Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P1)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P1)
Năm 1972, khi Hội đồng Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam đang thảo luận về Điều lệ của Hội thánh được sửa đổi để thích ứng với thời gian và hoàn cảnh. Từ ngữ gây tranh cãi nhiều nhất là do Ban Tu Chính Điều Lệ đưa ra sửa danh từ HỘI THÁNH thành GIÁO HỘI.
------------------------------









CHƯƠNG VIII - PHẦN 1
HỘI THÁNH


********************




Năm 1972, khi Hội đồng Tổng Liên Hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam đang thảo luận về Điều lệ của Hội thánh được sửa đổi để thích ứng với thời gian và hoàn cảnh. Từ ngữ gây tranh cãi nhiều nhất là do Ban Tu Chính Điều Lệ đưa ra sửa danh từ HỘI THÁNH thành GIÁO HỘI. Cuộc tranh cãi đang sôi nổi thì có một đại biểu đột nhiên hỏi: ‘Ai đã đặt tên Hội thánh Tin Lành Việt Nam’ cho Hội thánh? Câu hỏi thật bất ngờ, nhưng sau đó Cụ Mục sư Lê Văn Thái nguyên Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã đứng lên trả lời, vì Cụ là người còn lại trong Ban Trị Sự Tổng Liên Hội vào năm Hội thánh trình Điều lệ cho Hoàng đế Bảo Đại để xin Tư Cách Pháp Nhân cho Hội thánh chung. Cụ Mục sư Thái trả lời rằng: ‘ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM!’ Chúng ta hãy nghe Mục sư Lê Văn Thái nói về danh xưng của Hội thánh tại Việt Nam trong quyển Hồi ký Bốn Mươi Sáu Năm Chức Vụ của ông:

Tôi [Mục sư Lê Văn Thái].. trình bày rõ hơn tại sao Hội thánh Chúa tại Việt Nam lại được Đức Chúa Trời ban cho một cái tên kỳ diệu là “Hội thánh Tin Lành Việt Nam” như ngày nay. Trong khoảng thời gian từ năm 1912 đến 1928, người Pháp gọi Hội Truyền giáo là La Mission Evangélique; do đó các phòng giảng hoặc nhà giảng phải treo tấm bảng với hàng chữ: MISSION EVANGÉLIQUE hoặc EGLISE EVANGÉLIQUE. Đến năm 1928 Hội thánh chúng ta đã trình bản Điều lệ lên Hoàng đế Việt Nam, để xin thành lập Hội thánh riêng. Bản điều lệ đó đã dịch chữ Eglise Evangélique du Vietnam ra chữ Hội thánh Tin Lành Việt Nam. Từ đó, từ ngữ Hội thánh Tin Lành Việt Nam được phổ biến và trở nên quen thuộc chẳng những đối với mọi người trong nước mà cả hải ngoại nữa.

Thật Chúa đã chọn tên đó cho Hội thánh của Ngài tại Việt Nam, khác hẳn với hai mươi ba xứ mà Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp đã đến rao truyền Tin Lành. Hội thánh tại những quốc gia nầy đều mang chung một tên là Hội thánh Liên Hiệp. Năm 1957, khi tôi đến New York, có một nhân viên của Hội Truyền giáo tại đó hỏi tôi: ‘Sao Hội thánh tại Việt Nam không lấy tên chung là Phước âm Liên hiệp, mà lại lấy tên là Hội thánh Tin Lành Việt Nam?’ Tôi trả lời rằng: ‘Tôi cũng không biết nữa. Nhưng chắc Chúa biết, vì từ trước đến nay không có một Hội đồng nào hoặc một ban trị sự nào quyết nghị đặt tên cho Hội thánh Việt Nam’. Với chủ trương không chịu lệ thuộc như vậy, nên ngay từ đầu, thay vì lấy chung một tên Phước Âm Liên Hiệp như những quốc gia khác đã làm, toàn thể giáo hữu Việt Nam đều đồng một lòng chung một ý, mặc nhiên chấp nhận danh hiệu của Giáo hội là HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT-NAM. Như tôi đã có dịp đề cập ở phần đầu tập hồi ký nầy, đây là một danh hiệu lạ lùng do sự đặt để của Chúa vì Hội thánh đã thành hình trước khi có những văn kiện qui lập.
1

Đó là điều đặc biệt của Hội thánh Việt Nam. Trong các tôn giáo ở Việt Nam, Giáo hội Công giáo La Mã không dùng chữ Hội thánh; còn đạo Cao Đài có lẽ do người sáng lập là ông Phạm Công Tắc vốn trước khi lập đạo, trong lúc tìm đường chống thực dân Pháp, đã từng ở Phnom Penh tiếp xúc với các Giáo sĩ Tin Lành, nên về sau khi lập đạo Cao Đài cũng đã dùng chữ ‘Hội thánh’ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ.

Để tránh những hiểu lầm Hội thánh như một tổ chức tôn giáo đời này, chúng ta cần một định nghĩa cho “Hội thánh”.

I/. ĐỊNH NGHĨA HỘI THÁNH:

1. Ý sai:


Có hai ý chưa chính xác khi nói đến danh từ Hội thánh.
(a). Người Việt Nam chưa tin Chúa Jêsus cũng như người đã tin Chúa Jêsus khi nghe hai chữ ‘Hội thánh’ thường nghĩ ngay đến cái nhà thờ, chỗ nhóm lại thờ phượng Chúa của người Tin Lành. Có lẽ sự suy nghĩ này từ sự hiểu chữ ‘church’ trong tiếng Anh, vì trong tiếng Anh, chữ 'church' cũng được hiểu là 'nhà thờ' hoặc 'Hội thánh'.
Thật sự, nếu chúng ta chỉ có nhà thờ, một ngôi nhà thờ to lớn, đẹp đến thế nào, thì đó cũng chỉ là một khối vật chất. Nếu hiểu Hội thánh hoàn toàn không phải là tòa nhà mà với một nghĩa thiêng liêng mà thôi thì cũng là một tư tưởng chưa chính xác.
Chúng ta phải nhớ rằng Tin Lành không phải là duy tâm hay duy vật, mà là một sự phối hợp giữa vật chất với tâm linh – ‘Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta’(Giăng 1:14), Ngôi Lời' là thuộc linh; xác thịt là vật chất. Giống như khi Đức Chúa Trời dựng nên con người, Ngài đã dùng khối vật chất là đất để nắn nên hình người rồi hà sanh khí vào lỗ mũi tượng người để thành con người. Ngược lại Chúa Jêsus Christ cũng phán: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời ra từ miệng Đức Chúa Trời (Mathiơ 4:4; Phục truyền 8:3), nghĩa là Hội thánh chỉ là toà nhà vật chất thì cũng không phải là Hội thánh của Chúa Jêsus Christ.

(b). Hội thánh cũng không phải là một Hệ phái nào đó của cải chánh giáo (Tin Lành). Một số người cũng hiểu lầm mà cho rằng chỉ có Hệ phái của tôi là Hội thánh, còn ngoài ra thì không phải là ‘Hội thánh’. Chính vì tư tưởng đó mà xảy ra sự tranh chấp, chia rẽ giữa các Hệ phái Tin Lành. Bài học sai lầm đó được ghi trong thư I Côrintô 1:12, Phao-lô trách Hội thánh tại thành Côrintô đã chia bốn phe: phe Phao-lô, phe Abôlô, phe Sêpha, phe Đấng Christ. Thật sự không có Hệ phái nào, tổ chức tôn giáo nào cứu chúng ta, chỉ có Chúa Jêsus Christ cứu chúng ta.
Một câu nói mà người Việt Nam tin Chúa Jêsus thường nói sai là 'Hội thánh của tôi', hoặc 'Hội thánh của chúng ta', hoặc ‘Hội thánh của Mục sư', hoặc 'Hội thánh Hà nội', 'Hội thánh Sàigòn'. Đáng lẽ phải nói: Hội thánh của Chúa tại …

2. Ý Đúng:

a. Theo nguyên ngữ:
Chúng ta hãy nghe William Barclay nói về danh từ 'Hội thánh' trong quyển New Testament Words của ông như sau:
Ekklèsia là từ ngữ trong Tân Ước chỉ về Hội thánh, và vì vậy là một trong tất cả những từ ngữ quan trọng nhất của Tân Ước. Giống như nhiều từ ngữ Tân Ước khác, nó có hai bối cảnh.
(i) Ekklèsia có một bối cảnh Hêbơrơ:
Trong bản 70 dịch từ ngữ Hi Bá Lai aqual một lần nữa đến từ nghĩa gốc là 'triệu tập, mời đến'. Nó thường được dùng chỉ về hội chúng hoặc hội đồng của dân Y-sơ-ra-ên. Trong Phục truyền 18:16; Quan. 20:2, được dịch là 'hội, nhóm hiệp'; và trong I Vua 8:14; Lêvi 10:17; Dân 1:16, được dịch là 'hội chúng', từ ngữ rất thông dụng trong bản 70, xuất hiện trên 70 lần. Do đó,
theo ý nghĩa tiếng Hi Bá Lai, nó có nghĩa là dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi hiệp lại bởi Đức Chúa Trời, để lắng nghe hay làm việc cho Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa nào đó, từ ngữ hội chúng mất đi phần nào ý nghĩa chủ yếu. Một hội chúng là một hội những người đến hiệp lại; một aqual hay một ekklèsia là một nhóm người được kêu gọi hiệp lại.
(ii) Ekklèsia có một bối cảnh Hi Lạp.
Trong những ngày cổ xưa tại Athens, ekklèsia là một Hội đồng dân sự được tập hợp lại. Nó gồm tất cả những thị dân của thành phố là những người không mất quyền công dân. Trừ những quyết định phải làm cho phù hợp với luật pháp của Bang, quyền lực của Hội đồng này hầu như không giới hạn. Nó tuyển chọn và giải tán những quan tòa, điều khiển nền chính trị của thành phố, tuyên bố chiến tranh hay hòa bình, ký kết hiệp ước và sắp xếp liên minh. Nó tuyển chọn các tướng lãnh, các sĩ quan quân đội khác. Nó phân bổ quân vào các chiến dịch khác nhau, điều quân từ các thành phố. Nó có trách nhiệm tối hậu để điều khiển tất cả hoạt động quân sự. Nó đề xuất và phân phối công quỹ. Có hai điều đáng chú ý trong bản ghi chú. Thứ nhất, các cuộc họp của nó bắt đầu với sự cầu nguyện và dâng tế. Thứ hai, nó là một nền dân chủ thật sự. Hai khẩu hiệu quan trọng của nó là ‘Công bằng và Tự do’ (eleutheria). Nó là một hội chúng mà mọi người có quyền lợi và bổn phận như nhau dự phần. Khi một trường hợp yêu cầu đúng của bất cứ cá nhân nào đưa ra trước nó - như trong trường hợp sa thải hoặc trục xuất - ít nhất 6.000 công dân phải hiện diện. Trong thế giới Hi lạp rộng hơn, ekklèsia trở thành ý nghĩa của bất cứ cuộc họp công dân đúng đắn nào. Chú ý ghi nhận rằng thế giới La Mã không cố dịch từ ngữ ekklèsia; nó được chuyển ngữ thành ecclesia và dùng cùng một cách. Đối với người Hi Lạp và người La Mã, từ ngữ tương đương ý nghĩa một hội chúng được họp lại. Vì vậy, khi chúng ta chú ý nó dựa vào bối cảnh này, như Deisslann dùng nó, Hội thánh là hội chúng của Đức Chúa Trời, sự tập hợp của Đức Chúa Trời, và Đấng triệu tập là Đức Chúa Trời.
Hai từ ngữ gốc, Hi Bá Lai và Hi Văn, dùng nhấn mạnh hành động của Đức Chúa Trời.