19:02 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thánh kinh Thông lãm

Giô-Suê

Thứ sáu - 01/03/2013 03:42
Giô-Suê

Giô-Suê

I/. TÊN SÁCH: Tên sách được ghi theo tên của nhân vật chính trong sách là GIÔ-SUÊ. Tên Giô-suê có nghĩa: “Giê-hô-va là Cứu Chúa”, có khi gọi là Giê-hô-sua – Xa-cha-ri 3:3, 8 Tân Ước theo tiếng Hi-lạp là JÊSUS – ‘‘Ιŋσοΰν - (Mathiơ 1:21) Có thể từ 24:29-33 về sau là do một người khác viết, còn hầu hết là do Giô-suê viết vì các bằng cớ:


-----------------------------------------------

I/. TÊN SÁCH:
Tên sách được ghi theo tên của nhân vật chính trong sách là GIÔ-SUÊ.
Tên Giô-suê có nghĩa:

  • “Giê-hô-va là Cứu Chúa”,
  • có khi gọi là Giê-hô-sua – Xa-cha-ri 3:3, 8
  • Tân Ước theo tiếng Hi-lạp là JÊSUS – ‘Ιŋσοΰν - (Mathiơ 1:21)
Có thể từ 24:29-33 về sau là do một người khác viết, còn hầu hết là do Giô-suê viết vì các bằng cớ:
  1. 24:26, “Giô-suê chép các lời nầy”.
  2. Không ai biết rõ mối thông công giữa Môi-se với Chúa bằng chính Giô-suê – 1:1; 3:7; 4:1…
  3. 24:26-27 so với Phục truyền 30:1 chứng tỏ người viết sách Giô-suê chịu ảnh hưởng của Môi-se. Như vậy chỉ có Giô-suê là phụ tá thân cận với Môi-se.
  4. 5:6 có chữ CHÚNG TA; 6:25 “Ra-háp ở giữa Y-sơ-ra-ên cho đến ngày nay” cho thấy tác giả là người đang nói những lời nầy và là người sống đồng thời lúc sách được viết ra.
II/. CON NGƯỜI CỦA GIÔ SUÊ:
  1. Lý lịch:
  • I Sử ký 7:27, Giô-suê là con trai của Nun, thuộc chi phái Ép-ra-im.
  • Dân. 13:8, 16, Trước có tên là Hô-sê = người sẽ cứu, sau nầy Môi-se đặt tên lại là Giô-suê (Giê-hô-va là Cứu Chúa)
  • Lần đầu tiên tên của Giô-suê xuất hiện trong sách Xuất. 17:9, chỉ huy đội quân người Y-sơ-ra-ên đánh trận
  • đầu tiên với dân A-ma-léc. Như vậy, Giô-suê thuộc trong số những người Y-sơ-ra-ên làm nô lệ tại Ai Cập
  • Dân. 14:6, Giô-suê là người đồng niên với Ca-lép, nên lúc Giô-suê thay Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, thì ông khoảng 80 đến 85 tuổi
  • Gia đình Giô-suê là gia đình tin kính Chúa (Giô-suê 24:15)
  • Giô-suê sống được 110 tuổi (Giô. 24:29), như vậy ông lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên khoảng 26 đến 30 năm.
  • Giô. 19:49-50 ghi lại rằng Giô-suê chỉ huy việc phân chia Đất Hứa cho Dân Y-sơ-ra-ên mà không có ai phàn nàn, chính ông là người sau cùng nhận phần của mình do dân sự cấp cho, chứng tỏ Giô-suê là người rất liêm chính, công bình.
  1. Thành tích của Giô-suê:
  • Giô-suê là Quan trưởng; Xuất. 17:8-16, người đầu tiên chỉ huy dân Y-sơ-ra-ên đánh trận đầu tiên sau khi ra khỏi Ai Cập
  • Giô-suê là Phụ tá thân cận của Môi-se – Xuất. 24:13; 33:11; Dân. 11:28
  • Giô-suê là một Thám tử tin cậy Chúa: Dân 14:6-10
III/. SỰ QUAN TRỌNG CỦA SÁCH GIÔ-SUÊ:
  1. Giáo lý quan trọng:
Giáo lý quan trọng trong Sách Giô-suê là ĐẮC THẮNG BỞI ĐỨC TIN (I Giăng 5:4). Sự đắc thắng nầy do Chúa ban cho người tin cậy Chúa (1:9; 24:12:13)
  1. Vị trí của Sách Giô-suê đối với Ngũ Kinh:
Sách Giô-suê hoàn thành chương trình của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên đã được ghi trong Ngũ Kinh của Môi-se – thời kỳ đồng vắng, đồng thời giới thiệu một thời kỳ mới trong Lịch sử nước Y-sơ-ra-ên qua 12 sách Lịch sử: từ Giô-suê đến sách Ê-xơ-tê – thời kỳ Đất Hứa. Như vậy, sách Giô-suê làm gạch nối giữa hai thời kỳ lịch sử quan trọng của dân Y-sơ-ra-ên:
  • Thời kỳ nô lệ, lưu lạc
  • Thời kỳ lập quốc, tự trị.
Ngũ Kinh ghi lại chuyện Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đi đến Đất Hứa Ca-na-an. Sách Giô-suê ghi lại chuyện Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa Ca-na-an.
 
  1. So sánh sách Giô-suê với sách Dân số ký:
 
DÂN SỐ KÝ GIÔ-SUÊ
Thất bại Đắc thắng
Không được vào Đất Hứa Chiếm hữu Đất Hứa
Ngã lòng, nghi ngờ, sợ hãi Tin Cậy, đắc thắng, vui mừng, thỏa mãn
Tín đồ xác thịt (I Côrintô 2:14) Tín đồ thuộc linh (I Côrintô 2:12-13
Từng trải của người tin Chúa trước Lễ Ngũ Tuần (Giăng 20:19; 21:1-5) Từng trả của người tin Chúa sau Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:1-4
Hạng người ra khỏi Ai Cập để lang thang, tin Chúa mà không hi vọng Hạng quyết vào Đất Hứa đầy tin cậy
 
  1. So sánh với Thư Ê-phê-sô:
Cũng như sách Lê-vi ký tương quan với thư Hê-bơ-rơ đề cập đến của lễ, Thầy Tế lễ và sự Thờ phượng, thì sách Giô-suê tương quan với thư Ê-phê-sô vì cả hai đều có hình ảnh một Chiến sĩ của Chúa Jêsus Christ.
Có sự tương quan giữa Ca-na-an trong sách Giô-suê với CÁC NƠI TRÊN TRỜI trong thư Ê-phê-sô (chú ý: những câu trích dẫn trong thư Ê-phê-sô ở trên đều có nhóm từ: các nơi trên trời”…) Đức Chúa Trời bảo đảm cho Cơ-Đốc nhân một cuộc sống vui mừng, vinh hiển ngay trên trần gian

 
GIÔ-SUÊ THƯ Ê-PHÊ-SÔ
Dân Y-sơ-ra-ên tiến vào chiếm lấy sản nghiệm vật chất trên đất bởi lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham (1:6) Cơ-đốc nhân tiến vào chiếm lấy sản nghiệp thuộc linh ở các nơi trên trời bởi lời hứa của Chúa với trong Chúa Jêsus Christ (1:3)
Giô-suê lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa (1:6; Phục 31:7). Sau 7 năm, Giô-suê chiếm toàn xứ. Đấng Christ lãnh đạo Cơ-đốc nhân vào các nơi trên trời (1:18-23). Giô-suê làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ.
Đất Hứa Ca-na-an được ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong Áp-ra-ham, không phải trong Môi-se là người của Luật pháp. Luật pháp không bao giờ dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Vì vậy, Môi-se phải chết để Giô-suê thay thế như 1:1-2 đã bày tỏ. 2:5-8, Cơ-đốc nhân yên nghỉ trong lời hứa của Đức Chúa Trời nhờ ÂN ĐIỂN trong Chúa Jêsus Christ và bởi ĐỨC TIN.
Y-sơ-ra-ên chiếm Ca-na-an là một phương tiện để Đức Chúa Trời khải thị chính Ngài cho các nước (4:24; Phục 29:10). Trong tương lai, Y-sơ-ra-ên sẽ hoàn thành sự khải thị nầy (Êsai 11:11-12; Giê. 23:5-8) 3:8-10, Hội Thánh là sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân ngoại, để biết sự giàu có, khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Ca-na-an có những dân khổng lồ là con cháu của A-nác và những thành vững chắc (Dân. 13:28-29, 33). Có bảy dân tộc trong xứ, họ là những kẻ gian ác, lớn hơn và mạnh hơn dân Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên phải chiến đấu với họ, tiêu diệt họ bởi đức tin và quyền năng của Chúa. 6:12, Cơ-đốc nhân chiến đấu với các quyền lực trong các miền trên trời và Cơ-đốc nhân nhờ nơi sức toàn năng của Đức Chúa Trời. Cảm ơn Chúa, không có quyền lực nào đứng nổi trước Giô-suê và Y-sơ-ra-ên, thì cũng vậy, Đấng Christ đã đánh bại quyền lực của Satan và ban sự đắc thắng cho Cơ-đốc nhân.
 
