Thần Đạo Học - Chương VII - Cơ-Đốc Nhân

Thần Đạo Học - Chương VII - Cơ-Đốc Nhân
Suốt từ Chương đầu tiên đến giờ, tôi đã dùng một từ ngữ để gọi những người tin Chúa Jêsus là Người Tin Chúa Jêsus, thay vì gọi là Cơ-Đốc nhân. Tôi phải gọi như vậy vì trong Hội thánh Chúa giữa người Việt Nam trong nước hoặc Hải ngoại có nhiều người dùng cách gọi riêng của mình.
---------------------------






CHƯƠNG VII

CƠ-ĐỐC NHÂN

**********************


Suốt từ Chương đầu tiên đến giờ, tôi đã dùng một từ ngữ để gọi những người tin Chúa Jêsus là Người Tin Chúa Jêsus, thay vì gọi là Cơ-Đốc nhân. Tôi phải gọi như vậy vì trong Hội thánh Chúa giữa người Việt Nam trong nước hoặc Hải ngoại có nhiều người dùng cách gọi riêng của mình.
Có người gọi người tin Chúa Jêsus là Người Krit, có người gọi là Ki-tô hữu, có người gọi là Tín nhân (dịch chữ believer của tiếng Anh). Những cách gọi hay dịch như vậy có chủ ý là muốn Việt hóa chữ Christian của Anh ngữ (chrétien - Pháp ngữ), cũng như tránh dùng chữ Nho (Hán ngữ).
Sở dĩ bây giờ tôi dùng danh từ Cơ-Đốc nhân là vì muốn dễ hiểu, dễ viết. Thật ra dùng cách nào cũng khó tránh mượn Hán ngữ hay Anh Pháp ngữ. Tôi nghĩ chúng ta phải cảm tạ Chúa đã cho tiếng Việt Nam phong phú nhờ nhập thêm những ngôn ngữ của các nước khác, hơn là đề kháng nó.
Vì vậy, để tránh hiểu lầm, tôi dành chương đầu tiên để giải thích từ Cơ-Đốc nhân.

I/. CƠ-ĐỐC NHÂN LÀ AI?

Có một kỷ niệm vui khiến tôi phải định nghĩa danh Jêsus và Cơ-Đốc nhân.
Kỷ niệm thứ nhất là sau năm 1975, có người đến khuyên một Chấp sự của Hội thánh mà tôi đang hầu việc Chúa đừng theo Tin Lành, vì đó là đạo của Mỹ. Vị Chấp sự này là người dân tộc thiểu số, đã mạnh dạn trả lời: ‘Đạo Tin Lành không phải của Mỹ, nhưng Chúa Jêsus có lẽ là người Mỹ’. Nghe tin đó, tôi lập tức đến nhà Chấp sự này và hỏi tại sao ông ấy nói Chúa Jêsus là người Mỹ? Ông Chấp sự đó trả lời: ‘Thưa Mục sư, tôi thấy chữ JÊSUS không phải tiếng Việt, mà đó là tiếng Mỹ, nên tôi nghĩ Chúa Jêsus là người Mỹ’. Thật là một bài học cho tôi. Thật sự chữ JÊSUS không phải tiếng Mỹ, vì nếu là tiếng Mỹ thì không có dấu ê (^) và đọc khác với cách đọc của người Việt Nam; cũng không phải tiếng Pháp, vì Pháp ngữ viết danh Chúa Jêsus là Jésus, thay dấu ê (^) bằng dấu sắc và đọc khác với tiếng Việt. Cảm ơn Chúa cho Hội thánh Việt Nam xưng danh Chúa Jêsus riêng của người Việt Nam.
Kỷ niệm thứ hai là trong một lần huấn luyện các Chấp sự một số các tỉnh, tôi hỏi các vị Chấp sự tham dự: Cơ-Đốc nhân có nghĩa gì? Một nữ Chấp sự trả lời ngay: ‘Thưa Mục sư, Cơ-Đốc là đốc thúc một cách có cơ bản, còn nhân là người’. Một câu trả lời thật bất ngờ cho tôi và cho cả Hội trường.
Hi vọng là sẽ không còn những câu trả lời lạ lùng sai trật như vậy trong Hội thánh Việt Nam nữa.

1. Theo ý nghĩa:

Lần đầu tiên chữ Cơ-Đốc nhân xuất hiện là tại thành An-ti-ốt (Công vụ 11:26). Đây là một từ ngữ theo tiếng Hi lạp, để gọi những người theo Chúa Jêsus Christ. Ban đầu tên gọi Cơ-Đốc nhân là của những người không tin Chúa đặt cho người tin Chúa Jêsus với ý phân biệt và không có ý
tốt, nhưng lần lần trở nên một danh từ tốt đẹp (trong Tin Lành có một số vật hay từ ngữ gốc không tốt nhưng qua Tin lành thì trở nên tốt: chữ Thập tự giá, chữ Hội Thánh…).
Chữ CƠ-ĐỐC = đây là dịch âm từ Hán ngữ ra. Vì người Trung quốc xưng Danh Đấng Christ là Cơ-Đốc do dịch âm tiếng Hi Lạp danh Christ Christos; NHÂN = người. Kết hiệp lại, Cơ-Đốc nhân là Người thuộc về Đấng Christ, giống như trong Anh ngữ, tiếp vĩ ngữ (suffix) IAN có nghĩa là thuộc về.

2. Theo kinh nghiệm:

Cơ-Đốc nhân là người được kinh nghiệm như sau:

a. Là người tin Chúa Jêsus:
Người Việt Nam chúng ta thường hiểu lầm tin Chúa Jêsus là có đạo, hoặc theo đạo, hoặc vì mục đích vật chất, nhưcâu hát ví von: ‘Đạo Thiên Chúa có lúa ăn hoài’. Câu hát đó có lẽ do một tổ chức tôn giáo từ sau năm 1954 đem những vật phẩm cứu trợ đồng bào di cư từ Bắc vào Nam để mời người vào đạo của họ. Đa số thường chú ý vào tổ chức tôn giáo hơn là một nhu cần tâm linh.
Trong Kinh thánh sách Giăng đoạn 3, Giáo sư Ni-cô-đem đến tìm Chúa Jêsus chỉ với mục đích là trao đổi trí thức đời này và tỏ ra thích thú các phép lạ Chúa Jêsus đã làm giữa dân chúng. Chúa Jêsus đã nhân đó giải thích cho Ni-cô-đem thấy vấn đề là nhu cần tâm linh thật của mọi người, trong đó có cá nhân Ni-cô-đem.
Đúng nghĩa, một người tin Chúa Jêsus gồm hai bước: (1) Bước 1 là trước hết người đó phải ăn năn tội lỗi của cá nhân mình, (2) Sau đó tiến đến bước 2 là tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của cá nhân mình để tội được tha và được làm con cái Đức Chúa Trời.
Chuyện theo một đạo hay tổ chức tôn giáo chỉ nên lưu ý sau khi đã tin Chúa Jêsus.

b. Được Tái sanh:
Từ ngữ Tái Sanh gồm hai chữ: Tái là môt lần nữa; sanh là sanh ra, như vậy: Tái sanh theo nghĩa đen là sanh ra một lần nữa (Giăng 3:4).
Theo nghĩa thuộc linh thì Tái Sanh là được sanh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời bởi việc ăn năn tội và tin nhận Chúa Jêsus Christ và Đức Thánh Linh dùng quyền năng biến cải đời sống người đó được sanh ra trong gia đình Đức Chúa Trời, như Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 1:12; 3:3-8.
Tái sanh không phải là sửa đổi hành vi bên ngoài hoặc sửa đổi bản tánh cũ hay cảm hóa nó, vì bản tánh cũ vốn đã chết từ khi tổ phụ loài người phạm tội di truyền đến chúng ta (Ê-phê-sô 2:1; 4:17-19).
Sự tái sanh là Đức Chúa Trời bởi công lao đổ huyết đền tội của Chúa Jêsus Christ và bởi quyền năng của Thánh Linh tái tạo bản chất bên trong, đem chính sự sống của Ngài truyền lại cho người tin Chúa Jêsus, như một nhánh cây được ghép vào gốc sự sống, không phải là cặm vào trong bình hoa - Giăng 5:21; Rôma 6:13.
Người được tái sanh có khuynh hướng hướng về Đức Chúa Trời, có Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng, có tâm tánh mới, có anh em mới… Mới ở đây không phải mới môt phần, hoặc mới bề ngoài hoặc chỉ mới bên trong, mà nhưPhao-lô mô tả trong II Côrintô 5:17, “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở
nên mới”, Mới mọi sự, bề trong lẫn bề ngoài, mới hành vi đến tánh tình. Rồi từ sự biến cải bên trong sẽ tự nhiên phát ra những bông trái bên ngoài như yêu thương, vui mừng, bình an… (Galati 5:22).
Sự tái sanh không phải do việc làm của con người mà bởi ân điển của Đức Chúa Trời cộng với đức tin của cá nhân người tin Chúa Jêsus - Ê-phê-sô 2:8-9.

Vậy thì ÂN ĐIỂN LÀ GÌ?
Thần học định nghĩa: Ân điển là sự ban cho hoàn toàn miễn phí của Đức Chúa Trời, cho một đối tượng không đáng được ban cho. Hãy thử kiểm tra lại Ân Điển trên người tin Chúa Jêsus: người đó vốn là một tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời như mọi người (Rôma 3:23), mà tiền công của tội lỗi là sự chết (Rôma 6:23). Nhưng lòng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta bày tỏ ra trong Chúa Jêsus Christ, Ngài bằng lòng tình nguyện chịu chết trên thập tự giá thay cho người tin Ngài.
Người tin Chúa Jêsus không cần làm gì cả, cũng không trả giá, không cần chịu bất cứ lễ nào của Giáo hội, chỉ cần tin nhận công lao của Chúa Jêsus Christ cho chính mình là đủ - Công vụ 16:31; Rôma 10:8-10.
Có Giáo hội căn cứ vào Giăng 3:5 ghi lời Chúa Jêsus phán: Nếu một người chẳng nhờ NƯỚC và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời, để chủ trương rằng một người muốn được tái sanh phải chịu Lễ Rửa (tức là Lễ Báp-têm) bằng nước. Có ý kiến giải thích chữ NƯỚC là chỉ về Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, như I Phierơ 1:23. Tôi cho rằng hai ý kiến đều đúng nửa vời.
• Nếu cho rằng NƯỚC là Lễ Rửa (hay báp-têm (thì phải nhớ Chúa Jêsus đang phán lời này với Ni-cô-đem là một người Y-sơ-ra-ên, một người biết rõ Đức Chúa Trời là AI, Đức Chúa Trời đã làm gì cho cá nhân họ, như Giăng Báp-tít làm phép báp-têm cho những người đã ăn năn tội - Mathiơ 3:5-6. Trong khi đó, người Việt Nam chúng ta chưa hiểu được Đức Chúa Trời là AI, thường cho rằng Đức Chúa Trời là thần của người Tin Lành (hoặc của Công giáo La Mã mà người Việt Nam gọi là đạo Thiên Chúa). Thế thì không ăn năn tội, không biết gì về Đức Chúa Trời, thì làm sao được tái sanh? Như trường hợp vui có thật mà tôi đã kể ở đầu chương này.
• Nếu cho rằng NƯỚC là Kinh thánh. Chúa Jêsus phán với người Pharisi trong Giăng 5:39 rằng: các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời. Nếu chỉ nói Kinh thánh khiến người đó được tái sanh cũng không đúng, mà phải nói người đó nhờ đọc biết được tội lỗi của mình, biết được Đức Chúa Trời là AI, biết được Chúa Jêsus Christ đã làm gì cho cá nhân mình, biết cá nhân mình phải làm gì để được tha thứ tội lỗi và được tái sanh. Người đó bằng lòng làm theo điều Kinh thánh dạy, ấy là ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của cá nhân mình.
Một điểm cần lưu ý nữa là sự tái sanh xảy ra trong tích tắc, trong nháy mắt, ngay khi một người ăn năn tội và tiếp nhận công lao của Chúa Jêsus Christ cho cá nhân mình. Có một tà giáo dùng thư I Phierơ 2:1-2 để cho rằng tái sanh từ từ. Đây là hiểu sai lẫn lộn giữa sự tái sanh với khởi đầu Địa Vị Nên Thánh (Nên Thánh Địa Vị). Sau khi người tin Chúa Jêsus được tái sanh (I Phierơ 1:23), rồi phải tiếp tục học Lời Chúa để làm theo hầu đời sống càng lên chốn cao hơn.

a. Được Xưng nghĩa: tức là thay đổi ‘Địa vị' từ bất nghĩa sang công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời. Đây là một Địa Vị mà Cơ-Đốc nhân nhận được do Đức Chúa Trời KỂ - XƯNG, qua công lao của Chúa Jêsus Christ (Rôma 5:1; 8:33-34)
b. Được Danh Phận Làm Con: câu chuyện hay nhất mô tả lẽ thật nầy là khi đứa con trai hoang đàng trở về với cha, và người cha nói: ‘Con ta đây tưởng chết mà nay sống, tưởng mất mà nay được còn. Một địa vị được ‘tái nhìn nhận’.
c. Chẳng những mang danh phận làm con của Đức Chúa Trời, mà còn được kế tự gia tài của Đức Chúa Trời nữa (Rôma 8:14-17).
d. Được Nên Thánh (Thánh hóa): tức là được trở nên người thánh trước mặt Đức Chúa Trời (I Phierơ 2:9).
Chữ THÁNH có nghĩa là ‘được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời’. Như vậy, một người tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của đời sống mình, nhận được những điều MỚI:
• Một bản tánh Mới (Tái sanh)
• Một Địa Vị Mới (được xưng nghĩa)
• Một Gia Tài Mới (được Danh phận làm con)
• Một Đời Sống Mới (Nên Thánh)
Sự Nên Thánh nầy trải qua 3 giai đoạn:
• Nên Thánh Địa Vị:
Ngay khi tin Chúa Jêsus Christ, Cơ-Đốc nhân đã được đặt vào địa vị ‘Thánh’ (So sánh Giăng 3:3 với Hêb. 12:14).
• Nên Thánh Thực Nghiệm:
Tức là Cơ-Đốc nhân bắt đầu một hành trình kinh nghiệm đời sống làm người thánh, làm người biệt riêng cho Đức Chúa Trời mỗi ngày (Êph 3:17-19; Philíp 3:12-14). Trên tiến trình Nên Thánh Thực Nghiệm, Cơ-Đốc nhân sẽ có lúc mạnh lúc yếu, lúc lên cao lúc xuống thấp, có khi cũng vấp ngã, nhưng đường biểu diễn bao giờ cũng sẽ là đi lên, không phải đi ngang hoặc đi xuống. Phương tiện bên ngoài dùng để thực nghiệm nên thánh giữa đời này là Kinh thánh, đọc, học và làm theo; phương tiện bên trong người thánh đó là chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng lực cho người thánh để họ làm theo lời Kinh thánh dạy.
• Nên Thánh Trọn Vẹn:
Địa vị nầy có nghĩa là không còn vết tích tội lỗi nữa (Êph. 5:26-27; Philíp 3:20-21), không còn phạm tội nữa. Điều này xảy ra khi người thánh đó gặp Chúa khi qua đời hay khi Chúa Jêsus tái lâm lúc người thánh còn sống.

3. Theo Hình Thức:

Về hình thức, có hai điều qua đó Hội Thánh nhìn nhận một người là Cơ-Đốc nhân chính thức:

a. Người đó đã bằng lòng cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jêsus Christ (có thể chỉ là theo hình thức)

b. Người đó đã chịu phép Báp-têm theo qui định của tổ chức Hội Thánh (Rôma 6:4; I Phierơ 3:21)
Có hai cực đoan nên tránh:
(1) Có chủ trương cho rằng tin Chúa thì làm báp-têm ngay. Họ căn cứ vào Công vụ 8:36-37. Nhưng những người chủ trương đó quên một điều quan trọng là Hoạn quan người Ê-thi-ô-bi là người đã biết Kinh Thánh, đã tin Đức Chúa Trời (ông ấy đã theo Do thái giáo) không phải như người Việt Nam đối với Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ. Vả lại chậm một chút việc báp-têm để người chịu Lễ Báp-têm hiểu rõ thì chẳng có sai trái và thiệt hại gì.
(2) Có một số Hội Thánh quá khắt khe điều kiện ban Báp-têm: Học thuộc bao nhiêu bài giáo lý, thuộc lòng Bài Tín Điều, Bài Cầu nguyện chung … Cũng có khi vì hạn chế cơ hội tổ chức báp-têm như thiếu Mục sư hoặc thói quen của Hội thánh Việt Nam là chờ những ngày Lễ lớn (Lễ Kỷ niệm Chúa Jêsus giáng sanh, hoặc lễ Phục sinh). Thay vì để Tân Tín Hữu chờ cơ hội, thì Hội thánh nên bắt đầu dạy giáo lý căn bản để dùng Lời Chúa nuôi dưỡng hột giống mới gieo, rồi chờ đợi cơ hội báp-têm, là điều quý hơn.
Điều quan trọng là:
• Hết sức giải thích cho Tân Tín hữu hiểu nhu cần học Giáo lý căn bản để hiểu biết tối thiểu mình tin Ai? Tin Điều Gì? Thể hiện niềm tin như thế nào?
• Người dạy Giáo lý căn bản phải hết lòng dạy cho học viên HIỂU, không phải dạy cho THUỘC mà thôi.
• Chú ý ứng dụng Giáo lý được học vào đời sống hơn là thuộc lòng cách máy móc. Rồi khi đề cử một người chịu báp-têm thì nên chú ý đến những dấu hiệu tái sanh của người hơn là chỉ xét việc thuộc hay không thuộc bài giáo lý báp-têm. Nếu đời sống có những dấu hiệu tốt như nhóm lại trung tín, biết cầu nguyện, biết đọc Kinh thánh, sống đạo tỏ ra trái của Thánh Linh, thì tốt hơn người thuộc bài mà không có những dấu hiệu đó.
• Khi cử hành Lễ Báp-têm, Hội Thánh phải làm cho người chịu Lễ cũng như cả Hội Thánh ý thức tầm quan trọng của Thánh Lễ Báp-têm mà mình chịu, như cẩn thận từ cách hành Lễ, nơi làm Lễ, chỉ dẫn rõ ràng cho người chịu Lễ, nhắc nhở người chứng kiến Lễ giữ nghiêm trang …

II/. ĐIỀU KIỆN TRỞ NÊN CƠ-ĐỐC NHÂN:

Có Hai (2) điều kiện để trở nên Cơ-Đốc nhân mà Sứ đồ Phierơ đã nêu ra trong bài giảng đầu tiên - Công vụ 2:38.

1. Hối cải:
Theo nguyên ngữ Hi Lạp Kinh Thánh dùng ‘hối cải’ (metamélomai) gồm hai từ: meta = chỉ về sự thay đổi vị trí hay điều kiện; melo = quan tâm, chú ý. Hối cải là ‘thay đổi ý chí, thay đổi hướng đi - thay vì hướng về tội lỗi thì đổi hướng về Đức Chúa Trời.
Một người hối cải, thay đổi ý chí, thay đổi hướng đi không phải vì sợ bị hình phạt, nhưng sợ phạm tội, sợ tội lỗi. ‘Hối cải’ là một người nhận biết tội lỗi mình, đau xót về tội lỗi mình đã phạm, quyết định từ bỏ tội lỗi, quay về với Đức Chúa Trời.
Có người ví Sự Hối Cải (hay thường gọi là Ăn năn) giống như một người lính tập bước đi. Vị Chỉ huy hô: một hai, một hai… chú ý đàng trước, đứng lại ĐỨNG, khi biết hướng đi sai lầm phải dừng lại, chú ý đàng sau: QUAY! Bước tới: Bước!
II Côrintô 7:10 phân biệt 'Hối cải' khác với 'Hối hận'
HỐI HẬN
HỐI CẢI
Một ngõ cụt
Con đường dẫn đến mục đích
Nhìn vào tội lỗi chính mình
Vượt qua chính mình để đến Gô-gô-tha.
Quay lại chính mình
Quay về với Đức Chúa Trời
Làm chúng ta tự ghét mình hoặc yêu mình
Làm chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời.
Dẫn đến sự chết
Dẫn đến sự cứu rỗi
Hình ảnh minh thị cho Hối hận là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt – Math. 27:3-5
Hình ảnh minh thị cho Hối cải là Phi-e-rơ – Math. 27:75
Chúng ta thường gọi là “ăn năn hối cải”.
2. Tin Chúa Jêsus Christ:
Hối cải chưa đủ, mới chỉ là phần của con người phải làm, điều kiện thứ hai để trở nên Cơ-Đốc nhân là TIN CHÚA JÊSUS CHRIST.
Có 2 câu Kinh Thánh giải thích chữ TIN:
• Giăng 3:36, TIN = vâng lời, chịu thuyết phục, giao phó.
• Hêb. 11:1, TIN = biết chắc, biết rõ một đối tượng, có bằng cớ chứng minh.
Như vậy, một người tin Chúa Jêsus Christ hay có đức tin nơi Chúa Jêsus Christ, là người biết rõ (biết chắc, biết sau khi đã có được bằng cớ chứng minh) một đối tượng (là Chúa Jêsus Christ), và bằng lòng vâng phục (chịu thuyết phục, bằng lòng giao phó) hoặc giao phó mình cho đối tượng đó (Chúa Jêsus Christ).
Hay nói ngược lại:
Đức tin là sự phó thác (vâng phục) một đối tượng (Chúa Jêsus Christ) mà mình đã biết rõ (biết chắc).
Nói theo ngôn ngữ hiện đại hơn:
Đức tin là động tác và thái độ của một cá nhân đặt điều cần yếu của mình vào một đối tượng mà mình tin cậy, đồng thời nhờ đối tượng ấy làm chủ mọi hành động của mình.
Qua định nghĩa trên, chúng ta có hai trường hợp:
• Trường hợp thứ I:
Tin mà không biết rõ đối tượng, hay không biết rõ đối tượng mà lại bằng lòng vâng phục (phó thác) - Đó là MÊ TÍN.
• Trường hợp thứ II:
Biết rõ (biết chắc) đối tượng nhưng không vâng phục; hay không vâng phục (phó thác) đối tượng mà mình đã biết rõ (biết chắc) - Đó là Vô Tín.
Hai điều kiện nầy đi song song, không thể thiếu một điều kiện nào cả.
• Nếu một người bằng lòng ăn năn tội, quyết định từ bỏ tội lỗi, nhưng không tin nhận Chúa Jêsus Christ hoặc tin vào một đối tượng nào ngoài Chúa Jêsus Christ, thì cũng không thể trở nên Cơ-Đốc nhân (Công vụ 4:12).
Tại sao? Vì không hề có một đối tượng nào đủ điều kiện làm Đấng Cứu Thế của loài người như Chúa Jêsus Christ (vừa là Trời vừa là người trọn vẹn - I Timôthê 2:5)
• Nếu một người bằng lòng tin nhận Chúa Jêsus Christ nhưng không ăn năn (hối cải) tội lỗi của mình, thì cũng không thể trở nên Cơ-Đốc nhân (Luca 13:3, nếu không ăn năn thì sẽ bị hư mất - Luca 13:3, 5.
Trường hợp nầy không thể xảy ra, vì một người không nhìn nhận tội lỗi, không quyết định từ bỏ, thì không thể bằng lòng tin hay phó thác hoặc vâng phục Chúa Jêsus Christ để được tha thứ tội lỗi (I Giăng 1:9).

III/. SINH HOẠT CƠ-ĐỐC NHÂN:

Cơ-Đốc nhân cũng là một người như mọi người, nên cũng có những sinh hoạt như mọi người thuộc thể lẫn thuộc linh.

A. NGUYÊN TẮC SINH HOẠT:

Trong chức vụ, tôi nhận rất nhiều câu hỏi của các con cái Chúa hỏi có nên làm điều này hoặc có nên làm điều kia không. Tôi cảm nhận có một sự bối rối trong lòng của các Cơ-Đốc nhân khi đối diện với những sinh hoạt đời thường. Sự bối rối đó khiến họ sống rất khốn khổ vì quá kiêng cử không còn vui sống lạc quan, hoặc ngược lại sống như người thế gian vì theo nh chuẩn thế gian”
Đạo của Chúa Jêsus Christ là Nhập Thế Hành Đạo, không phải Đạo Xuất Thế Lánh Tục. Khi Chúa Jêsus cầu nguyện với Chúa Cha trong Giăng đoạn 17, Ngài đã xin Chúa Cha một điều: Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác (Giăng 17:15). Tại Chúa Jêsus cầu nguyện như vậy? Vì Ngài muốn Cơ-Đốc nhân phải vào đời làm chứng nhân cho Ngài như sự sáng của thế gian, như muối của đất (Mathiơ 5:13-16).
Và để Cơ-Đốc nhân đối diện với thế gian, trong Kinh thánh, Lời Chúa dạy Cơ-Đốc nhân hai Nguyên tắc rõ ràng để dạn dĩ vào đời, hầu cho Cơ-Đốc nhân gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nói như Thi thiên 84:6-7, đương khi đi qua trũng khóc lóc, họ làm trũng ấy trở nên nơi có mạch; mưa sớm cũng phủ phước cho nó. Họ đi tới, sức lực lần lần thêm; ai nấy đều ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn. Chẳng những Cơ-Đốc nhân có thể đi qua trũng khóc lóc là thế giới đau khổ, gian ác, tội lỗi này, mà còn phải biến trũng khóc lóc đó trở nên nơi có mạch nước ngon ngọt giống ốc đảo giữa sa mạc; như vùng đất có mưa thuận mùa phủ phước. Chẳng những Cơ-Đốc nhân làm điều đó trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng cho đến khi ra mắt Đức Chúa Trời tại Si-ôn, nghĩa là cho đến khi gặp Chúa. Không phải là bởi sức riêng của mình mà đi được, nhưng bởi
những Cơ-Đốc nhân đó có đức tin (họ quyết định đi tới, không lùi bước) được Chúa cho sức lực lần lần thêm.

1. Nguyên tắc thứ 1: NGUYÊN TẮC TỰ LẬP
Nguyên tắc tự lập của Cơ-Đốc nhân được ghi trong thư I Côrintô 6:12 và 10:23, 31. Hai lần Phao-lô dùng nhóm từ: Mọi sự tôi có phép làm. Cuộc sống của Cơ-Đốc nhân là cuộc sống tự do, không còn ràng buộc bởi những thói quen đời này nữa. Phao-lô nhắc Cơ-Đốc nhân tại thành Cô-lô-se rằng: Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt phục anh em chăng… Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát (Côlôse 2:8, 16).
Tuy nhiên, như chúng ta đã học khi Đức Chúa Trời ban sự tự do con người, Ngài ban cho một sự tự do có giới hạn (Sáng. 2:15-17). Khi tin Chúa Jêsus rồi, Cơ-Đốc nhân được tự do nhưng tự do trong giới hạn qua hai câu Kinh thánh là:mọi sự có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục tôi (I Côrintô 6:12) và: Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt… hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm (I Côrintô 10:23).
Thế thì Cơ-Đốc nhân có 3 tiêu chuẩn để sống:

TIÊU CHUẨN I: CÓ ÍCH
Phải dùng sự tự do của mình để làm sao ích lợi cho chính mình và không trở thành nô lệ cho nó.
Thí dụ: Người Việt Nam có cách giải trí như đánh cờ, một trong bốn bộ môn giải trí: cầm, kỳ, thi, họa. Giải trí có nghĩa là giải tỏa bớt sự căng thẳng của tâm trí, nói cách khác là thư giãn tâm trí, cũng là thư giãn thể xác. Cách giải trí đánh cờ (hay đàn, làm thơ, hay vẽ) là điều cần, có ích cho con người. Nhưng không có nó không được, hoặc vì nó mà bỏ qua những cơ hội làm công việc cần yếu khác, hoặc bỏ qua công việc Chúa, thì chúng ta trở nên nô lệ cho nó rồi.
Xem Truyền hình cũng là một cách giải trí. Có nhiều Cơ-Đốc nhân cực đoan quá, không chịu và cũng không cho phép người nhà xem truyền hình, tôi nghĩ điều đó không nên, vì đó là phương tiện truyền thông đem lại lợi ích cho con người. Tuy nhiên, nếu không xem không được, hoặc xem đến nỗi bỏ công việc cần làm hoặc công việc Chúa thì đó là bị nó bắt phục rồi. Vả lại, xem truyền hình với những chương trình gì? Mục đích gì? Phao-lô cảnh cáo Cơ-Đốc nhân tại Galati 5:1 rằng: ‘Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa’.
Tự do sống nhưng có ích lợi cho chính mình và không lệ thuộc. Đó là nguyên tắc sinh hoạt tự lập của Cơ-Đốc nhân.

TIÊU CHUẨN 2: LÀM GƯƠNG TỐT
Sau khi đạt được tiêu chuẩn 1, Cơ-Đốc nhân phải đặt vào tiêu chuẩn 2: Có ích cho tôi nhưng có làm gương tốt không? Vì cuộc sống của Cơ-Đốc nhân không phải chỉ tìm lợi riêng cho mình, mà phải tìm lợi cho kẻ khác. Làm gương cho ai? Câu 31a và 32, Phao-lô nói làm gương qua cách ăn uống… và làm gương tốt cho người Giu-đa, người Hi Lạp, và làm gương tốt cho Hội thánh nữa, nghĩa là làm gương cho người chưa tin Chúa, cho người thù nghịch Đạo Chúa, làm gương cho người đã tin Chúa Jêsus - nói như trong I Timôthê 4:12, làm gương cho các thánh đồ.
Có những điều có ích cho tôi, nhưng không làm gương tốt cho người chung quanh, thì không làm. Thí dụ, cá nhân Phao-lô ăn thịt mua từ ngoài chợ. Nhưng phong tục thời đó khi giết thú vật thì phải cúng vái theo tục lệ, hay họ bán ngoài chợ thịt đã dâng cúng từ trong đền miếu. Khi ấy có người cho rằng Phao-lô đã ăn thịt cúng hình tượng, do đó, Phao-lô không ăn thịt đó nữa (I Côrintô 8:13; 10:25-29).

TIÊU CHUẨN THỨ 3: LÀM VINH HIỂN DANH CHÚA
Có ích cho tôi, làm gương tốt cho mọi người, nhưng có làm vinh hiển Danh Chúa không? Có khi việc mình làm có ích cho bản thân, được đa số ủng hộ, nhưng không làm vinh hiển Danh Chúa thì không được làm.
Bài học trong sách Dân số ký đoạn 13 và 14, đa số chưa chắc là đúng, chưa chắc làm vinh hiển Danh Chúa. Thí dụ, Chúa nhật không đi thờ phượng Chúa, lo làm kiếm tiền hay đi vui chơi. Có thể ích lợi cho cá nhân, nhiều người chung quanh cũng làm như vậy, nhưng rõ ràng không làm vinh hiển Danh Chúa vì trái với Lời Chúa.

2. Nguyên tắc thứ 2: NGUYÊN TẮC VÀO ĐỜI

Trong bài dạy cho các môn đồ trước khi sai họ vào đời để truyền giảng Tin Lành, Chúa Jêsus Christ đã dạy các môn đồ nguyên tắc vào sinh hoạt giữa đời này được tóm tắt trong Mathiơ 10:16, Chúa Jêsus phán: Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bò câu.
Còn trong thư Ê-phê-sô 5:15, 17, hai lần sứ đồ Phao-lô nhắc rằng Cơ-Đốc nhân là người khôn ngoan, đừng xử mình như người dại dột. Người Việt Nam có câu: ‘Thật thà là cha dại’. Chúa Jêsus dạy Cơ-Đốc nhân phải là người khôn ngoan biết khôn khéo (khác với xảo quyệt) xử sự nhưng tấm lòng bao giờ cũng phải đơn sơ, không có mưu ý gian ác, lừa lọc người khác.
Bài học là chính Chúa Jêsus, khi chung quanh Ngài có những kẻ luôn tìm cách bắt bẻ Ngài (Mathiơ 22:15, 35), Chúa Jêsus đã khôn ngoan để trả lời khiến những kẻ đó cứng miệng (Mathiơ 22:22, 34)
Phao-lô cũng nói về cách của ông sống giữa đời này, chúng ta biết Phao-lô cũng có rất nhiều người theo đuổi để mưu hại ông, nhưng ông nói trong thư I Côrintô 9:19-23, Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn‘tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào’.
Có người nói với tôi là nếu như vậy tôi phải uống rượu để làm chứng cho những người uống ruợu. Chắc chắn Đức Chúa Trời không cần như vậy, vì khi đã say rượu thì tâm trí đâu làm chứng về Chúa nữa, và nhất là làm sao chứng minh được đời sống được biến cải?
Đạo của Chúa Jêsus Christ là Đạo Nhập Thế Hành Đạo, không mang tinh thần yếm thế, thoát tục. Đó là lý do Chúa vẫn để chúng ta là Cơ-Đốc nhân sống giữa thế giới tối tăm nầy. Dĩ nhiên, Chúa để Cơ-Đốc nhân chúng ta sống giữa thế giới nầy không phải để chúng ta hưởng thụ, mà có mục đích rõ ràng:
• Mathiơ 5:13-16, Chúa muốn Cơ-Đốc nhân làm muối, làm sự sáng cho thế giới, Sự sáng đó phải soi trước mặt người ta đặng họ thấy và ngợi khen Cha chúng ta trên trời.
• Philíp 2:15-16, Chúa muốn Cơ-Đốc nhân sống giữa thế giới phải chiếu sáng như đuốc đến ngày của Đấng Christ.
Cơ-Đốc nhân chúng ta phải nắm vững mục đích cao cả nầy để thấy giá trị của đời sống mình mà sinh hoạt.