoặc chưa hiểu về Ngài, nếu có cũng hiểu lờ mờ, do đó hoặc trở thành không kinh nghiệm về Thánh Linh, hoặc gây tranh cãi do chưa hiểu tường tận về Ngài, đôi khi vì chưa hiểu tận tường nên dễ gây tranh cãi hoặc đi đến chỗ sai lầm khi học Kinh thánh.
Nhờ ơn Chúa, chúng ta cần học biết về Thánh Linh Đức Chúa Trời qua sự dạy dỗ của Kinh thánh.

I. DANH XƯNG VỀ ĐỨC THÁNH LINH:

1. Trong nguyên ngữ:
Như chúng ta đã nói, nguyên ngữ của Kinh thánh là tiếng Hi-bá và tiếng Hi Lạp, vì vậy, trong tiếng Hi-bá của Cựu Ước dùng chữ ruwach và tiếng Hi Lạp của Tân Ước dùng chữ pneuma, nghĩa đen của hai chữ đều chỉ về gió hay hơi thở, tinh thần, tâm tánh.
Chính vì cớ đó, nên có ý kiến cho rằng Thánh Linh là sự sống hay hơi thở của Đức Chúa Trời. Thánh Linh quả là hơi thở, là sự sống của Đức Chúa Trời nhưng Sự Sống hay Hơi Thở đó thành vị, có ngôi vị, giống như Chúa Jêsus Christ là Ngôi Lời - Logos của Đức Chúa Trời. Khi dịch thì trở thành chữ Linh

2. Trong Việt ngữ:
Trong Việt ngữ thì dịch thành nhiều cách xưng gọi:
• Đức Thánh Linh: đây là cách xưng gọi thông dụng đối với Ngôi Thứ Ba của Đức Chúa Trời. Danh xưng này gồm ba (03) từ ngữ: (1) Đức = một tiếng tôn xưng dành cho một bậc bề trên, thí dụ như Đức vua; (2) Thánh = là từ được dùng để phân biệt với tà, thánh có nghĩa là sạch sẽ, theo thần học có nghĩa 'biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời'; và (3) Linh = chỉ một giới không hình dạng, không thịt và xương (Luca 24:39)
• Thánh Linh: cũng là cách xưng gọi Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, phân biệt với tà linh, uế linh - Thi thiên 51:11 so với I Samuên 18:10; Mác 1:23.
• Thần: hay là Linh của Đức Chúa Trời, đây là cũng là một cách xưng gọi Đức Chúa Trời - Êsai 61:1; Luca 4:18.
Điều phải nói rõ là trong nguyên ngữ không có từ ngữ Đức, nhưng khi dịch ra tiếng Việt, các dịch giả phải theo văn hóa Việt Nam nên thường dùng chữ Đức để thêm vào tỏ lòng tôn kính, như đối với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ. Tuy nhiên, sự thêm vào này không làm sai lạc ý nghĩa của nguyên ngữ, trái lại càng dễ hiểu thêm cho độc giả là người Việt Nam.

II. MÔ TẢ ĐỨC THÁNH LINH:

1. Tương quan với Đức Chúa Trời:


a. Nói một cách mạnh mẽ và khẳng định Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời.
Một trong những minh chứng rõ nét nhất là câu chuyện vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra đồng mưu với nhau trong sự lừa dối Hội thánh được ghi trong sách Công vụ. Chính sứ đồ Phierơ đã nói với đôi vợ chồng này: … ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh... Ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời’ (Công vụ 5:3-4). Kết quả thì chúng ta đã biết, vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra ngã chết cách khủng khiếp.
Nói như vậy, nhưng Kinh thánh cũng chứng minh Đức Thánh Linh cũng có tư cách hành động riêng của một Ngôi.
• I Côrintô 2:10-13; 12:8, Đức Thánh Linh có sự hiểu biết riêng
• Rôma 15:30, Đức Thánh Linh có tình yêu thương ‘,… nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em’.
• I Côrintô 12:11, Đức Thánh Linh có ý dục riêng, Ngài ban ân tứ tùy ý Ngài muốn.

b. Đức Thánh Linh là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời
Trong khi tuyên bố về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus Christ đã phán về thứ tự Ba Ngôi: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh - Mathiơ 28:19.
Cũng vậy, khi có lời chúc phước cho Hội thánh của Chúa tại thành Côrintô, Phao-lô đã công bố về thứ tự Ba Ngôi Đức Chúa Trời: ‘Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở cùng anh em hết thảy’ - II Côrintô 13:13.
Tôi xin nhắc lại là Ba Ngôi Đức Chúa Trời Hiệp Một đồng đẳng, đồng quyền, đồng thể yếu. Nói như vậy trong thứ tự Ba Ngôi không có nghĩa là Ngôi này lớn hơn Ngôi khác, vì Ba Ngôi Đức Chúa Trời bất phân ly và không lẫn lộn.

c. Ngoài ra, Đức Thánh Linh cũng được xưng gọi là Thần của Đức Chúa Trời, Thánh Linh của Đức Chúa Trời - Sáng. 1:2; Mathiơ 3:16; 12:28.

2. Tương quan Siêu hình:
Vì Danh xưng của Đức Thánh Linh trong đó có chữ Linh, mà Chúa Jêsus Christ đã giải thích cho các môn đồ rằng Linh thì không thịt và xương - Luca 24:39, nên chúng ta biết Đức Thánh Linh là Đấng Vô Hình, Vô Tượng, như Đức Chúa Trời là Cha, cũng bởi đó, cả Kinh thánh nguyên ngữ cũng dùng từ ngữ xưng gọi Thánh Linh là ruwach hay pneuma - một hơi thở, sự sống.
Bởi vì Thánh Linh là Linh nên Ngài sẽ không hiện hình cho loài người thấy. Mỗi khi biểu lộ sự hiện diện của Ngài, Thánh Linh thường mượn hình để bày tỏ.

3. Tương quan Hữu hình (hay những Tiêu hiệu về Đức Thánh Linh)
Phải nói rõ là Thánh Linh Đức Chúa Trời MƯỢN HÌNH, Ngài không phải có hình dạng như vậy. Tôi xin nhắc lại là Thánh Linh MƯỢN HÌNH.
Qua Kinh thánh, chúng ta thấy Thánh Linh thường mượn những hình ảnh có thể thấy được để bày tỏ sự hiện diện của Ngài. Những tiêu hiệu đó là:

a. Chim bồ câu: Nhã ca 5:2; Mathiơ 3:16
Hãy nghe Giáo sĩ William C. Cadman nói về chim bồ câu làm hình bóng về Đức Thánh Linh:1
• Nhã ca 1:15, Đức Thánh Linh khiến người tin Chúa trở nên đẹp đẽ giống như Ngài. Con mắt tròn và xinh của bồ câu là biểu hiệu về con mắt của Tân phụ Đấng Christ, so với con mắt tội nhân (Mathiơ 20:15; II Phierơ 2:14
• Tiếng gù hay rầm rì của chim bồ câu chỉ bóng về tiếng thở than khóc lóc của tội nhân ăn năn (Êsai 59:11)
• Cánh bồ câu bọc bạc và lông nó bọc vàng xanh (Thi thiên 68:13), chỉ bóng về sự vui vẻ và bình an mà người tin Chúa nên tỏ ra vì là người trước ở trong tối tăm, nay được ở trong nơi sáng láng của Chúa.
• Tánh e thẹn của chim bồ câu chỉ bóng người tin Chúa hay làm buồn Thánh Linh (Nhã ca 5:2:14; Giê. 48:28; Êphêsô 4:30; I Têsalônica 5:19).
• Chim bồ câu hay bay từng đàn, chỉ bóng về những người tin Chúa nhóm họp thông công trong Chúa Jêsus Christ (Êsai 60:8) và chỉ về dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở về và dân ngoại sẽ được rỗi lúc Chúa lập Vương quốc Ngàn Năm.
• Chim bồ câu hay bay từng đôi, một trống một mái, trung tín với nhau, làm gương sáng cho Hội thánh là Tân phụ của Chúa Jêsus Christ trung tín với Ngài.

Nói tóm lại, Thánh Linh mượn hình chim bồ câu hiện ra, nhiều lần được nói đến trong sách Nhã ca, đặc biệt là trong lúc Chúa Jêsus chịu báp-têm nơi sông Giô-đanh. Chim bồ câu bày tỏ tình yêu thương (Nhã ca 5:2; Rôma 5:5), trong sạch (Nhã ca 6:9 - toàn hảo), bình an (Thi thiên 55;6), nhu mì (Nhã ca 2:14), đơn sơ (Mathiơ 10:16)

b. Nước:
Kinh thánh thường dùng nước để chỉ về Lời của Đức Chúa Trời hoăc sự tẩy sạch. Nhưng nhiều lần Chúa Jêsus Christ cũng dùng nước để nói về Đức Thánh Linh với công tác tẩy sạch và tuôn chảy như một mạch nước và (những) dòng sông làm đả khát và thỏa lòng.
• Giăng 3:5, Thánh Linh có cộng tác trong việc tẩy sạch tội lỗi (rửa sạch) của một người. Điều này chúng ta phải nghe chính Chúa Jêsus giải thích trong Giăng 16:8-11. Sự cộng tác đó là Thánh Linh đến cáo trách tội lỗi của người đó, thuyết phục ăn năn tội và tiếp nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu thế của cá nhân mình, nhờ vậy, người đó được tha thứ tội lỗi.
• Giăng 4:13-14, Chúa Jêsus công bố Thánh Linh như mạch nước chảy trong lòng người tin Ngài rồi văng ra tiếp tục chảy đến sự sống đời đời.
• Giăng 7:37-39, Chúa Jêsus đã mượn việc vác bình nước trong buổi Lễ Lều Tạm để công bố về Thánh Linh như (những) 'dòng nước - sông', một người tin Chúa Jêsus sẽ thỏa mãn, phong phú.
• Khải. 21:6; 22:17, Thánh Linh làm đả khát.
Chúng ta có thể bắt gặp công dụng này của Thánh Linh trong cuộc phấn hưng tại Trung quốc trong tiền bán thế kỷ 20 với phong trào phấn hưng qua các sứ giả Tống Thượng Tiết, Kế Chí Văn, Nghê Thác Thanh, Jonathan Goforth, nữ giáo sĩ Marie Manson…

c. Lửa:
Lửa được dùng để bày tỏ 3 điều:
Lửa chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh như lửa cháy - Xuất 3:2-6; 13:21-22; Êsai 63:9-14; đặc biệt là sách Công vụ 2:3.
• Lửa được dùng để làm sôi sục, thúc đẩy trong công tác truyền giảng Tin Lành - Giê. 20:9; Công vụ 2:3-4
• Lửa cũng được dùng để tẩy sạch - Êsai 4:4; 6:6-7; Malachi 3:3, 11.
Nói tóm lại, lửa không phải để đốt cháy tiêu tàn, nhưng là sức mạnh để tẩy sạch, để thúc đẩy đời sống người tin Chúa nóng cháy trong việc giảng Tin Lành của Chúa Jêsus Christ.
Thật vậy, một người hay một Hội thánh được đổ đầy Thánh Linh thì bao giờ cũng có dấu hiệu của sự nóng cháy giảng Tin Lành. Lịch sử phấn hưng của Hội thánh trải qua các thời đại đã chứng minh dấu hiệu này.
Hội thánh Đầu tiên là một bằng cớ mạnh mẽ, khi Thánh Linh giáng trên họ, thì hết thảy đều nói theo như Đức Thánh Linh cho mình nói. Họ đã nói điều gì? Tất cả đã nói về sự cao trọng của Đức Chúa Trời và trong ngày đó có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh (Công vụ 2:3-4, 41)

d. Gió:
Chúng ta đã nói lúc vào đầu, Danh xưng Thánh Linh cũng được dùng đồng một từ ngữ như gió, hay hơi thở hoặc sự sống. Gió cũng chỉ về sức mạnh nữa.
• Sanh bởi Thánh Linh: Trong sự sáng tạo loài người, Đức Chúa Trời đã hà sanh khí vào tượng người thì tượng người trở nên loài sanh linh (Sáng. 2:7).
• Hình ảnh rõ nét nhất là Ê-xê-chi-ên 37:5-10, khi Tiên tri nói tiên tri với gió thì gió thổi vào những thi thể vừa kết hợp lại, bởi gió đó, những thi thể trở nên có hơi thở, có sự sống.
• Giăng 3:8, chỉ về sức mạnh của gió Thánh Linh muốn thổi đâu thì thổi.
Hãy hỏi những người tin Chúa và được đổ đầy Thánh Linh, họ thật thỏa lòng. Người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4:28-30 là bằng cớ. Sức mạnh của Thánh Linh đã khiến bà thỏa lòng và trở nên mạnh mẽ lạ thường đến nỗi bỏ cái vò nước và giới thiệu Chúa Jêsus không hề hổ thẹn chút nào (Giăng 4:42).
Chúng ta có thể cảm nhận gió Thánh Linh trong một người hay trong Hội thánh khi nhìn thấy sự sống trong người đó hay trong Hội thánh địa phương đó.

e. Rượu:
Khi ứng dụng rượu vào đời sống của người Việt Nam tin Chúa thì thật khó, vì trong mắt của người Việt Nam rượu bao giờ cũng là vật uống say làm cho hỗn hào. Tuy nhiên người Việt Nam cũng có câu vô tửu bất thành lễ, rượu chỉ về sự vui vẻ - Thi thiên 104:15, rượu nho là vật khiến hứng chí loài người; Êsai 55:1.
Luca 5:37-39, rượu chỉ bóng về Thánh Linh, bầu da cũ là tấm lòng chưa được tái sanh thì lòng ấy không chứa được rượu mới là Thánh Linh.
Thánh Augustine gọi quỉ Satan là con khỉ của Đức Chúa Trời, nên nó đã dùng rượu để giả mạo công việc của Thánh Linh. Một người say rượu thường có những hành vi giống như người được đổ đầy Thánh Linh. Bởi đó khi các môn đồ được đầy dẫy Thánh Linh tại Giê-ru-sa-lem trong Công vụ 2:1-11, thì những kẻ nhạo báng cho rằng các môn đồ 'say rượu mới'. Trong mạng lịnh gởi cho những người tin Chúa tại Êphêsô, Phao-lô cũng cảnh báo: Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (Êph. 5:18).
Người say Thánh Linh thì quên hết mọi sự thuộc về thế giới này. Ai từng ở trong phấn hưng sẽ kinh nghiệm say Thánh Linh như thế nào. Có thể đọc những tài liệu mô tả những buổi phấn hưng.
Rượu làm cho con người hứng chí, vui vẻ đó là ý tưởng mà Kinh thánh dùng để chỉ về sự đổ đầy Thánh Linh.

f. Dầu:
Danh xưng Mê-si hay Christ đều có nghĩa là ‘Đấng được xức dầu’, mà sự xức dầu mang ý nghĩa là phong chức (tiên tri, thầy tế lễ, vua - xem phần nói về Chúa Jêsus Christ)
Dầu cũng chỉ về sự yên ủi, xoa dịu, chữa lành - Thi. 23:5b; Luca 10:33-34; Gia cơ 5:14-15
Dầu được làm hình bóng về sự xức dầu bởi Thánh Linh chỉ về ba điều:
a. Được xức dầu bởi Thánh Linh được bày tỏ qua việc nhận lãnh các ân tứ mà Thánh Linh ban cho để phục vụ Chúa - Eâsai 61:1-3; Công vụ 10:38; I Côrintô 12:7-11
ii. Được xức dầu Thánh Linh là được hưởng các đức tánh bởi Thánh Linh ban cho - Thi thiên 23:5b; Galati 5:22
iii. Được xức dầu Thánh Linh là được sự chữa lành - Êsai 1:6; Giacơ 5:14-15




 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: kinh thánh

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn