Ê-Xơ-Tê

Ê-Xơ-Tê
I/. TÁC GIẢ SÁCH Ê-XƠ-TÊ: Không biết rõ tác giả là ai. Nhưng căn cứ vào nguyên văn Hi-bá-lai, có xen vào vài tiếng Ba-tư, tỏ ra tác giả là người Y-sơ-ra-ên nhưng có tiếp xúc với người Ba-tư. Câu chuyện trong sách tỏ ra tác giả biết rất rõ mọi việc xảy ra và tên các nhân vật trong sách. Do đó, có ý kiến cho rằng tác giả sách là Mạc-đô-chê.
-----------------

I/. TÁC GIẢ SÁCH Ê-XƠ-TÊ:
Không biết rõ tác giả là ai. Nhưng căn cứ vào nguyên văn Hi-bá-lai, có xen vào vài tiếng Ba-tư, tỏ ra tác giả là người Y-sơ-ra-ên nhưng có tiếp xúc với người Ba-tư.
Câu chuyện trong sách tỏ ra tác giả biết rất rõ mọi việc xảy ra và tên các nhân vật trong sách.
Do đó, có ý kiến cho rằng tác giả sách là Mạc-đô-chê.

II/. NIÊN HIỆU SÁCH Ê-XƠ-TÊ:
Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý sách Ê-xơ-tê được viết trong khoảng giữa sách E-xơ-ra đoạn 6 và đoạn 7, nghĩa là giữa khoảng thời gian xây cất Đền thờ đời Xô-rô-ba-bên với lần hồi hương của E-xơ-ra, tức là độ 40 năm sau khi Đền thờ được xây xong, và 30 năm trước khi  tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem.
Tổng kết thời gian như sau:
 
NĂM TC. SỰ KIỆN
536 Dân Y-sơ-ra-ên hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên
536 – 516 Đền thờ được xây lại
478 Ê-xơ-tê được làm Hoàng hậu
473 Ê-xơ-tê cứu dân Y-sơ-ra-ên
457 E-xơ-ra dẫn dân Y-sơ-ra-ên hồi hương
444 Nê-hê-mi xây lại vách thành
 
