Giô-ên

Giô-ên
I/. TÁC GIẢ: 1. Ý nghĩa của Tên: Tên Giô-ên có nghĩa: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”. Ý nghĩa tên khiến cho vài người chủ trương Giô-ên thi hành chức vụ đời Giô-ách (II Sử. 22: - 24:). Họ cho rằng lúc trẻ, Giô-ên biết Ê-li và sống đồng thời với Ê-li-sê (xem I Vua 19:37, 39 – theo Scofield)

--------------

I/. TÁC GIẢ:
1.  Ý nghĩa của Tên:
  • Tên Giô-ên có nghĩa: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”
  • Ý nghĩa tên khiến cho vài người chủ trương Giô-ên thi hành chức vụ đời Giô-ách (II Sử. 22: - 24:). Họ cho rằng lúc trẻ, Giô-ên biết Ê-li và sống đồng thời với Ê-li-sê (xem I Vua 19:37, 39 – theo Scofield)
2. Gia phổ:
1:1 giới thiệu Giô-ên là con trai của Phê-thu-ên
Tên Phê-thu-ên chỉ thấy trong bản Masoretic, có lẽ vì lý do nầy nên Bản Septuagint đọc là Bê-tu-ên như trong Sáng. 22:22-23
 
II/. NIÊN HIỆU:
Có 2 ý kiến về niên hiệu: SỚM và TRỄ
1. Niên hiệu Trễ:
Căn cứ vào 3:4-6, một số người cho rằng chỉ về thời kỳ dân Giu-đa bị lưu đày sang Ba-by-lôn, lúc bấy giờ các dân ngoại bang như Ty-rơ, Si-đôn, Phi-li-tin, thừa cơ xông vào hà hiếp Giu-đa.
Đặc biệt 3:6 đề cập đến người Hi-lạp là nước xuất hiện vào thế kỷ thứ IV TC.
 
2. Niên hiệu Sớm:
Căn cứ vào những lý do:
  • Có sự trùng hợp giữa Giô-ên 3:16 với Amốt 1:2. Ý kiến cho rằng Giô-ên thi hành chức vụ trước Amốt ít lâu và Amốt đã chịu ảnh hưởng nơi Giô-ên.
  • Trong sứ điệp trọng tâm chỉ đề cập đến Ty-rơ, Si-đôn, Phi-li-tin (3:4), Ê-đôm, Ai Cập (3:19), mà không nói đến đế quốc A-si-ri, Ba-by-lôn, là những nước thù nghịch sau nầy.
  • Những câu 3:4-8 là thời kỳ ghi trong II Sử 21:17
  • Trường hợp Hi-lạp (3:6), tiên tri ghi lại một nước ở xa (bán … làm cho chúng nó lìa xa bờ cõi mình), chưa hiện diện trực tiếp tại vùng Palestine.
  • Trong sứ điệp cho thấy đền thờ vẫn còn và sự thờ phượng vẫn diễn ra (1:13; 2:17)
Hầu hết các nhà giải kinh đều nhìn nhận sách Giô-ên được viết vào trước đời A-cha (II Vua 16:1).
 
III/. BỐ CỤC:
Đề tài: NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Câu gốc: 2:11b
  1. Dấu hiệu ngày của Đức Giê-hô-va: 1: - 2:17
  1. Dấu hiệu trong thiên nhiên: 1:1-20
  1. Nạn cào cào: 1:1-7
  2. Nạn đói kém: 1:8-20
  1. Dấu hiệu chiến tranh: 2:1-11
  1. Phương diện con người: 2:1-10
  2. Phương diện Đức Chúa Trời: 2:11
  1. Thái độ đối với ngày của Đức Giê-hô-va: 2:12-32
  1. Thái độ bi quan: (ăn năn): 2:12-17
    1. Tấm lòng (bên trong): 2:1-14
    2.  Hành động (bên ngoài): 2:15-17
  2. Thái độ lạc quan (vui mừng): 2:18-32
    1. Thuộc thể (dư dật): 2:18-27
    2. Thuộc linh (đầy dẫy): 2:28-32
  1. Cảnh trạng ngày của Đức Giê-hô-va: 3:1-21
  1. Giữa dân ngoại: 2:1-17
    1. Dưới đất: 3:1-13
    2. Trên trời: 3:14-17
  2. Trong Giu-đa: 3:18-21
    1. Hiện tại: 3:18-19
    2. Tương lai: 3:20-21
IV/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Nạn cào cào: 1:4-7
Trong quyển Bible Lands của Van Lannep ghi lại về nạn cào cào như sau:
“Cào cào con phát triển rất nhanh. Khi di chuyển, nó ăn tất cả những vật xanh trên đường. Nó tiến quân chậm hơn lửa cháy lan, nhưng sự tàn phá của nó đáng sợ hơn. Những cánh đồng lúa mì, lúa mạch, vườn nho … mọi cây cỏ khác chỉ vài giờ là hoàn toàn bị hủy diệt.
Người Lamã gọi cào cào là “người thiêu đất”, cũng như người Anh gọi nó là Locust, là người ăn ngấu nghiến, người phá hoại.
Nó di chuyển phủ cả mặt đất, che kín mất ánh sáng, đông như một đạo quân hùng mạnh, phải 3 hoặc 4 ngày sau mới qua hết, cách mặt đất 5 đến 6 tấc.Chỉ có một điều tạm thời làm ngừng bước tiến của cào cào là sự thay đổi thời tiết thình lình, đó là trời lạnh. Ban đêm cào cào cũng sẽ giữ yên lặng, giống như bầy ong, đậu trên những bụi cây hàng rào. Đến khi ánh sáng mặt trời xuất hiện, nó lại bắt đầu tiến quân.
Cào cào không có vua, không có lãnh đạo, nhưng bay rất trật tự (Châm 30:27). Khi gặp bức tường, nhà, nó trèo lên, chui vào cửa để vượt qua bên kia. Khi gặp nơi có nước như sông, hồ, biển, nó không bao giờ đi vòng nhưng sau một lúc ngần ngừ liền nhào xuống và những con chết sẽ làm một chiếc cầu cho bầy vượt qua.
Khi cào cào đi qua thường làm hàng triệu côn trùng hôi thối, sinh ra những thứ bệnh dịch và chết chóc. Năm 125 TC. những sâu bọ nầy đã bị gió thổi xác từ biển vào đất liền gây ra bệnh dịch giết 80.000 người chết tại Ly-bi Cyrène và Ai Cập”.
W. M. Thompson ghi lại trong quyển The Land and The Book:
“Đám cào cào làm kinh hoàng mọi người, toàn dãy núi trước mặt trở thành màu đen do cào cào. Nó giống như một trận lụt sống. Chúng tôi đào mương, đốt lửa, đập, giết hàng đống, hàng đống, nhưng những cố gắng cũng vô dụng. Từng đợt, từng đợt tràn lên sườn núi, phủ lên đá, tường, … để lại phía sau sự chết. Nó vượt qua sông, tràn lên đồi có nhà cửa của chúng tôi. Chúng tiếp tục di chuyển qua trong bốn ngày hướng về phía Đông với hàng triệu triệu con…
  1. Thầy tế lễ: 1:13; 2:17
Sứ điệp của tiên tri Giô-ên đặc biệt chú trọng đến thành phần thầy tế lễ (1:13; 2:17), các trưởng lão (1:14; 2:16), là những thành phần cai trị trong Giu-đa thời bấy giờ.
1:13; 2:17, nói lên thái độ hầu việc Đức Chúa Trời của những thầy tế lễ
  • Không nịt lưng: Thiếu sẵn sàng, không sốt sắng.
  • Không than khóc: nghĩa là chỉ hành lễ mà không có sự đồng cảm yêu thương.
  • Không cầu thay cho dân Chúa.
Tuy nhiên, Giô-ên không quở trách, chỉ kêu gọi, khuyên răn. Giô-ên vẫn giữ sự kính trọng chức vụ thánh. Giô-ên cũng được gọi là thầy tế lễ.
  1. Ngày của Đức Giê-hô-va:
Năm lần trong sách tiên tri Giô-ên nói đến “Ngày của Đức Giê-hô-va” (1:15; 2:1, 11, 31; 3:14). Do đó, Giô-ên cũng được gọi là “Tiên tri của Ngày Đức Giê-hô-va”.
3 đoạn của sách giới thiệu 3 phương diện Ngày của Đức Giê-hô-va khác nhau:
  • 1:15, Ngày của Đức Giê-hô-va được mô tả là ngày của tai vạ. Phạm vi trên một địa phương (cào cào được THẢ RA)
  • 2:1, 11, 31, ngày của Đức Giê-hô-va là một ngày kinh khiếp, đến gần. Phương diện thời gian kết thúc thời hiện tại.
  • 3:14, ngày của Đức Giê-hô-va là một ngày phán xét liên hệ đến các dân tộc chung quanh Y-sơ-ra-ên. Phương diện tiên tri, vừa có tính chất lịch sử, vừa có tính chất tiên tri ngày cuối cùng.
Tổng hợp lại, chúng ta có một quang cảnh Ngày của Đức Giê-hô-va” gồm:
  • Trong thiên nhiên: Nạn cào cào tàn phá đất (1:15)
  • Trong con người: Chiến tranh tàn khốc (2:1-2
  • Trong Ý Chúa: Để phán xét các dân (3:14)
    1. Đầy Dẫy Đức Thánh Linh: 2:28-29
Đây là một câu Kinh Thánh đặc biệt liên quan đến sự đầy dẫy Thánh Linh, đã được Phierơ trưng dẫn trong Lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:16-18). Nhưng Phierơ xác nhận sự kiện Lễ Ngũ Tuần chỉ là một phần lời tiên tri. Phierơ nói: “Ấy là điều Đấng Tiên tri Giô-ên ĐÃ NÓI…
Tính chất lời tiên tri của Giô-ên 2:28-29 sẽ được ứng nghiệm đầy đủ trong ngày cuối cùng. Song song với biến động trên trời (mặt trời tối tăm, mặt trăng hóa ra máu) là điều chưa xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
Như vậy, dù sách tiên tri Giô-ên là sách ngắn (chỉ 3 đoạn), nhưng tính cách tiên tri thật quan trọng, vì dự kiến đến tương lai ngày chung thẩm (Khải huyền 19: - 20:)
Dù ảnh hưởng chung của các sách tiên tri là rao sự đoán phạt, nhưng ở Giô-ên, chúng ta tìm thấy sứ điệp đoán phạt chỉ là động cơ thúc đẩy tìm kiếm phục hưng. Cho nên chúng ta có thể gọi Tiên tri Giô-ên là Một Sứ Giả Phục Hưng, rất cần cho thời đại cuối cùng nầy.
 
 
Đề mục: HỘI ĐỒNG KIÊNG ĂN
Kinh Thánh: GIÔ-ÊN 1:1-20
Câu gốc: Giô-ên 1:14
Mục đích: Khích lệ con cái Chúa dành thì giờ cầu nguyện (nếu kiêng ăn được càng tốt) xin Chúa phục hưng Hội Thánh.
 
I/. CÁC TRƯỞNG LÃO:
  • Giô-ên 1:1-4
  • Sở dĩ chúng ta chọn đề tài HỘI ĐỒNG KIÊNG ĂN là vì trong câu gốc 1:14 là lời kêu gọi: Khá định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể. Cảm ơn Chúa là chúng ta học đến sách Giô-ên và nhận được đề mục nầy trong thời điểm đầu Năm Mới Xuân Ất Dậu, một cơ hội rất tốt để Hội Thánh chuẩn bị công việc Chúa Năm Mới.
  • Để nhóm một Hội Đồng Kiêng Ăn quyết định cho công việc Chúa, sách Giô-ên đoạn 1 đã đưa ra BA THÀNH PHẦN CHÍNH cho Hội Đồng.
  • Thành phần chính thứ nhất cần họp Hội Đồng là KẺ GIÀ CẢ hay gọi cách khác là CÁC TRƯỞNG LÃO.
  • ‘Người Già Cả’ là ai? Nhóm từ nầy thường dùng để chỉ:
    • Người cao tuổi
    • câu 3-4, người già cả cũng là người có nhiều kinh nghiệm từ những sự kiện xảy ra trong quá khứ.
    • Người già cả cũng là những người được dân sự kính trọng, như trường hợp các người già cả trong sách Ru-tơ 4:2.
  • Nói chung lại ‘Người Già Cả’ là người cao niên, được kính trọng và có nhiều kinh nghiệm.
  • Bây giờ Chúa kêu gọi những người già cả làm hai việc:
  1. 1:2, việc thứ nhất những người già cả phải làm trong Hội Đồng Kiêng Ăn là: Hãy nghe… hãy lắng nghe. Mặc dù người già cả là những người biết rất nhiều việc trong quá khứ, nhưng điều Chúa sắp làm là điều chưa từng xảy ra, họ chưa từng biết: Há có sự gì như vậy đã xảy đến trong ngày tổ phụ các ngươi sao?
Những từ ngữ: hãy nghe… hãy lắng nghe, tỏ ra những việc Chúa sắp thi hành là những việc rất là quan trọng, cần những người già cả kinh nghiệm quan tâm, suy xét, chú ý.
  1. 1:3-4, việc thứ hai mà những người già cả phải làm là: Hãy kể, hãy thuật lại, hãy dạy lại…
Đây là trách nhiệm của người già cả. Mục đích việc Hãy Kể nầy là để làm gì? Câu 3, Chúa phán: để con cái các ngươi kể cho con cái chúng nó; con cái chúng nó kể cho dòng dõi nối theo…
Kể lại điều gì?
Câu 4, Chúa bảo họ kể lại những hình phạt lớn lao mà Chúa đã giáng trên đất nước họ. Mà chúng ta đều biết Chúa cho phép hình phạt xảy đến là khi nào dân Chúa phạm tội. Nói như vậy, khi những người già cả kể lại những hình phạt khủng khiếp như câu 4 đã ghi lại, có nghĩa là họ phải nói những yếu đuối, những tội lỗi trong thời của họ, nói mạnh hơn: Họ Phải Nói Đến Tội Lỗi Của Chính Họ.
Tâm lý thông thường, người già cả chỉ thích kể lại những thành công trong cuộc đời của họ, nhưng trong Hội Đồng Kiêng Ăn, Chúa muốn họ kể lại những thất bại trong đời sống của họ. Hội Đồng Kiêng Ăn chính là nơi chúng ta nhìn nhận tỗi lỗi, những yếu đuối của chúng ta, ăn năn, như người con trai hoang đàng nói với cha của mình: Cha ơi, con đã đặng tội với trời, với cha…
Chính mình nhận sự yếu đuối tội lỗi của mình trước mọi người là điều khó; chính cái khó đó là chìa khóa để mở cửa phục hưng trong Hội Đồng Kiêng Ăn
  • I Côrintô 6:7-8, để giải quyết những ngăn trở phước hạnh của Chúa muốn ban cho Hội Thánh tại Côrintô, Sứ đồ Phaolô đã khuyên: … Sao (anh em) chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao (anh em) chẳng đành sự gian lận là hơn!
  • Tại nước Mỹ có một điều khác với tại Việt-nam khi có xảy ra tai nạn giao thông. Tôi thấy tại Việt-nam, khi xảy ra tai nạn giao thông giữa hai chiếc xe gì cũng vậy, luôn luôn diễn ra một cuộc đấu khẩu xem ai là người phải ai là người quấy, kết quả là không ai chịu phần lỗi khiến cuộc đấu khẩu kéo dài, gây ra ùn tắc giao thông. Trong khi đó, ở Mỹ có cái hay là khi xảy ra tai nạn giao thông, thay vì tranh cãi, thì đã có cảnh sát hay bảo hiểm giải quyết, không cần tranh cãi. Phải có một người nhận lỗi thì vấn đề giải quyết rất nhanh, không gây trở ngại cho bao nhiêu người chung quanh.
  • Cảm ơn Chúa, Hội Đồng Kiêng Ăn nhóm lại là để tìm kiếm sự phục hưng cho Hội Thánh, nếu bắt đầu bằng những lời xưng tội của ‘Những người già cả’ thì chắc chắn quyền năng Thánh Linh sẽ hành động. Viên than lớn là khó cháy, nhưng khi cháy được bao giờ cũng gây nên một đám lửa lớn.
 
II/. NGƯỜI GIÀU CÓ – QUYỀN THẾ:
  • Giô-ên 1:5-12
  • Trong câu 5 giới thiệu thành phần được kêu gọi tham dự Hội Đồng Kiêng Ăn là ‘Kẻ Say Sưa’. ‘Kẻ Hay Uống Rượu’, ‘Kẻ hay than vãn vì cớ rượu ngọt đã bị chất khỏi miệng’.
  • Theo nghĩa đen, những người nầy là những người thích sự vui chơi, thích uống rượu đến nỗi thấy rượu trở thành ngọt. Qua sự giới thiệu nầy chúng ta có thể thấy những người nầy là:
    • những người có nhiều tiền, nhiều quyền, vì thời nào cũng vậy, chỉ có những kẻ có nhiều tiền nhiều quyền mới có phương tiện ăn chơi, rượu chè – nói theo từ ngữ bình dân là thích ‘nhậu nhẹt’.
Hãy nhìn vào xã hội hiện tại, thật sự cũng không khác gì xã hội thời tiên tri Giô-ên sống. Sự Say Sưa hay Say Mê không phải chỉ nói về rượu, mà nói chung những đam mê của những người thừa tiền, thừa bạc, thừa quyền, trong một xã hội nghèo khổ.
  • những người Lời Chúa đang nói đến cũng là những người sống cuộc đời phóng túng, họ say sưa đến nỗi không còn thì giờ để thức; họ uống rượu đến nỗi chất cay đắng trở thành ngọt.
  • Điều đáng sợ là những người say sưa, than vãn nầy không biết rằng sự hình phạt đang tiến đến với họ, tàn phá đất nước họ. Đó là một dân mạnh và vô số đã lên nghịch cùng đất ta… Và Chúa phải đánh thức họ dậy và khuyên họ nhóm Hội Đồng Ăn Năn để khóc lóc ăn năn.
  • Khóc lóc ăn năn như thế nào?
    • câu 8, họ phải than khóc như một người nữ đồng trinh khóc chồng chưa cưới. Hình ảnh so sánh ở đây thật rất sống động, Tiên tri không so sánh với người vợ khóc chồng, mà so sánh những đôi tình nhân trong thời kỳ hứa hôn nồng thắm mà phải chia ly.
    • câu 9-12, không phải họ khóc trong lúc say sưa, trong giấc mơ say rượu, mà Chúa muốn họ thức dậy (câu 5) để nhận ra chung quanh họ không còn gì cả từ đời sống thuộc linh (câu 9, của lễ … trong sự tang chế) đến cuộc sống thuộc thể (câu 10 – 12), tất cả đều bị tàn phá không còn gì nữa.
  • Đây là hình ảnh của Hội Thánh tại Lao-đi-xê trong Khải huyền 3:17, khi Hội Thánh tại lao-đi-xê nghĩ rằng họ giàu có rồi, họ không cần chi nữa, thì Chúa bảo họ mua thuốc xức mắt để nhìn thấy họ đang khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lỏa lồ.
  • Tôi quả quyết rằng nếu hạng người mà Lời Chúa đang nói đến đây – những người đang có nhiều tiền, đang có nhiều quyền, hạ mình xuống trong Hội Đồng Kiêng Ăn, thì Hội Thánh của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được phục hưng.
  • Trong truyện cổ tích nước Đức có một câu chuyện về một Cơ-Đốc nhân nghèo qua đời được lên Thiên đàng. Khi về đến Thiên đàng thì vị Thiên sứ gác cửa bảo ông ấy đứng ngoài chờ đợi một chút. Ông nhìn thấy chung quanh mình cũng có rất nhiều Cơ-Đốc nhân nghèo đang đứng đợi vào Thiên đàng. Một lát sau có một người giàu qua đời được lên Thiên đàng, vị Thiên sứ gác cửa lập tức mở cửa đón vào. Cơ-Đốc nhân nghèo nghe trong Thiên đàng tiếng kèn tiếng hát của các Thiên sứ trổi lên vui vẻ lắm. Ông nghĩ: người giàu vào Thiên đàng mà như vậy, người nghèo mà trung tín với Chúa khi vào chắc Thiên đàng còn vui hơn biết dường nào.
Rồi Thiên sứ cũng mở cửa cho các Cơ-Đốc nhân nghèo cùng vào Thiên đàng. Cơ-Đốc nhân nghèo ngạc nhiên thấy Thiên đàng bình thường như không có gì xảy ra. Cơ-Đốc nhân nghèo liền hỏi Thiên Sứ: Bộ ở Thiên đàng cũng có vụ đó nữa sao (vụ trọng giàu khinh nghèo). Thiên sứ trả lời: Không phải, nhưng ở Thiền đàng ngày nào cũng có người nghèo vào; còn người giàu thì hàng trăm năm mới có một người vô, nên vui là vậy đó.
  • Đó chỉ là truyện kể cho vui theo Lời Chúa phán: Người giàu vào Nước Thiên đàng khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Nhưng điều chắc chắn là khi những viên than lớn là những người nhiều tiền, nhiều quyền, hạ mình ăn năn thì sự phục hưng sẽ đến. Hãy thử nghiệm xem và sẽ thấy kết quả.
 
III/. THẦY TẾ LỄ:
  • Giô-ên 1:13-20
  • Đối với các thầy tế lễ, Lời Chúa kêu gọi họ đích danh: Hỡi các thầy tế lễ … Hỡi các ngươi là kẻ làm việc ở bàn thờ, … Hỡi kẻ chức dịch của Đức Chúa Trời …
  • Những người ‘Thánh’ nầy đang làm gì?
    • Chúa bảo họ: Hãy nịt lưng, nghĩa là họ đang trong tình trạng không nịt lưng. Nịt lưng là dấu hiệu của một người đang làm việc, đang phục vụ
Xuất. 12:11, Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên khi ăn Lễ Vượt Qua thì phải ‘dây lưng cột’ (thắt lưng)
Luca 12:35-36, Chúa Jêsus phán: Lưng các ngươi phải thắt lại…đó là dấu hiệu chuẩn bị sẵn sàng
Giăng 13:4, chính Chúa Jêsus đã lấy khăn vấn (hay thắt) ngang lưng, vì Ngài đang làm một người đầy tớ phục vụ các môn đồ.
Các thầy tế lễ không thắt lưng nghĩa là họ đang lười biếng, không phục vụ. Người có chức năng phục vụ mà không phục vụ, chỉ lo việc riêng việc lợi cho mình.
  • Chúa bảo họ: Hãy than khóc… hãy thở than… hãy mặc bao gai.
Đây là dấu hiệu của sự tang chế, của sự ăn năn thật. Người Y-sơ-ra-ên thường xé áo, mặc áo gai, rải tro lên đầu, để tỏ dấu buồn thảm.
Chức vụ của thầy tế lễ là cầu thay cho dân sự, nhưng bây giờ họ làm việc, nghĩa là không còn cầu thay; họ không cầu thay vì họ không còn thương cảm với tội nhân, không còn khóc được với tội nhân. Họ đã mất cảm giác yêu thương trong khi họ đang làm chức vụ yêu thương.
Rôma 12:15, Lời Chúa dạy: hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.
Bây giờ Chúa bảo các thầy tế lễ Hãy Khóc… cũng có nghĩa là họ phải bước vào Hội Đồng Kiêng Ăn không phải để dâng tế lễ, để làm lễ, để giảng dạy, mà là để khóc lóc ăn năn.
  • Câu 14, chính thầy tế lễ phải là người định sự kiêng ăn, chính thầy tế lễ phải là người kêu gọi họp Hội Đồng Kiêng Ăn. Họ là người chăn, họ phải đi trước – kể cả đi trước trong việc ăn năn hạ mình với Chúa.
  • Lý do mà Chúa đòi hỏi các thầy tế lễ phải họp Hội Đồng Kiêng Ăn, vì
    • câu 15, họ là người biết lẽ đạo về Ngày Chúa đến đã gần rõ hơn ai hết.
    • câu 16-17, thầy tế lễ là người có con mắt thiêng liêng nhất để thấy ‘lương thực’ không còn trong Nhà Đức Giê-hô-va.
    • câu 18-20, thầy tế lễ là người có lỗ tai thiêng liêng nghe được tiếng rên siếc của bao nhiêu người chung quanh đang bối rối, khốn khổ …
  • Đến đây, chúng ta thấy rõ lý do tại sao Hội Thánh chưa được phục hưng: Vì những người lãnh đạo, những người đã từng trải, những người có chức vụ, những người có quyền thế, những người giàu có, những người thánh… không chịu ăn năn.
  • Ngược lại chúng ta cũng thấy, những người có chức vụ, những người có quyền thế, có kinh nghiệm, những người thánh … còn phải hạ mình ăn năn, huống chi chúng ta.
  • Nguyện Chúa ban cho Hội Thánh hiện nay của Ngài một Hội Đồng Ăn Năn như Lời Chúa đã phán qua Tiên tri Giô-ên đoạn 1 nầy.