Thần Đạo Học - Chương XV - Tóm Tắt

Thần Đạo Học - Chương XV - Tóm Tắt
Trong Chương này, tôi muốn nhắc lại những ý chính trong các Chương mà chúng ta đã khảo học qua KINH THÁNH. 1. Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời:
-----------------------------






CHƯƠNG XV
TÓM TẮT

**************************************


Trong Chương này, tôi muốn nhắc lại những ý chính trong các Chương mà chúng ta đã khảo học qua KINH THÁNH

1. Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời:

Một chân lý mà bất cứ người tin Chúa Jêsus Christ nào cũng tin quyết về Kinh thánh là: “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Timôthê 3:16). Có hai điều quan trọng lẽ đạo này phải chú ý:

a. Kinh thánh LÀ Lời của Đức Chúa Trời, không phải CÓ.
b. CẢ Kinh thánh đều là Lời Đức Chúa Trời, không phải một phần hoặc số ít hay đa số.

2. Kinh thánh là thẩm quyền tuyệt đối và duy nhất của người tin Chúa Jêsus:

Người tin Chúa Jêsus phải bắt chước Hội thánh tại Bê-rê (Công vụ 17:10-11) tra xem Kinh thánh để biết lời giảng và việc điều hành Hội thánh của thành viên trong Hội thánh có đúng theo Kinh thánh không.
Hội thánh phải nhờ ơn Chúa rao giảng Kinh thánh bằng việc GIẢNG và DẠY bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Đó chính là phương pháp phát triển Hội thánh vững mạnh (Mathiơ 7:24-25). Hội thánh cần dành những ngân khoản, phương tiện tổ chức những buổi học Kinh thánh chung, nhóm, cá nhân, tùy theo sự thuận tiện của nhiều người. Hãy tạo tinh thần học Kinh thánh vui vẻ, hăng hái. Hãy nhờ những người có ơn Chúa tìm hoặc soạn những Bài
Học Kinh thánh thích hợp địa phương, thích hợp lứa tuổi, nhất là áp dụng thực tế cuộc sống hằng ngày. Hãy cầu nguyện xin Chúa cho có những người được ơn giảng và dạy Lời Chúa.
Bất cứ người nào tin Chúa Jêsus cũng phải áp dụng Lời Chúa dạy trong Giô-suê 1:8 với ba bước kết hợp nhau không thể thiếu: Đọc – Suy gẫm – và cẩn thận làm theo. Hãy tìm cách đọc và học Kinh thánh để tìm thấy sự lạ lùng trong Lời Chúa, đừng để định kiến Kinh thánh là kinh kệ tôn giáo, hãy bắt đầu với những cái hay, cái đẹp, cái thích thú trong Kinh thánh.

3. Hãy có nhiều Bản Dịch Kinh thánh:

Hãy có nhiều Bản dịch Kinh thánh trong ngôn ngữ mẹ đẻ và trong các ngôn ngữ mà mình biết, nhờ đó người học Kinh thánh sẽ mở rộng được hiểu biết Kinh thánh.
Không được chê một Bản Dịch nào, vì mỗi Bản Dịch nhìn vào Kinh thánh với một góc cạnh khác nhau. Người học Kinh thánh có bổn phận đối chiếu để mở rộng hiểu biết ý nghĩa bản văn.
Cả Kinh thánh như một viên kim cương. Một viên kim cương được chiếu sáng là nhờ các mặt cắt của nó, vì vậy mỗi cách giải nghĩa Kinh thánh là một mặt cắt, người học Kinh thánh phải biết so sánh, đối chiếu, tổng hợp lại để cá nhân có một viên kim cương trong và sạch.
Tuy nhiên, người tin Chúa Jêsus phải khôn ngoan phân biệt lời giải nào là lời giải chánh. Tiêu chuẩn phân biệt chánh – tà là:
- Lời giải đó có làm cho người nghe biết Ba Ngôi Đức Chúa Trời là Chân Thần và khiến người nghe kính sợ Chúa không?
- Lời giải đó có làm người nghe yêu mến Chúa thêm không. Nếu lời giải đó làm cho người nghe nghi ngờ bất cứ điều gì về Ba Ngôi Đức Chúa Trời thì đó là tà giáo.
- Lời giải đó có đem đến sự hiệp một trong vòng người tin Chúa Jêsus không (có thể khác Hệ phái)? Nếu chỉ đem đến tranh cãi thì phải tránh xa và nhờ ơn Chúa quở trách họ.
- Lời giải đó có tôn cao Chúa hay tôn cao cá nhân, dù là một người nổi tiếng trong hay ngoài Hội thánh, ngay cả người đó là một thánh đồ trong Kinh thánh hay một Hệ phái?
Ít nhất cũng phải đặt những tiêu chuẩn đó để định xét một tà giáo hay chánh giáo.

ĐỨC CHÚA TRỜI

1. Đức Chúa Trời là Chân Thần:
Đức Chúa Trời mà ngoại chứng lẫn nội chứng đều bày tỏ là Đức Chúa Trời có MỘT và THẬT. Ngài không phải là sản phẩm của triết lý tôn giáo. Sứ đồ Giăng xác nhận ông đã nghe, đã thấy, đã ngắm, và đã rờ (chạm, kinh nghiệm) đến Ngài – I Giăng 1:1

2. Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hình Vô Tượng:
Kinh thánh và cá nhân người tin Chúa Jêsus đều biết rõ và tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hình Vô Tượng.
- Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh đều là LINH (Giăng 4:24), mà linh thì không thịt và xương (Luca 24:39).
- Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời, trong Ngài có Nhân-tánh, Ngài đã lấy hình con người đến thế gian, nhưng cảm ơn Chúa là Ngài không để lại một hình ảnh, tượng nào. Những hình ảnh, tượng, mà con người ngày nay có đều là từ sự tưởng tượng của con người mà ra.
Điều quan trọng phải nhớ Đức Chúa Trời Vô Hình Vô Tượng không có nghĩa là không có thật, cũng không phải là để hù dọa, mà mọi người đều nhìn nhận sự thực hữu của Ngài, dù ngoài miệng có chối bỏ Ngài, nhưng trong lòng chắc chắn vẫn tin có Đức Chúa Trời, vì ma quỉ cũng tin như vậy.

3. Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một:
Lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một cực kỳ quan trọng và tối thượng, con người không thể dùng ngôn ngữ để giải bày rõ ràng được. Một nhà Thần học đã tuyên bố: Cố giải thích Đức Chúa Trời Ba Ngôi thì mất linh hồn, không tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi thì mất sự cứu rỗi. Chúng ta không được lấy ý riêng giải thích sự mầu nhiệm Ba là Một, Một là Ba. Trong thực tế có những bằng cớ làm chứng ba là một, một là ba, nhưng bản chất vẫn khác nhau về hóa học hay vật lý. Dù vậy đó là những bằng chứng tương đối để xác chứng cái tuyệt đối.
Danh xưng Đức Chúa Trời Ba Ngôi cần nói đầy đủ là Ba Ngôi Hiệp Một và phải viết hoa tất cả. Ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng đẳng, đồng quyền, đồng thể yếu, bất phân ly, hiệp một, không
lẫn lộn. Vì vậy, có những lời giải thích dường như có lý nhưng không phải là Chân lý, và có thể là tà giáo.
Thí dụ:
Có lời giải rằng: Cựu ước là Đức Chúa Cha làm việc, Tân ước là Đức Chúa Con làm việc, và thời kỳ Hội thánh là Đức Thánh Linh là việc. Nghe qua lời giải này có thể bị hiểu lầm là đúng, nhưng qua Kinh thánh làm chứng rằng bất cứ thời kỳ nào cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều Hiệp Một đồng công, nhất là lời giải này lại chối bỏ sự Hiệp Một của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

CHÚA JÊSUS CHRIST

Ngày nay có nhiều cách dịch Danh xưng của Chúa Jêsus, tôi nghĩ Danh JÊSUS dù không phải là tiếng Việt nam nhưng không thuộc loại ngôn ngữ nào trên thế giới, cũng đã trở nên rất quen thuộc với người Việt nam chúng ta.
Điều đáng tiếc là chưa có từ ngữ Việt nam nào dịch Danh CHRIST đầy đủ ý nghĩa mà gọn, vậy có nên chăng đề xướng chủ trương loại bỏ Danh Christ trong Kinh thánh và Thánh ca? Tôi cho rằng không nên. Vì nếu không dùng Danh Christ thì người Việt nam tin Chúa Jêsus không thể giải thích ba chức vụ của Chúa Jêsus Christ là Thầy tế Lễ - Tiên Tri – Vua.
Người Việt nam tin Chúa Jêsus thường không chú ý đi sâu vào Bản tánh và Thân vị của Chúa Jêsus, nhưng những người hầu việc Chúa phải nhờ ơn Chúa nắm vững những lẽ đạo cơ bản quan trọng:

1. Giô-sép chỉ là CHA NUÔI:

Giô-sép không phải là cha về phần xác như nhiều người nói mà không hiểu mình nói sai, nhất là các giáo viên dạy Thiếu nhi, ông chỉ là CHA NUÔI của Chúa Jêsus khi Ngài lấy hình con người đến thế gian. Giô-sép không có phần gì trong việc Chúa Jêsus vào đời, nhưng ông có công nuôi dưỡng Chúa Jêsus và cho Ngài mượn dòng dõi Đa-vít để làm con Đa-vít.

2. Chúa Jêsus có HAI TÁNH và MỘT NGÔI:

Lịch sử Hội thánh đã ghi lại có rất nhiều tà giáo cố gắng giải thích Hai Tánh của Chúa Jêsus. Phải quả quyết rằng Thần Tánh và Nhân Tánh của Chúa Jêsus là lẽ đạo mầu nhiệm giống như lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một. Sứ đồ Giăng khẳng định kẻ nào dạy Chúa Jêsus không lấy xác thịt vào đời đó là tà giáo (I Giăng 4:1-3)
Hội thánh chung đã căn cứ vào Kinh thánh xác quyết Chúa Jêsus Christ có Hai Tánh và Một Ngôi mà thôi.
Trong khi còn ở thế gian, có lúc Nhân Tánh che khuất Thần tánh, nên có lúc Ngài buồn, khóc, đói, khát… ; Nhưng cũng có lúc Thần Tánh che khuất Nhân Tánh, Ngài đã lấy uy quyền của Đức Chúa Trời quở yên gió bão, đuổi quỉ, chữa bịnh, làm biết bao phép lạ.
Hai Tánh không hề mâu thuẫn nhau mà hiệp thành một Ngôi.

3. Chúa Jêsus là Chủ đề của Kinh thánh:

Kinh thánh mặc khải cho người đọc biết mục đích chính của Kinh thánh chỉ bày tỏ về Chúa Jêsus Christ qua NĂM điều:

a. Chúa Jêsus giáng sanh.

Khi nói từ ngữ ‘giáng sanh’ là đã nói đến nguồn gốc của Chúa Jêsus là từ trời đến thế gian.
Chúa Jêsus giáng sanh đúng như lời tiên tri từ hàng ngàn năm trước:
- từ buổi sáng thế - Sáng 3:15, thuộc dòng dõi người nữ, nghĩa là Chúa Jêsus giáng sanh không qua công lệ thiên nhiên, và mục đích để hủy diệt quyền lực của ma quỉ.
- từ 2.000 năm trước khi Chúa giáng sanh, lời hứa Ngài sẽ giáng sanh trong dân tộc thuộc dòng dõi Áp-ra-ham – Sáng. 12:1-3, chi phái Giu-đa – Sáng. 49:10, làm thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc – Sáng. 13:18-20
- từ 1.450 năm trước khi Chúa giáng sanh, đã tiên tri Chúa Jêsus chịu chết treo thập tự giá – Dân. 21:4-9.
- từ 1.000 năm trước, lời tiên tri Chúa Jêsus giáng sanh trong dòng vua Đa-vít và ngồi trên ngai Đa-vít – I Sử 17:14
- từ 740 năm trước Chúa giáng sanh, lời tiên tri đã báo Chúa Jêsus giáng sanh bởi nữ đồng trinh – Êsai 7:14
- từ 500 năm trước Chúa giáng sanh, lời tiên tri báo trước địa điểm Chúa giáng sanh là thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đa – Michê 5:1.
Khi Chúa Jêsus Christ đến thế gian Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là người trọn vẹn (không có nguyên tội – Luca 1:35, Ngài cũng không có kỷ tội – Giăng 8:46; I Phierơ 2:22-23).