Ha-ba-cúc

Ha-ba-cúc
I/. TÁC GIẢ: 1. Tên: Tên ‘Ha-ba-cúc’ có nghĩa là: ‘Người Được Bồng Ẵm’ 2. Những suy đoán: Kinh Thánh không nói gì về đời sống của Ha-ba-cúc, nhưng qua sách của ông, chúng ta có thể suy đoán vài điều: 1:1 xác nhận Ha-ba-cúc là một tiên tri chính thức. Có lẽ ông xuất thân từ Trường Tiên tri nên đã mạnh dạn xưng hô chức vụ. So sánh với các Tiên tri khác, từ Ê-sai đến Ma-la-chi (16 vị), thì chỉ có Ha-ba-cúc, A-ghê và Xa-cha-ri là công khai xưng nhận chức vụ chính thức.
---------------

I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:  
Tên ‘Ha-ba-cúc’ có nghĩa là: ‘Người Được Bồng Ẵm

2. Những suy đoán:
Kinh Thánh không nói gì về đời sống của Ha-ba-cúc, nhưng qua sách của ông, chúng ta có thể suy đoán vài điều:
  • 1:1 xác nhận Ha-ba-cúc là một tiên tri chính thức. Có lẽ ông xuất thân từ Trường Tiên tri nên đã mạnh dạn xưng hô chức vụ. So sánh với các Tiên tri khác, từ Ê-sai đến Ma-la-chi (16 vị), thì chỉ có Ha-ba-cúc, A-ghê và Xa-cha-ri là công khai xưng nhận chức vụ chính thức.
  • 1:2-3, 13-14; 2:1, Ha-ba-cúc có tính cương quyết, can đảm, hay chất vấn Chúa. So sánh với Giô-na 4:, ta thấy hai người tánh tình đều giống nhau, đồng thời cũng thấy sự thân mật giữa Ha-ba-cúc với Chúa, đến nỗi trò chuyện với Chúa cách rất tự nhiên (Giăng 15:15).
  • 1:6, 13, thời kỳ Ha-ba-cúc sống là thời thịnh vượng của người Canh-đê (Ba-by-lôn), cho nên có thể là vào năm 608 TC., sau khi Ni-ni-ve sụp đổ (612 TC.), dưới triều đại của vua Giê-hô-gia-kim (II Vua 23:34 – 24:7), và sau những cải cách của vua Giô-si-a. Qua thời điểm lịch sử trên, ít nhất hai lần Ha-ba-cúc nhìn thấy xứ thánh, dân thánh, bị hà hiếp, bị xâm lấn. Sự việc nầy khiến Ha-ba-cúc cũng như người Y-sơ-ra-ên thắc mắc:”Tại sao Đức Chúa Trời để dân thánh chịu nạn như vậy?”(1:13), vì người Y-sơ-ra-ên luôn cho rằng họ là tuyển dân của Chúa thì Chúa sẽ bảo vệ họ – 1:12)
  • 3:, cho thấy Ha-ba-cúc rất giỏi về âm nhạc, đã viết nhạc cho ban nhạc học theo. Có thể Ha-ba-cúc thuộc dòng dõi Lê-vi, có những nhạc sĩ như A-sáp, Hê-man, và Giê-đu-thun (I Sử 25:1-5), vì đoạn 3:, bài ca có lời giới thiệu và kết thúc rất đúng luật âm nhạc.
  • 3:1, thể thi ca.
Trong nguyên văn, chữ shigionoth có nghĩa là bài ca đắc thắng, vui mừng. Nhưng cũng có nghĩa là than khóc.
Như vậy, đây là bài ca vui mừng của một người ăn năn.
  • Cuối đoạn 3 có phần ghi chú: “giao cho quản phường nhạc, khảy đờn mà hát bài này”.
Như vậy, Ha-ba-cúc viết cho ban nhạc, chứng tỏ ông là một Trưởng Ban Nhạc, một Ca Trưởng.
 
II/. BỐ CỤC:
Đề mục: NGƯỜI CÔNG BÌNH
Câu gốc: 1:4
  1. Gánh Nặng Của Người Công Bình: 1:
  1. Người Công Bình là người có gánh nặng: 1:1
  2. Hình ảnh về gánh nặng của người Công Bình: 1:2-11
  3. Thái độ của người Công Bình đối với gánh nặng: 1:12-17
  1. Khải Tượng của Người Công Bình: 2:
  1. Người Công Bình là người có khải tượng: 2:1
  2. Tánh chất khải tượng của Người Công Bình: 2:2-3
  3. Nội dung khải tượng của Người Công Bình: 2:4-20
  1. Sự Cầu Nguyện của Người Công Bình: 3:
  1. Cách cầu nguyện của Người Công Bình: 3:1
  2. Đối tượng cầu nguyện của Người Công Bình: 3:2-15
  3. Kết quả sự cầu nguyện của Người Công Bình: 3:16-19
GIẢI THÍCH BỐ CỤC:
  1. Gánh Nặng của Người Công Bình: 1:
    1. Người Công Bình là người có gánh nặng: 1:1
Từ ngữ ‘gánh nặng’ cũng được dịch là “Sự hiện thấy” (xem chú thích trong Ê-sai 13:1), hay là Lời Chúa phán trong một sự hiện thấy đặc biệt mà sự hiện thấy đó đè nặng tấm lòng người thấy.
Gánh nặng ở đây là một sứ mạng Chúa giao phó. Thế thì, Chúa không thể giao phó sứ mạng cho một người chưa được cứu, nghĩa là người chưa được Chúa kể là công bình.Vì vậy, người có gánh nặng hoặc là có sứ mạng Chúa giao phó ở đây là:
  • Một Tiên tri, nghĩa là một người đã được cứu và được Chúa kêu gọi dâng mình cho Chúa.
  • Một người được Chúa ‘bồng ẵm’ (Ha-ba-cúc), nghĩa là một người đã từng được kinh nghiệm sự yêu thương chăm sóc của Chúa. Từ ngữ ‘bồng ẵm’ (ha-ba-cúc – Thi thiên 131:2) đã diễn tả được sự thân mật, gần gũi, yêu thương. Chúng ta thấy điều đó trong cách Ha-ba-cúc trò chuyện cởi mở với Chúa, giống như một đứa con bé bỏng còn bồng trên tay mẹ thỏ thẻ với mẹ.
  • Hình Ảnh Gánh Nặng của Người Công Bình: 1:2-11
Những hình ảnh Gánh nặng của Người Công Bình được nói rất rõ:
  • Phương diện của Chúa: 1:2
Dường như Chúa không nghe, không khứng giải cứu. Chỉ những linh hồn tương giáo thân mật với Chúa mới cảm xúc được gánh nặng của lời kêu cầu mà DƯỜNG NHƯ Chúa yên lặng.
Hãy đọc Giô-suê 7:6 để thấy được gánh nặng đè trên Giô-suê khi Chúa yên lặng trước sự thất bại của dân Chúa đối với thành A-hi.
Hãy đọc Mathiơ 27:46 để thấy được gánh nặng đè trên Chúa Jêsus Christ khi Đức Chúa Cha yên lặng trong giờ phút Ngài mang tội lỗi của cả nhân loại trên thập tự giá.
Người ở trong ánh sáng thường xuyên (I Giăng 1:7) thì mới có cảm xúc nặng nề, bực bội, trong giờ mất điện. Đứa con từng được bồng ẵm mới hiểu được gánh nặng khi xa cha mẹ.
  • Phương diện cá nhân Ha-ba-cúc: 1:3-11
Ha-ba-cúc BỊ Chúa cho thấy sự gian ác, ngang trái, tàn hại, bạo ngược, tranh đấu, cãi lẫy. Nhưng tội lỗi đó ở trước mặt ông và dấy lên, nghĩa là nó cám dỗ cả Ha-ba-cúc và còn phát triển mạnh.
Người Công Bình mới thấy tội lỗi là gánh nặng (Thi thiên 32:3-4).
Người mặc áo mới và trắng mới thấy vết dơ là gánh nặng.
Và Ha-ba-cúc đã kể ra từng chi tiết sự gian ác, ngang trái …
  1. Thái độ của Người Công Bình đối với gánh nặng: 1:12-17
Ha-ba-cúc đã trình bày những gánh nặng nầy với Chúa là Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời tôi, là Đấng Thánh của tôi.
Hãy để ý cách Ha-ba-cúc xưng hô với Chúa, ông luôn xưng ‘của tôi’, tỏ ra sự thân mật, gần gũi, thân mật giữa ông với Chúa.
Chính từ thân mật đó mà Ha-ba-cúc đã biện luận với Chúa trong lời cầu nguyện một cách rất tự nhiên:
            Sao Ngài         1:3…
            Sao Ngài         1:14 …
So với 1:2-3,
            Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào?
Nhơn sao…
Đời sống cầu nguyện của các thánh đồ luôn luôn là một buổi trò chuyện với Chúa cách tự nhiên.
  • Sáng. 18:, Áp-ra-ham cầu thay cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ bằng cách trả giá từng người với Chúa.
  • Dân. 11:11-15, Môi-se trút cơn giận cho Chúa mà Chúa không hề giận ông.
  • I Vua 19:4, 10, Ê-li than thở, khiếu nại với Chúa.
  • Giô-na 4:, Giô-na thốt lên những lời phiền trách Chúa đầy giận hờn.
  1. Khải tượng của Người Công Bình: 2:
    1. Người Công Bình là Người có khải tượng: 2:1
      • Người có khải tượng là người đứng nơi vọng canh (Thi thiên 130:6)
      • Người có khải tượng là người đứng chôn chân nơi đồn lũy.
      • Người có khải tượng là người đang rình xem Chúa dạy.
Người có khải tượng là người tỏ ra thiết tha, khao khát gặp Chúa, muốn nghe Chúa phán dạy. Khải tượng không đến cách tình cờ mà chỉ đến với người khao khát (Đa-ni-ên 9:1-4, 20-21; Amốt 7:14-15).
Người có khải tượng là người sẵn sàng trả lời, giải thích với Chúa và là người luôn suy nghĩ, quan tâm đến công việc của Chúa.
Câu nầy có 2 ý:
(1). Chúa trả lời cho Ha-ba-cúc.
(2). Chính Ha-ba-cúc sẵn sàng trả lời điều ông đã khiếu nại với Chúa trong đoạn 1.
  1. Tính chất khải tượng của Người Công Bình: 2:2-3
    • Khải tượng từ Chúa.
    • Khải tượng có tánh chất rõ ràng, không có gì thần bí, huyễn hoặc
    • Ứng nghiệm.
  2. Nội dung khải tượng của Người Công Bình: 2:4-20
    • Nội dung khải tượng được ban cho vì lòng người kiêu ngạo (c. 24)
    • Nội dung khải tượng rao báo cho 5 hạng người với 5 lần ‘khốn thay’ (2:6, 9, 12, 15, 19, so với Ê-sai 5:8, 11, 18, 20, 21, 22)
  1. Sự Cầu Nguyện của Người Công Bình: 3:
    1. Cách Người Công Bình cầu nguyện: 3:1
Lời cầu nguyện theo thể thi ca, mà thể thi ca nầy dùng theo hai cách (Shigionoth):
  • Vừa là một bài cầu nguyện than khóc.
  • Vừa là một bài cầu nguyện ngợi khen.
Lời cầu nguyện sẽ làm cho người đang suy nhược, tức giận trở nên vui mừng, tin cậy. Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự cứu rỗi (II Côr. 7:10)
  1. Đối tượng cầu nguyện của Người Công Bình: 3:2-15
    • Dù giận đối tượng nhưng vẫn yêu thương (3:2)
    • Ha-ba-cúc nhớ lại một Đức Chúa Trời đầy quyền năng đã từng thi hành bao nhiêu phép lạ giải cứu dân Chúa (3:13).
Đó là hai lý do khiến Ha-ba-cúc dù buồn, dù giận khi thấy Người Công Bình bị hà hiếp, nhưng vui mừng vì Chúa vẫn thương xót và quá khứ đã chứng minh sự thương xót đó.
  1. Kết quả lời cầu nguyện của Người Công Bình: 3:16-19
Đức tin của Ha-ba-cúc thể hiện mạnh mẽ sau lời cầu nguyện.
  • Dù phải chờ ngày hoạn nạn (3:16), bị xâm lăng.
  • Dù nghèo đó (3:17).
Ông cũng vui mừng, tin cậy nơi Chúa (3:18-19). Đó là dấu hiệu của một người công bình.
III/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Câu gốc 2:4:
Câu Kinh Thánh nầy được Tân Ước nhắc lại 3 lần, cùng một câu nhưng cách ứng dụng qua 3 mặt khác nhau:
  • Rôma 1:17, nhấn mạnh chữ Người Công Bình, tức là nhấn mạnh một người được xưng công bình là bởi đức tin.
  • Galati 3:11, nhấn mạnh chữ đức tin, tức là nhấn mạnh điều kiện để được xưng công bình
  • Hêb. 10:38, nhấn mạnh chữ Sống, tức là nhấn mạnh kết quả của một người bởi đức tin được xưng công bình.
  1. Một đề tài:
  1. Sự cầu nguyện:
Đoạn 1, có hai vấn đề trong lời cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Tại sao Chúa không trả lời? (1:2-12)
  • Tại sao Chúa chung chịu tội lỗi? (1:13-17)
Đoạn 2, có hai lời hứa cho lời cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Lời hứa Chúa sẽ trả lời không chậm trễ (2:1-3)
  • Lời hứa Chúa sẽ đoán phạt kẻ ác (2:4-20)
Đoạn 3 có hai kết quả từ sự cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Cảm tạ Chúa về quá khứ
  • Hứa nguyện cho tương lai.
  1. Đức tin:
Với đề tài đức tin, chúng ta có 3 điều liên quan đến đức tin trong đoạn 3:
  • 1:, tiếng than trách của đức tin (1:13)
  • 2:, Tầm nhìn của đức tin (2:4)
  • 3:, Bài ca của đức tin (3:19)
Trong những ngày chờ đợi Chúa Jêsus tái lâm, Cơ-đốc nhân cũng sẽ phải trải qua những ngày như Ha-ba-cúc: THẤY và CHỊU hoạn nạn. Thế thì sách Ha-ba-cúc là nguồn năng lực cho người có đức tin.