16:43 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P3)

Chủ nhật - 07/12/2014 23:07
Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P3)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P3)

LỄ NGŨ TUẦN. Cứ 50 ngày sau Lễ Thương khó thì Hội thánh có Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm lập Hội thánh trên đất, có thể xem như đó là Sinh Nhật của Hội thánh. Hội thánh có thể tổ chức truyền giảng, huấn luyện chứng đạo, hoặc phát động những buổi chứng đạo trong Hội thánh để nhắc nhở nhau tinh thần truyền giảng Tin Lành của Hội thánh đầu tiên trong ngày được thành lập (Công vụ đoạn 2)
------------------------------









CHƯƠNG VIII - PHẦN 3
HỘI THÁNH

********************



LỄ NGŨ TUẦN

Cứ 50 ngày sau Lễ Thương khó thì Hội thánh có Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm lập Hội thánh trên đất, có thể xem như đó là Sinh Nhật của Hội thánh. Hội thánh có thể tổ chức truyền giảng, huấn luyện chứng đạo, hoặc phát động những buổi chứng đạo trong Hội thánh để nhắc nhở nhau tinh thần truyền giảng Tin Lành của Hội thánh đầu tiên trong ngày được thành lập (Công vụ đoạn 2)
*****************************

Đề mục: LỬA
Kinh thánh: Công vụ 1:12-2:47 (Đọc Công vụ 1:12-26
Câu gốc: Công vụ 2:3
Mục đích: Tuần nầy chúng ta sẽ học về LỬA, xin Chúa ban cho Hội thánh lửa Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

I/. NGƯỜI CẦN LỬA: 1:12-14

Câu 12 giới thiệu người cần lửa là Các người đó. Nếu tham khảo I Cô. 15:6, thì các người đó gồm độ hơn 500 người. 500 người nầy là ai?
1:13-14 cho biết các người đó là các Sứ đồ và các môn đồ, trong đó có cả Ma-ri với những người đàn bà khác, cùng anh em của Chúa Jêsus. Nói một cách rõ hơn, họ là:
• 1:1-3, họ là những người đã biết Chúa Jêsus Christ từ lúc ban đầu và đã thấy Chúa Jêsus phục sinh, nghe Chúa Jêsus giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời.
• 1:5-8, họ là những người đã nghe Chúa Jêsus giảng về quyền năng của Đức Thánh Linh.
• 1:9-11, họ là những người mắt thấy Chúa Jêsus Christ thăng thiên với tất cả vinh quang của Đức Chúa Trời.
Đặc biệt họ là những Sứ đồ thì họ là những người đã từng đi giảng Tin Lành, đã từng làm phép lạ, là những nhân sự nồng cốt.
Bây giờ các người đó làm gì?
Kinh thánh nói các người đó trở về rồi lên một cái phòng cao là nơi thưòng ở, như một nơi ẩn nấp, và họ không làm gì cả. Rõ ràng họ giống như một chiếc máy, như một chiếc xe không có lửa khởi động để máy hoạt động được.
Chúng ta có thể hình dung căn phòng mùa đông lạnh lẽo, không người lãnh đạo, không có ngân quỹ, không có nhà thờ, không có một Ban Trị sự Hội thánh, tất cả đều là những con số KHÔNG (0). Vì vậy họ cần LỬA để cuộc sống họ được ấm áp. Cảm ơn Chúa, không phải một vài người cần Lửa, mà HẾT THẢY đều cảm biết họ cần Lửa, từ những người tín đồ đến các vị
Sứ đồ nổi tiếng đã từng đi giảng Tin Lành, từng làm nhiều phép lạ. Cảm ơn Chúa tất cả đều biết mình cần lửa, và 1:14, tất cả họ đã ngồi lại với nhau, đã đồng một lòng, hiệp một ý.
Chúng ta phải thành thật nhận rằng, đến nay vấn đề của Hội thánh chung không phải chỉnh sửa tổ chức nữa, mà là cần Lửa Từ Trời đến như tiếng gió thổi ào ào.
Theo các nhà giải kinh, đều cho rằng bức thư mà Đức Thánh Linh gởi cho Hội thánh tại Lao-đi-xê trong Khải. 3:14-22 là hình bóng về tình trạng nguội lạnh của Hội thánh trong thời kỳ cuối cùng Chúa Jêsus sắp tái lâm: Không lạnh cũng không nóng! Đầy sự giàu có đến nỗi hoạt động không cần đến quyền năng của Đức Thánh Linh nữa. Anh chị em hãy thử đặt những lời nầy vào tình trạng của chính mình và của Hội thánh chung xem có giống không? Không phải giống, mà chính là ứng nghiệm! Anh chị em hãy só sánh chúng ta với Giê-rê-mi 20:9, Tiên tri Giê-rê-mi nói rằng: Khi ông không rao giảng về Chúa, thì trong lòng của ông như bị lửa đốt cháy, không thể nín lặng được; trong khi đó mỗi chúng ta và chính Hội thánh chung hình như không có gì xảy ra, chẳng có ngọn lửa nào nung nấu khi chúng ta không giảng Tin Lành, không quan tâm đến công việc Chúa. Chúng ta tự hào mà nói: Chúng ta giàu có rồi, không cần chi nữa.
Trong làng Thánh nhạc Việt Nam, một lần nào đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã viết ƯỚC MƠ của ông như sau: Tôi ước mơ, tôi ước mơ là viên than hồng… tôi ước mơ được cháy bừng bừng. Lửa bùng lên, tỏa hơi ấm yêu thương, làm tan hơi giá băng sương, lửa sáng soi đêm trường…
Đó có phải Ước mơ của mỗi chúng ta trong ngày Lễ Ngũ Tuần hôm nay không?