IV/. BỐ CỤC:
A/. BỐ CỤC TỔNG QUÁT
Đề mục: ĐỨC TIN (Hay ĐẤT HỨA)
Câu gốc: 1:9 (hay 1:3)
i/. MỤC TIÊU CỦA ĐỨC TIN (TIẾN VÀO ĐẤT HỨA) 1:-5:
  1. Nền tảng  Đức tin - Giô-suê được ủy thác - 1: 
  2. Sự thận trọng của đức tin – Do thám Giê-ri-cô – 2:
  3. Hành động của Đức tin – Vượt qua Giô-đanh – 3:
  4. Chứng cớ của Đức tin – Đài lưu niệm – 4:
  5. Ấn chứng của Đức tin – Chiếm Ghinh ganh – 5:
ii/. HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỨC TIN (CHINH PHỤC ĐẤT HỨA) 6: - 12:
  1. Đức tin đắc thắng – Giê-ri-cô sụp đổ – 6:
  2. Vô hiệu hóa Đức tin -  Tội của A-ca – 7:
  3. Phục hồi Đức tin – Tiêu diệt A-hi – 8:
  4. Hiểm họa của Đức tin – Bị Ga-ba-ôn gạt – 9:
  5. Đức tin toàn thắng -  Đánh bại mọi kẻ thù – 10: - 12:
iii/. KẾT QUẢ CỦA ĐỨC TIN (CHIẾM HỮU ĐẤT HỨA)  13: - 24:
  1. Phần thưởng của Đức tin  Chia Đất Hứa – 13: -19:
  2. Sự che chở của Đức tin – Thành ẩn náu – 20:
  3. Đức tin không thiệt hại – Phần người Lê-vi – 21:
  4. Đức tin Hiệp nhất – Bàn thờ chứng cớ – 22:
  5. Kết thúc của Đức tin – Lời từ giã của Giô-suê – 23:24:
Đất Hứa Ca-na-an (chữ Ca-na-an = người mua bán) trở thành xứ đượm sữa và mật để Chúa ban cho con Ngài.
 
B/. BỐ CỤC CHI TIẾT.
I/. MỤC TIÊU CỦA ĐỨC TIN
(TIẾN VÀO ĐẤT HỨA) – 1: - 5:
ĐOẠN 1: Nền tảng Đức tin – Ủy thác cho Giô-suê
Nhiều người thì nghĩ rằng mình có Đức tin, nhưng rất tiếc là họ không có nền tảng vững chắc để đặt Đức tin của mình vào. Họ có thể đặt vào con người – mà con người thì không vững chắc (Gióp 14:1-2; Êsai 2:22), hoặc họ đặt vào một thần tưởng tượng nào đó mà chính họ không biết rõ, không biết chắc (Êsai 44:9-20).
Chúng ta phải nhớ Giáo lý quan trọng của sách Giô-suê là “Thắng Bởi Đức Tin”, vì vậy, trong 1:9 thì nền tảng Đức tin của Giô-suê là lời phán dạy của Đức Chúa Trời: Ta há không có phán dặn ngươi sao?
Tại sao Đức Chúa Trời lại khích lệ Giô-suê chớ run sợ, chớ kinh khủng? Rõ ràng tâm trạng của Giô-suê khi nhận lãnh trái nhiệm lãnh đạo Dân Y-sơ-ra-ên là đầy lo sợ, kinh khủng (3 lần trong đoạn 1 nầy Giô-suê được Chúa khích lệ: Hãy vững lòng bền chí – 1:6, 7, 9; và một lần dân sự khích lệ ông – 1:18)
Chúa phán hứa với Giô-suê điều gì?
1:3, Chúa ban cho Giô-suê phần đất nào Giô-suê đạp đến.
1:5, Chúa Giô-suê sức mạnh đắc thắng trọn vẹn
1:8, Chúa ban cho Giô-suê sự may mắn và phước qua Luật pháp của Chúa. Chính nhờ đọc Lời Chúa (Kinh Thánh) mà chúng ta có đức tin (Rôma 10:17)
Bởi Đức tin Giô-suê nhận lời ủy thác của Đức Chúa Trời đưa dân Y-sơ-ra-ên vào Ca-na-an. Giáo lý Đức tin là chìa khóa mở các phước hạnh và quyền năng của Đức Chúa Trời – như thư Hêb. 11: và 13:5b-6, Vì chính Đức Chúa Trời có phán … như vậy, chúng ta được lấy lòng TIN CHẮC…
ĐOẠN 2: Sự Thận trọng của Đức tin – Do thám Giê-ri-cô.
Đức tin không phải là mê tín hay cuồng tín, vì đức tin là sự biết chắc (biết rõ) một đối tượng và bởi đó mình bằng lòng vâng phục, phó thác đời sống mình cho đối tượng đó (Hê. 11:1; Giăng 3:36)
Trong đoạn 2 (câu 1, 23-24) chúng ta có một bài học về sự thận trọng của đức tin, phân biệt đức tin và liều mạng hay cuồng tín, mê tín:
  • nếu chỉ suy xét mà không tin, thì thành duy lý, vô tín.
  • nếu nói “tin” mà không suy xét thì thành ra mê tín, cuồng tín.
Quan xét 6:17-18, 36-40, Ghê-đê-ôn thử biết ý muốn của Chúa có sai ông đi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên đánh quân Ma-di-an không.
Rôma 12:2, Phaolô kêu gọi chúng ta “thử” – không phải là nghi ngờ Chúa hay thácht hức Chúa – cho biết ý muốn của Chúa đối với đời sống của ông.
Giê-ri-cô là “thành phố chìa khóa”, ải địa đầu của Ca-na-an, Giô-suê tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng ông cũng chứng tỏ sự thận trọng bằng cách sai người do thám Giê-ri-cô trước.
Sách Quan xét 6:17-18, 36-40, Chúa bằng lòng để Ghê-đê-ôn thử Ngài, và Ghê-đê-ôn đã 3 lần thử cho biết Chúa có sai ông đánh dân Ma-đi-an hay không.
Chúa Jêsus Christ tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không liều mạng nhảy từ nóc Đền thờ xuống (Mathiơ 4:5-7). Đây chính là sự khác biệt Đức tin trong Chúa với cái gọi là “đức tin của người ngoài Chúa.
ĐOẠN 3 (14-17): Hành động của Đức tin – Vượt qua sông Giô-đanh.
Sông Giô-đanh (chữ Giô-đanh = chảy xuống). Đây là con sông nổi tiếng ở xứ Palestine, từ núi Hẹt-môn (phía Bắc, cao độ 750 m) chảy xuống Biển Chết (phía Nam, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải 430 m, dài 300 Km (200 dặm). Lòng sông Giô-đanh có nhiều đá ngầm, nước chảy xoáy, nên thủy lộ rất khó khăn. Mùa Xuân, nước sông Giô-đanh chảy mạnh dâng cao tràn hai bên bờ (Thi thiên 114:3; Giê. 12:5).
Khi Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua sông Giô-đanh là Mùa Xuân, sau Lễ Vượt Qua (3:15).
Việc vượt qua sông Giô-đanh là hành động của Đức tin (Gia-cơ 2:14-17).
Áp-ra-ham đã có một hành động của đức tin tại núi Mô-ri-a khi vâng lời Chúa đem dâng con mình là Y-sác cho Chúa (Sáng. 22:1-3).
Nhưng phải nhớ “đức tin “ không phải là việc làm, và việc làm chưa hẳn là đức tin. Việc làm chỉ là bông trái của đức tin, cho nên phải phân biệt rõ giữa đức tin với việc làm.
ĐOẠN 4: (4:8-9) Chứng cớ của Đức tin – Đài lưu niệm.
Có hai Đài lưu niệm làm chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời đem dân Y-sơ-ra-ên xuyên qua (xuyên qua – through, có hai ý: vào và ra – in and out) sông Giô-đanh  và đưa họ vào Đất Hứa như lời Chúa đã hứa với Tổ phụ của họ là Áp-ra-ham:
  • Một Đài lưu niệm làm chứng cớ cho Đức tin tại Phía Tây sông Giô-đanh (câu 8)
  • Một Đài lưu niệm làm chứng cớ cho Đức tin tại giữa sông Giô-đanh, nơi chân các Thầy tế lễ đứng (câu 9).
Đài lưu niệm làm từ 12 hòn đá lấy từ giữa lòng sông Giô-đanh làm chứng cớ về Đức tin dân Chúa đặt vào Lời Chúa. 12 hòn đá thay cho 12 chi phái.
Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên (Thế hệ mới) qua sông Giô-đanh hình bóng về Cơ-Đốc nhân bởi đức tin chịu Báp-têm đi vào sự chết – chôn – và ra sự sống. Giống như những người được cứu khỏi Ai Cập (thế hệ cũ) đi ngang qua Biển Đỏ (I Côr. 10:1-2).
Nếu kết hiệp việc dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ với việc qua sông Giô-đanh, chúng ta có hình bóng của sự tái sanh và sự nên thánh.
ĐOẠN 5: (5:9-10) Ấn Chứng (Bảo Đảm) của Đức tin – Chiếm đóng Ghinh ganh.
Trong đoạn 5 nầy chúng ta thấy BA sự ấn chứng (sự bảo đảm) của đức tin.
Ấn chứng thứ 1 của đức tin là Phép cắt bì – 5:2-8
Điều khác là trước đây dân Y-sơ-ra-ên dùng thanh gươm để chống lại kẻ thù, nhưng ở đoạn 5: nầy Đức Chúa Trời đặt con dao trên chính thân thể họ. Cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sự phân rẽ, đi vào con đường mới trong mục đích của Đức Chúa Trời đối với họ.
Sáng thế ký 17:5-10, 14, phép cắt bì đã được lập lại như sự ấn chứng giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên, dấu hiệu dân Y-sơ-ra-ên phân rẽ với các dân thế gian. Số người Y-sơ-ra-ên nầy là thế hệ được sanh ra trong thời gian 40 năm đồng vắng, chưa chịu cắt bì (5:4-5).
Phép cắt bì là một dấu hiệu chỉ về Cơ-Đốc nhân dứt bỏ đời sống xác thịt, phân rẽ với thế gian (Côl. 2:11-13),
Ấn chứng thứ 2 của đức tin là LỄ VƯỢT QUA – 5:9-12.
Đây là Lễ Vượt Qua đầu tiên sau 40 năm lưu lạc trong đồng vắng (5:7). Sau 40 năm, thế hệ mới của Y-sơ-ra-ên được nhắc lại công lao cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho họ, đánh dấu chấm dứt thời kỳ lưu lạc.
Ấn chứng thứ 3 của đức tin là Tướng Chỉ Huy  - 5:13-14
Giô-suê đã nhìn thấy một Vị Tướng Chỉ Huy lãnh đạo ông và đoàn dân của Chúa.
Đoạn 5 tương đồng với Thư Ê-phê-sô 1:
 


GIÔ-SUÊ THƯ Ê-PHÊ-SÔ
5:2-8
Phép cắt bì là giao ước của Đức Chúa Trời trong Áp-ra-ham
1:3-6
Lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.
5:9-12
Sự cứu chuộc trong Lễ Vượt Qua.
1:7-12
Sứ cứu chuộc trong Đấng Christ.
5:13-15
Sự bảo đảm dẫn dắt bởi vị Tướng Chỉ Huy.
1:13-14
Sự bảo đảm dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh.
 
II. HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỨC TIN
(CHINH PHỤC ĐẤT HỨA)
6: - 12:
ĐOẠN 6: (6:1-5) Đắc Thắng (Công hiệu) của đức tin -  Giê-ri-cô sụp đổ.
Đọc qua đoạn 6 chúng ta thấy cuộc chiến nầy hoàn toàn bởi đức tin như thư Hê-bơ-rơ 11:30 đã làm chứng. Dân Chúa chỉ dùng BA (3) thứ khí giới đặc biệt của đức tin:
  • 6:4, 6-9, thổi kèn – bày tỏ niềm vui
  • 6:10a, tất cả dân Chúa phải im lặng – đòi hỏi sự vâng lời.
  • 6:10b, 20, đến ngày thứ bảy khi được lịnh thì toàn thể la lên – bày tỏ sự hiệp một.
1929-1936, các nhà Khảo Cổ học đã tìm ra thành Giê-ri-cô. Thành có hai vách cách nhau 5 m, vách ngoài dầy 2 m, vách trong dầy 4 m, cao 10 m. Giữa hai vách là nhà (2:15). Sau khi hạ được thành, Giô-suê đã rủa sả thành (6:28; I Vua. 16:34). Đời Tân Ước, Giê-ri-cô là thành của các Thầy tế lễ.
Điều đặc biệt là kỵ nữ Ra-háp – dân thành Giê-ri-cô, đã nhận được sự giải cứu (6:22-23) BỞI ĐỨC TIN (Hêb. 11:31; Gia-cơ 2:25), vì bà tin cậy nơi Đức Chúa Trời mà bà chỉ nghe (2:10-11). Chẳng những Ra-háp được giải cứu mà còn được trở nên Tổ phụ của vua Đa-vít (Mathiơ 1:5 – Sanh-môn có lẽ là con của Ca-lép – I Sử. 2:51), bà trở nên anh thư của đức tin.
Có nhiều người thích nói đến dấu hiệu để Ra-háp được cứu là nhờ Sợi Chỉ Điều – sợi chỉ màu đỏ, cột nơi cửa sổ (2:17-21). Một lần nữa chúng ta thấy hình ảnh của Lễ Vượt Qua với ngôi nhà có màu đỏ của huyết được cứu.
ĐOẠN 7: Vô hiệu hóa Đức tin – Tội của A-can.
7:4-5, bài học ở đây không phải là dân Y-sơ-ra-ên mất đức tin, nhưng đức tin của họ bị vô hiệu hóa. Dân Y-sơ-ra-ên đã quay mặt lại với kẻ thù và 36 người ngã chết. Trong suốt cuộc chiến chinh phục Đất Hứa Ca-na-an, đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà dân Chúa bị thất bại.
Cái gì đã vô hiệu hóa đức tin, cắt đứt sợi dây liên lạc giữa Đức Chúa Trời với dân Chúa? Ấy là Sự Dối Trá (7:11-12; Công vụ 5:1-11; I Timôthê 1:18-20)
7:16, 22-25, cảm ơn Chúa, dân Y-sơ-ra-ên đã giải quyết dứt khoát và mau lẹ. Đức tin chỉ có thể sống trong bầu không khí thánh khiết, chỉ cần một chút không vâng lời cũng làm cho đức tin bị vô hiệu hóa – I Timôthê 1:19 nói rằng đức tin họ bị chìm đắm – Phaolô ví đức tin như một chiếc thuyền, sự dối trá như một lỗ hỏng – dù nhỏ, làm đắm thuyền.
ĐOẠN 8: Phục Hồi Đức tin – Tiêu diệt A-hi
8:1 là câu trả lời của Chúa cho hành động sẵn sàng tiêu diệt tội lỗi của A-can, với 30,000 quân (8:3), Giô-suê đã đắc thắng với quyết tâm (8:26).
8:12 và 21, Giô-suê dùng chiến thuật “điệu hổ ly sơn” để đốt thành A-hi làm tín hiệu cho đạo quân phía ngoài phản công.
Bài học cách phục hồi đức tin rất đơn giản: TRỪ BỎ TỘI LỖI! Thay vì than thở, phiền trách.
Sau chiến thắng nầy, dân Y-sơ-ra-ên đã cắt ngang xứ Ca-na-an, chiếm được vùng thung lũng núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh có vị trí chiến lược với thành Si-chem ở giữa.
Kế hoạch chiếm Si-chem làm địa điểm chiến lược đã được Môi-se vạch sẵn trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:1-4, 11-13 so với 8:30-31. Sáng. 12:6-7, 600 năm trước đó Áp-ra-ham đã lập bàn thờ đầu tiên cho Chúa tại Si-chem.
Tại địa điểm nầy, có nhiều việc cần làm:
  • 8:32, Giô-suê chép lại luật pháp trên đá.
  • 8:34a, Giô-suê đọc lại luật pháp.
  • 8:34b, Giô-suê đọc lại lời chúc lành và lời rủa sả Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15 – 28:)
ĐOẠN 9:  Hiểm họa cho đức tin (3-6, 14-15) – Lập ước với người Ga-ba-ôn hay bị Ga-ba-ôn lừa gạt).
9:3-6, nguồn gốc dân Ga-ba-ôn là người Ca-na-an (9:7; 11:19) và họ đã lập kế hoạch để lừa gạt Giô-suê với dân Y-sơ-ra-ên để hai bên lập hòa ước, thay vì họ phải bị tiêu diệt như lịnh của Chúa truyền.
9:14 ghi lý do Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên bị lừa gạt. Đây là mưu kế của quỉ Satan trải qua các thời đại:
  • Sáng. 3:1-5 với hình dạng con rắn tử tế.
  • II Côrintô 11:14 với hình dạng thiên sứ sáng láng.
Đây là bài học mà II Côrintô 6:14 Chúa đã dạy tai hại của sự thỏa hiệp với thế gian, với xác thịt, với ma quỉ.
Giao ước nầy đã đem đến sự rắc rối cho Giô-suê (10:6; II Samuên 21:1-6)
ĐOẠN 10: - 12: Đức tin toàn thắng – Đánh bại mọi kẻ thù
Kế hoạch của Giô-suê đến đây thật rõ ràng
  • 6: - 9: Giô-suê chiếm trung tâm xứ Palestine, cắt đứt hai miền Nam Bắc.
  • 10: Giô-suê đánh xuống chiếm phía Nam (10:1
  • 11: Giô-suê đánh lên phía Bắc (11:23)
  • 12:, tổng kết có 31 vua (12:24) bị tiêu diệt
Đến đây chúng ta có một “Đức Tin Toàn Thắng”, dù phải trải qua những tranh chiến đầy gian khổ khó khăn, có những lúc thất bại (I Phierơ 1:5-9).
Mục sư A. B. Simpson trong quyển giải nghĩa sách Giô-suê đã có một ý rất hay khi ông nói Cơ-Đốc nhân chúng ta mỗi ngày phải tranh chiến với MỘT VUA, như vậy mỗi tháng chúng ta tranh chiến suốt 31 ngày, không có ngày nào ma quỉ ngưng tấn công chúng ta.
Nói như Mục sư A. B. Simpson, có những tháng 28 hoặc 29 ngày (tháng 2), có những tháng chỉ có 30 ngày, cho thấy ma quỉ luôn luôn tấn công dư ngày chứ không thiếu một ngày nào.
Trong một tác phẩm văn chương của Bà Pearl Buck – nhà văn đoạt giải Văn Chương Nobel – có tựa đề “Quỷ Địa Ngục Vẫn Còn Sống”, đã nói lên sự tấn công của ma quỉ vào vị Linh mục trẻ, và tấn công cả vị Linh mục già nghiêm khắc, một cách không thương tiếc.
Một người tín đồ dân tộc Chrau-Jro ở Túc trưng đã nói với tôi một câu đầy ý nghĩa về nổi khổ của người làm rẫy: “Tôi phải làm cỏ từ khi cỏ chưa mọc đến khi đem lúa về rồi vẫn còn phải làm cỏ”. Đem áp dụng “cỏ” vào ma quỉ thì thật ý nghĩa biết bao cho Cơ-Đốc nhân khi còn sống trong xác thịt đối phó với ma quỉ.
Có người nói: “Ma quỉ không có nghỉ hè’ là một lời nói đáng lưu tâm.
 
III/. KẾT QUẢ CỦA ĐỨC TIN
(CHIẾM HỮU ĐẤT HỨA)
13: - 24:
(Cần có bản đồ xứ Ca-na-an trên tay để tiện theo dõi)
Chinh phục (phần II) là chiến đấu với kẻ thù, tiêu diệt kẻ thù.
Chiếm hữu: là ở luôn làm sản nghiệp của mình.
 
Có 3 điểm cần lưu ý trong phân đoạn nầy:
(i). Tánh cách dân chủ trong việc chia Đất Hứa. Cả 3 Đại diện: Giô-suê, thầy tế lễ cả, và trưởng lão (14:1) hiệp lại để chia đất, không phải chỉ một mình Giô-suê hay cá nhân nào quyết định. Đây là nguyên tắc phân quyền dân chủ mà mãi đến thế kỷ 18, J. J. Rousseau ở Pháp mới đưa ra và ngày nay thế giới cứ nhớ đến J. J. Rousseau mà không nhớ lời Chúa dạy trong Kinh Thánh.
(ii). Cách chia đất là bắt thăm (14:2) trước mặt Chúa (18:6). Bắt thăm là cách được sử dụng để giải quyết những tranh chấp trong dân Y-sơ-ra-ên (Giăng 19:24; Công vụ 1:26). Đây là những Ân tứ được Đức Thánh Linh ban cho (I Côrintô 12:4-11).
(iii). Giữa 11:23 – cả xứ bị chiếm, với 13:1 – xứ hãy còn nhiều, dường như “mâu thuẫn”.
  • Thật ra không có gì mâu thuẫn, vấn đề căn bản chiếm lấy xứ đã hoàn thành, các thành của các dân tộc trong xứ đã bị chiếm, các vua đã bị giết, nhưng công việc tiêu diệt những phe nhóm còn sót và việc ổn định xứ của Giô-suê còn rất nhiều.
  • Giống như đời sống của Cơ-Đốc nhân. Tất cả tội lỗi đã được Chúa tha thứ, Cơ-Đốc nhân đã được cứu, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu từng ngày với những cám dỗ của ma quỉ, của thế gian và của chính xác thịt mình trong tiến trình Nên Thánh Thực Nghiệm, hết lòng phục vụ Chúa để đạt được phần thưởng (Philíp 3:13-14; I Phierơ 2:1-2).
Câu gốc cho phần Kinh Thánh nầy là 21:43-44, gồm ba phần:
  • Đức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên CẢ XỨ (21:43) – Luca 15:31; Rôma 8:32.
  • Đức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên AN NGHỈ (21:44a – bình an), Đức Giê-hô-va phó hết thảy kẻ thù vào tay họ (21:44b) – một sự an nghỉ trọn vẹn (Khải huyền 21:3-4)
  • Tất cả lời Đức Giê-hô-va phán cho Y-sơ-ra-ên ĐỀU ỨNG NGHIỆM.
ĐOẠN 13: - 19:, Phần thưởng của Đức tin – Chia đất Ca-na-an.
Trong phần Kinh Thánh nầy, chúng ta có sự phân chia đất cho các chi phái.
13: (7-8), giải quyết phần của chi phái Ru-bên, Gát và nửa chi phái Ma-na-se phía Đông Giô-đanh.
14: (6-15) sự trung thành của Ca-lép được thưởng núi Hếp-rôn theo lời Ca-lép xin – ông không xin nơi tốt, dễ chiếm, mà chọn phần khó nhất. – Tại sao chúng ta không xin Chúa ban cho công việc lớn và khó hơn, để tại nơi đó chúng ta tôn vinh Chúa nhiều hơn?
Núi Hếp-rôn cao 924 m, cách Giê-ru-sa-lem 30 Km về phía nam.
Ca-lép là một thám tử đời Môi-se (Dân 14:6) lúc 40 tuổi (Giô siê 14:7). Bây giờ đã 85 tuổi (Giô-suê 14:10), vẫn hăng say phục vụ Chúa (14:11). Lời ông xin đẹp lòng Chúa vì phát xuất từ sự tin cậy Chúa (14:12). Ông đã chọn một chỗ khó: núi cao, thành vững (14:15), là vị trí chiến lược của dân A-na-kim.
15: - 17:, phần đất của chi phái Giu-đa, Ép-ra-im và phân nửa chi phái Ma-na-se.
18: - 19:, dựng Đền Tạm tại Si-lô (18:1), chia đất cho 7 chi phái còn lại. Phần đất của Giô-suê – thuộc chi phái Ép-ra-im (19:49). Giô-suê đã làm gương lãnh đạo: Không chọn trước nên đã không mất phần.
ĐOẠN 20: - Sự bảo vệ của đức tin (Thuẫn của Đức tin) – Thành Ẩn náu.
20:7-8, Chúa ra lịnh cho dân Y-sơ-ra-ên biệt riêng ra 6 thành làm thành ẩn náu
  • 3 thành phía Tây Giô-đanh tại: Ca-đe (Bắc), Si-chem (Trung), Hếp-rôn (Nam).
  • 3 thành phía Đông Giô-đanh tại: Bết-ra (Nam), Ra-mốt (Trung), Gô-lan (Bắc)
Những thành ẩn náu nầy thuộc trong 48 thành mà các chi phái dành cho chi phái Lê-vi (Dân. 35:6-7) – một nguyên tắc sống cho người hầu việc Chúa: Dân Chúa chia phần cho người Lê-vi, người Lêvi cũng có bổn phận chia phần cho dân sự.
Cả hai đoạn Dân số ký 35: và Giô-suê 20:, giải thích rõ mục đích của các thành ẩn náu để dành cho người vô ý giết người (20:3, 5) chạy vào đó cho đến khi được hội chúng xét xử (Dân. 35:12; Giô-suê 20:9), hoặc cho đến khi Thầy tế lễ Thượng phẩm đương niên qua đời – Dân. 35:28.
ĐOẠN 21: - Đức Tin Không Thiệt Hại – Phần sản nghiệp của người Lê-vi.
21:41-42, Phần đất của người Lê-vi là 48 thành và đất chung quanh, được chia ra như sau:
  • 20:4, họ A-rôn: 13 thành trong chi phái Giu-đa, Si-mê-ôn, Bên-gia-min.
  •  20:5, họ Kê-hát: 10 thành trong chi phái Ép-ra-im, Đan, ½ Ma-na-se.
  • 20:6, họ Ghẹt-sôn: 13 thành trong chi phái Y-sa-ca, A-se, Nép-ta-li, ½ mana-se 073 Ba-san.
  • 20:7, họ Mê-ra-ri: 12 thành trong chi phái Ru-bên, Gát, Sa-bu-lôn.
Vì người Lê-vi không được chia sản nghiệp, chỉ được DÂNG CHO (Dân. 18:20; Phục. 18:1-2), những sản nghiệp nầy là do dân Chúa cấp cho (21:3).
ĐOẠN 22: - Đức Tin Hiệp Nhất – Bàn Thờ Chứng Cớ.
  • 22:34, tên của bàn thờ là Ết có nghĩa là “chứng cớ”.
  • 22:24-27, là lý do lập bàn thờ nầy.
Họ đã nghĩ đến tương lai, con cháu của họ cũng cần sự hiệp nhất. Chúng ta học được 3 điều rất quý báu về 2 chi phái rưởi bên kia sông Giô-đanh:
  • 22:2-3, giữ đúng lời hứa
  • 22:8b, chia sẻ điều mình có giữ gìn sự hiệp một (Philíp 2:4, 20-21)
ĐOẠN 23: - 24: - Một Đời Sống Đức Tin – Lời Từ Giã của Giô-suê.
Trong lời từ giã về hưu của Giô-suê, ông đã tỏ ra 4 điều:
  1. 23:1-3, Lòng yêu mến Chúa của Giô-suê:
  • Giô-suê nhìn nhận tuổi già (câu 2),
  • Giô-suê cũng nhìn nhận cuộc chinh phục Đất Hứa là do Giê-hô-va Đức Chúa Trời chiến đấu cho tuyển dân, không phải ông chiến đấu.
Giô-suê không hề nhắc đến những gì ông đã làm cho dân sự, ông nhường vinh hiển cho Chúa.
  1. 23:4-16, Giô-suê quan tâm đến dân Y-sơ-ra-ên:
Giô-suê căn dặn dân Chúa
  • phải trung thành với Lời Chúa (câu 6)
  • đừng bắt chước thế gian (7)
  • đừng kết sui gia với thế gian (12)
  1. 24:1-13, Giô-suê rất thuộc Lời Chúa:
Giô-suê đã thuật lại Lời Chúa cách chính xác, rõ ràng, chứng tỏ lúc nào Giô-suê cũng quan tâm đến Lời Chúa – Đây là khuyết điểm của Cơ-Đốc nhân lớn tuổi thường ít chịu học Kinh Thánh do tự mãn.
Sách Giô-suê chấm dứt với 3 cái chết:
  • 24:29, cái chết của Giô-suê: Giô-suê có một đời sống trọn vẹn, thỏa lòng, hoàn thành trách nhiệm.
  • 24:32, cái chết của Giô-sép: dân Chúa đã bởi Đức tin hoàn thành lời hứa với Giô-sép.
  • 24:33, cái chết của Ê-lê-a-sa: Đức Chúa Trời hoàn thành lời hứa của Ngài trên dân Chúa. Ê-lê-sa-sa là người cuối cùng dự phần lãnh đạo.
Tôi tin rằng tất cả những người đó họ thỏa lòng và có thể nói được như Phaolô (II Timôthê 4:6-8), và họ đang hát bài ca: TA THẮNG NHỜ ĐỨC TIN!






Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: Giô-Suê

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn