Thần Đạo Học - Chương III - Công Tác Của Đức Chúa Trời (P8)

Thần Đạo Học - Chương III - Công Tác Của Đức Chúa Trời (P8)
Khi nói về công tác của Đức Chúa Trời là chúng ta nói đến hai công tác độc nhất vô nhị, ngoài Đức Chúa Trời ra không một người nào hoặc thần nào có thể thi hành được, đó là công tác sáng tạo muôn vật và công tác cứu rỗi loài người.
-----------------------------



 

CHƯƠNG III - PHẦN 8
CÔNG TÁC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI


*******************************


 

Khi nói về công tác của Đức Chúa Trời là chúng ta nói đến hai công tác độc nhất vô nhị, ngoài Đức Chúa Trời ra không một người nào hoặc thần nào có thể thi hành được, đó là công tác sáng tạo muôn vật và công tác cứu rỗi loài người. Tuy nhiên trước khi chúng ta học về hai công tác hệ trọng trên, chúng ta phải cần tìm hiểu việc chuẩn bị kế hoạch của Đức Chúa Trời đối với hai công tác đó. Việc chuẩn bị kế hoạch hay trù liệu cho hai công tác đó, Thần học gọi là Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời.

I. CÔNG TÁC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TỪ NGUYÊN CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:

1. Định nghĩa Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời:


Từ ngữ Nguyên chỉ có nghĩa là Ý Chỉ hay Mệnh Lệnh từ Ban Đầu.
• Nguyên chỉ của Đức Chúa Trời là những kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời trước khi tạo dựng thế giới, bởi đó Ngài quyết định dựng nên muôn vật như đã có. Giáo lý này giống như giáo lý Tiền Định, nhưng ở đây chúng ta đang nghĩ về những quyết định của Đức Chúa Trời trước khi thế giới được dựng nên, hơn là những hành động đúng lúc được dự định trước.
Đa-vít xưng nhận, ‘số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi tôi chưa có một ngày trong các ngày ấy’ (Thi thiên 139:16; Gióp 14:5, những ngày, tháng, Đức Chúa Trời đã định giới hạn cho con người). Đức Chúa Trời cũng đặt kế hoạch và biết trước (Công vụ 2:23) Chúa Jêsus chịu chết và đã định trước hành động kết án đóng đinh Chúa Jêsus (Công vụ 4:28). Sự cứu rỗi của chúng ta đã được Đức Chúa Trời định từ xa xưa ‘Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ trước khi sáng thế, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời’ (Êphêsô 1:4)1 Công cuộc dựng trời đất muôn vật của Đức Chúa Trời là công việc đã được Đức Chúa Trời trù liệu trước, như một người thợ xây dựng chiết tính tất cả nhu cần cho công trình rồi mới khởi công. Sự trù định này đã có từ trước đời đời vô cùng trong ý tưởng của Đức Chúa Trời, sắp đặt, rồi thực hiện toàn mỹ như đã có trong quá khứ, hiện tại và còn trong tương lai nữa. Kế hoạch đó, thần học gọi là Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời. Thư I Côrintô 14:33a, sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời không phải là Chúa của sự loạn lạc, mà là Chúa sự hòa bình. Chính Chúa Jêsus Christ đã phán dạy một thí dụ về người xây tháp, trước hết phải ngồi lại tính phí tổn (Luca 14:28). Đấng dạy con người lập kế hoạch há không biết lập kế hoạch trước khi thực hiện công cuộc sáng tạo vũ trụ trời đất và sự cứu rỗi cho con người sao?

2. Các Nghi đề về Lẽ Đạo Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời:

a. Nghi đề thứ 1: con người mất quyền tự chủ:
Như chúng ta đã nói, lẽ đạo Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời giống như lẽ đạo Tiền Định của Đức Chúa Trời, nên có ý kiến cho rằng lẽ đạo Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời là mâu thuẫn với sự tự chủ của con người, nghĩa là con người mất quyền tự do, không cần hành động.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nghe sứ đồ Phao-lô nói đến Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời trong thư Êphêsô 1:3-14. Phao-lô đã minh bạch hóa Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời hoàn toàn có mục đích để đem phước hạnh cho con người, từ ý định chọn con người làm nên thánh trong Chúa Jêsus Christ, đến ý định dùng con người khen ngợi sự vinh hiển ân điển Ngài, cho con người được cứu chuộc, được dự phần kế nghiệp, được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh.

Thí dụ:

Khi sáng tạo trời đất muôn vật, Đức Chúa Trời đã theo Nguyên Chỉ của Ngài mà đặt những luật định cho muôn vật như: đất phải sanh cây cỏ thực vật để nuôi sống con người và mọi vật sống. Đồng thời Chúa cũng ban cho con người tự do và quyền quản trị mọi vật, vì vậy con người cứ theo luật định đó mà sinh hoạt và được hưởng phước. Rất tiếc con người không quản trị mọi vật, mà tàn phá rừng, tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm thiên nhiên, không chịu đi trong Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời, do đó đã bị thiệt hại. Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời đặt ra luật trọng lực để giữ con người vững vàng sinh hoạt, con người biết sử dụng luật trọng lực để chế tạo ra phi cơ, phi thuyền, vệ tinh. Những việc làm của con người trong Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời đã đem phước hạnh cho con người. Giống như con cái trong gia đình phải theo ý định của cha mẹ muốn con đi học nên người, nếu đứa con vâng lời đi trong ý định đó nó sẽ thành tài hưởng phước; còn nếu đứa con coi ý định của cha mẹ làm cho nó mất tự do, nó muốn đi theo ý riêng thì thành con hoang đàng.

Bài học mà Chúa Jêsus Christ dạy trong Luca 15:11-32 là rõ ràng. Người cha có kế hoạch cho các con. Nhưng đứa này thì không muốn theo ý định đó, mà đi ngược lại nên trở thành hư hỏng, nhân bản xuống cấp; đứa kia lại sống thụ động trong ý định đó trở nên cái máy (hay một nô lệ trong nhà, bảo sao làm vậy, cho sao hưởng vậy). Không, ý định của người cha là cả hai 'làm con'.

b. Nghi đề 2: con người mất ý chí tự cường:

Có ý kiến cho rằng Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời khiến cho con người mất ý chí làm việc, vì 'chạy trời không khỏi nắng', hay vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo.
Thật ra đây là luận điệu của những người lười biếng. Có người hỏi tôi: Có số mạng không? Tôi khẳng định rằng có số mạng, nhưng Đức Chúa Trời không cho chúng ta biết chúng ta số mấy. Làm sao chúng ta có thể biết Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời dành cho cá nhân mình? Người đời còn dạy: Tận nhơn lực, tri thiên mệnh.
Kinh thánh ghi lại lời quở trách mạnh của sứ đồ Phao-lô đối với những người tin Chúa trong Hội thánh tại thành Têsalônica, khi họ nghe Phao-lô dạy về sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ, họ hiểu lầm rằng Chúa sẽ trở lại nay mai trong đời của họ, nên có một số người sanh ra lười biếng không muốn làm việc. Do đó, trong thư II Têsalônica 3:10-12, Phao-lô dạy: ‘nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa’. Vả chúng tôi nghe trong anh em có kẻ ăn ở bậy bạ, chẳng hề làm lụng, trở chăm những sự vô ích thôi. Chúng tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, bảo và khuyên những kẻ đó phải yên lặng mà làm việc, hầu cho ăn bánh của mình làm ra.
Kinh thánh ra lịnh: Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa (Rôma 12:11).

c. Nghi đề 3: Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời là nguyên nhân tội lỗi:
Có ý kiến cả gan cho rằng Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời đã định như vậy, nên họ không thể không phạm tội.
Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng không có một bằng cớ nào chứng minh Đức Chúa Trời muốn hoặc xui khiến con người phạm tội, vì vậy Đức Chúa Trời cũng không có Nguyên Chỉ trù bị cho con người phạm tội. Chúng ta có thể khẳng định như vậy vì những lý do:
• Là Đấng Thánh, Đức Chúa Trời ghét tội lỗi - Êsai 59:2
• Truyền đạo 7:29, Kinh thánh làm chứng Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay thẳng; song loài người có tìm kiếm ra lắm mưu kế.
• II Côrintô 6:17-18, Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi tội lỗi để được Chúa nhận làm con trai con gái của Chúa.
• Gia-cơ 1:13-15, Đức Chúa Trời chẳng có sự ác nào cám dỗ được và chính Ngài cũng không cám dỗ ai, nhưng tội là mỗi người bị cám dỗ khí mắc tư dục, tư dục sanh ra tội ác.
Tuy nhiên, có hai điều phước hạnh liên quan đến Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi:
• Trong sự nhân từ của Chúa, Chúa dự bị cách giải cứu người tin cậy Ngài đôi khi qua những hành động tội lỗi của người khác. Thí dụ: Đức Chúa Trời đã dùng những hành động phạm tội của các anh Giô-sép, của vợ quan thị vệ Phô-ti-pha, của quan tửu chánh, để khiến Giô-sép được giải cứu và được đưa lên địa vị cao trọng trong nước Ai Cập - Thi thiên 76:10; Châm ngôn 16:4
• Đặc biệt hơn nữa, trong Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời có dành cho tội nhân ăn năn để được tha thứ, dù tội nhân đó là tội khôi nhưPhao-lô (I Timôthê 1:15) biết ăn năn - I Giăng 1:9).
Thay vì đi tìm cách biện luận về Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời để lười biếng hoặc để phạm tội, con người cần nhìn thấy Nguyên Chỉ của Đức Chúa Trời lại càng siêng năng, cùng hạ mình ăn năn.