Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P5)

Thần Đạo Học - Chương VIII - Hội Thánh (P5)
Trong phần này tôi chỉ trình bày sơ lược Lịch sử Hội thánh mà thôi. Tôi sẽ trình bày một quá trình lịch sử Hội thánh dài từ khi bắt đầu đến cận kim, trong đó có một cuộc cải chánh thành côg tại Đức, và cuộc cải chánh thất bại tại Pháp. Đặc biệt vì là người Việt Nam, tôi sẽ đưa vào phần lược sử của Hội thánh Việt Nam.
--------------------------------







CHƯƠNG VIII - PHẦN 5
LƯỢC SỬ HỘI THÁNH

*********************************

 Trong phần này tôi chỉ trình bày sơ lược Lịch sử Hội thánh mà thôi. Tôi sẽ trình bày một quá trình lịch sử Hội thánh dài từ khi bắt đầu đến cận kim, trong đó có một cuộc cải chánh thành côg tại Đức, và cuộc cải chánh thất bại tại Pháp. Đặc biệt vì là người Việt Nam, tôi sẽ đưa vào phần lược sử của Hội thánh Việt Nam. LÝ DO CẦN BIẾT LỊCH SỬ HỘI THÁNH Mỗi Quốc gia đều có SỬ để ghi chép lại tiến trình hình thành của Dân tộc mình. Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên đất cũng được gọi là Nước Đức Chúa Trời hay Vương quốc Đức Chúa Trời, không hạn chế biên giới quốc gia thuộc con người, nhưng bao gồm người tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình bất kể thuộc các chi phái, các nuớc, các dân tộc. Phàm là dân một Nước phải biết lịch sử của Nước mình, chẳng những để biết sự hình thành của dân tộc mình, nhưng cũng để rút ra những kinh nghiệm cho việc xây dựng tương lai Nước mình. Vì vậy, Cơ-Đốc nhân là công dân trong Nước Trời cũng phải biết SỬ của Hội Thánh để học lấy những kinh nghiệm có cần cho đời sống cá nhân, cho Hội Thánh hiện tại và cho tương lai. Lịch sử Hội Thánh chia làm 3 thời kỳ quan trọng:
THỜI KỲ KHAI SÁNG Từ thời Sứ đồ đến khi Đế quốc La Mã bị Cơ-Đốc Giáo chinh phục
THỜI KỲ CẢI CHÁNH. Cuộc cải chánh thành công tại Đức. Cuộc cải chánh thất bại tại Pháp
THỜI KỲ HIỆN TẠI. Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

I/. THỜI KỲ KHAI SÁNG

Đúng ra Lịch sử Hội Thánh phải ghi nhận từ Sáng thế ký đến việc hình thành dân Y-sơ-ra-ên, là một dân tộc làm hình bóng về Hội Thánh thời Tân Ước. Nhưng các Sử gia của Hội Thánh thường bắt đầu ghi nhận từ thời các Sứ đồ, tức là sau biến động của ngày Lễ Ngũ Tuần trong Công vụ đoạn 2. Địa bàn phát triển Hội Thánh được chính Chúa Jêsus Christ hoạch định trong Công vụ 1:8, Giê-ru-sa-lem - xứ Giu-đê - xứ Sa-ma-ri - cho cùng trái đất. Chúng ta có thể chia Thời kỳ nầy làm 3 giai đoạn:
• Thời Sứ đồ
• Thời Hội Thánh bị bắt bớ
• Thời Đế quốc La Mã bị Cơ-Đốc Giáo chinh phục
****************************
HỘI THÁNH THỜI SỨ ĐỒ (ĐƯỢC THÀNH LẬP) Từ năm 30 SC. đến 35 SC. (Từ Lễ Ngũ Tuần đến khi Sau-lơ tin Chúa) Xem Công vụ 2:1.

• Thời điểm khai sanh Hội Thánh: 50 ngày sau khi Chúa Jêsus Christ phục sinh, tức là vào Lễ Ngũ Tuần của dân Do Thái.
• Địa điểm Hội Thánh được thành lập: Tại một phòng cao ở thành Giê-ru-sa-lem là trung tâm thù nghịch vớiChúa Jêsus Christ, chính tại Giê-ru-sa-lem, dân Do Thái đã đóng đinh Chúa Jêsus.
• Nhân sự: Hội Thánh lúc được thành lập chỉ với 120 người, thuộc đủ mọi thành phần xã hội: người đánh cá, người thâu thuế… (Công vụ 1:12-15).
Ngay khi được thành lập, Hội Thánh phát triển mạnh mẽ tại Giê-ru-sa-lem, Từ 120 người (Công vụ 1:15) tăng lên 3.000 người (Công vụ 2:41), rồi mấy hôm sau tăng lên độ 5.000 người (Công vụ 4:4) … Từ Giê-ru-sa-lem rồi truyền Tin Lành đến Sa-ma-ri (Công vụ 8:4-5), đến Công vụ đoạn 9 tràn đến Đa-mách nước Sy-ri, và cứ thế tràn khắp thế giới thời đó, cuối sách Công vụ Tin Lành đã đến thủ đô La-mã Đế quốc. Nhưng một mặt khác, chúng ta cũng thấy sự chống đối với Đạo của Chúa càng ngày càng gia tăng, tỉ lệ thuận với sự phát triển Hội Thánh.
• Công vụ 2:13, những người chưa tin nhạo cười
• Công vụ 4:1-3, Tòa Công Luận Do Thái bắt giam các Sứ đồ và hăm dọa những người tin.
• Công vụ 5:17-40, Tòa Công luận nghiêm cấm và đánh đòn các Sứ đồ
• Công vụ 7:54 - 8:1, bắt giam và giết những người tin Chúa.

TINH THẦN HỘI THÁNH LÚC MỚI THÀNH LẬP

Trong lúc những kẻ thù nghịch của Hội Thánh tìm cách làm hại Hội Thánh, tưởng rằng sẽ ngăn được việc rao giảng Tin Lành, thì bởi quyền năng của Đức Thánh Linh đầy dẫy, Hội Thánh càng phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể xem những sự bắt bớ là những liều thuốc kích thích thúc đẩy Hội Thánh hoạt động mạnh. Cách thức Hội Thánh đối phó với những khó khăn, bắt bớ của kẻ thù nghịch là:

• Hội Thánh hiệp một: 1:14; 2:44; 4:24; 5:12; 6:5
Hội Thánh hiệp một tinh thần lẫn vật chất. Sự hiệp một là sức mạnh của Hội Thánh như Chúa Jêsus Christ đã dạy (Ma-thi-ơ 18:19-20). Điểm yếu của Hội Thánh ngày nay là thiếu sự hiệp một.
• Hội Thánh có sự bình an trong khó khăn:
Khi có những khó khăn xảy ra, Hội Thánh rất bình tỉnh để đối phó:Công vụ 1:14-26, Hội Thánh bình tỉnh không tranh chấp khi không có người lãnh đạo, sẵn sàng nhận trách nhiệm và thuận phục nhau không tranh giành quyền lợi.
• 2:14, bình tỉnh giải thích trước chế nhạo của kẻ thù
• 2:46, bình tỉnh sinh hoạt hằng ngày.
• 4:3, 8, 13, bình tỉnh khi bị bắt bớ.
• 4:29 Hội Thánh cầu nguyện xin Chúa cho bình tỉnh
• 5:17-42, bình tỉnh trước những sự chịu khổ vì Chúa và những lời nghiêm cấm giảng Tin Lành.
• 7:55, 59-60, bình tỉnh khi chết vì Chúa.
• Vũ khí của Hội Thánh:
Vũ khí mà Hội Thánh sử dụng vừa để phát triển Hội Thánh vừa để đối phó những khó khăn bắt bớ là CÁI MIỆNG. Tất cả con cái Chúa đã dùng miệng để CẦU NGUYỆN và để rao giảng Tin Lành.
HỘI THÁNH ĐÁNH DẤU SỰ ĐẮC THẮNG TRONG THỜI KỲ NẦY LÀ CHINH PHỤC ĐƯỢC SAU-LƠ - MỘT KẺ THÙ SỐ MỘT CỦA HỘI THÁNH - TRỞ LẠI VỚI TIN LÀNH (xem Công vụ 9:1-9).

HỘI THÁNH BỊ BẮT BỚ Từ năm 35 SC đến 305 SC.

(Từ khi Ê-tiên bị giết đến Hoàng đế DIOCLÉTIEN (305) Với cái chết của Chấp-sự Ê-tiên (Công vụ 7:), dù đầy nguy hiểm, nhưng Hội Thánh như được thêm sức mạnh, nhiều tín đồ vừa chạy tránh nạn bắt bớ tại Giê-ru-sa-lem vừa tiếp tục rao giảng Tin Lành (Công vụ 8:4). Nhờ đó Hội Thánh phát triển đến Sa-ma-ri (8:5). Bắt đầu từ Công vụ đoạn 13, với sự dâng mình của Phao-lô (trước đây là Sau-lơ), Hội Thánh đã từ thành An-ti-ốt xứ Sy-ri truyền Tin Lành đến Tiểu Ai-si, đến Ma-xê-đoan (Âu-châu), rồi Rôma (trung tâm Đế quốc La Mã, Âu châu) (Xem bản đồ Hành trình truyền giáo của Phao-lô).Hội Thánh đã vượt qua những hoàn cảnh thuận hay nghịch để truyền giảng Tin Lành (Công vụ 20:19-21; II Cô. 11:13-27) Từ Công vụ 1: đến Công vụ 28:, trong vòng 30 năm, Hội Thánh đã phát triển không ngừng cho đến khi Giê-ru-sa-lem thất thủ dưới thời Tướng Titus của La Mã vào năm 70 SC.

Lý do Hội Thánh bị bắt bớ: Có nhiều lý do Hội Thánh bị La-mã Đế quốc bắt bớ trong thời kỳ nầy:
1. Hội Thánh không chịu thờ lạy hình tượng của Hoàng đế La Mã, ngay cả những hành động rưới rượu, bỏ hương vào lư hương trước tượng Hoàng đế.
2. Nghi lễ Tiệc Thánh bị hiểu lầm là ăn thịt uống huyết.
3. Hội Thánh chủ trương mọi người đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời (người chưa tin đều là tội nhân; người đã tin đều là Cơ-Đốc nhân), đi ngược lại chủ trương giai cấp của Đế quốc La Mã (giai cấp Quý tộc, nô lệ).
4. Một số nghề nghiệp bị thiệt hại vì những người tin Chúa không dùng đến, như bùa chú, làm tượng, nấu rượu (xem Công vụ 19:13-41)
Cảnh bắt bớ Hội Thánh: Trải qua hơn 200 năm dưới thời Đế quốc La-mã, Hội Thánh chịu nhiều bắt bớ rất khốc liệt.
• Hoàng đế Nero: 66-68 SC.
Vì thành La Mã bị cháy, dân chúng nghi do Hoàng đế Neron đốt, do đó Nero đổ thừa là các Cơ-Đốc nhân đốt để gây nên sự bắt bớ Hội Thánh dữ dội. Hội Thánh phải nhóm lại dưới các hầm mộ (hiện nay tại thành phố La Mã có nhiều đường hầm chạy ngang dọc). Trong cuộc bắt bớ nầy, Sứ đồ Phi-e-rơ bị đóng đinh (truyền thuyết nói rằng Phi-e-rơ yêu cầu bị đóng đinh ngược đầu, vì ông không dám giống Chúa Jêsus chịu đóng đinh). Sứ đồ Phao-lô bị chặt đầu. Chỗ vườn hoa dùng thiêu chết các Cơ-Đốc nhân, nay là Điện Vatican và Giáo Đường Thánh Phi-e-rơ của Giáo hoàng.
• Hoàng đế Domitien: 90 - 96 SC.
Sứ đồ Giăng bị bắt lưu đày tại đảo Bát-mô trong thời nầy (Khải huyền 1:9).
• Hoàng đế Marcus Aurelius: 161 - 180 SC.
Giáo phụ Polycarp nổi tiếng đã bị tử đạo, với câu trả lời: Suốt 86 năm phục vụ Chúa, Chúa chỉ ban ơn, làm sao tôi có thể rủa sả Ngài, khi ông bị ép rủa sả Chúa Jêsus.
• Hoàng đế Dioclétien:
Ra lịnh đốt Kinh thánh. Các Cơ-Đốc nhân bị tập trung vào nơi nhóm lại và đốt.

CƠ-ĐỐC GIÁO CHINH PHỤC ĐẾ QUỐC LA-MÃ:

Năm 305, Hoàng đế Dioclétien thoái vị, 4 nhân vật quan trọng tranh giành ngôi vua. Năm 311, còn lại Maxentius và Constantine đánh nhau tại cầu Milvian trên sông Tiber, cách La Mã 15 km. Trong khi hai bên giao tranh, Constantine nằm chiêm bao thấy một cây cờ thập tự với dòng chữ: Nhờ dấu hiệu nầy ngươi sẽ thắng. Và Constantine thắng trận lên ngôi. Năm 313, Hoàng đế Constantine ra lịnh công nhận Đạo của Chúa Jêsus làm Quốc giáo - Đạo của Nhà Nước, nên Đạo Chúa có tên là Công Giáo. Việc Hoàng đế La Mã tin Chúa Jêsus Christ và công nhận Đạo của Chúa, mở đầu cho thời kỳ cực thịnh của Hội Thánh:
• Nhiều Nhà thờ được xây dựng
• Những tu sĩ được ưu đãi
• Định ngày Chúa nhật làm ngày nghỉ
• Hình cụ thập tự xử án được bãi bỏ.

THỜI KỲ CẢI CHÁNH (Từ khi Hoàng đế Constantine lên ngôi đến khi Martin Luther lãnh đạo cuộc cải chánh ) - Từ 311 đến 1517 -
NHU CẦN CẢI CHÁNH: Có nhiều nguyên nhân đưa đến cuộc cải chánh Giáo hội:

1. Sự suy đồi của Giáo hội:
Vì Hội Thánh là Quốc giáo, nên Giáo hội được ưu đãi, người có Đạo sẽ được nhiều quyền lợi, nên có nhiều người theo Đạo mà không tin Chúa Jêsus Christ, đời sống không được tái sanh, làm tối Danh Chúa. Cuộc sống các Tu sĩ trở nên giàu có, sống phóng túng.Năm 590, Giáo hội bầu ra chức vụ Giáo hoàng tại La Mã, biến Hội Thánh thành một chế độ phong kiến, quân chủ. Điều nầy trái với lời dạy của Kinh thánh (I Phi. 2:9-10) Giáo hội không cho tín đồ đọc Kinh thánh, vì cho đó là Sách Thánh, chỉ dành cho các chức sắc cao cấp. Bởi đó, tín đồ trở nên mê tín chỉ biết nghe lời con người dạy, mà không có Lời Chúa dạy, Hội Thánh đi sai Chân lý, pha trộn với những Tôn giáo thế gian.Giáo hội bắt đầu thờ hình tượng, nhất là thời Thập tự quân (đầu thế kỷ thứ 10) khi các Thập tự quân từ Giê-ru-sa-lem trở về, đem theo những vật dụng mà họ tin rằng của các Thánh. Những vật dụng nầy ban đầu tạo nên sự kính trọng, rồi trở nên vật để thờ lạy. Đứng trước sự suy đồi của Giáo hội kéo dài 1.000 năm (Các nhà Sử học gọi thời kỳ nầy là Thời kỳ Ám thế), Hội Thánh cần có một cuộc cải chánh sâu rộng để đem Hội Thánh trở về với Lời Chúa.

2. Các Cuộc Phục hưng Văn hóa Nghệ thuật:
Năm 476, Tây Đế quốc La-mã với thủ đô La-mã bị sụp đổ vào tay các bộ tộc phía Bắc nước Ý. Tuy nhiên Hội Thánh vẫn còn ảnh hưởng lớn trên những người cai trị mới. Năm 1453, Đông Đế quốc La Mã với thủ đô Constantinople bị Hồi giáo Thổ Nhĩ kỳ chiếm. Biến cố nầy khiến các Học giả Hi Lạp chạy qua Âu châu, đem theo các cổ thưHi Lạp, họ truyền bá Văn hóa và Nghệ thuật mới mẻ, khiến nhiều người được trực tiếp nghiên cứu Kinh thánh nhận ra sự sai lạc của Giáo hội. Năm 1455, với phát minh máy in của Gutenber ở Đức đã giúp Kinh thánh được in ra (quyển sách in máy đầu tiên của thế giới là quyển Kinh thánh) phổ biến dễ dàng hơn.
Nhờ những sự lan tràn tư tưởng khuynh hướng tự do học hỏi, những cơ hội tiếp xúc Kinh thánh, tạo nên ý thức cải chánh Giáo hội muốn đem Hội Thánh trở lại với Lời Chúa dạy.

3. Các Phong trào Tiền Cải chánh:
Trước khi cuộc cải chánh Giáo hội chánh thức bùng nổ, thì cũng đã có những nhà cải chánh tiên phong.
• Tại Nước Anh, nhóm John Wycliff (1324-1384) đã cho dịch Kinh thánh ra tiếng Anh (1380, xuất bản năm 1384). Việc làm nầy khiến Wycliff bị Giáo hội bắt đem thiêu rồi đổ tro xuống sông Tamise chảy ngang Luân-đôn.
• Tại Tiệp khắc, có John Huss (1369-1419) giảng công kích những sai lầm của Giáo hội. Ông bị Giáo hội lên án tà giáo, đem thiêu sống.

CUỘC CẢI CHÁNH THÀNH CÔNG TẠI ĐỨC CỦA MARITN LUTHER - 1517 -1521

1. Tiểu sử Martin Luther: (1483 - 1546)
Martin Luther con nhà nghèo, có chí học hỏi.Cha mẹ muốn Luther học Luật để làm Luật sư, một trong những giai cấp được tôn trọng thời đó. Nhưng Luther lại dâng mình vào tu viện Giáo hội, vì mặc cảm có tội với Chúa. Ngày 17-7-1505 (22 tuổi), Luther vào Tu viện Thánh Augustine. 2 năm sau được phong Linh mục. Nhưng đời sống của Luther thiếu bình an vì không tin rằng mình đã được cứu. 1508, Luther làm Giáo sư tại Đại học Wittenberg. lúc đầu dạy Triết học, sau đó dạy Thần học và giải kinh (Thi thiên, Rôma, Galati). Trong khi nghiên cứu Kinh thánh để dạy, Luther bắt gặp câu Kinh thánh trong Rôma 1:17, Người công bình sống bởi đức tin, ông thắc mắc: Nếu sống bởi đức tin, tại sao Giáo hội lại dạy phải làm việc công đức mới được cứu? Ý thức cải chánh bắt đầu trong lòng Luther. 1511, Luther đại diện Tăng đoàn Thánh Augustine tại Đức, sang La Mã gặp Giáo hoàng Nicolas II. Vui mừng vì được cơ hội nhận sự xưng công nghĩa bởi sẽ được chiêm ngưỡng La Mã Thánh. Nhưng khi tới La Mã, Luther thất vọng vì chỉ thấy những sự bạo ngược, nghi lễ, xa hoa và tội lỗi bất khiết. Trong khi ở La Mã, Luther dùng đầu gối leo 28 nấc thang Philát, leo lên một nấc thì đọc một câu Kinh thánh, hi vọng lên đến đỉnh được hôn chân Giáo hoàng, nhờ đó lập công đức riêng mà được xưng công nghĩa. Đang lúc leo, thình lình Lời Chúa trong Rôma 1:17 tỉnh thức ông: xưng nghĩa bởi đức tin, sao phải leo thang lập công đức riêng?. Luther tỉnh thức biết mình sai Lời Chúa, nên bỏ chạy, thề không trở lại La Mã.