18:05 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương XI - Ma Quỉ

Thứ năm - 29/01/2015 23:02
Thần Đạo Học - Chương XI - Ma Quỉ

Thần Đạo Học - Chương XI - Ma Quỉ

Ma là một khái niệm trừu tượng, một phần phi vật chất của một người đã chết (hay hiếm hơn là một động vật đã chết). Theo quan niệm của một số tôn giáo và nền văn hóa, con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn (mang tính phi vật chất). Khi thể xác chết, linh hồn xuất khỏi thể xác.
----------------------





 
CHƯƠNG XI
MA QUỈ

******************************
 

Ma là một khái niệm trừu tượng, một phần phi vật chất của một người đã chết (hay hiếm hơn là một động vật đã chết).
Theo quan niệm của một số tôn giáo và nền văn hóa, con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn (mang tính phi vật chất). Khi thể xác chết, linh hồn xuất khỏi thể xác. Nếu linh hồn đó không có cơ hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ chung với các linh hồn khác mà tương tác với cõi thực có con người sẽ gọi là "ma", "hồn ma", "quỷ"; nhưng nếu các phần phi vật chất đó tương tác với cõi thực của con người theo tình cảm, theo trách nhiệm được giao của các tôn giáo thì lại gọi là "hồn", "linh hồn", "thánh", "thần", "thiên sứ". Phật giáo gọi linh hồn người mới mất là hương linh.
Thực tế thì khi nói đến ma, người ta chỉ nghĩ đến những đối tượng phi hình dáng, khó làm hại người. Nhưng khi nói đến "quỷ", thì đó là một khái niệm đáng sợ. Trong chuyện kể dân gian các nước thường lưu truyền những câu chuyện về quỷ từng giết và ăn thịt người rất hãi hùng dễ sợ, ma quỷ có thể nhập vào người sống...
Theo tín ngưỡng Việt Nam, trong con người có cái vật chất và tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt, nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm linh hồn. Và linh hồn theo người Việt Nam và các nước Đông Nam Á tách ra làm 2 phần: hồn và vía. Người Việt cho rằng con người có 3 hồn, nhưng vía thì nam có 7, còn nữ có 9. Như vậy khái niệm ma, đơn giản chính là hồn và vía của con người. 1
Tôi muốn mượn những giải thích trong trang wikipedia để vào đề cho Chương XI nói về Ma Quỉ, vì thấy một quan niệm hoàn toàn Việt nam, đồng thời cũng gợi ý cho chúng ta có định nghĩa về ma quỉ rất Việt nam.

I/. ĐỊNH NGHĨA “MA QUỈ”

A. Theo Việt ngữ:


Rõ ràng trong Việt ngữ “Ma Quỉ” là một từ ghép hai loại hình khác nhau.

1. Ma:
Theo Tự Điển Wikipedia thì “Ma” là một vật thể phi hình dạng. Cách định nghĩa này nhắc chúng ta nhớ đến quan niệm của các môn đồ khi thấy Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển được ghi trong Mathiơ 14:26, trong bối cảnh sóng to gió lớn, lại vào ban đêm, một bóng người hiện ra trên mặt sóng dập dờn, các môn đồ đã bối rối (hay sợ hãi) mà la lên: Ấy là một con MA.
Lần thứ hai sau khi Chúa Jêsus sống lại, Ngài đã hiện ra trong căn phòng các môn đồ đang họp lại bàn tán khi nghe hai môn đồ về Em-ma-út báo tin gặp Chúa Jêsus trên đường, lúc ấy

cũng vào ban đêm. Một lần nữa, chúng ta thấy các môn đồ đã nghĩ rằng họ thấy MA (Luca 24:37 - chữ thần cũng được dịch là linh, chính nghĩa là ma, một bóng người)
Do quan niệm như vậy, nhận xét của chúng ta là người Y-sơ-ra-ên hay người Việt nam đều có chung quan niệm ma; người Y-sơ-ra-ên của gần 2.000 năm trước cũng giống người Việt nam 2.000 năm sau khi thấy bóng người không rõ đều nghĩ đến một dạng mà cả hai đều gọi là ma.
Nói chung, nói đến ma là nói đến một cái bóng không định dạng, có thể là người có thể loài thú, nhưng đều chung đặc tính là có hại, không có lợi. Vì thế, tiếng Việt là từ kép đã dùng từ ma đi kèm với ma quỉ, ma túy, ma men, ma môn.

2. Quỉ:
Trong ý tưởng của người Việt nam chúng ta khi nói đến QUỈ là muốn nói đến sự phá phách, quậy phá, làm khổ, do đó có thành ngữ: quậy phá như quỉ, dữ như quỉ, xấu như quỉ. Nói chung những cái gì xấu nhất, đáng ghét nhất thì người Việt nam chúng ta đều dành cho quỉ.
Trong Tự Điển Việt nam giải thích Quỉ là một quái vật dữ tợn do tưởng tượng mà ra, và trong ý nghĩ của người Việt nam thì Quỉ sẽ có hình dáng dữ tợn với dáng ốm trần trụi, có cặp sừng trên đầu, có đuôi, thè lửa, tay cầm chỉa ba. Có lẽ vì nghĩ rằng Quỉ ít khi hiện hình nên tiếng Việt đã ghép từ ma đi chung với Quỉ.
Như vậy, Ma Quỉ được định nghĩa là một dạng vừa phi vật thể vừa có thể hiện hình như một dạng người hoặc một loại thú - thường là thú dữ.

B. Theo nguyên ngữ:

1. Trong Cựu Ước

Trong Cựu Ước có những câu đề cập đến ma quỉ dưới các tên śā‘ îr (RSV dịch ‘thần dê’, Lêv. 17:7; II Sử 11:15) và šēd (Phục 32:17; Thi 106:37). Từ ngữ đầu có nghĩa là ‘một người lông lá’, và chỉ về ma quỉ giống như một thần dê. Từ ngữ sau không có nghĩa rõ ràng, mặc dù từ này rõ ràng có liên hệ với một từ tương tự trong tiếng A-si-ri…

2. Trong các sách Phúc Âm:
Có rất nhiều câu đề cập đến ma quỉ. Cách gọi thông thường là daimonion, một từ cho hậu tố của diamōn, được tìm thấy trong Mathiơ 8:31, nhưng rõ ràng không có nghĩa (những phân đoạn tương ứng dùng từ diamonion). Trong các tác phẩm cổ điển, daimon thương được dùng với nghĩa tốt, chỉ về một vị thần hoặc một năng quyền thần thánh. Nhưng trong Tân Ước, từ diamōn và daimonion luôn chỉ về những bản thể thuộc linh thù địch với Đức Chúa Trời và con người. Bê-ên-xê-bun (BA-ANH-XÊ-BỤT) là ‘chúa’ của chúng (Mác 3:22), cho nên chúng có thể được hiểu là những sứ giả của hắn.2
Còn Giáo sĩ John D. Olsen thì giải thích từ ngữ Quỉ như sau: Kinh thánh thường luận đến những vị giống như thiên sứ ác mà lại khác, gọi là quỉ hay là thần ô uế. Tên ấy khác với ma quỉ, vì trong nguyên văn Hi-lạp, ma quỉ là diabolos, chỉ dùng để kêu Satan mà thôi; còn quỉ là daimon hay là daimonion thường dùng để kêu những vị không phải Satan. Cho nên dẫu trong tiếng Việt nam hai tên ấy có hơi giống nhau, thì nên phân biệt vì nghĩa thật thì khác nhau lắm. Nghĩa đen danh từ daimon chẳng ai rõ, nhưng theo triết gia Plato, thì có nghĩa là hiểu biết hay là thông minh, có lẽ ám chỉ rằng các vị ấy có sự thông minh trí huệ cao (Mathiơ 8:28; 9:33; 10:1).

I/. CÓ MA QUỈ KHÔNG?
Tuy nhiên, câu hỏi cần nói đến trước khi khảo học sâu lẽ đạo về Ma Quỉ này là có hay không có ma quỉ? Chúng ta có ba (3) câu trả lời khác nhau.

1. Không có ma quỉ:
Một số người cho rằng chuyện Ma Quỉ là những truyện thần thoại dành cho những người mê tín dị đoan, dùng để hù dọa. Những người này tìm cách để giải thích những hiện tượng khác thường, theo cách hiểu của lý trí, hoặc theo tâm thần học, họ hoàn toàn bác bỏ sự hiện hữu của Ma Quỉ.
Những người theo chủ trương này cũng nhân danh khoa học hoặc tự cho rằng mình can đảm không sợ tà ma quỉ quái.
Trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng một thời, cũng đã được quay thành phim, có tựa đề Quỉ ám, nội dung nói về một em gái bị quỉ ám, nhưng các bác sĩ không tin và cho rằng bịnh nhân bị một chứng bịnh thuộc dạng tâm thần. Cuối cùng cho thấy y học đã bó tay.
Thật sự Ma Quỉ đã khôn ngoan xảo quyệt làm cho nhiều người nghĩ rằng không có ma quỉ để họ không còn cảnh giác trước sự tấn công của ma quỉ. Phaolô nói, chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết (nghĩa là địch thủ của những người tin Chúa Jêsus không hiện hình), bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.
Tai hại hơn là trong những năm gần đây, loạt truyện cũng như quay thành phim Harry Potter đã đề cập đến Ma trong Trường Phù thủy, với những Ma dạng người bình thường, tạo cho người đọc truyện và người xem phim một khái niệm ma không đáng sợ, trở nên một dạng dễ thân cận hơn, làm cho con người muốn kết thân với Ma.

2. Có ma quỉ và sợ hãi nó:
Hầu hết người Việt nam chúng ta mang nặng sự sợ hãi ma quỉ có lẽ từ bé thơ những lúc khóc la, làm nũng, và để dỗ cho con cái nín khóc hoặc vâng lời, phụ huynh thường hù dọa bằng cách gọi “Ông Kẹ”, hoặc dùng cái bóng đen đe dọa. Từ trí óc bé thơ đó bị ấn tượng sợ hãi ma quỉ. Khi lớn lên do tâm lý thích nghe kể truyện, lại nghe những người chung quanh kể những truyện thần tiên quỉ quái, khiến tâm trí thu nạp thêm một số hình ảnh tưởng tượng đáng sợ về ma quỉ, cộng thêm việc sống giữa môi trường thờ cúng rằm tháng 7 (cúng cô hồn, vong linh), những buổi ma chay tang lễ đầy vẻ đáng sợ. Tất cả hợp lại tạo trong tâm trí người Việt-nam một hình ảnh đáng sợ về ma quỉ.
Từ nỗi sợ hãi ám ảnh này đưa đến thái độ tôn ma quỉ làm thần để thờ lạy, ngay cả việc lập một loại tôn giáo thờ Satan. Thái độ tôn thần ma quỉ chỉ là hình thức tự kỷ ám thị cho rằng để ma quỉ không phá phách họ nữa, hoặc để nhờ ma quỉ ban ân huệ vật chất gì đó cho họ.
Như trường hợp sau đây: thập niên 1990, một bà tín đồ sau khi tin Chúa Jêsus tại vùng Sàigòn đã làm chứng lại rằng khi bà chưa tin Chúa, bà mua một căn nhà vùng sát bờ sông Tân Thuận. Mỗi đêm nằm ngủ bà thường bị một cái bóng đen to lớn hiện ra bảo bà phải đào cái bùa ở dưới giường của bà đem lên thờ, không thì nó sẽ làm cho bà bịnh. Ban đầu bà không tin, nhưng mấy hôm sau, bà thách thức bóng đen đó cho bà trúng số đề, bà sẽ thờ nó. Quả nhiên bà mua theo số mà nó cho thì trúng. Bà đào lá bùa đó lên và thờ cúng. Mãi đến khi con trai của bà từ ngoại quốc gởi thư về khuyên bà đến nhà thờ Tin Lành nghe giảng để tin Chúa, bà làm theo nhờ đó Chúa đã cứu bà.
Lời làm chứng của bà tín đồ này giống như truyện Faust của Thi hào, kịch tác gia Goethe, một vở kịch mà tác giả đã tốn công phu gần 30 năm. Kịch Faust là tên nhân vật chính trong vở kịch là một bác sĩ muốn khám phá nhiều bí mật của vũ trụ, muốn tận hưởng khoái lạc mà không làm sao toại nguyện được.
Quỉ Méphistophéles xuất hiện và hứa sẽ thỏa mãn Faust về hai phương diện nói trên với điều kiện là sau khi Faust được toại nguyện rồi thì Faust phải thuộc quyền sở hữu của quỉ. Faust bằng lòng.
Cam kết xong, Faust theo quỉ, khám phá được một số bí mật của vũ trụ, theo quỉ tìm khoái lạc. Chàng ta dỗ dành cô Marguerite, có con với Marguerite, rồi bỏ cô ấy, khiến cô ấy thất vọng tự tử.
Đến đây Faust bắt đầu thất vọng: Óc tò mò muốn khám phá bí mật của vũ trụ, càng đi xa bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu, vì vũ trụ bao la quá, huyền bí quá; sự săn đuổi khoái lạc hỗn độn cũng chỉ mang lại cho Faust những sự hối hận, buồn tủi, chán chường… 3
Đó là cách ma quỉ đã đem cám dỗ Chúa Jêsus trong đồng vắng khi nó nói với Chúa rằng nếu Ngài thờ lạy nó thì nó sẽ cho Ngài tất cả vinh quang của thế gian - một con đường tắt không qua thập tự giá. Nhiều người đã bằng lòng thờ lạy nó như hai trường hợp trên.

3. Có ma quỉ và đối địch với nó:
Tất cả những người tin Chúa Jêsus theo lời dạy của Kinh thánh đều tin rằng CÓ Ma Quỉ và họ biết rằng nó là kẻ thù của người tin Chúa Jêsus
- Êphêsô 6:11-13, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở người tin Chúa Jêsus biết kẻ thù của người tin Chúa Jêsus không phải bằng xương bằng thịt, nhưng vô hình và có uy quyền từ không trung và trên đất.
- I Phierơ 5:8, Lời Chúa cảnh báo người tin Chúa Jêsus rằng ma quỉ như sư tử rống – nghĩa là một con thú dữ nhất đang đói, sẵn sàng cắn nuốt - đang rình mò chung quanh người tin Chúa Jêsus.
- Gia-cơ 4:7 kêu gọi người tin Chúa Jêsus đầu phục Đức Chúa Trời, chống trả ma quỉ.

II/. BẰNG CỚ CÓ MA QUỈ:

1. Ngoại chứng:
Về bằng chứng bên ngoài Kinh thánh, chúng ta đã có những bằng chứng từ hai quan niệm phủ nhận và sợ hãi ma quỉ đã nói trong phần I.
a. Bằng chứng từ nguyên tri của con người: mọi người đều có một nhận thức tự nhiên là có sự hiện diện của một quyền lực siêu hình làm ác, mà người Việt-nam chúng ta gọi là ma quỉ. Dù không cần theo một tôn giáo hay dạy dỗ chối bỏ ma quỉ, nó vẫn có trong tâm trí của con người, có khi họ không nói ra, hoặc nói ra là mình không sợ ma quỉ hoặc không tin có ma quỉ.
b. Các tôn giáo của loài người đều nhìn nhận có ma quỉ, ngay cả tôn thần để thờ lạy nó như đạo Satan.
c. Ngôn ngữ loài người hầu hết đều có từ ngữ để chỉ về ma quỉ


2. Nội chứng:
Về nội chứng, chúng ta có nhiều bằng cớ sự thực hữu của ma quỉ từ Kinh thánh:
a. Cả Kinh thánh Cựu và Tân Ước đều có nói đến ma quỉ. Ngay những chương đầu của Kinh thánh đã dùng từ ngữ quỉ quyệt và sự xuất hiện qua hình ảnh con rắn mà Khải huyền 12:9 đã xác định con rắn đó là ma quỉ. Đặc biệt hơn nữa chỉ Kinh thánh trong kinh Cựu Ước mới nói đến nguồn gốc của ma quỉ (Êsai 14; Êxêchiên 28).
b. Chính Chúa Jêsus Christ khi còn ở trên đất thường nói đến ma quỉ và Ngài thường đuổi quỉ cho những người bị quỉ ám – Mathiơ 8:28-32; 10:8; 12:27-28; Mác 16:17; Giăng 8:44
c. Bảy mươi môn đồ được Chúa Jêsus sai đi giảng Tin Lành, khi trở về họ báo cáo với Chúa Jêsus rằng: các quỉ cũng phục họ - Luca 10:17
d. Các sứ đồ luôn cảnh báo những người tin Chúa Jêsus về sự cám dỗ, tấn công của ma quỉ.
- Phierơ với I Phierơ 5:8
- Phaolô với Công vụ 16:14-18; I Côrintô 10:20-21; I Timôthê 4:1
- Sứ đồ Giăng xác nhận hoạt động của quỉ Satan trong con người của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt – Giăng 13:27; đặc biệt Giăng nói đến hoạt động của ma quỉ rất nhiều trong sách Khải huyền (9:20; 12:9, 12)
- Thánh Gia-cơ còn cho người tin Chúa Jêsus biết rằng ma quỉ run sợ trước Đức Chúa Trời – Giacơ 2:19; 4:7.
e. Hội thánh trải qua các thời đại từ đầu tiên đến nay, luôn bị ma quỉ tấn công và Hội thánh cũng từng nhơn danh Chúa Jêsus Christ mà trừ quỉ như lời Chúa Jêsus hứa trong Mác 16:17. Cụ thể như Công vụ 5:3, Phierơ quở trách A-na-nia đã để quỉ Satan đầy dẫy trong lòng; 8:7 chấp sự Phi-líp đã đuổi nhiều tà ma ra khỏi những người bị ám; 16:16-18, Phaolô đã đuổi quỉ Phi-tôn; 19:13-16, có những người giả Danh Chúa Jêsus để trừ quỉ bị quỉ nhập làm khốn khổ.
Hội thánh ngày nay cũng từng trải nhiều lần nhờ Danh Chúa Jêsus mà trừ ma quỉ. Ngay trong những người tin Chúa Jêsus tại Việt nam đã từng thấy, nhiều cá nhân kinh nghiệm đuổi quỉ hoặc được Hội thánh nhơn Danh Chúa Jêsus mà đuổi quỉ cho.






 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn