13:28 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P4)

Thứ tư - 10/12/2014 21:19
Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P4)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P4)

LỄ DÂNG CON. Đây là một Giáo Lễ do Hội thánh căn cứ vào gương các Thánh đồ trong Kinh thánh mà lập ra. 1. MỤC ĐÍCH LỄ DÂNG CON CHO CHÚA: Theo Lời Chúa dạy trong Thi thiên 127:3 thì con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho, nghĩa là con cái cũng là tài sản Chúa cho, còn quý hơn của cải nữa.
-----------------------------
 







CHƯƠNG VIII - PHẦN 4
HỘI THÁNH

*******************

 


LỄ DÂNG CON

Đây là một Giáo Lễ do Hội thánh căn cứ vào gương các Thánh đồ trong Kinh thánh mà lập ra.

1. MỤC ĐÍCH LỄ DÂNG CON CHO CHÚA:

Theo Lời Chúa dạy trong Thi thiên 127:3 thì con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho, nghĩa là con cái cũng là tài sản Chúa cho, còn quý hơn của cải nữa. Vì vậy, tại sao người tin Chúa Jêsus biết dâng của cải là những vật chất đời này cho Chúa mà không dâng con cái cho Chúa như một cách tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời ban cho có con cái làm cơ nghiệp, nhất là con đầu lòng (Xuất. 13:1-2 và 11-12).
Kinh thánh cũng ghi lại gương của các thánh đồ đem con mình dâng cho Chúa như:
• Áp-ra-ham dâng con mình là Y-sác.
• Bà An-ne dâng con mình là Samuên từ trong lòng mẹ.
• Vợ chồng Giô-sép và Ma-ri đem Hài nhi Jêsus lên đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời.
Hành động dâng con mình cho Chúa là một hành động đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên Kinh thánh đã ghi lại. Chính Chúa Jêsus trong những năm thi hành chức vụ cũng đã ra lịnh đem các con trẻ đến cùng Ngài, và Chúa Jêsus đã bồng ẵm các con trả đó mà ban phước cho (Mác 10:14-16).
Người tin Chúa Jêsus dâng con không phải như quan niệm của người chưa tin. Người chưa tin Chúa thường có con khó nuôi khó dạy, họ thường đem con 'cho' thần của họ 'nuôi'. Nhưng người tin Chúa Jêsus không được theo quan niệm đó, ‘Dâng’ cho Chúa thì phải đem vật tốt nhất dâng (Malachi 1:8), không phải đem vật xấu mà dâng. Người tin Chúa Jêsus dâng con cho Chúa vì muốn bày tỏ lòng cảm tạ Chúa cho mình con cái làm cơ nghiệp, để Chúa sử dụng, còn cha mẹ nhận lại như một ân tứ Chúa cho để nuôi dạy con về thuộc thể lẫn thuộc linh, hầu đứa con đó trở nên ích lợi cho Chúa.

2. QUI ĐỊNH LỄ DÂNG CON CHO CHÚA:

Sau đây là những qui định của Hội thánh về Lễ Dâng con cho Chúa:
1/. Chỉ dâng những con trẻ có cha mẹ rõ ràng, hợp pháp và hiệp với Lời Chúa dạy.
2/. Nếu cha mẹ còn đủ, thì Hội thánh xếp đặt thì giờ thuận tiện của Lễ Dâng con để cha mẹ hiện diện (Trừ trường hợp cha hay mẹ chưa tin Chúa)
3/ Những con trẻ từ 7 tuổi trở lên thì nên dạy cho trẻ tự cn ăn năn tội tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của cá nhân con trẻ như người trưởng thành.
4/. Lễ Dâng con nên tổ chức trong nhà thờ, tốt nhất là trước thờ phượng Chúa.
Mục sư hay mục sư nhiệm chức hoặc truyền đạo đều được cử hành Lễ Dâng con cho Chúa.

3. NGHI THỨC DÂNG CON CHO CHÚA:

a. Mục sư mời cha mẹ bồng con trẻ lên phía tòa giảng, vợ chồng cùng đứng trước mặt mục sư hành Lễ.
b. Mục sư tuyên bố lý do và giới thiệu gia đình dâng con cho Chúa.
c. Hát Thánh ca dâng con hoặc có ý nghĩa dâng hiến (có thể chỉ hát 1 hoặc 2 câu).
d. Mục sư giải thích mục đích dâng con cho Chúa cho cha mẹ và Hội thánh hiểu, và có lời khuyên chung về việc nuôi dạy con cái về phương diện thế dục (ăn uống), trí dục (cho đi học), đức dục và linh dục (dạy con đọc Kinh thánh, cầu nguyện, nhóm lại thờ phượng Chúa, nhất là dạy con sự cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ.
HỎI cha mẹ con trẻ:
Trước khi tôi cầu nguyện dâng con trẻ cho Chúa, tôi có mấy điều hỏi Ông Bà ... (Hoặc Anh Chị...) về bổn phận làm cha mẹ, nhờ ơn Chúa, Ông Bà hứa nguyện với Chúa và làm theo, qua đó tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ không thiếu ơn phước để ban cho gia đình của Ông Bà.

1/. Lời Chúa dạy trong sách Châm ngôn 22:6 rằng: Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo.... Thế thì, trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Hội thánh, Ông Bà có hứa rằng sẽ vâng lời Chúa nuôi dạy con của mình về thuộc thể mạnh khỏe, cũng như phần thuộc linh sớm biết cầu nguyện, đọc Kinh thánh, nhóm lại với Hội thánh, nhất là sớm dạy cho con mình con đường cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ không?

2/. Lời Chúa trong thư II Timôthê 1:5 dạy rằng đời sống đức tin của ông bà cha mẹ ảnh hưởng đức tin của con cái, như bà và mẹ của Timôthê đã làm gương đức tin cho Timôthê. Vì vậy, trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Hội thánh, Ông Bà có hứa rằng nhờ ơn Chúa sống gương mẫu trong sự yêu thương và tin kính để làm gương cho con của mình không?
Mỗi lần cha mẹ hứa xong, mục sư nói: ‘Cầu xin Đức Chúa Trời ban năng lực của Chúa để Ông Bà làm trọn lời hứa nguyện này’.
Mục sư đặt tay trên con trẻ và tuyên bố: “.... (họ và tên con trẻ). Tôi xin nhơn danh Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh, mà dâng con trẻ này cho Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa nhận con trẻ này làm của báu riêng Ngài, dùng ảnh hưởng êm dịu của Đức Thánh Linh và Lời Đức Chúa Trời mà nuôi dưỡng con khôn ngoan càng thêm, thân thể càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và mọi người. Và đang buổi còn thơ ấu, sớm được Chúa gọi để phục vụ Ngài, hầu cho nhơn vì con này, mà Danh của Chúa được cả sáng, Nước của Chúa được mau đến - Amen!”.
Mục sư (không cần đặt tay nữa) cầu nguyện xin Chúa ban sức khỏe và bình an cho con trẻ. Xin Chúa tiếp trợ moị nhu cầu cho cha mẹ con trẻ để nuôi dạy cpn trẻ lớn lên đẹp lòng Chúa và mọi người như lời đã hứa nguyện,

4. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG LỄ DÂNG CON CHO CHÚA:

1/. Nghi thức mục sư đặt tay cầu nguyện cho con trẻ là thích hợp, mục sư không nên bồng con trẻ khi làm Lễ Dâng con, vì sẽ có nhiều bất tiện như con trẻ lạ người sẽ khóc, hoặc làm dơ trong giờ Lễ vì sợ.
2/. Nếu đang lúc hành Lễ, con trẻ khóc, thì nhắc cha mẹ cứ bình tỉnh dỗ nhẹ con trẻ. Vì vậy, Hội thánh cho cử hành Lễ Dâng con vào đầu giờ thờ phượng để con trẻ không phải chờ lâu gây bực bội cho trẻ. Ban Tráng niên chỉ dân cha mẹ chuẩn bị bình sữa, hoặc cái bánh để dỗ con trẻ.
3/. Hội thánh cho chuẩn bị người chụp ảnh làm kỷ niệm tặng cho gia đình (Ban Tráng niên phụ trách là tốt nhất).
4/. Ban Tráng niên chuẩn bị một món quà nhỏ để tặng Mừng gia đình dâng con cho Chúa. Hội thánh có thể nhơn Lễ Dâng con cho tổ chức Ngày Thiếu nhi để nhắc nhở phụ huynh quan tâm con cái trong gia đình và trong Hội thánh.

