17:57 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang Chủ » Tạp Chí Thần Học » Lời Chứng

Kẻ Thù Thành Nô Lệ

Thứ sáu - 08/09/2017 08:54
Kẻ Thù Thành Nô Lệ

Kẻ Thù Thành Nô Lệ

Đời người như chiếc lá. Nằm trong cơn gió vô tình. Tôi đứng nhìn những hòn đá bay tới tấp đập vào người của tên Ê-tiên trong lúc một ý tưởng trào lên trong tôi:

CHƯƠNG I
********************
HỘT GIỐNG CHẾT ĐI


 
Đời người như chiếc lá
Nằm trong cơn gió vô tình
Tôi đứng nhìn những hòn đá bay tới tấp đập vào người của tên Ê-tiên trong lúc một ý tưởng trào lên trong tôi: Tên đó thật đáng chết! Tên Ê-tiên đó mới vừa bị toán người do tôi ra lịnh kéo từ Hội Đồng Quốc gia ra bãi đất trống nầy cho họ ném đá. Tên đó đã dám theo người tên Jêsus, tôn là Đấng Cứu Thế, là Con Đức Chúa Trời, rõ ràng là chống lại lời dạy của các Ra-bi trong đạo truyền thống của người Y-sơ-ra-ên chúng ta.
Tôi thấy tên Ê-tiên đó hai tay ôm lấy đầu cố tránh những hòn đá đập vào, gục xuống giữa hai chân như một tư thế cầu nguyện, hắn nói gì đó mà tôi nghe như đang kêu cầu thầy của hắn là Jêsus tiếp lấy linh hồn hắn.
Cơn giận bùng lên trong tôi, tôi hét lên: Ném mạnh vào, ném nhiều vào!
Thình lình tôi thấy tên Ê-tiên đó chồm lên, mặt ngước nhìn lên trời, hai tay đưa cao cất giọng nói lớn: Tôi thấy các từng trời mở ra. Tôi thấy Chúa Jêsus Christ đứng bên hữu Đức Chúa Trời…
Thật là phạm thượng! Thật là báng bổ! Hắn dám nói thấy thầy của hắn bên hữu Đức Chúa Trời, hắn muốn nói thầy của hắn là Đức Chúa Trời. Ngay lúc ấy, bao nhiêu hòn đá của những kẻ đang bao chung quanh với mắt trợn, răng nghiến, ném tập trung vào đầu của hắn, hắn gục xuống, lần nầy hắn không còn đủ sức đưa tay ôm đầu nữa, máu từ đầu của hắn tràn ra phủ khắp mặt, chảy xuống thân thể hắn hòa với dòng máu trong thân thế hắn từ từ lan ra mặt đất quanh hắn. Tôi bật cười thật to, lòng hả hê vì tiêu diệt được một tên đứng đầu nhóm lãnh đạo mà những kẻ theo Jêsus vừa bầu lên.
Tiếng cười của tôi chợt ngưng. Hắn vừa nói gì đó? Tôi túm lấy một tên lính hầu cận đang đứng gần tôi và quát hỏi:
-           Hắn vừa nói gì?
Tên lính đứng gần bên tôi vừa run vừa nói: Dạ, dạ…, hắn nói: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ.
Có một cái gì đó vang vang trong trí nhớ của tôi… Có một âm vang gì đó giống như câu mà tên Ê-tiên vừa nói tôi nghe quen thuộc lắm, cũng trong bối cảnh hành hình như hôm nay. Không lẽ…? không lẽ…?
Một khúc phim trong bộ nhớ của tôi chiếu lại, đó là một buổi chiều cách đây độ ba tháng… À, đó là lời của Jêsus mà tên Ê-tiên tin là Đấng Cứu thế đã thốt lên khi bị bọn lính La Mã đóng đinh trên cây thập tự. Không thể tin được! Trong khi Jêsus đó bị hành hình, bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị đóng những mũi đinh vào thân thể bằng xương bằng thịt đau đớn, bị chê cười châm chọc, bị những mũi gai nhọn đâm nát đầu, vậy mà giờ phút cuối trước khi trút linh hồn cũng ngước mắt lên trời, miệng cũng nói: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.
Gần ba tháng qua, tiếng nói tha thứ đó cứ vang dội trong đầu óc tôi, bây giờ tên Ê-tiên nầy cũng bắt chước thầy của hắn nữa. Lòng tôi thắc mắc: Bộ mấy người nầy không biết hận thù sao? Tai sao? … Tại sao?...
Có tiếng nói của ai đó làm cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi,
-          Thưa thủ lãnh, tên Ê-tiên đã chết, một trong những tên lính hầu cận của tôi báo cáo.
Tôi nhìn vào đống thịt bầy nhầy nhuộm máu chen lẫn giữa đống đá và quát lớn:
-          Y sĩ Luca đâu? Ra khám nghiệm xem hắn chết thật hay chưa.
Từ đám đông ồn ào có một người tay cầm một chiếc thùng gỗ nhỏ bước ra và tiến về phía tử tội vừa bị hành hình bằng cách ném đá. Y sĩ Luca quỳ xuống bên cạnh cái xác, đưa mấy ngón tay sát mũi của tử tội, bất chợt Y sĩ Luca thấy miệng của tử tội Ê-tiên nói, ông vội khòm sát đầu kê lỗ tai gần miệng người sắp chết, Y sĩ Luca nghe giọng thì thào của tử tội Ê-tiên: Trong bụng… trong bụng… rồi tử tội thở hắt ra tắt thở.
Y sĩ Luca lấy từ trong áo của tử tội ra một miếng da chiên nhỏ với hàng chữ chi chit, đứng lên tiến về phía tôi. Y sĩ Luca báo cáo xác nhận tử tội đã chết, ký tên vào mảnh giấy xác nhận tôi đưa đúng thủ tục pháp lý dành cho tử tội, đồng thời Y sĩ Luca cũng đưa cho tôi mảnh da chiên nhỏ. Tôi không quan tâm nhưng cũng lấy nhét vào áo, khi nào rảnh sẽ xem mảnh da đó viết gì.
Xong thủ tục hành hình kẻ phạm thượng dám xưng Jêsus là Đấng Cứu thế, tôi quay vào thành dẫn theo đám lính cận vệ ra lịnh cho chúng tiếp tục lùng bắt tiếp những môn đồ của Jêsus. Những tiếng la hét, kêu gào của đám người xưng môn đồ của Jêsus làm tôi thật vui, từ đây chả còn ai dám xưng là môn đồ của Jêsus nữa.
Sau một ngày ồn ào, tôi để cho những người hầu rửa chân, thay áo quần, ngâm mình vào bồn nước mát, trút hết bụi bặm, tôi mệt mỏi ngã người xuống chiếc giường dài cố dỗ một giấc ngủ ngon. Vợ tôi đang ngồi nơi chiếc bàn trang điểm, vừa xoa những hạt phấn thơm vừa liếc mắt về phía tôi và hỏi:
-          Chuyện gì mà anh có vẻ ưu tư quá vậy?
Nghe tiếng nói với cách hỏi, tôi không muốn trả lời, nhưng e rằng sự im lặng tối nay có thể gặp rắc rối ngày mai, vì tánh của nàng là vậy, chuyện gì muốn biết thì biết cho bằng được. Có lẽ do cha mẹ nàng, một nhân viên Hội Đồng Quốc gia uy quyền đã nuông chiều lúc nàng còn nhỏ, tôi cưới nàng vì nghĩ rằng nàng có học thức và nhờ uy quyền của cha nàng tôi có thể thăng tiến nhanh. Ngay vài ngày đầu sau lễ cưới linh đình, trong tôi đã nảy ra thắc mắc: Đây có phải là người vợ Chúa chọn cho mình không? Đứa con trai ra đời càng làm cho nàng kiêu kỳ hơn, nàng đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc con về phía tôi, trong lúc tôi bận rộn đến tối tăm mặt mũi.
-          Không có gì. Chỉ là một tên Ê-tiên vừa được nhóm Jêsus bầu lên vừa bị ném đá chết – Tôi trả lời cách miễn cưỡng.
-          Tưởng chuyện gì quan trọng.
Nàng nói xong tiếp tục ngắm nghía gương mặt nàng trong cái kính bằng đồng ra vẻ thích thú.
Thật ra vợ của tôi cũng đẹp, nhưng những căng thẳng từ ngày cưới nhau đến giờ làm tôi mất hứng thú sinh hoạt vợ chồng, vì bất cứ lúc nào trò chuyện, nàng cũng tranh hơn cho bằng được, ngay cả cái ăn cái mặc của đứa con trai, mặc dù nàng ít khi để mắt tới. Tôi lo là con trai tôi lớn lên sẽ mang cái tánh đỏng đảnh của nàng.
Bầu không khí thật yên tĩnh trái hẳn cái ồn ào náo loạn ban ngày, mắt tôi nhìn vào chiếc đèn với tim dầu le lói trên bệ bên cạnh, tôi nhắm mắt lại ngủ.
Quái lạ, thân thể mệt lắm nhưng tâm trí sao trống rỗng, tỉnh táo lạ thường, cảnh trạng trưa nay quay lại trong trí tôi. Mắt tôi mở ra, trong bóng tối mờ mờ, ánh sáng chập chờn, tôi thấy những gương mặt trợn mắt, nghiến răng, những bàn tay mang những hòn đá đang tức giận ném vào tên Ê-tiên. Rồi tôi thấy dáng người của tên Ê-tiên ngã xuống, chồm lên rồi lại ngã xuống với gương mặt và thân mình đầy máu. Tôi chợt rùng mình, một luồng hơi lạnh chạy xuyên sống lưng tôi, bất chợt những tiếng nói vang lên trong đầu tôi: Lạy Cha, xin tha cho họ… Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ… Những tiếng nói đó vang vang làm sao đó trong đầu của tôi, tôi lắc lắc dầu cố xua đuổi những tiếng đó với những gương mặt thù hận chung quanh, nhưng kỳ lạ nó cứ đâu đó quanh tôi.
Tôi lăn qua rồi trở mình lại. Vợ tôi nằm bên cạnh có vẻ ngờ vực lên tiếng hỏi:
-          Cái gì vậy? Làm như anh bị ám ảnh không bằng.
-          Hơi khó ngủ vậy mà.
-          Anh làm tôi cũng không ngủ được.
Tôi ngồi bật dậy, đôi mắt ráo quảnh, tim đập mạnh, một nỗi lo sợ dâng lên trong tôi. Tôi chợt nhớ miếng da chiên của tên Ê-tiên mà Y sĩ Luca đã dưa cho tôi. Vói tay lên bàn bên cạnh, tôi lấy miếng da chiên, khơi đèn sáng hơn và đọc những dòng chữ trên đó, hóa ra là những điều tên Ê-tiên ghi chép: “Tôi ghi lại mọi điều Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu, cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn. Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời …
Tôi quăng miếng da chiên lên bàn và buột miệng: Mê tín, toàn một lũ mê tín.
Tôi nghe tiếng thở đều đều của vợ tôi, biết nàng đã ngủ. Bực dọc, tôi đứng lên bước về hướng cửa sổ.
Ánh trăng đêm nay dễ chịu, thỉnh thoảng những cành cây rung động nhẹ đung đưa theo làn gió khuya, xa xa vọng lại tiếng những con chó hoang tru trăng, tiếng rúc của con cú mèo về đêm. Những dòng chữ của tên Ê-tiên đã viết lại theo dòng suy nghĩ của tôi hiện về.
Sao họ mê tín dữ vậy? Họ tôn sùng một Jêsus ở cái xã lẻ Na-xa-rét xa xôi vắng vẻ đã chết ở tuổi ba mươi ba chuộc tội cho họ, lại còn tin rằng Jêsus đó đã sống lại nữa. Chuyện nầy tôi có nghe lúc theo học và tham gia hoạt động cho các thầy tế lễ tại Giê-ru-sa-lem. Họ cũng tin rằng Jêsus của họ đã thăng thiên về trời tại trên núi Ô-li-ve đến nỗi độ năm trăm người thấy.
Theo những gì tôi điều tra từ hồ sơ của Hội Đồng Quốc gia, thì Jêsus mà những người như tên Ê-tiên tin là Đấng Cứu thế sinh ra tại Bết-lê-hem, nhưng lớn lên tại Na-xa-rét, không qua một trường lớp đào tạo chính qui nào của các Ra-bi thông giáo, có làm những cái gọi là phép lạ, được dân chúng ưa chuộng. So sánh với những thánh văn từ các tiên tri để lại thì Jêsus nầy có những điều dường như ứng nghiệm. Nhưng điều khó hiểu nhất là các tiên tri đều báo trước Đấng Cứu Tinh đến sẽ đem lại hòa bình, dân Y-sơ-ra-ên của tôi sẽ đứng đầu muôn nước, còn Jêsus nầy lại chết cách sỉ nhục nhất là bị đóng đinh trên cây thập tự như một tội nhân gian ác nhất, hèn hạ nhất. Như tôi dù là người Y-sơ-ra-ên nhưng quốc tịch La Mã, không thể nào bị chết sỉ nhục như vậy…
Một hớp nước mát làm tôi cảm thấy dễ chịu, tôi quay lại giường, nhưng mắt tôi lại nhìn thấy miếng da chiên trên bàn. Tại sao không đọc tiếp xem tên Ê-tiên nầy nói gì, có thể biết đâu tôi tìm được thêm chứng cớ và bởi đó có thể dẹp tan nhóm người nguy hiểm nầy.
Những dòng chữ trên miếng da chiên viết tiếp: “Vào ngày Lễ Ngũ Tuần vừa qua, các môn đồ nhóm họp tại một chỗ, thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi – tôi biết căn nhà nầy tại Giê-ru-sa-lem – Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho mình nói…
Chuyện đó tôi có nghe và còn nghe nói trong ngày đó có thêm độ ba ngàn người gia nhập nhóm của họ. Có một điều tôi nghĩ mãi không hiểu là nhóm người theo Jêsus nầy họ có nếp sống rất hiền hòa với nhau, siêng đến Đền thờ nghe những lãnh tụ của họ dạy những điều mà họ cho là Đấng Cứu thế của họ truyền lại, họ giúp đỡ nhau từ tâm linh đến vật chất không phân biệt sang hèn, dốt nát hoặc học thức. Họ sống như anh em trong gia đình. Điều gì xảy ra họ đều cho là Đấng Cứu thế của họ làm, ban cho, không ai nhận là cá nhân họ có quyền hành hoặc quyền năng gì, họ rất khiêm nhường.
Tôi được lịnh của Hội Đồng Quốc gia và cũng do tôi quyết tâm bắt bớ, đàn áp họ, vì họ không theo luật lệ của Hội Đồng Quốc gia chúng tôi, họ lại cứ rao giảng là Đấng Cứu Thế Jêsus của họ hằng sống, là Đức Chúa Trời, điều mà thánh văn xưa của các tiên tri chỉ dành để nói về Đức Chúa Trời.
Con mắt tôi chợt dừng lại trên những dòng chữ: “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động, ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ… Vậy các sứ đồ từ Hội Đồng Quốc gia ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus…
Đúng là hai tuần trước Giê-ru-sa-lem có một trận động đất nhẹ xảy ra làm rung chuyển cả thành, nhiều người trong thành một phen phát hoảng, không lẽ do bọn nầy gây ra? Mới tuần rồi đây, Hội Đồng Quốc gia đã phạt các lãnh tụ của những người theo Jêsus bằng cách đánh roi và cấm họ rao giảng danh Jêsus, thế mà tên Ê-tiên lại ghi rằng mấy tên đó thay vì buồn rầu lại hớn hở vui mừng vì cho rằng họ chịu nhục như vậy bởi thầy Jêsus của họ kể họ giống Ngài. Tức chết đi được!
Trời đã sáng, ánh nắng len vào phòng ngủ của tôi, tôi đã qua một đêm không ngủ được và cũng chưa giải quyết được những suy nghĩ. Cái chết của tên Ê-tiên dường như ám ảnh tôi khiến tôi liếc nhìn tấm da chiên nằm im trên bàn.
Tôi phải ngồi dậy chuẩn bị, vì hôm nay tôi phải truy đuổi nhóm người theo Jêsus trong thành Giê-ru-sa-lem, rồi còn phải theo lịnh của Hội Đồng Quốc gia đến thủ đô nước Sy-ri để truy tìm tiếp những tên theo Jêsus.
Vợ tôi vẫn còn say sưa trong giấc ngủ, nàng thường dậy trễ, giao mọi việc trong nhà cho những người giúp việc, thằng con trai thì ngủ với một vú nuôi bên phòng riêng. Nhìn nàng quấn mình trong chiếc chăn, nhớ những lúc sinh hoạt vợ chồng, nàng nằm đó như trả nợ, không đem lại cho tôi sự hứng thú gì. Thở dài một tiếng!
Ăn vội qua loa những thức ăn do người phục vụ bếp bày dọn, tôi sửa soạn và trước khi ra khỏi nhà, đi ngang chiếc bàn tôi không quên vơ vội tấm da chiên của tên Ê-tiên đem làm bằng chứng trong cuộc đàn áp hôm nay.
Nhờ tấm da chiên tôi tìm được những địa điểm hội họp của nhóm người theo Jêsus. Lần nầy tôi khôn khéo hơn, thay vì như Hội Đồng Quốc gia nhắm vào những lãnh tụ của họ để đàn áp, những tên đó đã quá kinh nghiệm, bất chấp hiểm nguy sẵn sàng trả giá để bảo vệ cái gọi là niềm tin của chúng, trong khi những kẻ mới gia nhập nhìn vào lãnh tụ của họ giúp họ không sợ Hội Đồng Quốc gia. Tôi nhắm vào những người mới gia nhập, số nầy đông nhưng chưa đủ kinh nghiệm chịu đựng, chắc chắn sẽ đầu hàng tôi.
Cuộc đàn áp của tôi tiến vào từng gia đình theo tấm da chiên ghi lại, những nhà tù hầu như chật ních người bất kể già trẻ lớn bé, nam nữ, tiếng khóc la từ sáng sớm vang dậy nhiều khu phố, nó cũng vô tình tạo ra một làn sóng di cư do những người trong nhóm Jêsus bỏ thảnh Giê-ru-sa-lem chạy đến nơi nào họ cho là an toàn hơn. Theo làn sóng di cư đó, tôi tiến về hướng bắc, mục tiêu của tôi là thủ đô Đa-mách của nước Sy-ri, một lân bang của nước Y-sơ-ra-ên đang có chính sách tôn giáo dễ dãi.
Hành động cứng rắn của tôi được các lãnh tụ tôn giáo của tôi rất khen ngợi, họ dành cho tôi nhiều ưu ái, bổng lộc và hứa rằng sau khi tôi từ Đa-mách trở về, tương lai của tôi sẽ xán lạn chưa ai từng có. Để giúp tôi hoàn thành công tác bắt bớ người theo Jêsus, Hội Đồng Quốc gia cấp cho tôi một giáo vụ lịnh đặc biệt cho phép tôi toàn quyền chém, giết bất cứ ai không chối bỏ Danh Jêsus, hoặc trói giải giao về Giê-ru-sa-lem để Hội Đồng Quốc gia xét xử.
Lúc tôi lên đường rời Giê-ru-sa-lem, những đại diện cao cấp của Hội Đồng Quốc gia cùng nhau ra đưa tiễn tôi với bao lời cầu phúc cho tôi hoàn thành sứ mạng nhanh chóng, mỹ mãn. Dân thành Giê-ru-sa-lem đã nghe thông báo tập trung hai bên đường vẫy tay tiễn đưa tôi như một tướng lãnh dẫn quân ra trận năm xưa. Các thầy tế lễ trong Đền thờ vội vàng giết một con chiên dâng tế lễ sớm mai, dùng huyết con sinh đó rảy trước con ngựa tôi đang cỡi để làm lễ cầu may mắn cho tôi. Tôi cảm thấy mình trở nên quan trọng trước mặt mọi người, tôi đưa tay vẫy chào lại hàng ngàn cánh tay đang đưa lên chào tôi, như một vị tuớng lãnh ca khúc khải hoàn từ chiến trường trở về.
Con đường trước mắt dài đến hơn hai trăm cây số, có một tiểu đội lính của Đền thờ được Hội Đồng Quốc gia cử ra bảo vệ tôi. Tất cả đều đi bộ trừ ra tôi được ngồi trên một con ngựa, hành lý và lương thực cần thiết dành cho hành trình một tuần lễ thì do hai con lừa mang. Thật ra chúng tôi không cần nhiều lương thực vì có thể nghỉ dọc đường, nhưng vì muốn giải quyết công việc chấm dứt sự bành trướng số người theo Jêsus nhanh chóng, nên chúng tôi dự định sẽ dừng lại nghỉ khi nào cần thiết lắm.
Càng đi về hướng bắc, con đường càng trở nên khó đi, nhiều đồi núi khô cháy. Hôm nay chúng tôi đã vào đến địa phận xứ Ga-li-lê, cảnh quan có vẻ mát mẻ hơn, dân chúng sống sung túc hơn vì khi hậu ảnh hưởng từ hồ Ga-li-lê nên dịu mát, cây cỏ phủ xanh hơn miền trung Y-sơ-ra-ên.
Chúng tôi dừng lại nghỉ nơi một quán trọ cạnh bờ hồ Ga-li-lê. Chủ quán tiếp đón chúng tôi niềm nở, có lẽ vì thấy chúng tôi là những quan binh. Món ăn được giới thiệu đa phần là cá đánh bắt từ hồ Ga-li-lê, xen lẫn vài món thịt chiên, bò. Chủ quán thăm hỏi và tôi thẳng thắn cho biết chúng tôi đến từ Giê-ru-sa-lem.
Đang lúc ngồi thưởng thức những món đặc sản địa phương, tôi nghe những lời bàn tán của các thực khách chung quanh. Để ý một chút với kỹ năng nghiệp vụ, tôi nghe họ to nhỏ bàn về chuyện những người đánh cá tên Phi-e-rơ cùng với ba người nữa là Giăng, Gia cơ và em trai tên Anh-rê, vốn quê tại Ga-li-lê đã chuyển nghề đánh cá theo một thầy giảng đạo tên Jêsus, bây giờ đang rất nổi tiếng tại Giê-ru-sa-lem, làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều người bịnh, nhất là can đảm đứng trước Hội Đồng Quốc gia công khai rao giảng danh của thầy họ là Jêsus. Những thực khách đang bàn tán có vẻ khâm phục những người nhà quê dốt nát không học như Phi-e-rơ lắm. Họ nói:
-          Như chúng ta đây suốt đời chỉ làm người nhà quê, tối ngày chỉ quanh quẩn với mấy chiếc thuyền và mấy con cá. Còn anh Phi-e-rơ và mấy người theo ông thầy Jêsus kia thì tương lai chưa biết nổi tiếng cỡ nào nữa.
-          Nhưng mà ông thầy Jêsus nghe nói đã bị Hội Đồng Quốc gia lên án đóng đinh rồi? - một người trong bọn đó lên tiếng.
-          Anh chỉ mới nghe chừng ấy, bộ anh không nghe rằng ông thầy Jêsus đã sống lại nữa sao?
-          Chuyện khó tin quá!
-          Thế mới đáng nói. Nghe rằng ở Giê-ru-sa-lem ai cũng biết việc kỳ lạ nầy, từ mấy người đàn bà, đến cả Hội Đồng Quốc gia cũng biết. Có tin đồn là mấy môn đồ của ông thầy Jêsus – trong đó có anh Phi-e-rơ nhà quê của mình, lén ăn cắp xác giấu ở đâu đó.
-          Không có đâu. Mấy anh nghĩ coi, lính gác nghiêm ngặt, anh Phi-e-rơ với mấy người theo ông thầy Jêsus làm gì dám. Tôi nghe nói mấy ông trong Hội Đồng quốc gia còn cho tiền mấy tên lính giữ mộ biểu họ phao tin đồn như thế. Mà tôi còn nghe vào Lễ Ngũ Tuần vừa rồi, anh Phi-e-rơ cùng mấy người kia thẳng thắn đứng lên giữa Giê-ru-sa-lem công bố thầy của họ đã sống lại thật sự. Nếu thầy của mấy người không sống lại thật thì tôi tin chắc anh Phi-e-rơ với mấy người cùng nhóm khó sống nổi với đám dân tại Giê-ru-sa-lem. Vậy mà lạ thiệt, họ vẫn bình an và lại có thêm độ ba ngàn người gia nhập thêm với nhóm một trăm hai mươi người của họ.
-          Ờ, mà cũng kỳ thiệt, ông thầy giảng đạo Jêsus từng sống vùng của chúng ta ba mươi ba năm, con của ông bà Giô-sép và Ma-ri ở Na-xa-rét, dù gia đình nghèo nhưng danh tiếng tốt lắm.
-          Mà lạ thiệt - một người khác chưa từng lên tiếng, bây giờ nói xen vào - chính tôi từng đi theo nghe ông thầy Jêsus giảng, lời giảng thật đầy quyền năng – xin lỗi, mấy thầy Ra-bi của mình không thể nào so được.
Tôi không còn can đảm nghe tiếp, lật đật đứng lên ra lịnh cho những lính tùy tùng trả tiền tiếp tục lên đường. Tiếng quát của tôi làm tất cả những người trong quán dồn mắt về tôi. Làm sao họ hiểu được sự bực dọc đang làm tôi khó chịu vì những lời bàn tán của họ. Thật sự điều họ nói tôi cũng biết, có những điều chính mắt tôi thấy, có những điều tôi đọc trong hồ sơ của Hội Đồng Quốc gia, có những điều tôi điều tra riêng. Họ nói không sai, nhưng làm sao tin được một Đấng Cứu Thế lại chết, rồi lại có tin rằng sống lại. Đấng Cứu Thế làm sao chết được?
Mấy tên lính ngơ ngác quay nhìn tôi, vì chúng tưởng sẽ được nghỉ ngơi sau chặng đường dài từ Giê-ru-sa-lem tới đây, đột nhiên tôi là hối thúc họ lên đường. Dù vậy, với uy quyền của tôi hiện có, chúng im lặng làm theo cách miễn cưỡng.
Thủ đô Đa-mách chỉ còn cách chúng tôi khoảng hai ngày đường nữa. Tuy nhiên, chúng tôi phải đi trên con đường dốc để vượt qua núi Hẹt-môn, giữa lưng chừng núi thì ánh mặt trời đang mọc trước mặt, con ngựa tôi đang cỡi thở một cách khó nhọc. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống có thể thấy thành Đa-mách, một thành phố được xây dựng bằng đá trắng xinh đẹp giữa một thung lũng màu xanh lục, giống như một nắm trân châu nằm trong chén bằng bích ngọc.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nắng chói chang, mồ hôi tuôn ra, đám tùy tùng của tôi vừa đi vừa lẩm bẩm phàn nàn trong miệng. Thình lình quanh chúng tôi rực sáng lên làm lóe mắt tôi, theo phản ứng giật mình, tôi ngã xuống ngựa nhưng không cảm giác đau đớn nào cả. Tôi lồm cồm cố ngồi dậy, nhìn quanh thì đám hầu cận của tôi cũng ngã lăn ra, dường như có nhiều tên nằm bất động. Tôi lấy tay che ngang mắt nhìn theo hướng ánh sáng chiếu trên tôi. Sáng quá, ánh sáng của mặt trời giữa trưa rõ ràng không đáng kể so với ánh sáng nầy. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh, tôi nghe một tiếng nói bằng tiếng Hê-bơ-rơ phát ra từ trong ánh sáng:
-          Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?
Tiếng nói đó vang giữa buổi trưa dội vào trong vách núi rền rền, khiến tai tôi bị xoáy vào đau nhức. Quay qua những tên lính hầu cận, dường như chúng không nghe thấy gì cả, dáng như ngơ ngác. Quá hoảng sợ tôi quỳ xuống, ngước đầu lên lấy hết can đảm nói lớn:
-          Lạy Chúa, Chúa là ai?
Giọng nói đầy uy quyền trong ánh sáng rực rỡ đó một lần nữa vang lên trả lời tôi:
-          Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ. Ngươi đụng đến Hội thánh của ta là ngươi đá nhằm ghim nhọn, sẽ lấy làm khó chịu cho ngươi.
Ngay lập tức bao nhiêu hình ảnh than khóc, những gương mặt đầy máu, những cánh tay với gông cùm đưa lên, của những người tin theo Jêsus như hiện ra chung quanh tôi, đâu đó bóng dáng của tử tù Ê-tiên với cái đầu chảy những dòng máu tươi đỏ nhìn tôi… Tôi thật kinh khiếp và gục đầu ôm mặt khóc nức nở.
-          Chúa Jêsus ơi - tự lòng tôi bật lên lời xưng tụng Jêsus là Chúa của tôi – con là người phạm thượng, bắt bớ, hung bạo, đáng chết. Bây giờ con phải làm chi? Chúa Jêsus ơi, con phải làm gì để được Ngài tha thứ…?
Tôi chợt nhận ra tôi là người đầy tội lỗi, kẻ đứng đầu danh sách những tội nhân đáng chết đi vào địa ngục hình khổ đời đời. Tôi cứ gục đầu, cứ khóc, tôi chờ đợi một cái chết kinh khiếp nào đó, có thể là một ngọn lửa lòe ra thiêu nuốt tôi như ngày xưa đã thiêu nuốt hai con trai của thầy tế lễ A-rôn mà vị lãnh tụ đáng kính của dân Y-sơ-ra-ên chúng tôi là Môi-se đã ghi lại, hoặc một hình phạt nào đó như đất há miệng nuốt tôi như đã nuốt những kẻ phản nghịch trong đảng Cô-rê trong đồng vắng. Tự thâm tâm tôi không dám xin Chúa Jêsus tha thứ vì đâu còn gì để tha thứ.
Kỳ diệu thay, trong khoảng không gian lắng đọng chờ đợi hình phạt đó, tôi chợt nghe một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ:
-          Ngươi hãy đứng dậy, đi vào trong thành Đa-mách, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều ngươi phải làm. Hãy đứng dậy!
Ánh sáng vụt tắt, một sự tối tăm trùm lấy tôi. Tôi đứng lên và đưa tay dụi vào mắt rồi nhận ra tôi không còn thấy gì cả. Không lẽ trời tối rồi sao? Mà trời tối cũng đâu tối dữ vậy. Tôi bước thử vài bước và loạng choạng chực té. Tôi lên tiếng:
-          Có ai chung quanh đây không? Có ai không? Giúp tôi với!
Tôi đưa tay quờ quạng trong bóng tối. Chợt có ai đó nắm lấy bàn tay của tôi và tiếng của một tên lính hầu cận tôi vang lên:
-          Thưa thủ lãnh, chúng tôi đây. Thủ lãnh sao vậy?
-          Anh em – tôi gọi họ là ‘anh em’, tự đáy lòng tôi có gì thay đổi, có một mối yêu thương nào đó đối với họ - có sao không? Hình như có mấy người ngã chết hay sao đó phải không? - Vừa nói tôi vừa nắm chặt cánh tay của tên lính đang dắt tôi, đầu tôi nghiêng qua nghiêng lại lắng tai nghe tiếng nói của những tên lính.
-          Thưa thủ lãnh, chúng tôi còn đủ, những người đó chỉ chết giấc thôi. Mà điều gì đã xảy ra cho thủ lãnh vậy? Còn đôi mắt của thủ lãnh nữa, có sao không?
-          Còn đủ là tốt rồi. Bộ anh em không nghe thấy gì hết sao?
-          Chúng tôi có thấy một ánh sáng cực lớn chiếu xuống chúng ta, có nghe những tiếng sấm rền rền mà không biết việc gì, một vài người trong chúng tôi khiếp sợ chết giấc. Giờ thì đã tỉnh rồi.
-          Anh em không nghe gì hết à?
-          Dạ, không nghe gì ngoài những tiếng sấm rền lớn như trời sắp đổ mưa, nhưng mà không có mưa gì cả.
-          Đôi mắt của tôi đã bị mù rồi. Nhờ anh em dắt tôi vào thành Đa-mách, đến một ngôi nhà trên đường tên gọi là đường Ngay Thẳng, đó là con đường lớn chạy từ đông sang tây trong thành phố, tìm nhà của một người tên Giu-đa.
Tôi đã vào thủ đô Đa-mách hoàn toàn khác với cách mà tôi đã tưởng tượng khi rời Giê-ru-sa-lem tuần qua. Tôi đã tưởng tượng một cảnh huy hoàng khi bước vào Đa-mách đầu tôi sẽ ngẩng cao đi giữa hai hàng lính bảo vệ. Nhưng bây giờ, tôi là một người mù, mình đầy bụi đường, ngồi trên lưng ngựa được dắt đi với những tên lính còn đọng lại trên nét mặt sự kinh hoàng sau biến cố lạ lùng mới vừa gặp trên đường.
Đôi mắt của tôi mù thật rồi! Suốt ngày qua tôi phải nhờ một vài tên lính giúp đỡ những sinh hoạt cần thiết, căn nhà không quen thuộc cũng là một khó khăn cho tôi. Trong bóng tối của đôi mắt không còn ánh sáng, tôi đang chờ đợi điều xảy ra mà tiếng từ trời đã phán với tôi: người ta sẽ dạy cho ngươi. Bao giờ? Ai dạy? Dạy điều gì? Còn đôi mắt thì sao? Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu tôi trong lúc bị hạn chế vì mù lòa, làm tôi bức rức muốn la lên cho vơi bớt, nhưng có điều gì đó giữ tôi lại, cơn bực bội vừa nổi lên thì giọng nhỏ nhẹ từ tiếng phán trong ánh sáng như xoa dịu nó xuống. Bình thường những tên lính sẽ là mục tiêu trút giận của tôi, nhưng cả ngày họ ngạc nhiên vì sự im lặng của tôi, sự im lặng làm cho họ càng lo sợ thêm vì họ nghĩ rằng không biết lúc nào bùng nổ.
Tôi ngồi ôn lại quãng đời của mình, một con đường thăng tiến rộng mênh mông. Tôi được sanh ra tại Tạt-sơ, một tỉnh của Đế quốc La Mã, đương nhiên mang quốc tịch La Mã, dù tôi là người Y-sơ-ra-ên, một dân tộc nằm ven Địa Trung Hải đang bị Đế quốc La Mã đô hộ. Tôi lại được hấp thụ một nền giáo dục cao tốt nghiệp Luật dưới chân giáo sư Ga-ma-li-ên nổi tiếng. Tôi được gia nhập vào phe Pha-ri-si, cả nước đều biết đến tôi là một người sốt sắng với tôn giáo truyền thống Do-thái giáo. Tôi là một ứng viên tương lai của Hội Đồng Quốc gia, chắc chắn chiếc ghế trong Hội Đồng đó nằm trong tầm tay của tôi, bằng cớ là tôi đang nắm trong tay sự ủy quyền của Hội Đồng Quốc gia được toàn quyền bắt giam, chém giết bất cứ ai mang danh là người theo Jêsus. Ấy là chưa kể buổi tiễn đưa long trọng mà Hội Đồng Quốc gia đã dành cho tôi vừa rồi tại Giê-ru-sa-lem trước mặt toàn thể dân chúng.
Những suy nghĩ về quá khứ đưa tôi vào giấc ngủ sau những ngày đi đường mệt nhọc cộng với biến cố lạ lùng mới xảy ra. Thình lình tôi thấy có một người ăn mặc bình thường bước vào nhà tôi đang ở.
-          Anh là ai? Lính gác của tôi đâu hết rồi? Sao không ai báo trước cho tôi? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
-          Tôi tên A-na-nia – người đó bình tĩnh trả lời.
-          Anh tìm ai?
-          Tôi đến đây tìm một người tên Sau-lơ.
-          Tôi là Sau-lơ. Anh tìm tôi với mục đích gì? - Vừa trả lời, tôi vừa lùi lại, nhìn chung quanh tìm xem có tên lính hầu cận nào không, tôi nghĩ đến một người trong nhóm Jêsus trả thù tôi vì ai cũng biết tôi đến Đa-mách để tìm bắt giết những người trong nhóm của họ.
-          Tôi đến đây vì Chúa Jêsus của tôi bảo tôi đến chữa cho ông được sáng mắt.
Tôi thấy người đó đưa tay ra về phía của tôi. Giật mình, tôi lùi lại… Hóa ra là giấc mơ. Trời đã sáng. Tôi đã qua một đêm kỳ lạ, tim còn đập mạnh, không có ai chung quanh, ngoài trừ một tên lính đang còn ngủ say trên sàn nhà gần đấy. Cửa vẫn còn cài then chặt.
Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, quỳ xuống bên giường, tôi ngước nhìn lên và nói:
-          Lạy Chúa Jêsus, có phải Ngài là Đấng Cứu thế thật như con đã nghe? Nếu thật, xin chữa cho con được sáng mắt, có phải Ngài sẽ sai người đến dạy con điều Ngài muốn dạy? Người đó là ai? Con chờ đợi Ngài trả lời con ngày hôm nay.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cầu nguyện với Đấng có danh là Jêsus và xưng Ngài là ‘Chúa’, nếu Ngài thật là Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đáp lời của tôi.
Tôi chờ đợi. Ngày thứ ba qua đi…
-          Thưa thủ lãnh có người tìm ông. Chúng tôi không cho vào, nhưng người đó bảo tôi cứ vào báo tin cho ông thì ông sẽ tiếp.
-          Người đó tên gì? Ăn mặc ra sao? Tìm tôi với mục đích gì? – tôi bối rối.
-          Thưa thủ lãnh, người đó nói tên A-na-nia, ăn mặc bình thường, có lẽ là một thường dân, nói là đến đây chữa bịnh mắt cho ông.
Tôi bàng hoàng, không lẽ đó là người Chúa Jêsus sai đến gặp tôi sao? Tôi nghĩ người gặp tôi phải là người nổi tiếng nào đó, ít ra cũng như Y sĩ Luca tại Giê-ru-sa-lem, hoặc một nhà thông thái, một giáo sư… Có sự lầm lẫn nào ở đây không?
Suy nghĩ một chút. Hay thử xem? Tôi gật đầu và bảo tên lính cho người đó vào.
Cánh cửa mở ra. Thính giác của tôi cho biết có một người vừa bước vào căn phòng của tôi. Tôi quay đầu hướng về phía tiếng động.
-          Chào anh Sau-lơ. Chúa là Jêsus nầy, Đấng đã hiện ra cùng anh trên con đường anh đi tới đây, đã sai tôi đến.
Tôi bật ngồi dậy. Không tin được! Sao người nầy biết tên tôi? Sao người nầy biết việc xảy ra cho tôi trên đường đến Đa-mách? Sao người nầy biết tôi bị mù cần được chữa cho sáng mắt?
-          Anh là ai? – tôi hỏi – Sao anh biết tên tôi? Sao anh biết tôi ở đây?
Vừa hỏi, tôi vừa đưa tay về phía người đó, cả người tôi run lên như bị giật, giọng nói của tôi bị lắp bắp không thành câu trọn.
Có một bàn tay ấm áp nắm lấy tay tôi đang đưa ra dìu tôi đến ngồi xuống trên một chiếc ghế. Bàn tay có sức ấm lạ thường chưa bao giờ tôi nhận được như truyền cho tôi sự êm dịu, khiến tôi quên mất sự lo sợ ba ngày nay.
-          Tôi là An-na-nia. Một người tin Chúa Jêsus đang ở tại thành phố Đa-mách nầy – Người đó bình tĩnh ngồi xuống đối diện với tôi và nói. Đêm hôm, trong giấc chiêm bao, Chúa Jêsus của tôi đã hiện ra bảo tôi đến đường Ngay Thẳng tìm một người tên Sau-lơ, quê ở Tạt-sơ, đang ở nhà của người tên Giu-đa.
-          Nhưng anh có biết tôi là ai không?
-          Biết. Tôi biết anh là vị quan quyền thế, nổi tiếng vì bắt bớ những người tin theo Chúa Jêsus.
-          Anh không sợ tôi sao?
-          Sợ chứ. Tôi đâu có muốn đi. Tôi đã thưa với Chúa Jêsus là Chúa biết người tên Sau-lơ nầy rất hung dữ, độc ác, tôi có nghe nhiều người nói người nầy đã làm hại biết bao nhiêu người thánh của Chúa trong thành Giê-ru-sa-lem. Ai cũng biết người tên Sau-lơ nầy đến Đa-mách có trọn quyền của Hội Đồng Quốc gia Do-thái để tìm và bắt những người tin Chúa Jêsus giải giao về Giê-ru-sa-lem trị tội. bây giờ Chúa bảo con đến gặp, khác nào đem thịt vào miệng cọp?
-          Thế sao anh lại dám đến gặp tôi?
-          Nhưng Chúa Jêsus đã phán với tôi rằng người đó đang cầu nguyện xin ta sai người đến chữa cho người đó được sáng mắt và dạy người đó điều phải làm. Chúa cứ thúc giục tôi và tôi bằng lòng đến đây gặp anh. Dĩ nhiên là tôi rất lo sợ, nhưng không dám cãi lại mạng lịnh của Chúa Jêsus. Bây giờ, tôi đã đến đây theo đúng như lời Chúa Jêsus truyền dạy, tôi đã gặp anh và tôi nói với anh là Chúa Jêsus của tôi muốn chữa cho anh sáng mắt, anh có tin Ngài làm được không?
-          Nhưng anh không phải là Y sĩ?
-          Đúng vậy. Nếu Chúa Jêsus sai một Y sĩ đến chữa cho anh thì làm sao anh biết quyền năng của Ngài được - giọng nói của người tên A-na-nia có một cái gì đó rất lạ, bình thản – tôi cũng xin nói trước là tôi không biết thuốc men gì, tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa Jêsus chữa lành cho anh như khi Ngài còn hiện ra trên đất mấy tháng trước. Tôi không có quyền năng gì chữa bịnh cho anh, chỉ có quyền năng của Chúa Jêsus thôi. Vấn đề là anh có bằng lòng đặt đức tin và muốn Ngài chữa cho hay không?
Có một sự tan vỡ trong lòng tôi, bức tường kiêu ngạo vì học thức, vì quyền thế, vì tôn giáo truyền thống bám chặt tôi đột nhiên sụp đổ hết, nước mắt tự nhiên trào ra, tôi quỵ xuống, tôi nhận ra tội lỗi của tôi bao năm chống nghịch với Chúa Jêsus, tàn hại Hội thánh của Ngài qua những hành động tàn ác đối với những người tin theo Ngài… Tôi thốt lên:
-          Chúa Jêsus ơi, hãy tha tội cho con và cứu lấy con…
Có một đôi bàn tay nhẹ nhàng quàng lấy vai tôi, tôi nghe có tiếng khóc hòa trong lời cầu nguyện của An-na-nia, anh ấy cầu nguyện xin Chúa Jêsus tha tội cho tôi và cứu tôi, nhận tôi làm con của Ngài. Anh ấy nói những lời chân thành thiết tha xin Chúa Jêsus chữa lành cho tôi. Cả hai chúng tôi cùng khóc, những giọt nước mắt chân thành, chưa bao giờ tôi được nghe những lời cầu nguyện chân thành tự nhiên từ đáy lòng như thế trong suốt bao nhiêu năm theo tôn giáo truyền thống của tôi.
Đâu đó tôi nghe vang lên tiếng hát nhẹ nhàng…
Từ đáy lòng sâu thẳm, con xin Thần Linh Chúa,
hiện diện đầy vinh hiển trong lòng nầy.
Nguyện Thần Ngài tuôn đổ làm cho lòng tươi mới
Lời nguyện cầu tha thiết với Cha tình yêu.
Lạy Chúa, chúng con khẩn thiết xin Ngài đến,
Ban Nước Sống tưới mát chúng con,
Đưa hồn linh con đến với Cha.
Lạy Chúa, xin Chúa khiến tấm lòng con tan vỡ,
Đến với Chúa với tấm lòng vỡ tan,
Đến với Chúa với tấm lòng biết ơn.
Lạ lùng thay, sau những giờ phút tan vỡ với Chúa Jêsus, nước mắt tuôn tràn dường như chảy trôi cái gì đó khỏi mắt, tôi lấy tay dụi dụi, rồi mở mắt… Sáng! Ánh sáng! Trước mắt tôi bóng dáng một người đang quỳ…
-          Anh A-na-nia, tôi thấy lại rồi! Chúa Jêsus đã chữa lành cho tôi rồi…
Tôi bật dậy, nhảy lên như một đứa trẻ nhận được quà, tôi ôm lấy anh A-na-nia quay vòng vòng. Một niềm sung sướng tràn ngập, lòng tôi như một dòng sông tuôn tràn … Ngay lúc ấy, mấy tên lính hầu cận chạy vào ngơ ngác nhìn chúng tôi, hết nhìn tôi lại quay qua nhìn anh A-na-nia. Tôi bất chấp, tôi quay lại nắm lấy tay một tên lính và nhảy múa với hắn, miệng vừa la lên:
-          Ha-lê-lu-gia, tôi được Chúa Jêsus cứu và tôi được Chúa Jêsus chữa lành rồi…!
Những phút giây sôi trào ấy từ từ lắng xuống, tôi nói với anh A-na-nia:
-          Anh A-na-nia, cảm ơn anh đã đến. Tôi muốn được nói vài lời với Chúa Jêsus có anh chứng kiến, tôi muốn anh biết rằng tôi đã quyết định ăn năn tội và tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu thế của cá nhân tôi.
Tôi quỳ xuống. Anh A-na-nia quỳ xuống. Những tên lính ngỡ ngàng một chút rồi cũng quỳ xuống dù không biết tôi làm gì. Tôi đã thưa với Chúa Jêsus:
-          Xin Ngài tha thứ mọi tội tình ô dơ,
Xin Ngài dắt tôi trọn bước đi.
Tâm nầy nguyện dâng trọn cho Jêsus thôi
Tôi nguyện theo chơn Ngài không thôi.
Chúa tha thứ tôi và Chúa yêu tôi cả cuộc đời,
Chúa mang tội tôi thân Ngài nát tan.
Xin Ngài ban ơn dắt dìu bước không rời,
Cho đời tôi luôn được tươi vui.
Trong giây phút dâng trào đó, anh A-na-nia đỡ tôi đứng dậy và với tư thế trịnh trọng, anh nói với tôi:
-          Anh Sau-lơ nầy, đây là lời của Chúa Jêsus đã truyền cho anh nhờ tôi tỏ lại: Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng cho ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên; ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu đau dớn vì danh ta là bao nả.
Tôi đã nói lời A-men. Anh A-na-nia đã làm báp-têm cho tôi nhơn danh Chúa Jêsus Christ, công khai nhận tôi vào Hội thánh của Chúa Jêsus.
Tôi đã tổ chức một tiệc vui có mặt anh A-na-nia cho những người lính hầu cận của tôi, cho họ biết là tôi đã tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của tôi. Trong bữa tiệc, dù thức ăn thịnh soạn, nhưng những người lính dường như e ngại khi tôi công bố niềm tin, tôi biết họ rất sợ hãi vì nghĩ đến cơn giận của Hội Đồng Quốc gia. Và tôi cũng tin chắc việc tôi tin Chúa Jêsus đã mau lẹ truyền về Giê-ru-sa-lem cho Hội Đồng Quốc gia.

 

CHƯƠNG II
****************************
PHẢN ỨNG
Một đời sống mới!


Tôi đã thức dậy hôm nay với đời sống mới trong Chúa Jêsus. Tôi nhận ra trong tôi không có sự căm ghét nào, thù hận nào. Tự nhiên một bài thơ của vua Đa-vít phát ra trong tôi:
Nầy, Chúa muốn sự chơn thật nơi bề trong;
Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.
Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch;
Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết.
Hãy cho tôi nghe sự vui vẻ mừng rỡ, để các xương cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái lạc.
Xin Chúa ngảnh mặt khỏi các tội lỗi tôi, và xóa hết thảy sự gian ác tôi…
Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa, dùng Thần linh sẵn lòng mà nâng đỡ tôi.
Bấy giờ tôi sẽ dạy đường lối Chúa cho kẻ vi phạm, và kẻ có tội sẽ trở về cùng Chúa…
Những món ăn hôm nay đối với tôi thật ngon miệng, một phần do tôi hầu như không ăn gì trong ba ngày qua, nhưng lý do chính là tôi niềm vui như dòng sông đang trào dâng trong lòng tôi, như một mạch nước trong tôi chực văng ra tuôn tràn.
Mấy người lính hầu cận nhìn tôi có vẻ sợ sệt hơn là vui, dù ba ngày qua tôi không la rầy, hò hét gì họ như từng làm truớc đây. Tôi đã cho họ biết tôi đã nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu thế của tôi, họ không nói lời nào, nhưng tôi biết tự thâm tâm họ có sự lo sợ vì quyền lực của Hội Đồng Quốc gia tại Giê-ru-sa-lem.
Nơi đầu tiên tôi đến tại thủ đo Đa-mách không phải là chỗ hội họp hoặc nhà của những người tin Chúa Jêsus để bắt họ, mà là Nhà Hội của những người Y-sơ-ra-ên đang sống tại Đa-mách. Khi tôi bước vào, toàn thể Nhà Hội đều đứng lên chào đón tôi vì họ từng biết tôi là người được tôn trọng tại Giê-ru-sa-lem.
Sau phần hát Thi thiên, người cai quản Nhà Hội mời tôi lên bục để chia sẻ điều muốn nói. Tôi bình tĩnh bước lên trong khi hàng trăm cặp mắt nhìn tôi chờ đợi.
Tôi nói với những người trong Nhà Hội: “Hỡi các anh, các cha, tôi là người Giu-đa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong xứ Si-li-si, nhưng nuôi tại Giê-ru-sa-lem, trong thành đó, học nơi chơn giáo sư Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật pháp của tổ phụ chúng ta. Tôi vốn đầy lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời, cũng như các vị hôm nay vậy. Tôi từng bắt bớ phe những người theo Jêsus làm Đấng Cứu Thế, đã từng giết nhiều người trong số họ, bất kỳ đờn ông đờn bà, xiềng lại và bỏ tù. Về điều đó, thầy cả thượng phẩm cùng cả hội đồng trưởng lão đều làm chứng cho tôi; và vì bởi Hôi Đồng Quốc gia mà tôi nhận được các thư gởi cho anh em thành Đa-mách, là nơi tôi được lịnh đến đặng bắt trói những người tại đây dẫn về thành Giê-ru-sa-lem để xử phạt.
Vả, lúc tôi đương đi đường, gần đến thành Đa-mách, độ ban trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trên trời giáng xuống, soi sáng chung quanh mình tôi. Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta? Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà ngươi đương bắt bớ. Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi…
Khi tôi nói đến đấy, thì có nhiều cánh tay đưa lên muốn được chất vấn tôi. Những lời bàn tán bắt đầu nổi lên, tôi thấy nhiều gương mặt biến sắc và có vẻ giận.
-          Ông muốn nói rằng Jêsus là Đấng Cứu Thế?
Tôi biết cơn giận của họ bắt đầu, tôi phải bình tĩnh để trả lời, bất cứ một thái độ nào thiếu khôn ngoan cũng có thể làm bùng nổ nguy hiểm cho tôi. Tôi giữ giọng bình thản và lớn đủ nghe, nói chậm:
-          Từ lúc tôi ra đời đến khi được lịnh đến Đa-mách, tôi không thể nhận Jêsus là Đấng Cứu Thế. Nhưng kinh nghiệm thực sự vì Jêsus đã hiện ra với tôi trên đường đến Đa-mách, bây giờ tôi nhìn nhận Ngài là Cứu Chúa của tôi, tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi sự.
-          Theo Thánh văn và các tiên tri thì Đấng Cứu Thế sẽ được sanh ra tại Bết-lê-hem, không phải tại Na-xa-rét như Jêsus.
-          Với tất cả tài liệu ghi lại thì Đấng Cứu Thế Jêsus đã giáng sanh tại Bết-lê-hem đúng như lời tiên tri, sau đó Ngài đã chuyển về sinh sống tại Na-xa-rét để tránh bị giết hại bởi vua bù nhìn Hê-rốt.
-          Nhưng nếu là Đấng Cứu Thế thì làm sao chết được như Jêsus?
-          Đúng là Jêsus đã chết nhưng là cái chết được dự báo trước từ Thánh văn như đã dự báo qua chiên con trong Lễ Vượt Qua, trong các lời các tiên tri, như tiên tri Êsai chương 53, và là chết đền tội cho người tin Ngài. Điều quan trọng là Jêsus đã sống lại như các vị đã nghe, đã biết tại Giê-ru-sa-lem, đã thăng thiên về trời có hơn năm trăm người xem thấy. Cá nhân tôi đã được Ngài hiện ra trên đường đến Đa-mách như tôi đã thuật cho các vị nghe.
-          Ông là người có học, có quyền thế, có tương lai, tại sao lại từ bỏ để theo một Jêsus và tôn làm Đấng Cứu Thế?
-          Thưa các vị, như tôi đã trình bày, qua sự hiện thấy trên đường đến đây, Chúa Jêsus đã phạt tôi mù mắt ba ngày, nếu không nhờ một người tin Ngài làm Đấng Cứu Thế đến nhơn danh Ngài cầu nguyện chữa lành cho tôi, ban lại ánh sáng cho tôi, thì tôi đâu còn được đứng trước các vị hôm nay. Thưa các vị, kể từ đó tôi không dám chống cự với sự hiện thấy trên trời, cũng như tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Chúa Jêsus đâu, vì biết rõ đó là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu người nào tin Ngài.
Ngay lúc đó, có một người đứng dậy la lớn:
-          Sau-lơ, ông điên rồi. Ông học nhiều quá nên đã điên rồi. Thiếu chút nữa ông đã khuyên chúng tôi trở nên môn đồ của Jêsus.
Vừa nói đến đây, cả Nhà Hội đứng dậy la ó, những nắm tay đưa lên tỏ ý phản đối, người quản lý Nhà Hội lập tức ra hiệu cho những trật tự viên trong Nhà Hội kéo tôi ra cửa phía sau, một mặt đứng lên ra dấu yêu cầu mọi người im lặng, giữ trật tự.
Tôi phải thoát ra cửa sau tránh đám đông giận dữ trở về nhà của một người tin Chúa Jêsus mà A-na-nia đã giới thiệu cho tôi ở. Căn nhà nầy nằm trên vách tường thành Đa-mách.
Bước vào nhà, lòng tôi buồn bực, đau đớn trước sự cứng lòng của đồng bào tôi chống nghịch với Đấng Cứu thế Jêsus. Tôi báo cho chủ nhà là Ê-li-áp biết là tôi muốn kiêng ăn cầu nguyện hôm nay. Vào phòng riêng, tôi quỳ xuống trước mặt Chúa, tôi thưa với Chúa như tiên tri Giê-rê-mi ngày xưa: Chúa ơi, ước gì đầu con là suối nước, mắt con là nguồn lụy, để con vì dân tộc con mà khóc suốt ngày đêm. Tôi nói với Chúa Jêsus của tôi: con ước ao có thể chính mình con bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con của con theo phần xác, tức là dân  Y-sơ-ra-ên. Con cầu xin Chúa cho họ được cứu.
Tôi đã ở riêng với Chúa suốt ngày. Đến gần khuya, trong lúc mọi vật yên tĩnh, tôi vẫn còn quỳ trước mặt Chúa. Nhưng tôi không nản chí, suốt mấy ngày sau, tôi tìm đến những người Giu-đa có chức quyền quen biết trước đây để làm chứng cho họ rằng Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Tôi nán lại Đa-mách vài tuần, đến ngày Sa-bát tìm đến các Nhà Hội trong những khu vực của cộng đồng người Y-sơ-ra-ên giải thích, làm chứng, kêu gọi họ ăn năn và tiếp nhận Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế.
Đêm nay, sau giờ cầu nguyện xin Chúa Jêsus chỉ dạy tôi phải làm chi cho Chúa, cũng tiếp tục cầu nguyện xin Chúa Jêsus cứu lấy dân tộc tôi, thì nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ nhưng có vẻ khẩn cấp. Ê-li-áp, chủ nhà bước vào theo sau là A-na-nia, cánh cửa khép lại.
-          Anh Sau-lơ, chúng tôi vừa được tin báo là có một số người Giu-đa họp lại chiều nay, họ quyết tâm ngày mai sẽ bất cứ giá nào cũng làm hại anh. Vì vậy anh em chúng tôi bàn với nhau là khuyên anh sớm rời Đa-mách trở lại Giê-ru-sa-lem. Nếu được, tốt hơn hết là nhơn cơ hội đêm nay, anh đi liền.
Tôi cảm thấy sờ sợ, một sự yếu đuối trước những lời hăm dọa mà anh em đã báo.
-          Nhưng tôi sẽ ra đi bằng cách nào?
-          Chúng tôi đã chuẩn bị phương tiện. Cảm ơn Chúa là ngôi nhà nầy nằm sát tường thành, chúng tôi sẽ để anh vào một cái giỏ, dòng anh xuống dưới thành, và xin Chúa gìn giữ anh bình an về tới Giê-ru-sa-lem. Anh đồng ý chứ?
Thế là anh em để tôi vào một cái giỏ, dòng tôi xuống trong đêm khuya, ấy là tôi thoát.
Trời ban đêm, ánh sáng yếu ớt của mặt trăng chỉ đủ cho tôi thấy con đường trước mặt. Nhưng tôi không dám đi đường chính, tôi len vào cánh rừng thưa bên đường xuôi về phía Giê-ru-sa-lem. Vừa bước đi lòng tôi vừa xót xa khi nghĩ đến những âm mưu mà đồng bào tôi là những người Giu-đa toan hại tôi. Tôi chỉ mong mỏi đem Tin Lành cho họ thôi mà, tôi không hề có ý tưởng gian ác nào cho họ, không mưu cầu danh, lợi, quyền đời nầy, chỉ mong họ được cứu khỏi tội lỗi, khỏi hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, mong họ được Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế thay vì để quỉ Satan làm chủ đời sống của họ, muốn cho dân tộc tôi hưởng những ngày tươi sáng, những ngày trời trên đất… Thế sao họ lại muốn hại tôi?
Những bước chân loạng choạng trên đồi núi, giữa rừng hoang. Tôi nhớ ngày tôi từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách sao huy hoàng, kẻ đón người đưa, bây giờ trở về trong cảnh lén lút, trốn tránh cách sợ sệt. Tôi cảm thấy không hơn gì tổ phụ của tôi là tiên tri Ê-li khi Hoàng hậu Giê-sa-bên hăm dọa ông, dù ông mới vừa hào hùng thách thức bốn trăm năm mươi tiên tri thờ tà thần Ba-anh trên đỉnh núi Cạt-mên, rồi tận tay giết hết số người dụ dỗ dân tộc Y-sơ-ra-ên của tôi thờ tà thần đó, dù người đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho một cơn mưa sau ba năm rưởi hạn hán. Tôi nhớ hình ảnh của tiên tri Ê-li yếu đuối nằm ngủ dưới cây giếng giêng đòi chết. Tôi chưa chết được, tôi phải sống để trả nợ yêu thương cho dân tộc tôi, không chỉ dân tộc tôi mà còn mắc nợ người Hi Lạp, người dã man, người học thức lẫn người bình dân dốt nát. Có một gánh nặng giảng Tin Lành lớn lắm mà Chúa Jêsus đã đặt trên vai tôi. Tôi nhớ những lời của anh A-na-nia nói, Chúa đã chọn tôi là một đồ dùng cho Chúa để đồn danh Ngài ra dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên. Tôi nhớ câu cuối cùng mà anh A-na-nia đã nói, Chúa phán: Ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu đau đớn vì danh ta là bao nả. Tôi cảm nhận một tương lai nhiều nguy hiểm, khó khăn. Một cơn gió khuya thổi qua, tôi rùng mình vì sợ, Chúa ơi, con sợ không làm trọn nhiệm vụ Chúa giao!
Cuối cùng tôi cũng về đến ngôi nhà của tôi tại Giê-ru-sa-lem. Tôi gõ cửa và chờ đợi. Một sự im lặng làm ngạc nhiên, không có ai mở cửa, không ai chào đón, kể cả vợ và con của tôi. Điều gì xảy ra? Một lát sau, cánh cửa mở, người xuất hiện trước mắt tôi là vợ của tôi. Nàng ăn diện rất đẹp, một tay mở hé cửa, một tay chỉ ra phía sau lưng tôi và nói:
-          Ngôi nhà nầy không tiếp anh. Anh đã bị từ bỏ từ khi anh theo Đấng Cứu Thế Jêsus của anh. Tôi báo cho anh biết, ngày mai, anh hãy đến nghe Hội Đồng Quốc gia phán xử.
Câu nói vừa dứt, cánh cửa đóng sập vào. Tôi nghe tiếng chìa khóa. Với luật lệ mà tôi đã học, tôi biết qua uy quyền của Hội Đồng Quốc gia theo lời và cách nói của vợ tôi, tôi đã bị đuổi khỏi cộng đồng Y-sơ-ra-ên, bị coi là người ngoại bang.
Một lần nữa nỗi đau từ con tim của tôi nhói lên, bao nhiêu năm chung sống, dù biết rằng không hạnh phúc gì, nhưng tôi vẫn nghĩ dù không còn tình vẫn còn nghĩa; bao nhiêu năm chung sống dù chỉ là ước lệ vì đứa con, nhưng không ngờ người vợ của tôi đối với tôi phũ phàng như thế.
Quay lưng trở ra, tôi biết tôi đã mất tất cả. Tôi nhớ những kinh nghiệm của vua Đa-vít trong Thi thiên 30:5, vì sự giận Ngài chỉ trong một lúc, còn ơn của Ngài có trọn một đời. Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng và trong Thi thiên 27:10, 13, Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi… Ôi! nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống, thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi! … Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va.
Vừa bước đi tôi vừa lẩm bẩm lời bài hát mới:
Sự bình an trong Jêsus, như trên một dòng thu,
Thật là con sông thái an, long lanh in trăng vàng.
Tâm ta nương nơi Jêsus, hưởng biết bao ơn lành;
Chúa hứa ban cho lòng ta sống thái nhiên an bình.
Đặt mình trong tay Jêsus, tiêu tan mọi sầu u.
Satan không sao cám dỗ tôi, yêu ma dan xa rồi.
Ta nay không lo lắng chi, ắt chẳng hoang mang gì,
Cũng chẳng đau thương sầu bi,
vững chí muôn muôn thì.
Đi đâu? Tôi nhớ đến miếng da chiên của Ê-tiên nói đến một chỗ hội họp của những người tin Chúa Jêsus, nơi đó có các sứ đồ là những người từng theo Chúa Jêsus, được Chúa Jêsus chọn để lãnh đạo, có lẽ đó là nơi tốt nhất tôi đến được, ít ra cũng giải quyết được chỗ trú ngụ trong lúc cần nầy.
Đó là một căn phòng cao, khá rộng có sức chứa trên một trăm người, ngôi nhà có nhiều người ra vào. Tôi đang dần dừ chưa biết làm gì, thì chợt nhận ra dường như một số người đang chỉ vào tôi với vẻ mặt lo sợ, họ xầm xì điều gì đó về tôi rồi tảng ra ngoài đi nơi khác. Chắc chắn đã có người còn nhớ mặt tôi, người từng chỉ huy cuộc hành hình Ê-tiên, chỉ huy cuộc bố ráp chém giết, đàn áp những người tin Chúa Jêsus tại thành Giê-ru-sa-lem nầy. Họ nghi ngờ tôi! Tôi thấy mình đáng chết thật, đã làm những việc mù quáng, ngu dại. Nhưng tôi cứ bước tới và có một phụ nữ đến gặp tôi.
-          Tôi là Ma-ri, mẹ của Giăng gọi là Mác, là chủ căn nhà nầy. Nếu tôi không lầm thì ông là Sau-lơ, đại diện của Hội Đồng Quốc gia tại Giê-ru-sa-lem nầy?
-          Thưa bà, tôi đúng là Sau-lơ – tôi lấy hết can đảm và nhẹ nhàng trả lời. Trước đây tôi đã làm những việc ngu muội, vì lúc đó tôi chưa tin Chúa Jêsus. Nhưng bây giờ tôi đã tin Chúa Jêsus và là nô lệ của Ngài. Tôi muốn được gia nhập Hội thánh của Chúa Jêsus, muốn được làm một thành viên trong gia đình của Chúa Jêsus Christ.
Tôi nói liền một hơi để trấn áp nỗi run sợ trước một sự việc chưa từng có trong đời sống tôi. Tôi sợ rằng nếu ngừng lại tôi sẽ không còn can đảm để nói hết điều lòng tôi muốn nói.
Người phụ nữ đó im lặng nghe, rồi yêu cầu tôi chờ đợi một chút, bà ấy quay vào. Một lát sau bà trở ra với câu trả lời là xin tôi trở lại lúc khác. Một bóng tối đột nhiên trùm xuống tôi. Tất cả nghi ngờ tôi! Không lẽ không ai tin rằng một kẻ thù có thể trở thành một người bạn hay nói mạnh hơn kẻ thù của Chúa Jêsus có thể trở thành nô lệ cho Ngài hay sao?
Tuyệt vọng chăng? Nhưng lời Chúa phán qua anh A-na-nia vang lên: Ta lại sẽ tỏ cho người biết phải chịu đau đớn vì danh ta là bao nả… Tôi phải trả giá việc tôi đã làm, chắc chắn Chúa muốn tôi xác định là tôi nhìn vào Chúa Jêsus là cội rễ và cuối cùng của đức tin chứ không phải là con người, dù những con người đó là các sứ đồ. Tôi có nản lòng nhưng lòng tôi không nản, người đời còn nói vạn sự khởi đầu nan, thì tôi không thể mới bắt đầu đã nản. Người đời cũng nói: Đừng lo, kẻ thù của ta không hiểu ta, nhưng bạn ta sẽ hiểu ta.
Thật sự tôi bước đi mà lòng nặng trĩu, mệt mỏi càng mệt mỏi thêm. Thình lình tôi nghe có tiếng gọi tôi và tiếng bước chân nhanh như chạy phía sau. Tôi quay lại và thấy một người cũng trạ bằng tuổi tôi, miệng người đó nở nụ cười, tay đưa ra nắm lấy tay tôi và giới thiệu:
-          Anh Sau-lơ, tôi tên Ba-na-ba, một nông dân thôi, nhưng tôi tin Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của tôi. Tôi vui lắm khi biết anh cũng đã tin Chúa Jêsus. Tôi muốn mời anh về nhà tôi ở, được không?
Còn gì tốt hơn nữa trong lúc nầy. Thế là tôi nhận lời. Lòng tôi cảm ơn Chúa Jêsus vì Ngài không để tôi mồ côi, Chúa đã sai anh Ba-na-ba đến đúng lúc tôi cần, rất cần, dù ai không tin phép lạ, nhưng đó thật là phép lạ mà Chúa Jêsus đã làm cho tôi.
Nhà của Ba-na-ba là một nhà nhỏ, nhưng sắp đặt thứ tự và sạch sẽ. Anh Ba-na-ba đã đãi tôi một bữa ăn đối với tôi là ngon nhất từ trước tới nay do chính tay anh nấu nướng.
-          Anh ở đây một mình? Tôi hỏi anh Ba-na-ba.
-          Tôi có một đứa cháu nữa, nó là con của chị chủ nhà lúc nảy anh đã gặp đó. Nó tên là Giăng cũng gọi là Mác. Thỉnh thoảng nó đến ở đây với tôi cho vui. Anh có thể ở đây với tôi, có thể ngủ ở phòng của cháu Mác, vì nó đang ở nhà mẹ của nó để học Kinh thánh với các sứ đồ.
-          Có phiền anh lắm không?
-          Không phiền gì cả. Đúng ra tôi có một nông trại lớn, nhưng vì anh chị em trong Hội thánh nhiều người quá nghèo, nên tôi đã bán để lấy tiền giúp đỡ họ - Ba-na-ba vừa nói vừa cười – Thật ra tôi tên là Giô-sép, nhưng các sứ đồ lãnh đạo đặt tên tôi là Ba-na-ba, vì họ nói tôi đã đem sự an ủi đến cho những người nghèo, đáng gọi là con trai của Đấng Yên Ủi. Xin lỗi anh, anh đừng cho tôi khoe khoang nhé. Tôi vui vì được bắt chước Chúa Jêsus cứu giúp những người khác, nên buột miệng nói với anh.
Tôi ở nhà của Ba-na-ba mấy hôm, thấy anh rất bận rộn vì đi thăm viếng những người mới theo Chúa Jêsus. Tôi cũng tháp tùng với anh được mấy lần. Trong thời gian nầy tôi tìm cách liên lạc với vợ con của tôi, nhưng Hội Đồng Quốc gia đã ra thông báo loại trừ tôi, và nàng mượn tiếng cha của nàng nhắn tin là nàng đã được Hội Đồng Quốc gia chấp thuận chính thức li hôn với tôi, và Hội Đồng Quốc gia phán quyết cho nàng được giữ đứa con trai và toàn bộ gia sản. Tôi không tiếc gia sản nhưng tình cha con làm xốn xang tôi và đó là nỗi đau của tôi suốt đời.
Để tránh nỗi đau nghĩ đến hằng ngày, tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là tạm thời rời xa Giê-ru-sa-lem, vì vậy, tôi xin phép anh Ba-na-ba trở về quê tại Tạt-sơ, hẹn có cơ hội sẽ tìm gặp lại anh. Nhưng trên đường đi tôi đổi ý dừng chân tại A-ra-bi, ở nơi đồng hoang một thời gian rồi mới về Tạt-sơ
Thời gian hai năm trôi qua, tôi có thì giờ tra xem lại Thánh văn của Môi-se và các tiên tri, tra cứu những gì Ê-tiên ghi chép trong miếng da chiên. Trong đó Ê-tiên nhắc đến những lời dạy của Chúa Jêsus sau khi Ngài từ kẻ chết sống lại đã dành bốn mươi ngày dạy riêng các môn đồ đầu tiên về sứ mạng truyền giảng Tin Lành với chiến lược bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem đến Giu-đê, rồi đến Sa-ma-ri, khi ấy mới đến cùng trái đất. Ê-tiên cũng ghi lại lời của hai vị thiên sứ phán lúc Chúa Jêsus thăng thiên là Ngài sẽ trở lại y như cách Ngài lên trời, nghĩa là Chúa Jêsus sẽ từ trời trở lại một lần nữa.
Điều kỳ diệu là Ê-tiên ghi lại cách mà Hội thánh của Chúa Jêsus được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần do Đức Thánh Linh giáng lâm đầy dẫy các môn đồ, thúc giục họ, khiến họ hiệp một nhau rao giảng Tin Lành, vượt mọi khó khăn ngôn ngữ, vượt qua tị hiềm cá tánh, không còn mặc cảm nam nữ, già trẻ, bắt tay nhau rao giảng về Chúa Jêsus chịu chết đền tội như thánh văn đã ghi, Chúa Jêsus đã sống lại như thánh văn đã chép và chính Chúa Jêsus cũng phán trước. Đặc biệt là lúc nào cả Hội thánh trong sự hiệp một yêu thương, quyết liệt với tội lỗi như trường hợp vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, các vị sứ đồ lãnh đạo không coi bị đòn roi vì Chúa Jêsus là sỉ nhục mà là vui mừng…
Càng đọc, tôi càng hổ thẹn khi nghĩ đến những việc xấu xa của tôi đối với Hội thánh, nếu không bởi ơn thương xót của Chúa Jêsus thì tôi đã bị chết mất từ lâu.
Càng đọc, tôi càng nghe rõ ràng tiếng Chúa Jêsus kêu gọi tôi dâng trọn cuộc đời trả nợ yêu thương của Chúa bằng cách ra đi rao giảng về Chúa Jêsus cho toàn thế giới.
Một ngày, tôi được tin có người tìm tôi. Lâu quá, hơn hai năm rồi tại Tạt-sơ hầu như không ai tìm tôi. Hôm nay lại có người tìm. Ai vậy?
-          Anh Ba-na-ba! – tôi reo lên và vui biết chừng nào, chúng tôi ôm nhau và chào nhau bằng cái hôn thánh.
Sau khi chào thăm, anh Ba-na-ba cho tôi biết anh được Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem cử đến An-ti-ốt để kiểm tra tình hình phát triển Hội thánh tại An-ti-ốt. Anh thuật lại Chúa đã ban cho Hội thánh tại An-ti-ốt mọi ơn lành rất lớn, người tin Chúa cũng đông lắm. Anh khuyên tôi cùng anh đến An-ti-ốt để cùng lo công việc Chúa.
Tôi thấy Đức Chúa Trời đã trả lời cho tôi, lòng tôi nóng nảy muốn dâng mình rao giảng Tin Lành cho Chúa Jêsus thì Chúa đã đưa anh Ba-na-ba đến tìm tôi. Và tôi đã đến An-ti-ốt.
Tại An-ti-ốt, tôi tìm được những cơ hội góp phần công việc Chúa, được làm chứng thế nào Chúa Jêsus đã bày tỏ chính Ngài là Đấng đã chết cho tội lỗi của tôi và đã chứng minh Ngài hằng sống qua kinh nghiệm gặp Chúa Jêsus của tôi. Chúa cũng cho tôi được đem những điều đã học từ Thánh văn của Môi-se và các tiên tri nói về Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế cùng những tài liệu mà Ê-tiên đã để lại, giải bày cho anh chị em trong Hội thánh. Điều mà tôi thật được an ủi là anh chị em trong Hội thánh tại An-ti-ốt vui lòng đón tiếp tôi, họ đã bỏ qua những tội ác mà tôi đã phạm với Chúa qua việc đàn áp Hội thánh của Chúa Jêsus. Thêm vào đó, anh Ba-na-ba thật đúng như ý nghĩa tên của anh – con trai của sự yên ủi – anh đã yên ủi tôi rất nhiều, nhất là những khi tôi nhớ đến gia đình vợ con của tôi, đứa con trai mà yêu quý đang ở tại Giê-ru-sa-lem.
Nhiều lần tôi đã tìm cách liên lạc để biết tin tức gia đình vợ con tôi, nhưng tin tức tôi nhận được vợ tôi không còn muốn liên hệ với tôi. Tôi biết với quyền lực của Hội Đồng Quốc gia, tôi bị kể như người đã chết. Thật như một bài hát đã diễn đạt hoàn cảnh của tôi hiện nay:
Đời nầy tôi kể mình đã chết đi,
Cõi thế đối tôi thật như chết rồi…
Tôi thương người vợ của tôi dù rằng nàng làm khổ tôi, đã đuổi tôi đi; tôi cũng rất thương con tôi dù nó sẽ lớn lên và không hiểu tại sao tôi lại bỏ nó. Nhưng khi nghĩ đến tình yêu thương của Chúa Jêsus dành cho tôi, lúc nào tôi cũng mong mỏi vợ con tôi hiểu rằng:
Dầu rằng tôi có toàn cả thế giới,
Đem dâng cho Chúa vẫn hèn mọn thay!
Kỳ diệu thay ái tình Chúa thắm tươi
Xui tôi vui dâng hồn, thân, cả rày.
Bây giờ nghĩ lại, tôi biết rằng tôi đã gieo giống chi thì phải gặt giống ấy. Cuộc hôn nhân của tôi lúc bấy giờ hoàn toàn chỉ là lợi dụng nhau. Vì qui định của dòng Pha-ri-si và tham vọng vào Hội Đồng Quốc gia, tôi đã cưới nàng khi tôi vừa qua khỏi tuổi vị thành niên và nàng là con gái của một Nghị viên Hội Đồng Quốc gia quyền lực. Ngược lại nàng cũng được cha mẹ nàng dùng như một miếng mồi ngon kéo vào một người có khả năng và danh tiếng như tôi. Nói theo người thế gian là ‘ông thần cậy cây đa, cây đa cậy ông thần’.
Tình yêu thương vợ chồng của tôi không phải là một cái ấn nơi lòng, một cái ấn trên cánh tay, mà là một cái thẹo của một vết thương nặng. Bây giờ sau khi tin Chúa Jêsus, lòng yên tĩnh, tôi đọc lại Thánh văn của vua Sa-lô-môn trong Nhã ca 8:7, …Nếu người nào đem hết tài sản nhà mình, đặng mua lấy ái tình, ắt người ta sẽ khinh dễ nó đến điều, tôi thấy mình ngày xưa mù mắt, ngay cả vợ chồng cũng lợi dụng nhau, thật như bài hát:
Tôi sanh trong thế gian, người u tối,
Lòng ngu si, xấu xa không xiết kể. (Lời một bài thánh ca)
Bây giờ tôi đã tin nhận Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của tôi, Đấng yêu thương làm Chủ đời sống của tôi, tôi mong ước làm sao nàng cũng hiểu được Chúa Jêsus và hiểu lòng tôi đang nghĩ đến nàng và đứa con, để gia đình tôi đoàn tụ. Nhưng tất cả đã không còn! Chúa Jêsus ơi, con xin dâng trái tim của con cho Ngài, và con đầu phục câu trả lời của Chúa: ân điển ta đủ cho ngươi rồi… Chúa đã cho phép tôi có một thất bại trong đời sống gia đình là để tôi không kiêu ngạo, tôi không phải người trọn vẹn, những nhức nhối trong tình cảm sẽ là cái thắng cho đời sống của tôi.

 
CHƯƠNG III
RA ĐI
*********************************

 
Hôm nay, cùng Ba-na-ba bước vào nơi nhóm họp của Hội thánh tại An-ti-ốt, tôi cảm nhận có một điều gì khác thường sắp diễn ra.
Một năm qua, anh Ba-na-ba đã đưa tôi đến sinh hoạt với anh chị em trong Hội thánh tại An-ti-ốt. Rất nhiều người trong thành nầy nhận ra tôi là người trước đây nổi tiếng đàn áp những người tin theo Chúa Jêsus, nay lại thấy một người cũng nổi tiếng về việc cứu giúp anh chị em nghèo trong Hội thánh là Ba-na-ba cùng đi với tôi. Lúc đầu những cặp mắt tránh nhìn thẳng chúng tôi, họ làm như không thấy chúng tôi, nhưng những cái liếc nhẹ hoặc những ngón tay chỉ chỏ cách khéo léo cũng đủ cho tôi biết rằng họ đang nói về chúng tôi. Có lẽ họ cho rằng anh Ba-na-ba đã bị tôi mua chuộc trở thành người chỉ điểm của tôi để đàn áp Hội thánh của Chúa Jêsus, hoặc tôi đang tìm cách tiếp cận một trong những người theo Chúa Jêsus có lòng tử tế như anh Ba-na-ba - vốn nổi tiếng từ trong Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem - để âm mưu gì. Tự nhiên từ lúc đó có một danh từ xuất hiện tại thành An-ti-ốt gọi chúng tôi là Cơ-Đốc Nhân, ám chỉ những người theo Chúa Jêsus thì sống lừa dối nhau như tôi với anh Ba-na-ba, không ngờ về sau danh từ đặc biệt nầy trở thành danh xưng đặc biệt chỉ những người theo Chúa Jêsus.
Suốt một năm qua nhờ sinh hoạt với Hội thánh tại An-ti-ốt, tôi có dịp kiểm chứng lại những điều tôi tìm hiểu suốt hai năm tại Tạt-sơ qua cách sống của những người tin Chúa Jêsus, qua những gì anh Ba-na-ba đã học được từ các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem chia sẻ lại, so sánh với những lời trong Thánh văn mà vị lãnh tụ vĩ đại của người Y-sơ-ra-ên chúng tôi là Môi-se để lại trong Ngũ Kinh, cũng như lời của các tiên tri. Tôi thật vui vì những khám phá mà trước đây tôi đã bị bức màn kỳ thị tôn giáo và giáo điều che khuất.
Tôi biết rõ Chúa Jêsus thật là Đấng Cứu Tinh mà Môi-se và các tiên tri đã nói đến, Ngài đến thế giới nầy đúng địa điểm, đúng kỳ hạn, đúng dân tộc, đúng chi phái và đúng người mà Ngài đã chọn từ buổi sáng thế. Nói chung, đúng đến từng chi tiết nhỏ.
Tôi biết rõ dân tộc tôi đã từ chối Chúa Jêsus, vì con người thường quan niệm Đấng Cứu Tinh phải huy hoàng, phải sang trọng như một vị vua, thay vì chịu chết cách sỉ nhục và đau đớn như Chúa Jêsus. Họ không nhìn biết rằng Chúa Jêsus phải chết chuộc tội cho họ, cho nhân loại rồi Ngài mới đến làm Vua trên một dân được chuộc, Chúa Jêsus không đến để làm Vua một dân tộc đầy tội lỗi.
Sáng nay, ngày đầu tuần lễ, Hội thánh tại An-ti-ốt cũng như Hội thánh các nơi theo quyết định của Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, lấy ngày thứ nhất trong tuần lễ để nhóm họp thờ phượng Chúa, không theo qui định của giáo hội Do-thái truyền thống giữ ngày Sa-bát nữa. Anh Ba-na-ba đã chia sẻ những lời dạy trong bốn mươi ngày cuối cùng của Chúa Jêsus trên đất sau khi Ngài sống lại mà Ê-tiên có đề cập đến trong miếng da chiên. Những lời dạy nầy lạ lùng, kỳ diệu, bao gồm hai điều mầu nhiệm là Chúa Jêsus muốn mọi người – nghĩa là không chỉ riêng người Y-sơ-ra-ên, mà bao gồm cả nhân loại – được tha tội và được cứu rỗi. Đồng thời nếu những người tin theo Chúa Jêsus làm xong công tác đó sẽ là lúc Ngài trở lại làm Vua trên đất. Mục đích của Chúa Jêsus được bày tỏ dứt khoát là Ngài muốn Hội thánh rao giảng Tin Lành về Nước Đức Chúa Trời khắp đất, để sự trở lại của Chúa Jêsus mau đến.
Sau bài chia sẻ của anh Ba-na-ba, hầu như mọi người đang nhóm lại đều cảm động nhận ra trách nhiệm của cá nhân, của Hội thánh không phải chỉ lo cho chính mình, nhưng nhìn ra vô số người trên thế giới chưa được nghe về Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, chưa được cứu rỗi.
Tôi cũng vậy, có một sự thôi thúc từ đáy lòng tôi, tôi đã quỳ xuống, nước mắt tôi đã chảy khi nghĩ đến hình ảnh dòng người chưa được cứu đi vào cõi hư mất đời đời. Tôi đã nói với Chúa: “Chúa Jêsus ơi, trong danh Chúa Jêsus Christ con bày tỏ tấm lòng con, con không thể dối lòng, dối lương tâm con. Chúa làm chứng cho con rằng, lòng con đau đớn lắm, con buồn bực lắm, bởi con ước ao có thể chính mình con bị dứt bỏ, lìa khỏi Chúa, vì anh em, bà con theo phần xác của con là dân tộc Y-sơ-ra-ên của con. Chúa Jêsus ơi, dân tộc con là anh em bà con của con, là đồng bào của con, con muốn dân tộc con được tha tội, được cứu khỏi tội lỗi và được hưởng phước lành của Chúa để họ được ở đất cũng như ở trời…”
Tôi đã khóc với Chúa rất nhiều, tôi biết dân tộc tôi bao nhiêu năm qua còn lầm than, còn rất nhiều người nghèo khổ, sống cơ cực, họ cần được hỗ trợ để thoát nghèo, cần được sống thịnh vượng. Nhưng tất cả những thứ đó, dân tộc tôi có thể tự tìm cũng như có nhiều người thừa khả năng giúp đỡ. Duy được cứu trong Chúa Jêsus Christ, thì dân tộc tôi chưa có, và sẽ không bao giờ tự tìm được trong thế gian nầy, ngoài Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời yêu thương.
Tôi thấy dân tộc tôi có lòng tôn kính Đức Chúa Trời rất lớn, cái gì cũng đặt ra là do Trời, bởi Trời, từ ánh nắng, giọt mưa, cơn gió, ngay cả bầu không khí đang thở, mọi sự nhờ Trời; khổ cũng kêu Trời cứu, vui mừng cũng ngước mặt nhìn lên cao để tạ ơn Trời. Do lòng tôn kính đó nên dễ bị ma quỉ dẫn dụ tìm cách thờ Trời qua những mê tín dị đoan, dù đó chỉ những con người tầm thường tự xưng ông đạo nầy ông đạo kia.
Tôi nói với Chúa thật nhiều: Chúa Jêsus ơi, con muốn dân tộc con và nhiều người trong thế giới được cứu. Con cảm nhận con mắc nợ người Y-sơ-ra-ên của con, cũng mắc nợ những người học thức hoặc bình dân...
Trong giờ phút cảm động đó, những người điều hành Hội thánh tại An-ti-ốt là Si-mê-ôn gọi là Ni-giê, Lu-si-út người Sy-ren, Ma-na-hem là người đồng dưỡng với vua Hê-rốt chư hầu, đã đứng lên giữa Hội thánh nêu ý kiến đề nghị Hội thánh lấy đức tin cử giáo sĩ ra đi để rao truyền sự cứu rỗi của Chúa Jêsus cho các nơi.
Tôi thấy mọi người ai cũng vui mừng hưởng ứng, tôi đứng lên xin kể một câu chuyện ngụ ngôn để giảm sự ngột ngạt của buổi nhóm họp. Truyện kể rằng có một con mèo hung dữ thích săn bắt chuột, gây nguy hiểm cho dòng dõi nhà chuột (có tiếng xôn xao cho rằng tôi đang lạc đề). Một Hội đồng chuột được triệu tập họp lại, sau khi bàn luận đã đi đến quyết định sẽ tìm cách đeo cho con mèo một cái chuông nơi cổ, để khi con mèo đi đâu, tiếng chuông sẽ báo tin cho họ nhà chuột biết mà tránh. Một quyết định được toàn thể hoan nghinh – tiếng ồn ào từ hàng người nghe rộ thêm, có vài người tỏ ý muốn tôi ngừng kể - nhưng tôi bình tĩnh kể tiếp: Vấn đề là ai bằng lòng ra đi để đeo cái chuông vào cổ mèo? - Tiếng ồn ào chợt dứt, những người nghe hiểu rằng việc mà Hội thánh cảm động muốn truyền bá danh Chúa Jêsus không thể nằm trong quyết định mà là thực hành.
Tôi xin nói tiếp: Đạo ở gần chúng ta, ở trong miệng và trong lòng chúng ta. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy những ngày qua… Kinh thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng hổ thẹn… Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Tôi nhớ lại Tiên tri Ê-sai khi nghe Chúa hỏi: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? thì vị tiên tri đáng kính ấy đã trả lời: Có con dây, xin hãy sai con! Tôi, Sau-lơ, kẻ chịu ơn thương xót của Chúa Jêsus đã không bắt tội tôi phạm thượng, bắt bớ, hung bạo với Hội thánh của Ngài, đã tha thứ và cứu tôi, xin được tình nguyện ra đi làm công cụ ra truyền ơn cứu rỗi cho người Y-sơ-ra-ên cũng như cho dân ngoại!
Tôi bước ra và quỳ xuống giữa Hội thánh cúi đầu chờ đợi sự sai phái của Hội thánh. Ngay lúc ấy, anh Ba-na-ba cũng bước ra quỳ xuống bên cạnh tôi. Cả Hội thánh vỡ òa trong nước mắt, trong tiếng Ha-lê-lu-gia, tất cả quỳ xuống và ai nấy cầu nguyện thiết tha xin Chúa sai chúng tôi và ai cũng hứa nguyện sẽ cầu thay, sẽ dâng hiến cho việc ra đi của chúng tôi, cả phòng nhóm vang lên lời cầu nguyện xin Chúa cho có vô số người được nghe ân điển của Chúa và được cứu.
Đâu đó vang lên những lời hát đầy cảm động:
Hằng muôn linh hồn ta thấy mỗi ngày,
Không nhận Christ, sa bến mê đọa đày,
Mù mịt, ôi đáng đau thương!
Thật vô hi vọng tăm tối, thê lương,
Trông tiền đồ u ám như đêm dài,
Cùng nhau trầm luân mãi mãi,
Khốn cho phận chúng tương lai
Họ như dòng nước trôi đi hoài hoài,
Vạn ức sanh linh ngày ngày.
Cùng nhau trầm luân mãi mãi,
Khốn cho phận chúng tương lai
Bầy chiên đây cầu xin Đức Thánh Linh,
Cho đầy tình yêu, đức tin, tâm thành,
Mọi vật châu báu kim ngân,
Tại chân Jêsus, đem hết kính dâng
Liên hiệp một nhà mến yêu nhiệm mầu.
Nhìn gương người xưa lưu dấu,
Bước theo Hội thánh ban đầu…
Trong lúc đó, tự đáy lòng tôi nói với Chúa:
Cúi xin Ngài, ban lệnh sai,
Lòng nầy nguyện vâng tiếng Ngài gọi thân ái.
Cúi xin Ngài, vui sai phái.
Thưa: “Dạ có con đây, xin Chúa sai rày…”
Và chúng tôi đã được Hội thánh sai đi!


 
CHƯƠNG IV
MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN
*****************************

“… Ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta,
để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại,
các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên;
ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu đau đớn vì danh ta là bao nả”. (Công vụ 9:15-16)
 
Có người nói người đó sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu, vì cuộc đờì người đó đầy lận đận. Nhưng tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh rất tốt, lớn lên trong môi trường cũng rất tốt, có một tương lai theo con mắt của mọi người thì tương lai đó cũng rất tốt. Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám (đúng luật định), về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si; về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ Hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được.
Rồi từ ngày tôi ăn năn tội, tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của tôi, đời sống rẽ sang lối khác, ở dưới ngôi sao xấu hay tốt là theo cái nhìn từ hướng của thế gian hoặc từ hướng của Chúa. Trước tôi và trong đời tôi, và tôi nghĩ sau tôi nữa, có rất nhiều người Pha-ri-si, nhưng tất cả họ qua đi và không ai nhớ đến họ, còn tôi, một người Pha-ri-si nhưng từ bỏ mọi sự để được Chúa Jêsus Christ thì được điều gì?
Có một nhà thơ lớn thắc mắc rằng ba trăm năm sau có ai khóc cho mình không? Tôi thì không nghĩ có ai khóc cho mình không, vì hiện tại mới có thể định giá cho tương lai, tôi cũng không nghĩ ba trăm năm sau, nhưng thời gian của tôi bây giờ là đời đời. Kể từ ngày tôi tin theo Chúa Jêsus Christ thì mọi sự đối với tôi chỉ là sự lỗ, Ngài là Chúa tôi, tôi vi Chúa Jêsus mà liều bỏ mọi sự miễn là tôi được ở trong Ngài, được giống như Ngài trong sự chết Ngài, và mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.
Có người thấy tôi lìa bỏ tương lai xán lạn theo thế gian, đã cho là tôi mất trí vì học nhiều quá đến nỗi ra điên cuồng. Nhưng tôi biết Đức Chúa Trời đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, Chúa đã lấy ân điển Ngài gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo, thì lập tức tôi không bàn với thịt và máu. Tôi không hề hổ thẹn, vì tôi biết tôi đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự tôi phó thác cho đến ngày Chúa Jêsus Christ hiện ra đem tôi về với Ngài.
Ra đi làm giáo sĩ, tôi gặp những lúc vinh mà cũng có những lúc nhục, có những lúc được khen ngợi nhưng cũng có lúc mang tiếng xấu; có những lần bị người ta xem là kẻ phỉnh dỗ, đồ ôn dịch, nhưng lòng tôi làm chứng cho tôi rằng tôi là kẻ thật thà.
Vinh là những lúc đoàn truyền giáo của chúng tôi được hoan nghinh, có lúc được xem như thần thánh, như tại Lít-trơ, chỉ là một phép lạ chữa lành người què đủ để bao nhiêu người tôn chúng tôi làm thần, đem đến bao nhiêu là hoa quả, thức ăn ngon, cúng bái chúng tôi. Vinh đó rồi nhục đó, những kẻ ghét tôi, thù tôi vì đã không bách hại Hội thánh như họ muốn, đã xúi giục dân chúng ném đá chúng tôi, tôi đã chết nhưng nhờ ơn thương xót của Đức Chúa Trời, Ngài đã cho tôi sống lại để tiếp tục việc rao giảng về Chúa Jêsus.
Đến giờ nầy ngồi tổng kết lại con đường truyền giảng Chúa Jêsus cho các dân, kể cả dân Y-sơ-ra-ên, tôi thật ngạc nhiên vì Chúa đã cho tôi chịu khổ vì Ngài quá sức của một con người, dù đó là một người dũng cảm hay lực sĩ, huống chi một người yếu đuối như tôi.
Dù tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, tôi không ngại mà nói rằng so với những giáo sĩ khác, tôi chịu khó khọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; môt lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối, chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.
Ngồi đây đếm lại từng ấy hoạn nạn, khó khăn, thật tôi chịu được mọi sự đó là nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi.
Điều kỳ diệu hơn nữa là tôi không có phương tiện riêng, không có điều kiện về tài chánh ngoài sự trợ giúp của các Hội thánh, cũng không có một toán bảo vệ nào, thế mà Chúa đã cho tôi đến với những thành phố dọc bờ Địa Trung Hải lên khắp vùng Tiểu Á, đến tận bán đảo Hi Lạp. Và cảm ơn Chúa cho tôi đặt chân lên bán đảo I-ta-li-a và sau cùng rao giảng về Chúa Jêsus ngay tại thủ đô của Đế quốc La Mã, một Đế quốc hùng mạnh để rồi chịu thuận phục Tin Lành của Chúa Jêsus.
Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu tôi vẫn là một người Pha-ri-si, một nghị viên của Hội Đồng Quốc gia Do thái, tôi có làm được chừng ấy việc như làm môn đồ cho Chúa Jêsus không? Câu trả lời chắc chắn là: KHÔNG! Suốt cuộc đời của tôi sẽ trói chặt trong một góc tối nào đó của thế giới tối tăm tội lỗi.
Ngoài những khó khăn từ bên ngoài, tôi còn ở giữa sự thử thách mà người Giu-đa mưu hại tôi. Họ luôn theo sát con đường tôi đi, nơi tôi ở được lâu nhất là hai năm như tại thành Ê-phê-sô, còn các nơi khác, công việc rao giảng danh Chúa Jêsus vừa có kết quả đôi chút thì những người Giu-đa thù ghét tôi kéo đến và họ dùng đủ cách để xúi giục dân chúng hoặc người cầm quyền địa phương bắt bớ tôi, đuổi tôi đi. Dù vậy, tôi cảm ơn Chúa vì nhờ sự truy đuổi đó Chúa dùng để buộc tôi lại qua địa phương khác, cứ thế cuộc rượt đuổi không ngừng nghỉ, nhờ đó danh Chúa Jêsus được ra rao giảng khắp nơi.
Cái gì đã thúc đầy tôi đi rao giảng danh Chúa Jêsus cho dân tộc tôi, dù họ ghét tôi, muốn làm hại tôi? Nếu theo con người của tôi trước khi tin theo Chúa Jêsus chắc chắn những kẻ ghét tôi đã không thể ở yên với quyền lực tôi có trong tay. Nhưng tôi nhớ lại sự ngu muội của chính tôi khi chưa tin Chúa Jêsus, lúc nào cũng hận thù, cũng bảo thủ, lúc nào cũng muốn chứng tỏ uy quyền, thì lòng thấy yêu thương dân tộc tôi, muốn họ được cứu.
Không phải dân tộc của tôi không biết Đức Chúa Trời, trái lại rất kính sợ Đức Chúa Trời, đến nỗi lúc nào cũng tôn kính danh của Ngài, nhưng cứ muốn tìm theo ý riêng để chứng tỏ mình là công bình theo ý Ngài, kể cả theo cách của tôi là đàn áp ai theo Chúa Jêsus, vì tưởng rằng việc làm tàn ác đó là đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Tôi muốn dân tộc tôi được cứu, nghĩa là như Chúa đã giao sứ mạng cho tôi khi Ngài kêu gọi tôi: “đặng mở mắt họ từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Satan mà đến với Đức Chúa Trời, để dân tộc tôi được tha tội và được hưởng gia tài với các thánh đồ”. Tôi biết rằng dân tộc của tôi còn quá nhiều người nghèo khổ, bịnh tật, họ cần được cứu giúp vật chất, được chữa bịnh, nhưng những thứ đó họ có thể tìm được ở nhiều nguồn khác nhau trong đời nầy, còn được cứu rỗi thì dân tộc tôi không tìm được ở đâu ngoài Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế của tôi, như anh Phi-e-rơ đã nói trước Hội Đồng Quốc gia.
Một người mà giờ nầy sau khi tin theo Chúa Jêsus rồi tôi thấy gần gũi, thấm thía khi đọc những lời của ông, ấy là tiên tri Giê-rê-mi. Trong phân đoạn ngắn trong sách của ông từ đoạn 8:18 đến đoạn 9:3, tiên tri Giê-rê-mi ba lần nói lên ước nguyện của ông đối với dân tộc của ông và cũng là dân tộc của tôi.
Tiên tri Giê-rê-mi đã ước gì “ông được yên ủi”. Lúc tôi chưa tin Chúa Jêsus thì tôi cũng không quan tâm lắm lời ước nầy của Giê-rê-mi, vì ai cũng cần được yên ủi, nhất là khi Giê-rê-mi nhìn vào sự suy vong của dân Y-sơ-ra-ên trước sự tấn công của Đế quốc Ba-by-lôn. Nhưng khi đọc thêm vài câu nữa, Giê-rê-mi nói rằng sự yên ủi mà ông cần là được nhìn thấy dân tộc của mình được cứu, vì thời gian mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết! Trong lúc đó dân tộc của ông lại thờ đầy dẫy hình tượng, đến nỗi nhà tiên tri so sánh: họ có bao nhiêu thành thì có bấy nhiêu thần; Giê-ru-sa-lem có bao nhiêu đường phố thì họ có bấy nhiêu bàn thờ.
Điều ước thứ hai của tiên tri Giê-rê-mi là ông “ước gì được khóc”. Tôi nhớ khi còn ngồi nơi chân các Ra-bi, tôi có hỏi tại sao ít thấy người nam Y-sơ-ra-ên khóc, đến nỗi người đời còn nói: nam nhi đổ máu chứ không đổ lệ, mà lại thường thấy người nữ khóc đến nỗi người đời nói: nước mắt là khí giới của người phụ nữ? Một Ra-bi đã kể cho tôi nghe câu chuyện hư cấu rằng khi Đức Chúa Trời dựng nên người nam đầu tiên, Ngài có đặt trên gương mặt người nam vài giọt nước mắt. Nhưng sau một chút suy nghĩ, Chúa đã lau sạch những giọt lệ đó. Đó là lý do các thế hệ loài người tiếp theo không mấy khi thấy được những giọt nước mắt của người nam, chỉ có thể đoán và cảm nhận người nam đang khóc. Vậy mà hôm nay Giê-rê-mi ước được khóc không phải chỉ vài giọt lệ tượng trưng, nhưng khóc như dòng suối tuôn chảy suốt ngày đêm. Một ngôn ngữ hình tượng hóa thật cảm động! Điều khiến Giê-rê-mi muốn được khóc thật nhiều là vì nếu dân tộc không ăn năn tội để được cứu, thì họ sẽ bị hình phạt đời nầy cũng như đời sau. Chắc chắn tiên tri Giê-rê-mi đã nhớ đến lời Đức Chúa Trời phán dạy với vua Sa-lô-môn trong ngày vua cung hiến Đền thờ: Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.
Thật là cảm động khi tôi đọc lời ước thứ ba của Giê-rê-mi, ông “ước gì ông có một cái quán khách bộ hành trong đồng vắng! Tôi biết tâm tình của nhà tiên tri nhìn thấy tội lỗi của dân tộc thì không chịu được, thêm nữa ông đã hết lòng hết sức kêu gọi dân sự quay về với Đức Chúa Trời, chẳng những họ không nghe mà còn chế nhạo ông, sỉ nhục ông. Tuy nhiên, dù buồn giận lắm, muốn bỏ đi thật xa không thèm quan tâm đến nữa, thì Giê-rê-mi chỉ ước có cái quán khách trong đồng vắng, ông chỉ muốn tạm ở thời gian ngắn, ở trong đồng vắng chịu chung cực khổ với dân tộc, không muốn ở một nước nào để hưởng sung sướng một mình.
Khi tôi chưa gặp Chúa Jêsus thì tôi được học biết rằng những ước muốn của tiên tri là những ước muốn của một người yêu nước trước nạn xâm lăng của Đế quốc Ba-by-lôn giống như thời đại của chúng tôi trước Đế quốc La Mã. Nhưng bây giờ tôi đã được Chúa Jêsus cứu, tôi được Chúa mở mắt nhìn thấy dân tộc tôi có nhu cần thuộc linh còn cao hơn nữa, nếu họ được cứu khỏi tội lỗi, khỏi hình tượng, khỏi con đường tà, thì Đức Chúa Trời sẽ cứu đất nước chúng tôi khỏi tai vạ.
Rồi tôi nhìn vào Cứu Chúa Jêsus của tôi, Ngài thật không muốn người nào chết mất, nhưng muốn mọi người ăn năn để được cứu, nên Ngài gác lại địa vị Đức Chúa Trời, hạ mình làm người, lại làm một tôi tớ để phục vụ nhân loại, mang sự đau ốm của con người, gánh sự buồn bực của con người, và chịu đòn roi đánh đập vì nhu cần bình an cho con người, và cuối cùng chết trên thập tự giá cho con người. Suy gẫm sự khổ nạn mà Chúa Jêsus chịu vì nhân loại trong đó có tôi, tôi nhận ra rằng cái khổ mà tôi chịu chỉ là sự dư thừa từ cái khổ mà Chúa Jêsus đã chịu vì tôi.
Vừa cảm cái ơn Chúa Jêsus cứu tôi, vừa với lòng yêu quê hương dân tộc, cùng yêu thương tha nhân, tôi đã đi khắp nơi, giảng cho người Giu-đa cũng như cho người Hi Lạp, giảng cho người có học thức cũng như cho người bình dân, người còn lạc hậu như thổ dân tại đão Man-tơ; rao giảng về Chúa Jêsus giữa công chúng cũng như tại nhà riêng, không hề chú trọng đến nghi lễ, giáo hội, chỉ mong muốn dân mình và nhiều người được cứu.
Có người giảng một thứ Tin Lành thịnh vượng, khoe rằng người đó tin Chúa và phục vụ Chúa, nên được Chúa ban phước giàu có, thịnh vượng. Tôi không tin như vậy, dù tôi biết có những người được Chúa cho miễn trừ chịu khổ, nhưng tôi tin quyết rằng Chúa gọi tôi chịu khổ vì Ngài, như Ngài đã chịu khổ. Tôi không quan tâm tôi ở đâu, tôi chỉ quan tâm Chúa dùng tôi cứu được nhiều người trong dân tộc tôi.
Nghĩ là cuộc đời lận đận, cũng có người lận đận như tôi đã viết những lời an ủi tôi:
Thập tự, Jêsus vác đi lao đao,
Còn mọi người thong thả sao?
Không phải, mỗi người có riêng một cây,
Hiện phần tôi cũng vác đây.
Đường nầy ngày xưa thánh dân không lùi,
Trên trời hiện nay sống vui;
Đang nếm hương vị ái tâm tinh thần,
Sạch lệ, thơ thái, vui mừng.
Thập tự đời tôi vác đi luôn luôn,
Giờ từ trần tôi mới buông;
Khi đến Thiên đàng, Chúa ban kim miện,
Dự phần tôi cũng có riêng.
Tôi cũng biết có những thánh đồ đã hãnh diện khoe rằng:
Ngàn lần tôi đau trong tâm linh, đuối sức đương khi đi trên nẻo gai,
Thân gian lao trong nơi u minh ruộng xa xăm lo gieo trong nước mắt tuôn,
Nhưng lời Chúa phán: Hãy đến, hỡi người trung tín, sẽ thưởng cả công khó!
Vì vậy, có một lần tôi cũng chia sẻ tâm tình nầy với anh em trong Hội thánh tại thành Cô-rinh-tô, khích lệ họ hầu việc Chúa, thì có nhiều anh em đã than thở với tôi đang khi họ hầu việc Chúa bị tấn công nhiều mặt, bị rúng động, nhưng không thấy ai biết đến công khó của họ. Tôi nói với họ rằng: “Hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn”. Hãy hầu việc Chúa cách dư dật luôn! Hãy hầu việc Chúa cách dư dật luôn!

CHƯƠNG V
CON TIM BẰNG THỊT
****************************************
 
Nhiều người biết tôi về sau nầy cứ cho rằng tôi ở độc thân, họ nghĩ rằng tôi có trái tim bằng thép, không biết rung động, và bởi đó mỗi lần có người thích sống cho riêng mình, hoặc nói như một nhà văn: trong lúc mình có thể yêu nhiều người thì tội gì đi yêu một người, thì họ đem tôi ra để binh vực chủ nghĩa độc thân của họ.
Thậm chí có người sống phóng túng trong tình dục cũng đem tôi ra làm bình phong để sống một mình cho dễ phóng túng. Có người dùng lời tôi nói trong thư tôi gởi cho anh chị em trong Hội thánh tại thành Cô-rinh-tô để chủ trương còn nặng nề hơn. Trong thư đó tôi có nói: Luận đến các điều hỏi trong thư anh em, tôi tưởng đờn ông không đụng đến đờn bà là hay hơn. Câu nói của tôi đã được diễn dịch xa hơn thành: con là nợ, vợ là oan gia, chồng là tội báo, hoặc cho rằng: gái có chồng như cổ đeo gông. Nguy hiểm hơn nữa là có người dùng đời sống của tôi ‘không có vợ’ để chủ trương có vợ (hay chồng) là ô uế - một lời nói phạm thượng chống nghịch với Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết dựng nên gia đình cho loài người trong buổi sáng thế, không lẽ Chúa là Đấng Thánh lại ban cho con người một gia đình để ô uế sao?
Thật sự tôi là con người, phàm là con người thì tôi cũng có trái tim bằng thịt, nghĩa là tim tôi cũng biết rung động. Theo luật của dòng Pha-ri-si cho rằng người có gia đình sẽ sống rộng lượng hơn, khoan hòa hơn và luật Môi-se trong Ngũ Kinh thì Chúa ban cho con người mạng lịnh: Hãy sanh sản, thêm nhiều, và làm cho đất đầy dẫy, nên những người như tôi, thuộc dòng Pha-ri-si, muốn gia nhập vào Hội Đồng Quốc gia phải có gia đình sớm, theo luật định thì trai từ 18 tuổi trở lên được khuyến khích lập gia đình.
Tuy nhiên, tôi đã lập gia đình khi tôi chưa biết Chúa Jêsus, tôi chưa biết rằng tôi có trách nhiệm đem tình yêu thương của Đức Chúa Trời thể hiện qua sự chết chuộc tội và sống lại của Chúa Jêsus rao truyền cho dân tộc Y-sơ-ra-ên của tôi và mọi người trên thế giới, tôi cưới vợ vì mưu đồ danh lợi của riêng tôi và tôi đã phải trả giá cho việc sai lầm của tôi, tôi lập gia đình không phải vì Chúa và cũng không vì tình yêu chân thật, chỉ vì cái đẹp, cái danh và cái lợi cá nhân. Bây giờ trong tôi đã hằn sâu một vết sẹo, không phải là dấu ấn. Người mà tôi cưới làm vợ đã có một quan niệm hẹp hòi dù nàng nói nàng kính sợ Đức Chúa Trời.
Trong những ngày lưu động từ nơi nầy sang nơi khác rao giảng danh Chúa Jêsus, nhiều lần trái tim tôi đã nhói đau khi nhìn thấy Sê-pha và các vị sứ đồ khác cùng với người vợ thân yêu của họ chung lòng chung sức phục vụ Chúa. Trong những lúc mệt mỏi vì công việc, vì bị vu cáo, vì những thất bại, vì bịnh tật cơ thể vốn yếu đuối của tôi, tôi thèm khát một bàn tay người vợ chăm sóc, một món ăn, một chén nước từ bàn tay thân yêu nấu nướng cho tôi; tôi thèm khát một người vợ ngồi nhẫn nại nghe tiếng than từ đáy lòng tôi để cảm thông ngoài Chúa không ai có thể cảm thông được.
Tôi thấy anh Sê-pha có một mái nhà, có một người mẹ vợ già biết giúp anh phục vụ Chúa Jêsus; một người vợ biết im lặng giấu mình sau anh lo cho anh được rảnh tay hết lòng hết thì giờ cho công việc mở mang vương quốc của Chúa. Thật sự tôi cũng không biết tên vợ của anh Sê-pha, chị ấy giống như vợ của vị lãnh tụ nổi tiếng của người Y-sơ-ra-ên chúng tôi là Giô-suê, dù không được ai biết nhưng tôi tin rằng Chúa biết và lời Chúa phán: phần của người ra trận và người giữ đồ vật phải bằng nhau - ngựa anh đi trước, kiệu nàng phải theo sau – vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình.
Cũng có người hiểu lầm hoặc cố ý giải thích theo ý riêng câu nói của tôi trong thư gởi cho Hội thánh tại Cô-rinh-tô rằng: Tôi muốn mọi người đều được giống như tôi, và họ không quan tâm đến những gì tôi viết tiếp theo: song mỗi người đã được ban riêng cho mình bởi Đức Chúa Trời, người nầy thể nầy, kẻ kia thể khác. Đức Chúa Jêsus đã ban riêng cho tôi chịu khổ vì Chúa, có lẽ để gặt cái hậu quả bắt bớ đàn áp Hội thánh của Ngài – gieo giống chi thì gặt giống ấy mà, một trong những cái chịu khổ là sống cô đơn trong cái khổ, ôm cái khổ một mình không chia bớt được với ai. Cuộc sống một mình không phải dễ chịu nếu không bởi ơn kêu gọi của Chúa, như Chúa Jêsus đã phán khi các anh em sứ đồ cho rằng phận người nam phải chung thủy với vợ không được li dị thì thà không cưới vợ là hơn: Chẳng phải mọi người đều có thể lãnh được lời nầy, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi.
Tôi thành thật nhận rằng tôi có trái tim bằng thịt và biết rung động! Nhưng vì để hoàn thành mục đích kêu gọi của Chúa Jêsus trên đời sống của tôi, tôi đã dâng trái tim của tôi cho Chúa rồi. Nếu không vì sự kêu gọi đó, tôi đã ngã lòng rồi.
Trái tim của tôi bằng thịt, nên tôi cũng nhớ đến đứa con của tôi. Người cha nào không thương con!? Ngày tôi được Hội thánh tại An-ti-ốt cử đi truyền giáo cùng với anh Ba-na-ba, tôi gặp được Mác là cháu của anh ấy đã tháp tùng cùng chúng tôi. Tôi nhìn thấy Mác như nhìn thấy con của tôi, bao nhiêu thương nhớ dành cho đứa con, tôi đã dành cho Mác. Nhưng Mác đã làm tôi thất vọng đến nổi nóng, chỉ đi được một chặng đường, gặp vài sóng gió trong công việc, Mác đã ngã lòng bỏ chúng tôi và vội trở về với mẹ tại Giê-ru-sa-lem.
Cảm ơn Chúa, ngày tôi đến Lít-trơ, Chúa cho tôi lại có một đứa con đức tin khác, tên là Ti-mô-thê. Dù cha là người lính Hi Lạp đã hi sinh, nhưng Ti-mô-thê được mẹ và bà là người Giu-đa tin Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế dạy dỗ rất tốt về đức tin trong Chúa Jêsus. Khi biết tôi muốn đem Ti-mô-thê theo trên đường truyền giáo, mong ước đào luyện đứa con nầy trở thành người kế thừa chức vụ của tôi, mẹ và bà của Ti-mô-thê đầy lòng vui mừng dâng chàng trai trẻ nầy cho Chúa.
Tôi cũng nói với Ti-mô-thê rằng: Nếu con muốn trở nên người hầu việc Chúa Jêsus như Chúa dạy thì con hãy theo ta; còn nếu con nghĩ rằng hầu việc Chúa là để tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, một gia tài vật chất, thì thế giới nầy đã thặng dư rồi. Vui biết bao, chàng trai trẻ Ti-mô-thê đã hiểu và tình nguyện dâng mình cho Chúa.
Bao nhiêu năm, bao nhiêu chặng đường gian khổ, tôi làm chứng rằng không có ai như chàng trai trẻ Ti-mô-thê đồng tình với tôi để thật lòng lo cho anh em trong các Hội thánh, trong khi ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Chúa Jêsus Christ. Anh em các Hội thánh đều biết sự trung tín từng trải của Ti-mô-thê, và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy.
Con trai tôi thật có nhiều khả năng, có học thức vì mang gien của cha là người Hi Lạp, nhất là có lòng rất yêu mến Chúa. Khi biết những khó khăn trong chức vụ của tôi, con trai tôi thường thăm hỏi, chia sẻ vui buồn để an ủi tôi hầu như hằng ngày. Nhiều lúc công việc của tôi nhờ đứa con trai nầy chuẩn bị trước, giữ gìn cho tôi những sách mà tôi có được.
Ngày tôi bị Đế quốc La Mã bắt giam vì cớ rao giảng danh Chúa Jêsus, tôi đã luôn nhớ đến con trai Ti-mô-thê của tôi một mình đơn độc trong chức vụ tại thành Ê-phê-sô. Tôi biết con trai tôi đơn độc trong chức vụ vì những kẻ ghét tôi cũng ghét lây, cũng có người ganh tị những điều con trai tôi có được; cũng có người không thích vì đứa con nầy rất thẳng thắn không dung chịu những hình thức thiếu bề trong.
Tôi đã viết thư cho con trai tôi trong chức vụ như những lời trăn trối, ước mong chức vụ của tôi có một đứa con tiếp bước.

 

CHƯƠNG VI
LỜI ĐỂ LẠI
****************************

Người ta nói “lời người ra đi bao giờ cũng quan trọng và thành thật”, tôi nghĩ có lẽ đúng (?). Tôi cũng muốn ghi tiêu đề Chương nầy là “Lời Người Ra Đi”, nhưng nghĩ là việc mình ra đi có gì quan trọng, vì mình đi là về với Chúa. Vấn đề là có gì để lại không? Có người nói: Sống lâu hay chết yểu không quan trọng, vấn đề là trong lúc còn sống anh đã làm gì? Có một kịch sĩ nói: Anh sống trên đời làm ích lợi gì cho xã hội, mà chết đi rồi anh còn cản trở sự lưu thông, nghe mà hổ thẹn với lòng, với Chúa.
Vả lại người đời thì nói: Sinh Ký Tử Quy, sinh là gởi tạm trên đất, chết là trở về. Theo lẽ thường thì người ta bảo người gần qua đời là gần đất xa Trời, nhưng người tin Chúa Jêsus thì phải nói gần Trời xa đất. Tôi thường nói với anh em trong các Hội thánh mà tôi được đến thăm rằng được ở với Chúa là điều tốt hơn. Tôi đã trải qua nhiều lần tưởng đã về ở với Chúa: những lần đau bịnh tưởng đã gặp Chúa, vì có những người chung quanh tôi bịnh nhẹ hơn tôi, có điều kiện chữa trị đầy đủ hơn tôi, nhưng đã đi trước tôi; những lần bị tù đày vì Chúa, những người trong tù cho rằng tôi không thể sống sót, nhưng rồi Chúa biết sự sống của tôi còn ích lợi cho nhiều người, nên tôi vẫn còn sống đến bây giờ.
Trong bức thư thứ nhất gởi cho con trai trong chức vụ, tôi nhắc con nhớ rằng mục đích của chức vụ giảng dạy lời Chúa ấy là sự yêu thương, lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra. Có nhiều người dự phần vào chức vụ lúc đầu thật có những yếu tố đó, nhưng rồi về sau xoay bỏ mục đích ban đầu, đi tìm những lời vô ích, muốn được làm thầy mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết. Tôi nhắc con tôi nhớ rằng lỗi lầm lớn nhất đời người là muốn làm thầy người khác, đó là lý do Chúa Jêsus dạy đừng để ai gọi mình bằng thầy, chính Chúa Jêsus cũng phán Ngài không gọi người tin Ngài là đầy tớ nhưng gọi là bạn hữu, bạn thân của Ngài.
Lỗi lầm xảy ra trong chức vụ là vì những người làm chức vụ không hề có kinh nghiệm được cứu, được đổi mới, biết ơn Chúa Jêsus Christ đã cứu ra sao. Tôi đã làm chứng lại đời sống của cá nhân tôi trước khi tin Chúa Jêsus vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ đàn áp những người tin theo Chúa Jêsus cách hung bạo, đánh đập, tù đày, chém giết là những hành động hằng ngày của tôi. Tôi cũng làm chứng thế nào Chúa Jêsus đã lấy ân điển cứu tôi.
Tôi biết dù là con đức tin, con trong chức vụ, nhưng Ti-mô-thê thật yêu thương tôi như con với cha, tuy chưa bao giờ tôi nghe được tiếng gọi “cha” từ đứa con nầy. Tôi tôn trọng sự thầm lặng đó, nhưng trong thâm tâm tôi lúc nào cũng chờ đợi được nghe. Trong bức thư thứ nhất nầy tôi khuyên con tôi lấy sự cầu nguyện để tha thứ ngay cả kẻ đã giam cầm, sắp giết ‘cha chức vụ’ của mình.
Điều tôi đầy lòng lo lắng là việc điều hành Hội thánh với bao phiền phức, đối diện với bao hạng người, kể cả những người có chức vụ, mà Ti-mô-thê lại còn quá trẻ thiếu kinh nghiệm.
Bức thư thứ hai tôi viết khi tôi sắp ra pháp trường của Đế quốc La Mã chịu rơi đầu vì danh Chúa Jêsus. Cảm ơn Chúa cho tôi là còn được viết bức thư nầy cho đứa con trong chức vụ. Tại sao? Vì chắc chắn trong lòng Ti-mô-thê có rất nhiều khủng hoảng trước cái chết sắp xảy đến cho tôi. Vốn bản tánh có chút rụt rè, nhút nhát, lại nghe tin tôi là người Ti-mô-thê luôn xem như chỗ dựa của chức vụ, nhiều lần còn nói với tôi rằng tôi là một ‘anh hùng’ của con nữa (tôi lấy làm xấu hổ khi con tôi nói như vậy).
Tôi nói với con tôi rằng: “Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và giè giữ”. Dù có nhiều người cho rằng họ chịu sung sướng do hầu việc Chúa thì cũng đừng lấy ý đó làm hổ thẹn khi thấy tôi chiụ khổ, vấn đề là chúng ta chỉ được chịu khổ vì Tin Lành mà thôi, vì sự kêu gọi của Chúa Jêsus cũng bao gồm kêu gọi để chịu khổ vì Chúa nữa. Nhiều người thuộc thế hệ của tôi, sau tôi đã hiểu lầm để rồi họ bị dẫn dụ theo một tà giáo Tin Lành Thịnh Vượng, nên cho rằng đi hầu việc Chúa sẽ vinh thân phì da, do đó khi gặp sự cực khổ, bắt bớ thì liền vấp phạm. Có nhiều người đã đi sai mục đích rao giảng danh Chúa Jêsus mà họ đã có từ lúc đầu được gọi, cái nguy hiểm là lý lịch quá khứ như những người đến nói với Chúa rằng: chúng tôi chẳng từng nhơn Danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? Nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? đối với Chúa thì chỉ là con số không, những lý lịch quá khứ đã che mờ hiện tại của người đó với mọi người chung quanh.
Tôi biết rằng mỗi thế hệ sẽ qua đi. Người đời không biết Chúa cũng có câu nói cần học: “Danh vị lớn không nên mang lấy mãi, công việc lớn không nên gánh mãi. Quyền thế lớn không nên giữ mãi. Uy thế lớn không nên bám mãi, cho nên tôi khuyên con tôi phải biết đào tạo những thế hệ kế thừa, lãnh đạo là đào tạo, lãnh đạo thành công khi nào mình ra đi vẫn có người tiếp nối và công việc bền vững. Tôi nói với con tôi: những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.
Rất tiếc con tôi lớn lên trong chức vụ ít thấy những bậc ông cha âm thầm hi sinh, chỉ nghe nói lại những bậc lãnh đạo nổi tiếng, giống như ngoài thế gian người ta chỉ biết những vị chỉ huy mà không biết đến những người lính hi sinh, nhất tướng công thành vạn cốt khô. Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi con tôi hãy cùng tôi chịu khổ như một người lính giỏi của Chúa Jêsus Christ, nếu có được làm sĩ quan của Chúa thì hãy coi đó là ân huệ của Chúa, nhưng lòng của vị sĩ quan đó bao giờ cũng phải là một người lính giỏi của Chúa.
Tôi biết con tôi và các thế hệ sau phải sống trong một thời đại mà Chúa Jêsus đã nói trước: ti ác sẽ thêm nhiều, lòng yêu mến Chúa của nhiều người sẽ nguội lần, nghĩa là thế hệ hầu việc Chúa của con tôi sẽ đối diện với nhiều cám dỗ hơn, nhiều tội lỗi hơn nên sẽ dễ vấp ngã hơn. Nói như vậy không phải để bào chữa khi mình vấp ngã, nhưng để tỉnh thức. Và con ơi, người chưa tin Chúa có những câu mà con cần học:
·         Trên đường đời không vấp ngã là điều tốt, nhưng vấp ngã mà đứng dậy được là điều tốt hơn.
·         Đừng sợ thất bại. Lần thứ nhất thất bại cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí của ta thêm cứng cáp; lần thất bại thứ hai có ích lợi; lần thứ ba mà ta vẫn đứng vững, thì ta thật sự là một con người. Anh sẽ như chùm nho chín trên đá sỏi không có thứ nho nào ngọt hơn.
·         Không phải người nào có tài năng đều thành công hết; nhưng không có người nào thiếu tài năng mà thành công được lâu bao giờ.
·         Điều cần thiết ở đời không phải là biết lợi dụng những thắng lợi, kẻ ngu nào cũng biết. Nhưng biết lợi dụng những thất bại mới là điều cần thiết. Muốn được như vậy thì phải thông minh. Chính cái thiên tư đó phân biệt người khôn với kẻ ngu.
·         Đời anh không phải là một đường thẳng mà là một đoạn thẳng. Ngay bây giờ hãy làm một đoạn thẳng nữa xuất phát từ điểm gãy hôm nay
Còn Lời Chúa dạy trong sách Châm ngôn 24:16, người công bình dầu ngã bảy lần, cũng chổi dậy. Tôi đã nhìn thấy nhiều người trong chức vụ đã vấp ngã, trong đó cũng có cá nhân tôi, có người đã nằm dài, có người ngồi dậy được; cũng có nhiều người vấp nhưng không chịu ngã và tưởng rằng không ai biết như vua Sau-lơ đã ngã hai lần nhưng cấm không cho tiên tri Sa-mu-ên nói ra, cuối cùng cũng ngã trên chính lưỡi gươm của mình còn kéo theo các con. Chuyện là chuyện chổi dậy, không phải ngã hay không ngã.
Duy có điều nầy làm tôi chua xót là những người vấp ngã không được ai đỡ dậy, đôi khi còn bị đạp xuống thêm. Việc dừng lại và đỡ người vấp ngã dậy còn quan trọng hơn so với việc giành được vinh quang cho cá nhân. Thật sự, ai cúi xuống nâng người bị ngã thì sẽ vươn thẳng dậy, nâng người khác là tự nâng bản thân mình. Tôi đã vấp ngã từ một quá khứ yếu đuối mà nhiều người nhớ mãi, tôi đã vấp ngã vì bỏ chạy để cứu sự sống tại thành Đa-mách, và vấp ngã nhiều, nhưng anh Ba-na-ba đã được Chúa dùng để đỡ tôi đứng dậy, Anh đã gác lại mục đích riêng để giúp tôi đứng dậy. Thôi thì thay vì hận thù những người muốn đạp mình xuống, dù biết rằng vinh quang của mình phải đạp trên đau khổ của người khác là tội ác, tôi chia sẻ với người đã ngã rằng hãy kiếm một cách nào đó để tha thứ, vì đó là cách anh sống trong dời nầy.
Bây giờ, tôi để lại lời nầy cho con tôi là Ti-mô-thê:
“Gởi con trai Ti-mô-thê, dù chưa một lần con gọi tôi là cha, nhưng tôi vẫn xem con là con của tôi, một đứa con chức vụ.
Cha làm một người hầu việc Chúa là theo ý muốn của Đức Chúa Trời bởi sự kêu gọi của chính Chúa Jêsus Christ, cha quả quyết như vậy, mục đích để rao truyền sự sống trong Chúa Jêsus Christ cho mọi người.
Cha nhắc con nhớ rằng con được Chúa Jêsus cứu và kêu gọi phục vụ Ngài ấy là nhờ ân điển, nghĩa là cha con chúng ta không có giá trị gì đối với Chúa, nhưng vì yêu thương mà Chúa cứu và gọi chúng ta.
Cha muốn con luôn nhớ đến sự thương xót của Chúa, vì chúng ta vốn là yếu đuối, bao lần vấp ngã, nhưng Chúa vẫn chậm nóng giận chờ chúng ta ăn năn ngồi dậy, như bài hát mà cha tâm đắc:
Nhưng lòng Chúa quá bao la,
Dù cho bao phen con yếu đuối,
Thành tâm ăn năn thống hối,
Thì Ngài lại thứ tha.
Có lẽ con muốn hỏi cha về nhiều người vấp ngã mà làm như không vấp ngã và làm như không ai biết. Cha đã nói với con về vua Sau-lơ rồi, ông vẫn làm vua nhưng Đức Giê-hô-va đã từ bỏ Sau-lơ và một ác thần đã nhập vào để khuấy phá Sau-lơ. Cha nghĩ rằng đó là mối họa cho Hội thánh. Cha muốn con làm Đa-vít, người có tội, không phải chỉ có lỗi, nhưng biết ăn năn.
Cha muốn con đứng vững trên Lời Chúa là Kinh thánh là điều con đã học nơi cha, hãy giảng dạy điều Kinh thánh dạy, đừng giảng dạy ý riêng mình muốn nói như người đời dạy: hãy suy nghĩ điều con nói, đừng nói điều con nghĩ. Cha biết có rất nhiều người ngày nay chỉ ‘giảng, dạy’ (không biết có nên dùng hai động từ thiêng liêng nầy không) điều họ muốn nói, đưa ra một cách sống nào hợp thời, hoặc một kinh nghiệm cá nhân nghe dường như có thật, tiếc thay những điều đó không có thật trong đời sống cá nhân của họ, hoặc một cách tổ chức hay điều hành Hội thánh mà họ chưa bao giờ áp dụng. Mỗi lần giảng dạy, con phải cầm lấy Kinh thánh, bám chặt Kinh thánh, tuyên bố Kinh thánh phán, đó là uy quyền của chức vụ, chứ không phải là việc quát tháo, đi tới đi lui, làm một diễn giả hùng biện.
Cha được dạy rằng: Có những bài giảng đầy đủ là những bài giảng có đầu tư tài liệu; cũng có loại bài giảng hay vì diễn giả có tài hùng biện; còn loại bài giảng cảm động nữa, nghĩa là bài giảng đưa ra những hình ảnh bi thương hoặc diễn giả có tài diễn xuất, làm người nghe cảm động khóc được. Cha nói với con rằng đó không phải là những loại bài giảng Chúa muốn. Loại bài giảng Chúa muốn cha con chúng ta rao giảng là loại bài giảng có Thần quyền, tức là Chúa dùng để bắt phục người nghe làm gì cho Chúa. Dĩ nhiên, muốn bài giảng có Thần quyền thì cha con chúng ta phải sửa soạn đầy đủ, phải chuyên tâm tập luyện giảng, khi ấy Chúa mới ban quyền năng.
Kết quả giảng dạy Kinh thánh phải được thể hiện qua ích lợi của sự giảng dạy là người nghe được sự dạy dỗ, có lỗi thì bị cáo trách, có tội thì được sửa phạt, rốt lại là làm cho người nghe trở nên càng ngày càng giống Đức Chúa Trời trong sự công bình và thánh khiết của một người thuộc về Đức Chúa Trời.
Cha ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, để chuẩn bị cho ngày tái lâm của Chúa Jêsus Christ đến mau, cha khuyên con trung tín giảng dạy lời Chúa, hết lòng khuyên bảo dù gặp thời hay không gặp thời, dùng lòng yêu thương quở trách, khuyên bảo, nếu cần phải sửa trị thì sửa trị, không nản lòng nản chí, dù biết rằng quỉ dữ và vui thú thế gian sẽ làm mù mắt, che tai họ, họ sẽ thích nghe chuyện huyễn hoặc, phù phép hơn là lẽ thật từ Kinh thánh. Và nhất là cha mong tinh thần hết lòng rao giảng danh Chúa Jêsus đã ở trong cha sẽ ở trên con gấp đôi dù con phải chịu cực khổ làm công việc của người giảng Tin Lành.
Đời người sinh, lão, bịnh, tử, là con đường chung của cả thế gian, như vua Đa-vít đã nói với con mình là Sa-lô-môn, bây giờ cha cũng muốn nói với con. Vốn dĩ cha có một sức khỏe không tốt dù có bác sĩ Luca bên cạnh hi sinh săn sóc cho cha, chịu cực khổ những ngày tù đày vì Chúa, tuổi của cha cũng đã quá ‘tri thiên mệnh’ như người đời nói, cha biết kỳ qua đời của cha đã gần rồi. Cha để lại lời căn dặn nầy:
1.      Về cá nhân con, chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng hãy lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các thánh đồ. Cha rất muốn con đọc từ từ từng từ ngữ nói về những hành động làm gương, và nhất là làm gương cho các thánh đồ, không phải chỉ làm gương cho những người chưa biết Chúa. Dĩ nhiên là làm gương tốt! Con cũng phải chăm chỉ đọc sách để luôn tấn tới trong ân điển phục vụ Chúa trong một thế giới mà tiên tri Đaniên đã tiên báo: học thức sẽ được thêm lên; như lời bác Sêpha đã dạy: hãy thêm cho đức tin sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, và cứ thế thêm lên mãi…
2.      Về phần cha, cảm ơn Chúa đã ban ân điển của Ngài khiến cha đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Cha biết rằng Chúa đã để dành phần thưởng cho cha. Cha chỉ muốn con đừng lấy sự qua đời của cha làm buồn lụy. Cũng đừng giữ xác cha lại để người nầy kẻ kia tán dương hoặc gièm chê qua những bài gọi là bài giảng như cha thường nghe trong các tang lễ mà cha có dự, hoặc họ tán dương làm vinh hiển Chúa bị che mờ; hoặc họ tán dương những điều không có thật. Cha nhớ lời của một người hầu việc Chúa đã nói với Chúa: nếu trong ý muốn cho phép của Ngài, vinh dự đến với con từ Hội Thánh Ngài, thì xin đừng để con quên rằng ngay chính trong những giờ đó con không đáng giá chút nào với ân điển Ngài, và rằng nếu người khác biết con tường tận như con biết chính mình thì họ sẽ rút lại những vinh dự đó hay ban tặng cho những người khác xứng đáng nhận lãnh chúng hơn con…
Và cha mượn lời của người hầu việc Chúa đó để chấm dứt cuộc đời và những lời trên đất của cha: Rồi thì, ôi Chúa của con, khi con già yếu, kiệt sức và quá mệt mỏi để tiếp tục, xin hãy chuẩn bị cho con một chỗ ở trên nơi cao kia và hãy khiến con được ở chung nhóm với các thánh Ngài trong sự vinh hiển đời đời vô cùng. Amen.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết cũ hơn