II/. CÁCH GÂY LỬA: 1:14-26

Dĩ nhiên với tiện nghi ngày nay, nếu tôi hỏi: Làm sao để có lửa? Anh chị em sẽ trả lời là: cắm điện, bật quẹt, bật bếp gaz … Vì vậy để hiểu được cách Gây Lửa của những thế kỷ trước, nhất là thời đại của Kinh thánh, chúng ta phải xem Lêv. 6:10-11, Chúa dạy sau mỗi lần thiêu của lễ xong, thầy tế lễ phải HỐT TRO đem đổ.
Tại sao phải Hốt Tro?
• Lý do thứ I là để lò được sạch.
• Lý do thứ II là để lò được thông thoáng, lửa dễ bắt cháy.
Các bà ngày xưa kể rằng, các bà muốn đi tìm nàng dâu cho con trai mình, các bà thường giả bộ đến nhà cô thiếu nữ nào đó để hỏi xin tro bếp. Nếu cô nào trả lời nhà cô ấy không còn tro, thì các bà chấm ngay cô thiếu nữ đó. Ngược lại, nếu cô ấy bảo trong của cô có tro nhiều lắm thì các bà sẽ cảm ơn và đi luôn.
Cảm ơn Chúa, các Sứ đồ và các tín đồ Hội thánh đầu tiên với tất cả tấm lòng khát khao LỬA Thánh Linh bùng cháy, họ đã hiệp lại hốt tro.
Sách Công vụ 1:14-26, đã ghi lại việc hốt tro đó:
• 1:15-16, Phierơ đã nói đến thứ tro phải hốt bỏ là Giu đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ đã dẫn đường bắt Chúa Jêsus!
• 1:17, Phierơ xác nhận: Nó thuộc về bọn ta… Phierơ không nói rằng Nó KHÔNG thuộc về bọn ta. Phierơ nhìn nhận lỗi lầm chung. Phierơ cũng không tìm cách bào chữa: chúng ta có 12 người, chỉ có mình Giuđa là xấu cho nên vấn đề không có gì trầm trọng lắm. Nhưng Phierơ nói 'Nó Thuộc Về Bọn Ta'.
Tuần rồi, tôi đi huấn luyện về Chứng đạo và Thăm viếng Chăm sóc. Trong khi dạy tôi thuật cho anh em nghe về một cô tín đồ gặp tôi và nói rằng: ‘Mục sươi, không biết tại sao tự nhiên chồng của tôi đòi li dị’. Tôi hỏi chị ấy: ‘Chị có làm gì khiến anh ấy buồn không?. Chị quả quyết là không làm điều gì khiến anh ấy buồn. Rồi chi kể lại thời khóa biểu của chị: 5 giờ sáng, chị đến nhà thờ cầu nguyện; 6:30 thì ăn sáng với những người cầu nguyện; 7 giờ hơn thì chị hiệp với Ban Chứng đạo và Thăm viếng Chăm sóc đến 4 giờ hoặc 5 giờ chiều, thì về nhà. Tôi nói với chị ấy: Anh chồng của chị đòi li dị là phải! Chị ấy trố mắt nhìn tôi. Tôi giải thích: Chị đi như vậy, thì ông chồng của chị cần gì có vợ, nên li dị là phải. Sáng thức dậy mở mắt ra không thấy vợ ở đâu, chiều 4 giờ đi làm về cũng không thấy vợ, bếp núc trống rỗng, nhà cửa không ai lau dọn, quần áo không ai giặt giũ, thế thì có vợ để làm gì?
Tôi kể xong, có hai chị tín đồ nói với nhau: ông Mục sư nói đúng về chồng của chị quá. Tôi ngạc nhiên hỏi hai chị tín đồ đó: Tôi kể chuyện lỗi lầm của người vợ, sao các chị lại áp dụng cho chồng mà không áp dụng cho chính mình? Các thánh đồ không bao giờ áp dụng Lời Chúa cho người khác, mà luôn áp dụng vào chính mình khi họ cần đến sự tha thứ và phước lành của Chúa:
• Ca-thương 3:40-42, tiên tri Giê-rê-mi đã đặt chính mình vào trong tội lỗi với dân sự, ông luôn dùng chủ từ là ngôi thứ nhất số nhiều: chúng ta, chúng tôi.
• Đaniên 9:4-5, suốt cả bài cầu nguyện nầy, tiên tri Đaniên đã hòa mình với dân sự cầu nguyện xưng tội với Chúa, ông nói: ‘Ta xưng tội cùng Ngài… Chúng tôi…, Đaniên không nói dân sự, mà nói CHÚNG TÔI.
• 1:18-19, Phierơ cũng không dấu giếm tánh chất xấu xa của thứ tro cần hốt để Lửa Thánh Linh có thể bùng cháy:
1:18 tham tiền
1:19 cứng lòng thắt cổ thay vì ăn năn.
1:20-21, cảm ơn Chúa, các môn đồ đã quyết tâm hốt tro và dọn sạch.
Tất cả đã sẵn sàng để Chúa ban Lửa Thánh Linh bùng cháy!
Học đến đây, Anh Chị em có biết tại sao Lửa Thánh Linh Đức Chúa Trời không thể bùng cháy giữa gia đình, trong Hội thánh, nhất là với chính mình không? Có đống tro nào còn tồn đọng trong mỗi chúng ta không? Hãy bắt chước Hội thánh tại Trung quốc năm 1929, với khẩu hiệu: ‘Lạy Chúa, xin hãy phục hưng Hội thánh của Ngài, bắt đầu từ CHÍNH CON!’.

III/. DẤU HIỆU CÓ LỬA: 2:1-47

Với 47 câu Kinh thánh nầy chúng ta thấy một sinh hoạt sôi động, phước hạnh lạ lùng. Có một sự rộn rịp bùng cháy từ bên ngoài lẫn bên trong Hội thánh.
• 2:1-41, một sự hoạt động bùng cháy bên ngoài, từ trên phòng cao tràn xuống đường phố Giê-ru-sa-lem, tràn vào lòng 3.000 người, và tiếp tục tràn khắp thế giới, đến với cả chúng ta ngày nay.
• 2:42-47, một sự bùng cháy bên trong Hội thánh, tạo một không khí ấm áp yêu thương:
Họ nghe giảng không phải để phê bình, khen chê hay dỡ, dài ngắn, mà để bền lòng giữ lấy có nghĩa là làm theo. Thông công trong anh em, có nghĩa là thăm viếng nhau, chia sẻ với nhau trong tình gia đình. Lễ Bẻ Bánh, hay là Lễ Tiệc thánh, có nghĩa là Hội thánh sinh hoạt thờ phượng trong tình yêu thương nhau trên căn bản thân và huyết của Chúa Jêsus Christ. Cầu nguyện và cầu thay cho nhau, cảm thông và chia sẻ những gánh nặng của nhau.
Tất cả chúng ta đều biết đặc tánh của Lửa là bùng lên và lan ra. Bây giờ đặc tánh ấy đang biểu lộ trong Hội thánh Đầu tiên. Lịch sử Hội thánh cũng đã chứng minh đặc tánh ấy mỗi lần cơn phục hưng được Thánh Linh Đức Chúa Trời ban xuống: Bùng lên và Tràn ra, có nghĩa là bao giờ Lửa Thánh Linh Đức Chúa Trời bùng lên trong một người nào hoặc một Hội thánh nào, người đó hoặc Hội thánh đó lập tức nóng cháy giảng Tin Lành, Hội thánh được sống trong hòa thuận.
Tôi muốn mượn lời cầu nguyện của tiên tri Êsai 64:1-3, Ôi ước gì Ngài xé rách các từng trời… như lửa đốt củi khô, như lửa làm sôi nước… Ai sẽ làm que củi đầu tiên chịu cháy trước? Lạy Chúa xin hãy làm Hội thánh cháy lên, bắt đầu từ chính con!.
***************************

Đề mục: SINH NHẬT CỦA HỘI THÁNH

Kinh Thánh: Công vụ 2:1-21
Câu gốc: Công vụ 2:4
Mục đích: Nhơn Lễ Ngũ Tuần, khích lệ con cái Chúa làm trọn trách nhiệm mà Chúa đã lập Hội Thánh tại vùng trách nhiệm.

I/. THỜI GIAN HỘI THÁNH ĐƯỢC SINH RA

1/. Ngày - 2:1
Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngày mà Hội Thánh được sinh ra trên đất là Ngày Lễ Ngũ Tuần (Phục 16:9-12). Đây là một ngày vui mừng của người Y-sơ-ra-ên, vì lúc ấy họ đã hoàn thành xong một Mùa. Ngày nầy người Y-sơ-ra-ên sẽ đem những sản vật đầu mùa lên Đền thờ dâng cho Chúa để cảm tạ Chúa.
Cảm ơn Chúa, Đức Thánh Linh đã chọn Ngày Lễ Ngũ Tuần sau 33 ½ năm Chúa Jêsus Christ đã gieo, trồng, chăm sóc những hạt giống Tin lành đầu tiên, để sinh ra Hội Thánh trên đất, bây giờ là giờ các Cơ-Đốc nhân đầu tiên đem những hoa lợi đầu mùa dâng lên cảm tạ Đức Chúa Trời.

2/. Giờ - 2:15
Phierơ cho chúng ta biết rằng giờ mà Hội Thánh được sinh ra trên đất là Giờ thứ ba ban ngày, tức là 9 giờ sáng. Phierơ còn nói thêm một điều: Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba ban ngày.Phierơ muốn nói gì? Ông muốn nói đây là giờ làm việc, không phải là giờ thứ ba ban đêm là giờ nghỉ ngơi, vui chơi.
• Theo cách tính tuổi của người Việt Nam và Trung quốc, lấy 12 con giáp để tính, nên họ cũng quan tâm đến việc sanh ban ngày hay ban đêm. Thí dụ: tuổi Tý là con chuột mà sanh ban ngày thì sung sướng, sanh ban đêm thì cực, vì ban đêm thì con chuột phải đi kiếm ăn; tuổi Sửu là con Trâu sanh ban ngày thì cực, ban đêm thì sướng vì ban ngày con trâu phải đi cày.…
• Tôi cũng cảm ơn Chúa là Đức Thánh Linh đã sinh Hội Thánh vào lúc 9 giờ sáng thuộc ban ngày. Nếu sớm hơn thì khó cho Cơ-Đốc nhân nào chỉ thức dậy sau 9 giờ sáng.
Tại sao Đức Thánh Linh chọn giờ ban ngày, giờ làm việc để sinh Hội Thánh? Chắc chắn Đức Thánh Linh muốn Hội Thánh được sinh ra để làm việc, không phải để vui chơi, nghỉ ngơi, hoặc tìm chỗ lánh nạn.
I Tê. 5:4-7, Phao-lô nói rằng Cơ-Đốc nhân chúng ta là Con của sự sáng, con của ban ngày, ông muốn nói Cơ-Đốc nhân là người làm việc, không phải là người đi tu, thoát tục, lánh đời, xuất thế. Cơ-Đốc nhân là người nhập thế hành đạo, vào đời để giảng Tin Lành.
Kinh Thánh luôn luôn thúc đẩy Cơ-Đốc nhân chúng ta làm việc:Math. 26:45; Rôma 13:12-13; I Côr. 15:58, Hãy làm việc Chúa cách dư dật luôn; Êph. 5:14,; I Tê. 5:6-8

II/. HOÀN CẢNH HỘI THÁNH ĐƯỢC SINH RA:

1/. Về Địa điểm - 2:5, 12
Hội Thánh đã được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là trung tâm của Do-thái giáo, là nơi mà người Y-sơ-ra-ên đã đóng đinh Chúa Jêsus Christ, trung tâm thù nghịch của Cơ-Đốc Giáo.
Anh chị em nghĩ gì khi Chúa cho Hội Thánh được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem là nơi đầy khó khăn không? Có phàn nàn không? Tôi thấy rất nhiều con cái Chúa đã phàn nàn khi Hội Thánh mà mình đang sinh hoạt ở trong khó khăn, thiếu thốn, cũng có các con cái Chúa phàn nàn ngay cả khi đang ở tại một nơi thuận lợi cho Hội Thánh.
Cảm ơn Chúa, Hội Thánh Đầu tiên đã không hề có một tiếng phàn nàn nào, trái lại họ nắm ngay cơ hội để biến kẻ thù thành bạn (2:22a, 23b, so với 29, 34). Người đời có câu: Đối với người có chí thì họ thấy cơ hội trong khó khăn, còn với người không có chí thì họ thấy khó khăn trong cơ hội.

2/. Về Nhân sự - 2:4 so với 1:15.
Về nhân sự lúc Hội Thánh được sinh ra là 120 người, đủ mọi thành phần nghề nghiệp khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, gia cảnh khác nhau…, và thuộc linh cũng khác nhau, có người từng chối Chúa, người từng bỏ Chúa.
Có người sẽ nói 120 người thì đông hơn chúng tôi, nếu Hội Thánh ở đây có 120 người thì chúng tôi sẽ làm việc nầy, việc kia…
Anh chị em thử đem 120 người lúc Hội Thánh được sinh ra so với số dân Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ và so với cả thế giới: Năm 1992, có một thống kê như sau:
• Khi Chúa Jêsus giáng sanh thì dân số thế giới khoảng 200 triệu
• Năm 1.600 dân số thế giới khoảng 500 triệu
• Năm 1850 dân số thế giới khoảng 1 tỉ
• Năm 1950 dân số thế giới khoảng 2 tỉ
• Năm 1992 dân số thế giới khoảng 5,3 tỉ.
Trong khi đó lúc Hội Thánh được sinh ra thì số Cơ-Đốc nhân chỉ có 120 người / 200 triệu; còn hiện nay dân số thế giới đã lên đến 6 tỉ, còn toàn bộ Cơ-Đốc nhân thuộc tất cả các hệ phái được tính như sau:
• Công Giáo La Mã khoảng 1 đến 1,2 tỉ
• Cải chánh giáo cũng khoảng đó (1 đến 1,2 tỉ)
Chúng ta có thể nói tóm một lời, Hội Thánh đã được sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, hầu như là trong con số 0 (không):
• Không có người lãnh đạo, vì Chúa Jêsus Christ đã về Trời.
• có quá ít người.
• chỉ có một phòng nhóm nhỏ, có lẽ là trên sân thượng của người tín đồ nào đó.
• không có tiền bạc, ngân quỹ gì cả
Hội Thánh đã được sinh ra từ những con số 0. Đó là cách Đức Chúa Trời làm việc ngay từ khi sáng tạo thế giới (Hê. 11:3)

III/. MỤC ĐÍCH HỘI THÁNH ĐƯỢC SINH RA:

1/. Chứng Minh Sự Có Mặt - 2:6, Lúc tiếng ấy vang ra.
Bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra cũng đều la lớn tiếng lên, nếu đứa bé đó không khóc lớn lên, các bác sĩ, y tá phải làm cách như vỗ vào đít nó buộc nó phải khóc la lên.
Có người bảo là mỗi đứa bé khóc khi chào đời là vì nó biết nó đang bước vào Bể Khổ, cho nên tiếng khóc của đứa bé nghe như là tiếng Khổ a, khổ a.
Nhưng hôm nay, tôi muốn chúng ta nghĩ rằng mỗi đứa bé la lên khi chào đời là nó muốn báo tin cho cha mẹ, cho mọi người chung quanh biết rằng: Tôi đã có mặt trên thế giới!
Cảm ơn Chúa, Hội Thánh Đầu tiên khi được sinh ra trên đất đã lập tức la lên báo tin cho mọi người, kể cả thù nghịch của Chúa Jêsus Christ cũng biết:Công vụ 2:4, 8, 14 (kể cả Phierơ và các Sứ đồ là những người nhát sợ nhất).
Chúa luôn luôn đòi hỏi Hội Thánh nói chung, mỗi Cơ-Đốc nhân nói riêng:Êxêchiên 2:5; II Tim. 4:1-2
Xin Chúa cho Hội Thánh Chúa tại đây bắt chước Hội Thánh Đầu tiên. nếu chúng ta yên lặng thì có một trong các trường hợp:
• Luca 19:40, nếu chúng ta yên lặng thì đá sẽ kêu lên
• Nếu chúng ta không kêu lên được thì có lẽ chúng ta giống như đứa bé chào đời không khóc được - nghĩa là đã chết rồi như Hội Thánh tại Sạt-đe (Khải. 3:1).
• Nếu chúng ta không muốn la lên thì Chúa sẽ ra tay buộc chúng ta phải la lên, giống như Hội Thánh Đầu tiên khi họ chỉ muốn quanh quẩn tại Giê-ru-sa-lem là đủ rồi, thì Chúa đã cho phép sự bắt bớ dữ dội xảy ra khiến tất cả tín đồ tan lạc (Công vụ 8:4; Êsai 59:15-16).

2/. Hội Thánh Luôn Lớn Lên - 2:41
Có người nào làm cha mẹ mà không buồn khi thấy con mình nuôi hoài không lớn lên, hoặc chậm lớn. Chúa của chúng ta cũng vậy:
• I Côrintô 3:1-3, Phao-lô trách Cơ-Đốc nhân tại Côrintô đã sống đời sống của trẻ con vì họ cứ ghen ghét, tranh cạnh.
• Êph. 4:14, Chúa muốn chúng ta không như trẻ con nữa.
Cảm ơn Chúa, Hội Thánh Đầu tiên vừa được sanh ra đã lập tức lớn lên và họ cứ mỗi ngày lớn lên:1:15 rồi 2:41, r những chũ thêm vào,
Anh chị em có đau buồn khi thấy Hội Thánh không lớn lên không?
Trước đây tôi có viết một bài nói về Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Việt Nam khi họ kỷ niệm 90 năm Tin Lành đến Việt Nam (1911-2001), tôi nói rằng: Hội Thánh đã 90 tuổi, liệu có già quá để không còn sức đứng lên nữa không?
Còn Hội Thánh Chúa mà chúng ta đang sinh hoạt thì sao?
*******************************
Ngoài ra Hội thánh cũng có những ngày đặc biệt ảnh hưởng các Hội thánh nước ngoài, nhưng cũng thích hợp văn hóa Việt Nam, như:
LỄ MẪU THÂN
Lễ Mẫu Thân hằng năm được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 5 dương lịch. Mục đích của Lễ này là để nhắc đến lòng yêu thương của Người Mẹ đối với con cái. Tôi nói rất thích hớp văn hóa Việt Nam là vì người Việt Nam chúng ta rất trân quý Người Mẹ với nhiều bài thơ, bản nhạc, truyện kể, về Người Mẹ rất cảm động.
Hội thánh cũng nhơn Lễ này tổ chức mời thân hữu là những Người Mẹ đến, tặng quà nhỏ cho các bà mẹ, tặng hoa, đãi ăn và truyền giảng Tin Lành.





 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn