Thần Đạo Học - Chương XIII - Thiên Đàng

Thần Đạo Học - Chương XIII - Thiên Đàng
Thật ra đối với người Việt nam chúng ta thì từ ngữ Thiên đàng dường như không có trong tiếng Việt. Vì ảnh hưởng văn hóa Tam giáo (Phật, Nho, Lão) từ Trung quốc, nên người Việt nam chỉ biết về một nơi Niết bàn cực lạc,
---------------------------







 
CHƯƠNG XIII
THIÊN ĐÀNG

******************************


Thật ra đối với người Việt nam chúng ta thì từ ngữ Thiên đàng dường như không có trong tiếng Việt. Vì ảnh hưởng văn hóa Tam giáo (Phật, Nho, Lão) từ Trung quốc, nên người Việt nam chỉ biết về một nơi Niết bàn cực lạc, mà từ ngữ quen thuộc là Tây phương cực lạc (đúng ra Tây phương chỉ về nơi phát sinh Phật giáo là Ấn Độ), hoặc Bồng lai Tiên cảnh với các thần tiên ăn mặc và mang tên theo kiểu người Trung quốc.

Phải nói là từ khi người Việt nam tiếp xúc với Cơ-đốc giáo (Công giáo Lamã và Tin Lành) thì danh từ Thiên đàng mới xuất hiện trong tư tưởng của người Việt nam.
Đây là những khái niệm về Thiên đàng của thế giới:
“Trong khi có vô số các khái niệm khác nhau về thiên đàng thì quan niệm tiêu biểu của những người tin vào thiên đàng thường phụ thuộc vào truyền thống tôn giáo riêng biệt của họ. Các tôn giáo khác nhau miêu tả thiên đàng là nơi chốn dành cho thiên sứ, ma quỷ, các nam và nữ thần, cũng như các vị anh hùng (nhất là trong Thần thoại Hi Lạp). Thiên đàng thường được hiểu là nơi chốn của phước hạnh, đôi khi được hiểu là chỗ ở phước hạnh vĩnh cửu.”

Trong phần lớn các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, thiên đàng là sự trở lại tình trạng trước khi sa ngã của loài người, sự tái lập Vườn Eden, ở đó con người được tái hợp với Thiên Chúa trong tình trạng toàn hảo và tự nhiên của sự sống đời đời. Tín hữu Cơ Đốc tin rằng sự tái hợp này giữa con người và Thiên Chúa được hoàn tất qua sự hi sinh của Chúa Giê-xu Cơ Đốc khi Ngài chết trên thập tự giá vì tội lỗi của loài người.

Quan niệm phổ biến của hầu hết các tôn giáo là khi vừa lìa đời, con người sẽ bước ngay vào thiên đàng. Tuy nhiên, không phải tất cả tín hữu Cơ Đốc chia sẻ niềm tin này. Nhiều người trong cộng đồng Cơ Đốc giáo tin rằng trước khi vào thiên đàng cần phải chờ đợi “cho đến khi thế gian này qua đi”.
Trong thần học Cơ Đốc, có hai khái niệm hỗ tương về thiên đàng thường được gọi là “sự sống lại của thân xác” và “sự bất diệt của linh hồn”. Trong khái niệm đầu, linh hồn sẽ không lên thiên đàng cho đến khi có sự phán xét sau cùng là lúc thân xác được hồi sinh và mọi người chịu xét xử. Trong khái niệm sau, linh hồn lên thẳng thiên đàng sau khi chết. Cả hai khái niệm này được kết hợp trong học thuyết hai lần phán xét, theo đó linh hồn chịu phán xét lần đầu sau khi chết để vào ở một nơi phước hạnh tạm thời (paradise) trong khi chờ đợi sự phán xét lần thứ hai trong ngày tận thế”.1
Đó là những suy đoán hay suy nghĩ của con người đối với Thiên đàng. Thế thì Kinh thánh nói gì về Thiên đàng? Thiên đàng là chốn nào? Thiên đàng có thật không?... Bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra và chỉ có Kinh thánh là đầy đủ lời giải thích.

I/. THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?

Để trả lời câu hỏi Thiên đàng ở đâu? chúng ta cần trả lời hai phương diện: sai và đúng.

a. Phương diện hiểu sai:

1. Thiên đàng ở trên trời:
Thông thường, người Việt nam chúng ta khi nghe nói đến chữ thiên bao giờ cũng ngước mặt lên phía trên bầu khí quyển, hoặc tay chỉ lên phía trên. Nếu đứng phía bên này quả đất thì chỉ lên, trong lúc đó những người ở phía dưới quả đất sẽ chỉ vào đâu?
Cách hiểu này khiến nhiều người khi nghe đến địa ngục thì lại chỉ vào lòng đất.
Nếu theo thuyết vũ trụ trương nở thì vũ trụ càng ngày càng rộng ra. Nói như người Việt nam xưa kể rằng ngày xưa Trời ở gần loài người, con người có thể lên trời chơi được, nhưng vì loài người cứ kêu trời ơi trời hỡi làm cho Trời nhức đầu nên càng ngày càng xa. Nói và hiểu như thế thì Thiên đàng cách xa loài người biết bao nhiêu, ít nhất cũng vượt ngoài vũ trụ này.
Thật ra người Việt nam chúng ta khi nói Thiên đàng ở trên trời là một lối nói ẩn tượng ám chỉ Thiên đàng ở phía trên và xa lắm! nhưng không xác định một vị trí chắc chắn, chỉ xác định là Thiên đàng thực hữu và có địa điểm.

2. Thiên đàng là chốn hưởng lạc:
Theo cách giải thích của một lý thuyết tôn giáo thì Thiên đàng là nơi hưởng lạc với rượu ngon gái đẹp, hoa thơm. Chính vì lời giải thích này khiến cho nhiều người gọi những chốn ăn chơi hoang đàng trên đất là Thiên đàng. Một sự cố ý lệch lạc hạ cấp Thiên đàng đáng trách!

3. Thiên đàng là nơi tĩnh lặng vô vi:
Người Việt nam rất quen thuộc với Triết lý Phật giáo, nên cũng quen thuộc với giáo thuyết về Niết bàn cực lạc. Phật giáo dạy rằng Niết bàn là nơi không có gió (theo nghĩa đen của chữ Niết bàn), tức là nơi tĩnh lặng. Khi nhập Niết bàn, thì không còn vướng bận, đã diệt được cái nghiệp. Nói thì nói thế nhưng không ai dám nhận mình có đủ căn tu để nhập Niết bàn.
Lời giải thích này gần giống như quan niệm của Do thái thời Cựu Ước được ghi trong Truyền đạo 9:10, Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu kế, cũng chẳng có tri thức, hay là sự khôn ngoan, chỉ khác chăng là người Do thái gọi nơi đó là Âm phủ, không gọi đó là Thiên đàng.

4. Thiên đàng là Nước Thiên đàng:
Nhiều người Việt nam tin Chúa Jêsus thường hiểu lầm Nước Thiên đàng trong các sách Tin Lành là Thiên đàng.
Nước Thiên đàng mà Chúa Jêsus nói đến trong các sách Tin Lành trong các bài giảng của Ngài không phải là Thiên đàng. Theo Mathiơ 13, bài giảng mà Chúa Jêsus nói đến Nước Thiên đàng nhiều nhất và rõ ràng nhất, Nước Thiên đàng chính là Hội thánh hữu hình của Chúa trên đất, có thể bị xen lẫn những cái xấu, cái ác từ ma quỉ như lúa mì bị cỏ lùng xen vào, (như tay lưới kéo lên có cá mà cũng có các thứ không cần thiết khác…). Mặc dù vậy, trong Hội thánh hữu hình cũng có những hình bóng về Thiên đàng: như sự ca hát ngợi khen thờ phượng Chúa.

5. Thiên đàng là Ba-ra-đi:
Trong sách Tin Lành Luca, hai lần Chúa Jêsus đề cập đến một chỗ phước hạnh nhưng không phải là Thiên đàng:
- Luca 16:22a, người nghèo chết (Laxarơ) được thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham, nơi này là nơi phước hạnh khác hẳn phần Âm phủ mà người giàu bị đau đớn khi vào đó. Nhưng Chúa Jêsus không gọi nơi này là Thiên đàng.
- Luca 23:43, Chúa Jêsus hứa với tên ăn cướp trên thập tự giá ăn năn tin Ngài rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi. Nhưng tham khảo với I Phierơ 3:19 và Bài Tín điều các Sứ đồ, thì sau khi trút linh hồn trên thập tự giá, thì Chúa Jêsus đã vào Âm phủ giảng Tin Lành cho các linh hồn bị tù. Như vậy, tên cướp ăn năn tin Chúa Jêsus khi chết lúc đó chưa vào Thiên đàng mà vào Ba-ra-đi (Paradise), là phần Âm phủ dành cho người thiện. Tuy nhiên, điều phải nhớ là chúng ta chỉ đang nói về phần nhân tánh của Chúa Jêsus giới hạn trong một nơi, về phần thần tánh thì Ngài vẫn là Đức Chúa Trời vô sở bất tại ở khắp mọi nơi.
Điều quan trọng là sau khi Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết, Ngài đã giải phóng tất cả những người trong Ba-ra-đi (Êphêsô 4:8-10), từ lúc đó, tất cả người tin Chúa Jêsus qua đời, linh hồn trực tiếp gặp Chúa, còn thân thể chờ đợi ngày Chúa Jêsus tái lâm để họ được sống lại.

6. Thiên đàng là Địa đàng:
Có những người ngày nay lại chủ trương họ sẽ thực hiện loại Thiên đàng trên đất mà họ gọi là Địa đàng.
Sau năm 1975, các Mục sư Truyền đạo Việt nam được mời nghe một người không tin Chúa thuyết trình về cái gọi là Địa đàng, tức là Thiên đàng trên đất qua Khải huyền 21:4 với các lý giải như sau:

- Địa đàng của người đó không có sự chết: không phải là không chết mà là không chết cách vô cớ, vô lý. Thí dụ trong Địa đàng khi một người có bịnh thì có Bịnh viện không tốn tiền, được điều trị tận tình, thuốc men đầy đủ hoàn toàn miễn phí.
-  Địa đàng của người đó không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa. Người đó đặt câu hỏi: Tại sao có than khóc, kêu ca hay là đau đớn? Khi có áp bức trong xã hội thì người ta sẽ than khóc, kêu ca, hay là đau đớn. Vì vậy trong Địa đàng không còn tình trạng người bóc lột người, mà mọi người đều bình đẳng.
Đó giọng lưỡi của con rắn ngày xưa (chỉ tiếc là rất nhiều mục sư truyền đạo đã vỗ tay tán thưởng lời của con rắn). Thực tế như Chúa phán trong Giêrêmi 13:23, Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được, Địa đàng không thấy, chỉ thấy Địa ngục. Thiên đàng không phải chỉ cảnh an nhàn trên đất mà còn trên cả tuyệt vời.

b. Phương diện Kinh thánh:

Trong nguyên ngữ tiếng Hi-bá-lai Cựu Ước (sāmayim) và Hi-lạp Tân Ước (ouranos) được dịch nghĩa là Trời. Từ ngữ này có ba ý nghĩa:
- Trời là bầu khí quyển bao quanh trái đất, do đó thường xuất hiện với số nhiều (các từng trời (Thi thiên 19:1; II Côrintô 12:2; Hêb. 4:14).
- Theo ngôn ngữ bình dân của người Việt nam, Trời cũng gần như một hành tinh, do đó người Việt nam thường nói “trời đất”, cũng nói “trời cha đất mẹ”. Truyền thuyết sự tích bánh giầy bánh chưng đã nói lên ý tưởng so sánh trời là một hành tinh như trái đất, trời tròn đất vuông.
- Ý thứ ba, Trời chỉ về một nơi thuộc linh, nơi người tin Chúa Jêsus gọi là Thiên đàng, nơi ở của Đức Chúa Trời, và của những người liên hệ gần gũi với Chúa. Người Y-sơ-ra-ên cầu nguyện: “Cầu Chúa từ nơi cư sở thánh của Ngài trên trời cao” (Phục truyền 26:15).
Đức Chúa Trời được xưng gọi là “Đức Chúa Trời trên trời” (Giô-na 1:9). Kinh thánh Tân Ước hoặc ám chỉ hoặc nói rõ trời là Thiên đàng, nơi Đức Chúa Trời ngự (Mathiơ 5:45; 7:21). Đôi khi trong tiếng Việt hiểu Ba-ra-đi là Thiên đàng (Luca 16:22a; 23:43; Khải. 2:7), có lẽ chỉ để mô tả nơi đó đầy phước hạnh, dù chưa phải là phước trọn vẹn.
Trong Việt ngữ, dịch âm Hán tự gọi Thiên đàng gồm thiên là trời; đàng (hay đường) là nhà, nơi ở, vậy Thiên đàng (hay Thiên đường) là nhà trên trời, hay nhà của Đức Chúa Trời. Theo một cách định nghĩa rộng rãi thì Thiên đàng là nơi Chúa ngự, ngược lại nơi nào Chúa ngự thì nơi đó là Thiên đàng. Trong Thánh ca có một bài tựa đề Jêsus ngự cùng, ấy nơi thiên cung, có câu: “Dầu thân trên đất dồi dập, lao đao, qua bao dặm dài, trải lắm đồi cao; Nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay, Jêsus ngự vào, hóa thiên cung ngay… Dầu qua thương hải, lục địa mênh mông, Jêsus ngự cùng, ấy nơi thiên cung”. Hát như thế có nghĩa Thiên đàng là nơi có Chúa ngự.