*******************************

Đề mục: LỄ DÂNG CON
Kinh thánh: I Sa-mu-ên 1:21-28
Câu gốc: I Sa-mu-ên 1:28
Mục đíchBài giảng cho Lễ Dâng con.

I/. NGHI THỨC LỄ DÂNG CON: I Sa-mu-ên 1:21-25

Câu chuyện Bà An-ne Dâng con là một trong những câu chuyện về việc Dâng con cho Chúa rất cảm động đáng cho chúng ta là những phụ huynh Cơ-Đốc học lấy để làm theo.
Qua phân đoạn Kinh thánh nầy, I Sa-mu-ên 1:21-25, Kinh thánh đã cho chúng ta biết nhiều điều cần yếu về nghi thức trong Lễ Dâng con cho Chúa.

1. I Sa-mu-ên 1:21-23 ghi rằng ông Ên-ca-na và gia đình theo lệ hằng năm đi lên Đền của Đức Giê-hô-va thờ phượng Chúa, ông muốn vợ mình là bà An-ne cùng đi, nhưng bà An-ne đã xin cho bà đợi đứa con trai của bà là An-ne dứt sữa, bà sẽ đem dâng cho Chúa.
Nghe yêu cầu của bà An-ne, ông Ên-ca-na đồng ý ngay, không hề phản đối là tại sao phải đem con dâng cho Chúa? Hoặc tại sao phải đợi dứt sữa? Hoặc chúng ta đã chờ đợi lâu lắm mới có một đứa con, tại sao không để nuôi nó mà dâng cho Chúa? Hoặc một ý kiến nào đó.
Sự đồng ý mau lẹ của Ên-ca-na, rõ ràng gia đình Ên-ca-na nói riêng và dân I-sơ-ra-ên nói chung, là những người biết Chúa biết Lời Chúa, đều biết nghi thức Lễ Dâng con mà Chúa đã dạy trong Kinh thánh thời bấy giờ.
Thật vậy, qua Kinh thánh là Lời Chúa dạy, chúng ta thấy Lễ Dâng con cho Chúa đã được Kinh thánh nói đến nhiều lần:
• Sách Sáng thế ký 22:, Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham đem con của ông là Y-sác dâng cho Chúa trên núi Mô-ri-a.
• Xuất Ê-díp-tô ký 13:11-12, nhơn dịp Lễ Vượt qua đầu tiên, Đức Chúa Trời đã ra lịnh cho dân Chúa phải dâng con đầu lòng cho Chúa.
• Luca 2:22-24, chính Chúa Jêsus cũng đã được cha mẹ Ngài là Giô-sép và Ma-ri đem dâng tại Đến thờ Giê-ru-sa-lem theo lời Chúa dạy.
• Mác 10:14, và tất cả chúng ta là Cơ-Đốc nhân đều biết mạng lịnh của Chúa Jêsus Christ: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm

2. I Sa-mu-ên 1:24a, Lời Chúa cũng dạy Lễ Dâng con sẽ được thực hiện tại nơi thờ phượng Chúa, như bà An-ne đã đem con mình đến Đền của Đức Giê-hô-va.
Tôi suy nghĩ về điều nầy mà lòng cảm động trước sự yêu thương của Chúa đối với con trẻ. Vì trong Hội Thánh bởi Lời Chúa dạy có những Giáo Lễ, Thánh Lễ; các Giáo Lễ, Thánh Lễ được cử hành tại những địa điểm khác nhau:
• Lễ Báp-têm được cử hành dưới sống, suối, hoặc trong hồ.
• Lế Hôn phối - Lễ Cưới được cử hành tại Nhà thờ hoặc ở Nhà riêng.
• Lễ An táng cử hành Nhà thờ hoặc nhà riêng.
• Lễ Tiệc thánh cử hành nơi Nhà thờ, nơi thờ phượng Chúa.
Và bây giờ, Lễ Dâng con, Kinh thánh cho thấy như An-ne, hay Ma-ri, đều dâng con tại Đền thờ. Như thế, Đức Chúa Trời thật tôn trọng Lễ Dâng con cho Chúa. Chúa còn tôn trọng Lễ Dâng con dường ấy, có lý nào Cơ-Đốc nhân chúng ta lại lơ là hoặc thiếu tôn trọng?
Cho nên tôi kêu gọi Hội Thánh cũng như các bậc phụ huynh nhờ ơn Chúa giữ thái độ tôn nghiêm đáng phải có, đặc biệt là gia đình có con để dâng.

3. I Sa-mu-ên 1:24b-25, nghi thức Lễ Dâng con theo Kinh thánh ghi lại thường kèm theo những của lễ của phụ huynh dâng con.
• Trường hợp của bà An-ne, Lễ Dâng con của bà kèm theo ba con bò đực, một ê-pha bột mì, và một bầu rượu
• Trường hợp của bà Ma-ri khi dâng Chúa Jêsus, thì bà dâng một cặp chim cu, vì gia đình nghèo.
Ngày nay, Hội Thánh không qui định kèm theo của lễ, mà chúng ta đều biết Chúa không ưa thích của lễ bằng tấm lòng yêu mến Chúa của người dâng. Cho nên tôi xin Chúa ban cho anh chị là người dâng con hôm nay, ít nhất có kèm theo tấm lòng yêu mến Chúa khi anh chị dâng con mình cho Chúa. Tôi tin rằng với tấm lòng yêu mến Chúa kèm theo việc anh chị dâng con trẻ nầy, đó là của lễ đẹp lòng Chúa, và Chúa sẽ không thiếu ơn phước dành cho anh chị với cháu đâu.

II/. MỤC ĐÍCH CỦA LỄ DÂNG CON: I Sa-mu-ên 1:26-28.

Trong phân đoạn Kinh thánh nầy, Lời Chúa nêu ra hai mục đích của Lễ Dâng con:

1/. Dâng con để tỏ lòng biết ơn Chúa: I Sa-mu-ên 1:26-27.
Bà An-ne đem con mình lên Đền thờ để dâng cho Chúa, bà đã thuật lại cho Thầy tế lễ Hê-li về gốc tích của đứa con mà mình muốn dâng cho Chúa.
Bà An-ne bày tỏ mục đích của bà muốn dâng con cho Chúa là vì đó là đứa con mà Chúa đã ban cho bà: Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu nguyện. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi đã cầu xin cùng Ngài (1:27)
Bà An-ne biết rõ con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho (Thi thiên 127:3). Chữ cơ nghiệp nói lên rằng con cái cũng phần sản nghiệp mà Chúa cho chúng ta, không phải mình muốn mà có được. Hiểu như vậy, chúng ta mới hiểu rằng việc dâng con cũng có ý nghĩa như dâng của cải, tài sản, tiến bạc cho Chúa: Dâng không phải là đền ơn Chúa, trả ơn cho Chúa, mà là để tỏ lòng biết ơn Chúa. Vì ơn Chúa làm sao chúng ta báo đáp được (Thi thiên 116:12).
Bởi Lời Chúa dạy, bởi gương của bà An-ne, tôi nhắc anh chị trong Lễ Dâng con giờ nầy, thật sự Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Chúa cả, kể cả dâng con, nhưng Chúa muốn chúng ta dâng cho Chúa là vì Chúa muốn chúng ta là con cái Chúa bày tỏ tấm lòng của chúng ta biết ơn
Chúa trước những ơn lành của Chúa, mà con cái là một trong những ơn phước của gia đình chúng ta.
Xin Chúa cho anh chị trong giờ nầy thật có đồng tâm tình như bà An-ne đã có khi dâng con cho Chúa.

2/. Dâng con là kể nó thuộc về Chúa: I Sa-mu-ên 1:28a,
Thói thường của những người Việt Nam chưa tin Chúa là lúc nào cũng sợ Ông Bà nào đó quở con mình, khiến sẽ khó nuôi:
• cha mẹ không dám đặt tên tốt cho con mình, sợ Ông Bà nào đó quở. Cho nên tội nghiệp có nhiều đứa trẻ mang những cái tên kỳ cục, xấu xí đến khi lớn lên, làm đứa con đó rất hổ thẹn.
• không dám khen con mình đ vì sợ Ông Bà quở sẽ khó nuôi, nên thay vì nói: Ba má THUƠNG con quá, thì lại nói: Ba Má GHÉT con quá. Muốn nói: con ngoan quá, thì lại nói: cái thằng nầy (hay con nhỏ nầy) HƯ quá…
Nhất là trong tinh thần mê tín sợ hãi như vậy, khi con mình vì lý do nào đó như: sức khỏe kém, suy dinh dưỡng nên hay bịnh, hoặc vì cưng chiều quá thành hư đốn khó dạy, thế là cha mẹ lại đem con mình đến một Ông Thầy nào đó gọi là cho nó cho một vị thần nào đó, để họ nuôi, rồi Ông thầy nào đó đặt một cái tên kỳ cục.
Rủi thay là một số con cái Chúa, dù đã tin Chúa biết Chúa rồi, nhưng dường như vẫn còn bị tinh thần mê tín đó ảnh hưởng, nên khi dâng con cho Chúa lại nghĩ rằng: Dâng con cho Chúa là giao con cho Chúa nuôi, để nó tai qua nạn khỏi. Thật là một ý nghĩ sai lầm không được có trong đời sống Cơ-Đốc nhân.
Cảm ơn Chúa, bà An-ne đã để lại cho chúng ta một gương mẫu trong việc Dâng con cho Chúa. Trong 1:28, bà An-ne thật đã hiểu rõ về mục đích dâng con của mình, ngoài việc tỏ lòng biết ơn Chúa, bà còn biết trách nhiệm của bà dau khi Dâng con cho Chúa:
• 1:28a, bà An-ne thưa với Chúa:
'Vì vậy,' nghĩa là vì bà thật sự muốn tỏ lòng biết ơn Chúa như bà đã nói trong câu 26-27,
'Tôi cũng Dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va MƯỢN NÓ TRỌN ĐỜI NÓ. Bà An-ne muốn nói gì? Bà muốn nói rằng, đứa trẻ vẫn là con của bà, trách nhiệm vẫn là của bà, nhưng Chúa là CHỦ của nó, Chúa muốn dùng nó vào việc gì, cách nào, bà sẵn sàng ủng hộ Chúa.
Dĩ nhiên, đứa trẻ lớn lên nó có quyền tự do quyết định của nó đối với Chúa, nhưng ít nhất cha mẹ nó phải có một đường hướng giáo dục cho con mình. Ông bà xưa nói: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà; con có cha như nhà có nóc, nếu cha nó không dạy, không làm cái nóc nhà che chở nó, thì trách gì nó không ở ngoài sân đi hoang, không thích ở trong nhà. Tôi nói giáo dục, dạy dỗ, tôi không nói kềm kẹp nó, hà khắc nó.
Chúng ta cũng có thể đọc thêm 2:19 để thấy bà An-ne không hề quên trách nhiệm cả phần thuộc thể cho con, luôn giữ trách nhiệm suốt đời sống của bà.
Tôi không biết anh chị dâng con cho Chúa giờ nầy, cũng như bao nhiều phụ huynh đã từng dâng con hoặc chưa dâng con cho Chúa, mong muốn con mình lớn lên làm gì? Có mong ước con mình lớn lên sống đời sống yêu mến Chúa không? Có mong ước con mình lớn lên biết phục vụ
Chúa không? Tôi không có ý nói đứa trẻ nầy buộc phải làm Mục sư, nhưng tôi muốn nói nó sẵn sàng góp phần vào việc mà Chúa muốn nó làm không? Mà vả như Chúa gọi nó dâng mình phục vụ Chúa, thì anh chị có ủng hộ nó không? Xin Chúa cho anh chị thật lòng trả lời với Chúa là CÓ, CON SẴN LÒNG ỦNG HỘ NÓ.



Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn