12:17 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương XIV - Địa Ngục

Thứ hai - 16/03/2015 22:25
Thần Đạo Học - Chương XIV - Địa Ngục

Thần Đạo Học - Chương XIV - Địa Ngục

Việt ngữ gọi nơi này theo hán tự gồm hai từ: Địa nghĩa là Đất; Ngục là chốn giam giữ, nhà tù hình phạt. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh giải thích danh từ “Địa ngục” là chỗ linh hồn người ác phải chịu hình phạt sau khi chết.
---------------------------------







CHƯƠNG XIV
ĐỊA NGỤC

**************************


 
Chúng ta vừa khảo học về Thiên đàng, nói đến Thiên đàng thì cũng phải nói đến Địa ngục.

I/. ĐỊNH NGHĨA ĐỊA NGỤC:

1. Trong Việt ngữ:


Việt ngữ gọi nơi này theo hán tự gồm hai từ: Địa nghĩa là Đất; Ngục là chốn giam giữ, nhà tù hình phạt. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh giải thích danh từ “Địa ngục” là chỗ linh hồn người ác phải chịu hình phạt sau khi chết. Địa ngục có 136 tầng ngục, hễ người sinh tiền làm những điều ác thì linh hồn khi chết phải vào chốn ấy. 1
Nói cách khác, từ ngữ Địa ngục là ngục tù trong lòng đất, nơi đó hình phạt những người ác.

2. Địa ngục trong các Tôn giáo:

Trong thần thoại Hy Lạp, Hades (tiếng Hy Lạp: Άδης), hay còn gọi là Aides, vừa là địa ngục, nơi cai quản của thần Hades, vừa là tên của vị thần này. Trong thần thoại La Mã, Hades được biết đến với tên gọi Pluto.
Thần Hades là con trưởng của Cronos và Rhea, và là anh của Zeus và Poseidon. Hades cùng với anh em mình đánh bại các Titan và từ đó chia quyền cai quản thế giới: Zeus nhận lấy bầu trời, Poseidon ở đại dương Hades cai quản địa phủ, và mặt đất nằm trong quyền lực của cả ba người. Vì Hades là thần cai quản địa ngục, nhiều người vẫn nhầm Hades với thần chết.
Trong thần thoại Hy Lạp xưa, Hades là nơi ảm đạm, tối tăm, nơi linh hồn người chết tìm đến. Triết học Hy Lạp sau này thêm vào ý tưởng rằng linh hồn người chết sẽ bị phán xét ở địa phủ, tùy theo công tội mà thưởng phạt. Rất ít người phàm trần, trong số đó có Heracles, Orpheus, Aenas và Psyche, có thể đến đặt chân đến địa phủ mà có thể quay về.
Trên đường đến địa phủ, người chết phải dùng một đồng tiền (mà thân nhân đặt vào miệng họ) để nhờ người lái đò Charon giúp vượt sông Acheron. Trong Aenid, Virgil kể về linh hồn của những kẻ ăn mày và những kẻ cô độc, vì không được chôn cất tử tế, phải dạt lại bên bờ sông, không có tiền để đi đò sang sông.
Trong Phật giáo, địa ngục (naraka) được xem là nơi nhiều khổ ải, nhưng sau khi Nghiệp ác chấm dứt có thể tái sinh trên những thiện đạo. Ta cần hiểu địa ngục không phải là một thế giới có vị trí địa dư thông thường mà đó là một trạng thái của tâm thức, nên hiểu Tịnh độ cũng là như thế. Địa ngục chỉ là một trong ba ác đạo, song song với Ngạ quỉ (quỉ đói) và súc sinh.
Trong quan điểm vũ trụ của Phật giáo, địa ngục có nhiều dạng khác nhau, gần giống với quan điểm của Ấn Độ giáo: hỏa ngục và hàn ngục, chia làm 8 ngục chính với 16 ngục phụ, mà A-tì địa ngục (avīcī) là ngục khủng khiếp nhất. Chúng sinh trong địa ngục chịu nhiều khổ hình trong
những thời gian khác nhau, như bị lột da lóc thịt, bị cắn mổ... Địa ngục của phật giáo được Diêm vương (yama) cai trị.
Từ gốc trong thuật ngữ Ấn Độ là naraka (tiếng Phạn) và niraya (tiếng Pāli), dịch sang tiếng Hán là Nại-lạc, Na-lạc và Nê-lê. Được xem là một trong 3 đường ác (Tam ác đạo, Tam ác thú), hoặc là một trong Ngũ thú Lục đạo hay Thập giới. Kinh điển đề cập đến nhiều loại và tên các địa ngục, trong đó, nổi tiếng nhất là Bát nhiệt địa ngục (hoặc Bát đại địa ngục và Bát hàn địa ngục kéo dài từ địa ngục Đẳng hoạt đến Địa ngục A-tì (avīci), là toàn phần của Căn bản địa ngục. Còn có địa ngục nhỏ hơn, kế tiếp hoặc sát bên cạnh. Tầng thứ ba địa ngục gọi là những địa ngục biệt lập (Cô địa ngục) ở trong núi, sa mạc ở bên trên mặt đất. Sự tạo thành và tương quan giữa các địa ngục được giải thích chi tiết trong những kinh luận như A-tì-đạt-ma Câu-xá luận. Như người ta nghĩ, giáo lí chung về địa ngục được phát triển qua một thời gian dài, căn cứ vào nhiều nguồn và ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ. Mọi cuốn từ điển Phật giáo đều có ghi đề mục này, bao gồm nhiều chi tiết về danh mục và thuộc tính của từng địa ngục.
Vị bồ tát cai quản địa ngục trong phật giáo là Địa Tạng.
Một người bạn của tôi là Đại đức Triều Dương, sau này Triều Dương tin Chúa Jêsus và là một người có đức tin rất tốt, đã viết tặng tôi tập Tìm Hiểu Phật Giáo, trong đó có một chương ông viết về Địa Tạng Vương và Địa Ngục như sau:
“Trong một lần thuyết pháp tại vườn của ông Cáp Cô Độc thuộc nước Xá-Vệ, Phật Thích ca khỏi giảng về cõi u minh. Theo Địa Tạng Kinh, thì trong chốn u minh, hay gọi là Địa ngục ấy có một vị gọi là Địa Tạng Vương Bồ tát làm giáo chủ cai quản cõi Âm Diêm Phủ đế’. Nơi Diêm Phủ đế tức Địa ngục có cả thảy 10 cửa ngục, mỗi cửa ngục có một vị cai quản gọi chung là lũ Quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa chuyên môn hình phạt các vong hồn có tội trên trần gian chết xuống. Theo Kinh này, ai trên thế gian ăn ở bất nhân, không kính sợ chư Phật, không biết làm lành lánh dữ, khi chết sẽ sa vào chốn nầy để luyện tội. Thời gian luyện tội dài ngắn tùy theo việc làm của người đó trên dương thế. Mãn hạn luyện tội, linh hồn ấy được cho đi đầu thai. Bồ tát Địa Tạng Vương đáng lẽ làm Phật rồi, nhưng ông có hứa rằng khi nào trong Địa ngục không còn một chúng sanh luyện tội thì ông mới thành Phật.
Phật Thích ca cũng thuyết một câu thần chú để phá Địa ngục là “Án già la đế, gia ta bà ha”. Cứ vô chùa gióng đại hồng chung (chuông lớn) đọc câu thần chú ấy tức thì Địa ngục tự nhiên mở ra và các linh hồn có dịp vượt ngục lên thế gian.
Địa tạng Kinh thuộc hạng Kinh cho giới tiểu thừa…Vả lại trong Kinh Vu lan, Phật Thích ca dạy: “Nếu ai có cha mẹ lúc sanh tiền làm ác, khi chết xuống Âm phủ sẽ bị định tội. Muốn trả hiếu cho cha mẹ phải thỉnh chư tăng hiệp lại chú nguyện, thì linh hồn sẽ siêu thoát lên cõi Niết bàn”. Nếu quả vậy, ắt hạng giàu có, linh hồn cha mẹ được lên Niết bàn; còn hạng nghèo khổ thì linh hồn cha mẹ sẽ bị mãi mãi ở chốn Địa ngục sao?
Nếu một câu chú “Án già la đế, gia ta bà ha” mà có thể phá được cửa Địa ngục cho các linh hồn vượt ngục, như vậy Phật Thích ca đã can thiệp vào nội tình của chốn u minh, gây mất trật tự và khó khăn cho Bồ tát Địa Tạng Vương cùng Thập điện Diêm Vương.
Người heo Phật giáo rất sợ Bồ tát Địa Tạng Vương càng tìm cách lấy cảm tình với “Thập Điện Diêm Vương”. Trong chùa thì ngôi vị cao nhất là Phật A-di-đà giáo chủ giới Cực Lạc, và thờ Địa Tạng vương Bồ tát cùng Thập Điện Diêm Vương”.2
Khi còn nhỏ, có vào xem một chiếc xe của một người làm thành cảnh Thập Điện Diêm phủ với cảnh 10 cửa ngục nơi Âm phủ. Người thực hiện xe này dùng những con rối nhỏ cử động hạn chế, để mô tả từng cảnh tưởng tượng những hình phạt nơi Địa ngục mà người Việt nam thường tin tưởng, như cưa hai một người phạm tội, nấu dầu,… làm cho người mua vé vào xem sợ hãi lắm khi nghĩ đến hình phạt đời sau nếu không ăn hiền ở lành.

3. Trong Kinh thánh:
Kinh thánh nói gì về Địa ngục?
Kinh thánh xác nhận cho chúng ta là Địa ngục là có thật, không phải là điều hù dọa làm loài người giảm bớt gian ác. Kinh thánh cũng xác nhận Địa ngục là chốn hình phạt những tội nhân không chịu ăn năn tội lỗi và không chịu ăn năn tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình.
Nhưng Kinh thánh không nói đến Địa ngục có nhiều từng, nhiều cửa như các Tôn giáo hay nói, cũng không nói đến những loại hình phạt cưa xẻ, hành hạ, Kinh thánh nói đến kẻ ở Địa ngục chịu khổ cả ngày lẫn đêm trong lửa cho đến đời đời.

II/. BẰNG CỚ CÓ ĐỊA NGỤC:

Theo các chứng minh của Thần học, có hai loại bằng cớ: Ngoại chứng và nội chứng.

a. Ngoại chứng:

1. Ý thức làm lành của con người:


Như chúng ta đã nói trong Chương XII về Thiên đàng, trong con người luôn hiện diện ý thức làm lành và sợ bị phạt, dù không nói ra. Sách Sáng thế ký 3:10, lần đầu tiên trong ngôn ngữ của loài người xuất hiện từ SỢ. Sợ cái gì? Sợ bị phạt? Tại sao sợ bị phạt? Vì biết mình làm lỗi. Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va sau khi nghe lời cám dỗ của ma quỉ đã ăn trái của cây Đức Chúa Trời dặn không được ăn, khi làm trái lời Chúa dạy, tổ phụ loài người biết sợ hãi. Sư sợ hãi đó di truyền đến dòng dõi loài người đến ngày nay, khiến con người tìm cách làm lành lánh dữ để tránh bị phạt.
Ý thức làm lành lánh ác của con người làm chứng rằng con người biết đời sau có hình phạt, chốn hình phạt trên trần gian gọi là tù ngục, nhà ngục, nhà tù, thì chốn đời sau gọi là Địa ngục. Từ ngữ Địa ám chỉ cách biệt với từ Thiên là nơi chỉ về sung sướng.
Dù vậy, như người Việt nam chúng ta có câu: Cả đời làm lành, lành chưa đủ; một ngày làm ác, ác đã có dư. Cũng có câu chuyện về bậc thánh nhân mỗi lần nói hay làm việc lành việc thiện thì bỏ vào bình hạt đậu trắng, khi nói hay làm việc không tốt thì bỏ vào bình hạt đậu đen. Cuối ngày bậc thánh nhân này trút bình ra và đếm, nếu thấy đậu trắng ít, đậu đen nhiều, thì tự hứa ngày mai sẽ cố gắng làm lành nhiều hơn. Tuy nhiên, bậc thánh nhân thấy ngày nào cũng có đậu đen. Ngay cả Đức Khổng tử khi tuổi già biết sắp chết còn phải thốt lên: “Uớc gì ta sống thêm vài năm nữa, nghiên cứu kinh Dịch để bớt đi những lỗi lớn”, Đức Khổng biết dù người đời tôn ông là “Thánh” nhưng mình vẫn có tội lỗi, không dám mơ đến bớt tội lớn, lỗi nhỏ là đương nhiên không tránh được.
Bởi thế, khi có người qua đời, ngoài đau buồn khi chia tay như một câu nói: cuộc chia tay nào cũng có nỗi buồn của nó, ngay cả cuộc chia tay mà người ta mong muốn nhất, những người thân trong gia đình thường khóc than, rên siết, đôi khi còn mướn nhiều người đến khóc than trong tang lễ nữa. Tại sao? Vì từ trong thâm tâm, người Việt nam chúng ta ý thức người thân chết đi vào nơi hình khổ, và để báo cho mọi người chung quanh biết cái khổ đó hoặc để thương tiếc người chết mất cơ hội hưởng sung sướng, nên người chung quanh than khóc.

2. Mong ước công bình của loài người làm chứng:

Bất cứ dân tộc nào dù văn minh hay lạc hậu, ở một nền văn hóa nào cũng đều có thưởng có phạt, nhưng thường sự thưởng phạt của loài người không công bình. Do đó mà trong luật pháp của con người luôn có những từ ngữ: khiếu nại, kêu oan, bị vu cáo, rồi những thuật ngữ: luật sư, giám sát, bồi thẩm, kháng án…
Ngày nay loài người có những phương tiện truy án, điều tra, rất tối tân từ dấu tay, có những chứng cứ, rồi xét ADN, chỉ cần một chút dấu vết thủ phạm như sợi tóc, vết máu, tinh dịch… là đã có thể tìm ra thủ phạm. Dù vậy, sự sai sót và không công bình vẫn đầy dẫy trên thế giới từ xưa đến nay. Mới đây (ngày 12 tháng 5 năm 2010), báo chí Việt nam đã ghi lại một trường hợp ba thanh niên bị bắt giam 10 năm vì tội hiếp dâm với những chứng cớ. Nhưng nhờ một bà Bác sĩ có lòng đã lặn lội chứng minh sự oan ức của ba thanh niên đó và cơ quan điều tra tái điều tra giải oan cho. Trong tư tưởng người Việt nam cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều về những truyện xử án của một vị quan đời Nhà Tống bên Trung quốc (960 – 1279) là Bao Chửng (hay thường gọi là Bao Công). Những truyện kể về Bao Công truy những án tình oan sai rất nhiều, nhờ đó có rất nhiều người được giải oan. Dù có thật hay không, người Trung quốc hoặc người Việt nam chúng ta cũng đều nhìn nhận có rất nhiều bất công trong xã hội, và thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có.
Nếu chết là hết như một số người chủ trương thì những oan sai đó đâu còn gì là công bình. Do đó mặc nhiên tất cả người Việt nam đều nhìn nhận đời sau phải có hình phạt để những kẻ phạm tội đời này trốn tránh, che giấu được, nhưng đời sau không thoát được hình phạt. Vậy mới công bình. Hình phạt đó người Việt nam đều gọi là Địa ngục.
Kinh thánh cũng ghi lại một trường hợp được chính Chúa Jêsus Christ thuật kể trong Luca 16:19-31 về người nhà giàu và người nghèo tên La-xa-rơ. Trong trường hợp này, nếu không có đời sau thì mọi người đều thấy bất công, nhờ có đời sau người giàu bị hình phạt và người nghèo trung tín được hưởng phước trong lòng Áp-ra-ham, đó mới là công bình. Đã có Thiên đàng thưởng người thiện thì cũng phải có Địa ngục phạt kẻ ác.

3. Các Tôn giáo thế gian làm chứng:

Tất cả các Tôn giáo tại Việt nam đều làm chứng có Địa ngục và hầu như dùng cùng tên gọi Địa ngục, khác với Thiên đàng có vài tên gọi khác nhau, trong đó người Việt nam chịu ảnh hưởng sâu nặng của Phật giáo và Công giáo Lamã.

b. Nội chứng:

Về phương diện nội chứng, chúng ta có các bằng cớ từ trong Kinh thánh chứng minh Địa ngục có thật.

1. Kinh thánh làm chứng:

Trong nguyên ngữ Hi-bá-lai và Hi-lạp, Kinh thánh dùng nhiều từ ngữ khác nhau để nói về chốn hình phạt đời sau, nhưng có hai ý cần được giải thích rõ:
- Trong Cựu Ước bản Việt ngữ dịch từ Hi-bá-lai Sheol là huyệt mả, mồ mả, Âm phủ - Thi thiên 55:15; Châm ngôn 9:18. Đôi khi Cựu Ước cũng không phân biệt huyệt mả với các phần thấp dưới đất (Abbadon) – Gióp 31:12; Châm ngôn 15:11, chốn trầm luân; Thi thiên 88:11; Châm ngôn 27:20, vực sâu; hoặc dịch là cõi nín lặng – Thi thiên 115:17; hoặc là xứ tối tăm – Gióp 10:21-22. Nói chung quan điểm của các tác giả Cựu Ước thì Sheol là hình phạt kẻ ác, cũng hàm ý nơi loài người gặp nhau sau khi qua đời – Sáng.
37:33-35; Gióp 30:23, nhưng cũng không xác định thưởng phạt nơi Sheol – I Samuê 28:19; Truyền đạo 9:5.
- Tân Ước thì dùng bốn từ ngữ để nói đến chốn hình phạt đời sau. Chúng ta sẽ khảo học bốn nơi này trong phần các loại Địa ngục sau đây.
Vì Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời được xác định là một chấm một nét cũng không thay đổi (Mathiơ 5:18), không ai được hủy một điều cực nhỏ nào (Mathiơ 5:19), cũng không được thêm hay bớt lời nào trong Kinh thánh (Khải huyền 22:18-19). Đo đó, Kinh thánh Cựu và Tân Ước đều làm chứng Địa ngục là có thật thì không có ghi loài người nghi ngờ nữa.

2. Chính Chúa Jêsus Christ làm chứng có Địa ngục:

Trong khi thi hành chức vụ trên đất, Chúa Jêsus cũng đã nói đến Địa ngục là chỗ hình phạt kẻ gian ác
- Mathiơ 18:9, Chúa Jêsus đã nói đến kẻ phạm tội bị quăng vào lửa Địa ngục. Lần đầu tiên Chúa Jêsus nói đến lửa trong Địa ngục.
- Mathiơ 25:30, Chúa Jêsus mô tả nơi hình phạt đó là chỗ tối tăm, có khóc lóc và nghiến răng
- Mathiơ 25:41, Chúa Jêsus gọi nơi hình phạt đó có lửa và cũng là nơi sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.
- Mathiơ 25:46, Chúa Jêsus cho biết nơi hình phạt đó là đời đời.
Sách Khải huyền 3:14, Chúa Jêsus Christ được xưng tụng là Đấng làm chứng thành tín chơn thật, nghĩa là những lời Ngài phán luôn luôn là quả thật, quả thật, thì lời chứng của Ngài về Địa ngục thực hữu là thật, không còn gì để nghi ngờ. Đặc biệt hơn nữa, Chúa Jêsus Christ nói nhiều về Địa ngục hơn Thiên đàng.

3. Các sứ đồ làm chứng có Địa ngục:

Các sứ đồ là những người làm chứng chân lý của Chúa Jêsus Christ khi rao giảng hoặc khi viết các thư gởi cho các Hội thánh thời bấy giờ, đều nói đến Địa ngục khi đề cập đến hình hạt dành cho những kẻ ác.

- Sứ đồ Phierơ viết trong thư II Phierơ 2:4, ông nói đến các thiên sứ phạm tội bị tạm giam vào vực sâu chờ ngày phán xét. Đến 3:7, Phierơ đã hàm ý nói đến sự đoán phạt nơi Địa ngục (hồ lửa) dành cho kẻ ác giống như Chúa Jêsus Christ đã phán trong Mathiơ 25:41.
- Quyền phép Ngài – II Têsalônica 1:9.
- Thánh Gia-cơ so sánh sự độc hại của lưỡi với lửa Địa ngục – Gia-cơ 3:6
- Sứ đồ Giăng nói rất nhiều về Địa ngục trong sách Khải khuyền, là điều mặc khải cho ông thấy và bảo ông viết lại, không phải là điều ông tưởng tượng ra - Khải. 19:20; 20:10, 15; 21:8.
Những lời này đã được rao giảng công khai trải qua các thời đại, khắp thế giới, được Hội thánh chung công nhận là lời được mặc khải, có thần quyền của Đức Chúa Trời, không còn lời nào đáng tin hơn.




 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn