Thần Đạo Học - Chương XII - Tội Lỗi

Thần Đạo Học - Chương XII - Tội Lỗi
Từ ngữ trong ngôn ngữ của loài người được nói đến nhiều nhất từ xưa đến nay chắc chắn là từ tội lỗi ! Nói như Chúa Jêsus Christ đã phán trong Mathiơ 24:12, tội ác thêm nhiều, nghĩa là càng ngày tội lỗi càng được nói đến nhiều hơn, càng được con người làm ra nhiều hơn.
-----------------------






CHƯƠNG XII
TỘI LỖI

****************************************


Từ ngữ trong ngôn ngữ của loài người được nói đến nhiều nhất từ xưa đến nay chắc chắn là từ tội lỗi ! Nói như Chúa Jêsus Christ đã phán trong Mathiơ 24:12, tội ác thêm nhiều, nghĩa là càng ngày tội lỗi càng được nói đến nhiều hơn, càng được con người làm ra nhiều hơn.
Giống như trước năm 1975, quyển tiểu thuyết Bố già (Godfather) cùng với bộ phim cùng tên xuất hiện tại Sàigòn đã thu hút rất đông độc giả lẫn khán giả. Rồi cách đây (2010) gần 30 năm, lần đầu tiên Đài Truyền hình Việt nam chiếu bộ phim Một Mình Chống Mafia, đã làm cho cả nước dường như gặp một cơn sốt đa số chầu chực trước màn hình để xem những tập tiếp theo. Cái gì đã thu hút mọi người? Nội dung của những câu truyện trên chỉ xoay quanh chủ đề tội lỗi của những tập đoàn buôn bán ma túy, bất chấp mọi thủ đoạn. Người ta bị thu hút vì những tội ác đó quá mới lạ, người Việt nam chúng ta xem sách hay phim với cảm nghĩ đó là những tội lỗi tận trời Tây. Nhưng bây giờ, đọc báo hằng ngày, nghe và xem truyền thanh hoặc truyền hình, người Việt nam nhận ra dường như nó ở ngay trong phường (không phải chỉ trong Quận, Tỉnh), trong xã, trong khu phố, trên đường mình cư trú.
Ngày nay tội lỗi không chỉ thuần là đề tài Thần học, Triết học để bàn cãi nữa, mà tội lỗi đã trở thành vấn đề chính của xã hội loài người từ dân tộc văn minh, tiên tiến đến những quốc gia chậm tiến. Không phải để bàn cãi nữa, cũng không phải để xử lý, không phải để ngăn chận, mà chỉ còn là tìm cách giảm bớt, như câu người Việt nam chúng ta hay nói: Cả đời làm lành, lành chưa đủ; một phút làm ác, ác đã có dư.
Tội lỗi có thực tại không? Tội lỗi là gì mà ghê gớm dường ấy?

I/. TỘI LỖI THỰC TẠI:

Dù tin Chúa Jêsus hay không tin Chúa Jêsus, tội lỗi rõ ràng có thật trong thế giới từ xưa đến nay, ở dạng này hay dạng khác. Có nhiều bằng cớ để minh chứng tội lỗi thực tại:

A. Ngoại chứng:

1. Thiên nhiên làm chứng:

Trong thư Rôma 8:18-22, Phaolô đề cập đến một vấn đề hiếm có là Muôn Vật Than Thở, muôn vật đã bị bắt phục sự hư không… muôn vật mong được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát… muôn vật than thở và chịu khó nhọc.
Tại sao muôn vật than thở? Chúng ta phải trở lại với Sáng. 3:17-19. Sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, vì họ được Đức Chúa Trời giao phó làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài … trồng và giữ vườn (1:28; 2:15), nên tội lỗi của họ đã tác hại đến muôn vật. Do đó, muôn vật cũng bị rủa sả, bị bắt phục sự hư không, cũng phải làm tôi sự hư nát. Tội lỗi đã làm cho muôn vật cũng như loài người bị trở thành nô lệ tội lỗi và chịu ảnh hưởng của tội lỗi.
Hãy lắng nghe tiếng rì rào của cỏ cây, tánh sợ hãi của các loài thú, để nhìn thấy bằng cớ tội lỗi hiện hữu trong muôn vật.

2. Con người làm chứng:
Từ xưa đến nay, trừ ra Chúa Jêsus Christ, chưa hề có ai dám nhận mình là vô tội, ngay cả các bậc được người đời tôn là thần hay thánh. Trái lại càng được tôn thần tôn thánh chừng nào, con người càng thấy mình tội nhiều chừng đó.
Các Triết gia Tây phương đã nói:
- Triết gia Senèque (2-66 SC.) quả quyết rằng: Chúng ta hết thảy đều phạm tội, người nầy nhiều, kẻ kia ít.
- Thi sĩ Ovid (43 TC. – 16 SC.) quyết rằng: Chúng ta hết thảy đều ham muốn điều đã nghiêm cấm rồi.
- Thi hào Goethe cũng là một Triết gia của Đức nhận rằng: Tôi không thấy tội lỗi nào trong kẻ khác mà chính mình tôi không thể không phạm được.
Người Việt nam chúng ta rất quen thuộc với việc Thái tử Sĩ-Đạt-Ta du hành bốn cửa thành gặp nan đề của loài người là Sinh – lão - bịnh - tử. Từ cuộc gặp gỡ đó, Thái tử đã đi tìm con đường giải thoát khỏi tứ khổ. Người Trung quốc vẽ chữ tù bằng chữ nhân (người) trong bốn bức tường (chữ nhân trong chữ khẩu). Phật kêu gọi con người tu hành tránh tội, nghĩa là nhìn nhận tội lỗi đã thực tại trong đời người.
Người Việt nam chúng ta cũng rất quen thuộc với triết lý Nho giáo, nên rất kính trọng Đức Khổng tử. Bởi đó nhiều người Việt nam biết lời của Khổng tử nói về tội lỗi: Hoạch tội ư thiên vô sở đảo giã, hoặc như câu thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu. Đặc biệt là khi tuổi hơn bảy mươi, Đức Khổng Tử cảm biết mình sắp qua đời, ông đã nói: Ước gì ta sống thêm vài năm nữa nghiên cứu Kinh Dịch hầu bớt đi những lỗi nhỏ.
Hơn thế nữa, dù quốc gia văn minh hay lạc hậu, cũng đều có luật pháp, tòa án, nhà tù, để xử phạm nhân. Đó mới chỉ là tội lỗi đối với loài người mặc nhiên ai cũng công nhận, huống chi tội với Đức Chúa Trời.
Các tôn giáo đời này đều khuyên con người ý thức tội lỗi hiện hữu và bày cách cho con người bớt tội. Phật giáo dạy con người đừng sát sanh dù là con kiến nhỏ bé, vô ích; Nho giáo dạy con người sống đúng những tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu để tránh vi phạm tội lỗi; Lão giáo dạy con người lánh tục để tránh tội. Thậm chí ngôn ngữ bình dân cũng đã nói lên tội lỗi: Trời cao có mắt (Trời biết người có tội đang bị xử lý hoặc sẽ bị xử lý), Trời trả báo (Trời sẽ phạt người phạm tội dù con người không làm gì được hắn ta), Trời phạt, Trời cho… mục đích chỉ ra con người có tội.

B. Nội chứng:

1. Kinh thánh làm chứng tội lỗi thực tại:
Kinh thánh là sách thánh của Đức Chúa Trời Chí Thánh, vì vậy Kinh thánh nói đến tội lỗi rõ ràng nhất, nhiều nhất, vì chỉ có Kinh thánh là tấm gương để soi cho loài người biết được thấy được tội lỗi. Ít nhất từ Sáng thế ký đến Khải huyền, có khoảng 240 lần Kinh thánh nói đến tội lỗi, ấy là chưa kể đến những từ ngữ liên quan tội lỗi như vi phạm, sai trật…
Kinh thánh đã bắt đầu với nguyên nhân tội lỗi tràn vào thế gian và kết thúc với một cảnh trạng tội lỗi bị tiêu trừ khỏi trên trời dưới đất, trong khi ở giữa Kinh thánh là cách duy nhất Đức Chúa Trời ban cho loài người tiêu trừ tội lỗi trong chính bản thân mình qua Chúa Jêsus Christ.
Điều quan trọng là Kinh thánh xác nhận mọi người đều đã phạm tội (Rôma 3:23), không một người nào vô tội hoặc công bình trước mặt Đức Chúa Trời (Rôma 3:10).
Nhưng tại sao có những người không chịu nhìn nhận tội lỗi trong đời sống của mình? Dĩ nhiên ngoài lý do che giấu, mặc cảm, họ còn có sự hiểu lầm về tiêu chuẩn tội lỗi hoặc do ‘quá quen’ với tội lỗi.
Với một số tiêu chuẩn đạo đức nào đó được nêu ra trong xã hội như: giết người, trộm cắp, ngoại tình, chửi rủa… một số người chưa hề phạm điều đó, như chàng trai trẻ được ghi trong Kinh thánh, sách Tin Lành Luca 18:19-21. Khi Chúa Jêsus Christ hỏi về phần luật đạo đức trong 10 Điều răn của Đức Chúa Trời như: chớ tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ nói chứng dối, hiếu kính cha mẹ… thì người thanh niên này tuyên bố anh ấy giữ tất cả từ nhỏ. Dù người thanh niên này trả lời có thành thật bao nhiêu phần trăm, nhưng anh ấy cũng đại diện cho một số người trên thế giới và ngay Việt nam luôn cảm thấy họ ‘không có tội lỗi chi hết’
Cũng có một số người bị cảm giác đánh lừa ví như vua Đa-vít nói trong Thi thiên 51:3, 5. Đa-vít nhìn biết chưa được sanh ra ông đã ở trong tội lỗi, khi được vào đời, tội lỗi luôn ở trước mặt ông, một sự quen thuộc như vậy khiến con người không cảm giác tội lỗi. Giống như người ta nói những người sống gần rắn độc, họ tập làm quen với nọc độc của rắn cho đến ngày cơ thể của họ miễn dịch với nọc rắn. Tại Sàigòn, bao nhiêu năm qua các kênh rạch đều bị ô nhiễm, nước sông đen và bốc mùi hôi thúi rất nhiều. Mỗi lần đi ngang qua, tôi phải nín thở và chạy nhanh vì mùi hôi thúi đó. Tuy nhiên, nhìn hai bên bờ kênh rạch, nhiều người vẫn bình thản sống, ngồi ăn uống bình thường. Tại sao? Câu trả lời vì họ đã quá quen với mùi đó rồi.
Tội lỗi! Con người đã quá quen với tội lỗi ngay từ khi còn trong lòng mẹ đến khi sống trong thế giới này, nên dù Kinh thánh khẳng định mọi người đều đã phạm tội, nhưng nhiều người đã mất cảm giác tội lỗi trong đời sống mình.
Chẳng những Kinh thánh làm chứng tội lỗi thực tại mà Kinh thánh còn cho loài người biết nguồn gốc, hậu quả cùng kết cuộc của tội lỗi.

2. Chúa Jêsus Christ làm chứng tội lỗi thực tại:
Bằng chứng rõ ràng nhất là mục đích Chúa Jêsus Christ đến thế gian:
- Sự giáng sanh của Chúa Jêsus được nói rõ qua danh xưng Jêsus của Ngài là để cứu dân mình ra khỏi tội – Mathiơ 1:21
- Việc hành chức chữa bịnh đuổi quỉ, an ủi, những người đến với Ngài là vì Ngài muốn gánh tội lỗi của chúng ta trên thân thể Ngài – Mathiơ 8:16-17 (xem Êsai 53:4-6)
- Sự chết của Chúa Jêsus là để đền tội cho loài người – Rôma 5:6-8; I Côrintô 15:3
- Sự sống lại của Chúa Jêsus là lời tuyên bố Ngài ban sự đắc thắng tội lỗi cho người tin Ngài – Rôma 7:24-25; I Côrintô 15:17, 56-57.
- Sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ là để hủy phá toàn bộ tội lỗi – Hêb. 9:28.

3. Các sứ đồ và thánh đồ làm chứng tội lỗi thực tại:
Ngay trong bài giảng đầu tiên trong ngày Hội thánh được Đức Thánh Linh chính thức thành lập trên đất, sứ đồ Phierơ đã công khai kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên được gọi là dân thánh hối cải, tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa để được tha tội. Trong bài giảng thứ hai sau khi chữa lành cho người bại ở Cửa Đẹp, một lần nữa nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng Chúa Jêsus Christ đến thế gian để dắt họ quay lại với Đức Chúa Trời hầu được tha tội.
Sứ đồ Phaolô trong khi làm chứng về đời sống của mình với một quá khứ phạm thượng, bắt bớ, hung bạo, ông nhìn nhận Chúa Jêsus Christ đến thể gian để cứu kẻ có tội, và chính ông là người có tội nặng nhất - tội khôi (trong khi thế gian có hoa khôi). Với kinh nghiệm đó, sứ đồ Phaolô luôn nhấn mạnh về sự ăn năn tội trong những bức thư ông gởi các thánh đồ (Rôma 3:23; 6:23; 5:6-8...)

4. Hội thánh làm chứng tội lỗi thực tại:
Từ ngày Hội thánh được Đức Thánh Linh thành lập trên đất đến ngày cuối cùng, sứ mạng của Hội thánh là rao giảng cho muôn dân sự ăn năn và tin nhận Chúa Jêsus Christ để được tha tội. Vì vậy, bất cứ bài giảng nào cũng phải giải bày cho người nghe biết về tội lỗi hầu ăn năn quay lại tiếp nhận Chúa Jêsus Christ để được tha tội.
5. Cá nhân những người tin Chúa Jêsus làm chứng tội lỗi thực tại:
Điều kỳ diệu là tất cả những người tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của đời sống họ đều là những người nhìn nhận họ là người có tội, quyết định ăn năn tội của mình và bằng lòng xin Chúa Jêsus tha thứ cho họ dùng huyết của Ngài bôi xóa mọi tội lỗi của họ.
Có người hỏi tôi: người đó tin Chúa Jêsus nhưng chưa hề ăn năn tội thì có được cứu không? Một câu hỏi thật lạ lùng, nếu người đó không ăn năn tội thì tin Chúa Jêsus làm gì?

II/. TỘI LỖI LÀ GÌ?

Nói chung, không một ai chối bỏ sự thực tại của tội lỗi, mà nếu có chối bỏ chăng là họ chỉ chối bỏ tội lỗi của chính mình dù trong lòng cảm thấy hổ thẹn. Bài học từ A-đam và Ê-va, cả hai người không dám chối bỏ tội lỗi cá nhân nhưng tìm cách để đẩy trách nhiệm sang người khác. Đó là cách xưa nay con người luôn thực hành. Vì vậy, loài người có rất nhiều ý kiến giải thích tội lỗi là gì với mục đích hoặc tránh né tội lỗi hoặc muốn giảm nhẹ tội lỗi của chính mình.

A. Ý sai:

1. Tội lỗi là sự ham muốn của xác thịt:

Có người chủ trương rằng tội lỗi là do xác thịt mà ra, thậm chí còn cho rằng xác thịt là nhà tù của linh hồn, đã giam giữ linh hồn. Họ cho rằng trong xác thịt có những tham dục, tình dục xấu dẫn đến phạm tội. Do đó hễ còn sống trong xác thịt thì vẫn còn phạm tội. Để giải quyết tội lỗi, họ hành hạ xác thịt bằng nhiều cách như tự đánh thân xác mình, nhịn ăn nhịn uống, dùng mọi cách để ngăn chận ham muốn xác thịt.
Ý kiến này đã sai lầm mà quên rằng tội lỗi phát sinh từ ý muốn. Trong Mathiơ 5:27-28, Chúa Jêsus Christ phán, luật pháp thì định tội qua hành động của xác thịt, nhưng Đức Chúa Trời định tội qua ý muốn từ trong lòng. Thư Gia-cơ 1:14-15, Thánh Gia-cơ giải thích rằng do từ lòng tư dục cưu mang sanh ra tội ác; tội ác đã trọn sanh ra sự chết. Xác thịt chỉ là phương tiện phạm tội theo ý muốn.
Nếu ý này đúng thì Satan và các sứ của nó sẽ không có tội lỗi, vì chúng không có xác thịt. Nhưng nói Satan và các sứ nó không có tội lỗi thì trái lẽ đời thường bởi ai cũng công nhận nói đến ma quỉ là nói đến cái xấu xa, cũng trái với Kinh thánh vì Kinh thánh cho biết ma quỉ chẳng những chính chúng chống nghịch Đức Chúa Trời mà còn là kẻ dỗ dành cả thiên hạ (Khải 12:9).
Nếu ý kiến này đúng thì người yếu nhược cơ thể và người già sẽ ít phạm tội. Nhưng thực tế cho thấy người yếu sức cũng như kẻ mạnh, người già cũng như người trẻ, tất cả đều phạm tội, đôi khi người người càng lớn tuổi càng có nhiều cách phạm tội. Có thể người yếu hay người già
có cách phạm tội khác với người mạnh người trẻ. Kinh thánh khẳng định, Chẳng có phân biệt chi hết, mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rôma 3:23).
Truyền đạo 7:29, Đức Chúa Trời dựng nên người ngay thẳng; song loài người có tìm ra lắm mưu kế. Vả lại Kinh thánh cho chúng ta biết xác thịt không phải chỉ là cái thân thể bằng thịt bằng xương mà còn là cái tôi, cái bản ngã của cá nhân người đó, cái con người thiên nhiên, nhất là tội lỗi ngự trị trong cả tâm linh con người chiếm hữu trọn con người. Trong Rôma 6:12, Phaolô dạy rằng Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em là lời khuyên dạy những người đã tin Chúa Jêsus Christ, tâm linh đã được sống đời mới thì xác thịt cũng bày tỏ cách sống mới.

2. Tội lỗi là sự yếu đuối không tránh khỏi:
Có người lại chủ trương tội lỗi không có gì đáng trách, trái lại đáng thương, vì nó giống như một người khuyết tật nên phải vấp váp một phương diện nào đó đáng thông cảm hơn là đoán phạt, đó là lỗi lầm không thể tránh khỏi.
Nói như ý kiến này thì tất cả những kẻ phạm tội từ trước đến nay đều là những người khuyết tật, yếu đuối, bất tài, dốt nát; còn những người vô tội đều là những người tốt, khôn ngoan, trí não đầy đủ. Nhưng xét kỷ, lịch sử loài người chứng minh, trong những kẻ phạm tội cũng có biết bao nhiêu kẻ tài trí hơn người, chính vì tài trí hơn người đó họ phạm tội càng tinh vi hơn nữa. Và điều quan trọng là ma quỉ là kẻ khôn ngoan, tài trí, quyền năng, chỉ thua Đức Chúa Trời mà thôi.
Xét theo đời này, những kẻ bị pháp luật trừng trị sẽ vịn cớ dốt nát, khuyết tật, kém thiếu mặt nào đó, để khỏi hình phạt sao. Mặc dù luật pháp có xét đến phần kém thiếu của phạm nhân, nhưng không có nghĩa là vì sự kém thiếu đó mà được cho là vô tội.
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật là tốt lành, và rất tốt lành (Sáng. 1:31). Những thiếu khuyết phần thân thể không phải là nguyên nhân phạm tội, vì giữa thế gian có biết bao người khuyết tật nhưng họ chẳng hề phạm tội đời này, trong khi đó biết bao người nhìn bề ngoài đầy đủ, mạnh khỏe, học cao, cũng đã phạm tội và càng phạm tội trọng. Qua Kinh thánh và chỉ qua Kinh thánh, loài người mới biết được tội lỗi không phải chỉ vì bề ngoài, nhưng tội lỗi cai trị từ bề trong của con người và thể hiện ra bên ngoài. Người Việt-nam chúng ta có câu:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Loài thực vật mà thế huống chi con người là sinh vật có hiểu biết, có ý chí, đâu thể nào đổ thừa tại ở gần bùn nên phải hôi mùi bùn.

3. Tội lỗi là sự vô ý:
Có chủ trương cho rằng tội lỗi là một sự tình cờ như một tai nạn xảy ra không biết trước và không tránh khỏi được, giống như một người đi đường bất chợt gặp chỗ đất trơn bị té chấn thương. Loài người vốn là lành là thiện nhưng không may vượt không được chỗ khó, trợt chân sa ngã.
Nói như thế thì chỉ một số người phạm tội còn những người khác là vô tội. Ý kiến này chối bỏ việc cố ý phạm tội của tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va, dù Đức Chúa Trời đã ban cho cuộc sống phước hạnh trong vừờn Ê-đen (Sáng 2:15), được Đức Chúa Trời dạy dỗ cẩn thận (Sáng 2:16-17), nhưng họ cố ý gia giảm lời Chúa phán dặn. Rồi khi vi phạm lời dạy của Đức
Chúa Trời, thay vì nhận việc mình làm là không vâng lời Chúa, họ lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi Đức Chúa Trời mở con đường ăn năn cho họ với câu hỏi: Ngươi có ăn trái cây ta dặn không nên ăn chăng? Một sự cố ý, thậm cố ý, tại sao lại bào chữa là vô ý?!
Dù là cố ý hay vô ý cũng đều là tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời, phải can đảm như vua Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời như Thi thiên 19:12 đã ghi lại, Ai biết được sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; nguyện tội ấy không cai trị tôi…

4. Tội lỗi hiện hữu song song với cái thiện từ ban đầu:
Những người theo thuyết Nhị Nguyên Luận còn đi xa hơn khi cho rằng tội lỗi thực tại từ đời đời. Thuyết này chủ trương từ ban đầu đã có hai nguyên tắc thiện và ác cũng như sáng và tối, như những người theo Trí huệ phái (Gnosticism) và phái Manichean tin theo.
Thuyết Nhị Nguyên luận hoàn toàn sai trái với Kinh thánh và trái với bản tánh Chí Thánh của Đức Chúa Trời. Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng Thánh, Chí Thánh, kỵ tà, không kể kẻ có tội là vô tội (Xuất. 20:3-4; Lê-vi ký 19:1-2; Habacúc 1:12-13) thì làm sao có thể phạm thượng gán ghép Ngài song hành với tội lỗi? (II Côrintô 6:14 – 7:1)

B. Theo Kinh thánh:

1. Ý nghĩa theo Hi-bá-lai (Cựu ước):


Trong Cựu ước, tiếng Hi-bá-lai dùng nhiều từ khác nhau để nói về tội lỗi. Giáo sĩ John D. Olsen luận giải về tội lỗi như sau:1
- Chatta’ah:
Đây là danh từ Cựu ước dùng nhiều hơn hết, đồng nghĩa với từ hamartía trong Hi văn Tân ước. Từ ngữ này có nghĩa là tẽ tách, xoay bỏ mục đích (của Đức Chúa Trời), đi quá hoặc không đạt đến mục đích ấy. Từ ngữ này cũng chỉ ra hậu quả tội lỗi gây ra là hư hoại, khiến bản tánh trở nên gian ác trong tâm trí – Sáng. 4:7; Xuất. 9:27; Lê-vi ký 5:1; Dân. 6:11; Thi. 51:2-4; Châm ngôn 8:36; Êsai 42:24; Ôsê 4:7)
- Avah:
Avah nghĩa đen là ‘cong quẹo’, hay là ‘vặn lại’; nghĩa bóng là ‘bại hoại’, ‘gian tà’, chỉ rằng tội lỗi làm cong quẹo bản tánh con người, làm bại hoại. Từ ngữ này trong Việt ngữ dịch là ‘làm mất lòng’ – Êxơtê 1:16; gian tà – II Sam. 19:19, có tội – II Sam. 24:17; phạm sự gian ác – Thi. 106:1. Từ ngữ này chỉ ra đặc tánh của tội lỗi làm cong quẹo công việc