Thần Đạo Học - Chương I (TT)

Thần Đạo Học - Chương I (TT)
Nói cách tổng quát, Thần học chỉ có một Nguồn duy nhất là chính Đức Chúa Trời, vì phẩm vị và bản tánh của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa vượt mọi ý tưởng hiểu biết của con người như Chúa phán trong Êsai 40:12-18; 55:8-9. Trong khi đó con người có nhiều giới hạn, trong đó có giới hạn hiểu biết, như các danh nhân đã nhìn nhận:
 
-----------------------------

 
CHƯƠNG I - PHẦN 2
 
NGUỒN GỐC THẦN HỌC


 
 
I  . NGUỒN THẦN HỌC CHÍNH THỐNG


Nói cách tổng quát, Thần học chỉ có một Nguồn duy nhất là chính Đức Chúa Trời, vì phẩm vị và bản tánh của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa vượt mọi ý tưởng hiểu biết của con người như Chúa phán trong Êsai 40:12-18; 55:8-9. Trong khi đó con người có nhiều giới hạn, trong đó có giới hạn hiểu biết, như các danh nhân đã nhìn nhận:
  • Điều chúng ta biết như một giọt nước, điều chưa biết là cả một đại dương.
  • Đừng thấy cái bóng trên vách mà tưởng rằng mình vĩ đại.
  • Nhảy được từ đất đếân mặt trăng, hỏa tinh hay một hành tinh nào, cũng đã là giỏi, nhưng so với vũ trụ thì có đáng gì đâu.
Do đó, phải nhờ chính Đức Chúa Trời tự tỏ chính Ngài ra, con người mới có hi vọng biết những gì cần biết về Ngài. Đức Chúa Trời dùng ba cách để bày tỏ về Ngài cho con người hữu hạn biết, ba cách đó là:

1.   Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua thiên nhiên, tức sự hiện hữu và tuần hoàn của trời đất, vũ trụ, Thần học gọi đó là Thiên Nhiên Thần Học - Thi thiên 19; Công vụ 14:17; Rôma 1:20.
2.   Ngoài ra Đức Chúa Trời còn tỏ chính Ngài qua Kinh thánh, Thần học gọi đó là Thánh Kinh Thần học hay Khải thị Thần học, hay Thần học siêu nhiên - Hêbơrơ 1:1
3.   Cách thứ ba mà Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ chính Ngài cho loài người là qua chính Con Ngài là Chúa Jêsus Christ - Giăng 1:18; Hêbơrơ 1:2-3.

II. NHỮNG NGUỒN THẦN HỌC KHÔNG ĐẦY ĐỦ:

Có những Nguồn Thần học được gọi là Nguồn Không Đầy Đủ, vì những Nguồn này cần có nhưng chỉ có tánh cách bổ sung cho con người khi muốn nhận lấy sự khải thị của Đức Chúa Trời.
Có BA (3) Nguồn Thần Học Không Đầy Đủ:
  • Nguồn Lý Tánh của con người.
  • Nguồn Di Truyền
  • Nguồn Thần Bí
Chúng ta hãy xem xét Ba Nguồn Không Đầy Đủ này:

1. Nguồn Lý Tánh Con Người:
 
Đức Chúa Trời ban cho con người lý tánh, bởi lý tánh đó chúng ta biết điều gì đúng sai theo quan điểm của con người (tùy thuộc văn hóa của dân tộc, hoặc luật lệ địa phương). Cũng bởi lý tánh mà con người ý thức ngoài thiên nhiên, con người cần một khải thị đặc biệt nào đó để hiểu biết về Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, lý tánh rất quan trọng cho việc hiểu biết về sự khải thị qua Kinh thánh khi lý tánh được sử dụng cách đúng đắn.
Tuy nhiên không nên quên rằng loài người chỉ là loài thọ tạo nên sự hiểu biết cũng có giới hạn, nhất là đối với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Vô hạn; đồng thời vì mọi người đều đã phạm tội, lý tánh của loài người cũng vì đó bị che mờ, nếu không bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời soi sáng thì con người không thể hiểu những gì Đức Chúa Trời mặc khải (I Côrintô 2:14-16)

 
2. Nguồn theo Di Truyền Thuyết:
 
Như chúng ta biết các nhà Thần học Tin Lành lấy Kinh thánh làm tiêu chuẩn cho vấn đề Thần học. Tuy nhiên, cũng có ý kiến sai lầm cho rằng
  • Căn cứ vào I Timôthê 3:15 [Hội thánh … là trụ và nền của lẽ thật], cho rằng ngoài Kinh thánh, còn có Giáo hội và những lời truyền khẩu là Nguồn Thần học.
Sự trưng dẫn đó là sai lầm, vì Lời Chúa dạy Hội thánh là cơ quan bảo vệ lẽ thật [trụ và nền - chống đỡ và giữ vững], không phải Hội thánh là Nguồn lẽ thật, chỉ có Chúa Jêsus Christ là Nguồn Lẽ thật (Giăng 14:6).
  • Di truyền thuyết cho rằng cần dùng những lời truyền khẩu để bổ khuyết những điều khó hiểu của Kinh thánh.
Ý kiến này đã bỏ qua lời dạy của Chúa trong Khải. 22:18-19, Kinh thánh đã được đóng ấn trọn vẹn, không được thêm hoặc bớt.  Thật ra những điều khó hiểu có trong Kinh thánh là do: (1) Người đọc hiểu lầm hoặc cố ý hiểu lầm. (2) Do sự hiểu biết của con người chưa đạt đến, giống như một học sinh cấp I làm sao hiểu được những môn học ở cấp II, cấp III. Vả lại ai là người dám quả quyết mình hiểu hết Kinh thánh? Điều đáng sợ là Lịch sử Hội thánh đã làm chứng những ý kiến dạy dỗ của cá nhân hoặc từ tổ chức Giáo hội đã đi ngược lại sự dạy dỗ của Kinh thánh (Ví dụ: Kinh thánh luôn khuyến khích chúng ta học hỏi Lời Chúa, còn Giáo hội dạy không được đọc hay học, chỉ có các chức sắc được đọc và Giáo hội mới được giải nghĩa). Chúa Jêsus đã cảnh cáo điều này trong Mathiơ 15:3-9. (3) Có những điều Chúa hạn chế chưa cho chúng ta biết, như Chúa không giải thích cho Đaniên hiểu (Đaniên 12:8-9), như sứ đồ Phao-lô đã xác nhận có nhiều điều chúng ta không thể nào hiểu biết tỏ tường, phải đợi đến khi gặp Chúa (I Côrintô 13:9-12).
Thật ra những người theo Di truyền thuyết có ý muốn tạo uy quyền cho Giáo hội hoặc cá nhân, hầu buộc mọi người tuân phục cá nhân hoặc Giáo hội. Những người này cũng muốn lợi dụng Di Truyền thuyết để ngăn cản mọi người trực tiếp đọc Kinh thánh mà chỉ thông qua cá nhân hoặc tổ chức Giáo hội. Sứ đồ Phierơ đã lấy Kinh thánh ấn chứng sự giả dối của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt (Công vụ 1:16). Hãy học gương Hội thánh tại Bê-rê trong Công vụ 17:11.


3. Thần Bí thuyết: (Mysticism)
 
Thần Bí thuyết chơn chánh chủ trương Thánh Linh ngự trong lòng người tin Chúa, soi sáng cho họ hiểu điều Đức Chúa Trời mặc khải trong Kinh thánh, nhưng phủ nhận bất cứ sự khải thị mới nào, đồng thời cũng chứng nghiệm sự chân thật của Kinh thánh.
Nhưng cũng có những người theo thuyết Thần Bí dạy sai lạc rằng Thánh Linh trong lòng tạo cảm xúc, và Đức Chúa Trời nhờ cảm xúc đó mà ban sự mặc khải mới. Ý kiến sai lầm này do hiểu lầm hoặc cố ý cho rằng tất cả cảm xúc trong lòng đều từ Thánh Linh, là tiếng phán của Đức Chúa Trời. Vì chủ trương như vậy nên họ cho mọi cảm xúc đều là Nguồn Thần học, từ đó lần lần hướng về sai lạc, tà giáo, bởi căn cứ vào cảm xúc để làm nền tảng.
Hãy nhớ rằng cảm xúc của thân thể tùy thuộc vào thân thể khỏe mạnh hay đau yếu; cảm xúc thuộc linh cũng tùy vào tình trạng đời sống tâm linh mạnh hay yếu.