III/. SỰ QUAN TRỌNG CỦA SÁCH:
  1. Về phương diện Lịch sử:
Sách Ê-xơ-tê ghi lại biến cố quan trọng trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên: Dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi một lịnh diệt chủng!
Qua hai lần hồi hương với Xô-rô-ba-bạn (Exơra 2:64-67; Nêhêmi 7:66-69) chưa đến 50,000 người. Nhiều người Y-sơ-ra-ên đã sinh cơ lập nghiệp tại Ba-by-lôn và một số khu vực khác rải rác trong khắp Đế quốc Ba-by-lôn bao la, nên họ không muốn trở về chính quốc Y-sơ-ra-ên của mình.
Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng nhờ ảnh hưởng của Ê-xơ-tê với 15 năm trên ngôi Hoàng hậu, nên Nê-hê-mi đã có cơ hội tái thiết thành Giê-ru-sa-lem (Nêh. 2:1-8) vào đời vua Ạt-ta-xét-xe, là con riêng của vua A-suê-ru.
  1. Về phương diện kinh điển:
Sách Ê-xơ-tê được người Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh đầu tiên liệt vào một bộ với cách sách Ru-tơ, Truyền đạo, Nhã ca, và Giê-rê-mi.
  1. Về phương diện Tôn giáo:
Hằng năm người Y-sơ-ra-ên vẫn giữ Lễ Phurim (Ê-xơ-tê 9:26-28, Lễ Phurim nhằm ngày 14-15 tháng A-đa [tháng 12] Y-sơ-ra-ên) nhằm tháng 3 dương lịch, lúc sao (ngôi sao Ê-xơ-tê) bắt đầu mọc, thì người Y-sơ-ra-ên thắp nến, họp lại trong Nhà Hội, cầu nguyện, tạ ơn Chúa ngắn, đọc sách Ê-xơ-tê. Khi đọc đến tên Ha-man thì cả hội chúng Y-sơ-ra-ên la lên: Nguyện tên hắn phải bị xóa đi. Trong khi đó trẻ con chơi trò ném đá vào một bảng có viết tên Ha-man.
Cho đến ngày nay, người Y-sơ-ra-ên vẫn giữ Lễ Phurim, trong Lễ đó họ đọc sách Ê-xơ-tê.
IV/. ĐẶC ĐIỂM SÁCH Ê-XƠ-TÊ:
Đặc điểm của sách Ê-xơ-tê cũng như của sách Nhã ca là cả hai sách đều không chép Danh của Chúa. Có các ý kiến giải thích như sau:
  1. Trong lúc dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, dường như họ nghĩ Đức Chúa Trời không còn ở với họ nữa (Thi thiên 42:3, 10), nên Chúa cho phép sách Ê-xơ-tê được viết ra để chứng minh Chúa vẫn âm thầm ở giữa họ Theo Tiến sĩ Fausset.
  2. Mathew Henry nói: Nếu chúng ta không thấy Danh Đức Chúa Trời trong sách, nhưng chúng ta vẫn thấy ngón tay của Ngài trên dân Chúa.
  3. Ý kiến thứ ba: Vì sách nầy được viết ra trong thời kỳ nước Ba-tư cai trị, nội dung sách nói đến sự đắc thắng của người Y-sơ-ra-ên, nên có thể qua sự kiểm duyệt của người Ba-tư, người Ba-tư loại bỏ Danh Giê-hô-va. Tuy nhiên, họ đã không thể loại bỏ được công việc của Chúa.
  4. Theo J. Sidlow Baxter: “Danh Giê-hô-va đã được viết kín giấu 4 lần theo thể thơ chữ đầu (acrostic) và 1 lần cùng với Danh Ehyed [Ta là Đấng Tự Hữu]. Năm lần đó là: 1:20; 3:4, 13; 17:7, 5. Những Danh xưng nầy viết theo những phụ âm JeHoVah [JHWH]. Trong hai trường hợp đầu được dùng theo chữ đầu của từ ngữ và những trường hợp sau được dùng bằng chữ cuối cùng của các từ.
  5. Dù không viết rõ Danh Chúa nhưng 4:14 tỏ ra lòng tin cậy nơi sự chọn lựa của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên, Ngài không bao giờ bỏ họ
  6. Đoạn 4:16 và 9:31 đề cập đến sự kiêng ăn cầu nguyện là nói đến lời dạy của Đức Chúa Trời.
V/. BỐ CỤC:
Đề mục: SỰ BẢO HỘ
Câu gốc: 4:14
  1. DỰ BỊ BẢO HỘ – 1: -2:
    1. Ê-xơ-tê được ngôi Hoàng hậu – 1: - 2:20
    2. Mạc-đô-chê lập công – 2:21-23
  2. NHU CẦN BẢO HỘ – 3:
    1. Vì lòng kiêu ngạo của Ha-man – 3:1-6
    2. Vì lịnh diệt chủng tuyển dân – 3:7 - 15
  3. BẰNG CHỨNG SỰ BẢO HỘ – 4: -10:
    1. Tiêu diệt kẻ thù – 4: - 9:
    2. Tôn trọng người tin cậy – 10:
Chúng ta cũng có thể chia Bố cục theo thời điểm ba bữa tiệc quan trọng trong sách:
  1. Đại Tiệc của vua A-suê-ru – 1: - 2:
(Ê-xơ-tê lên ngôi Hoàng hậu)
  1. Đại Tiệc của Ê-xơ-tê – 3: 7:
(Haman chết)
  1. Đại Tiệc của dân Y-sơ-ra-ên – 8: - 10:
(Lễ Phu-rim, dân Y-sơ-ra-ên đắc thắng)
Sách Ê-xơ-tê là sách viết theo thể ‘Kịch’
VI/. NHỮNG NHÂN VẬT ĐÁNG NHỚ:
  1. Vua A-suê-ru:
Sách bắt đầu bằng sự giới thiệu tên vua A-suê-ru là người cai trị 127 tỉnh từ Ê-thi-ô-bi đến Ấn Độ.
Lúc đầu những người học Kinh Thánh không biết vua A-suê-ru là ai, sau nhờ một sinh viên Đại học Gưttingen, tên là Goerge Friedrich Grotefend nhẫn nại tìm cách giải thích những thủ bản tìm thấy ở thành phố Ba-tư cổ là Persepotis, tên con trai của Đa-ri-út được giải ra là Khshayarsha, dịch sang Hi-văn là Xerxes, dịch từng chữ sang tiếng Hi-bá-lai là Akhashverash, trong Anh ngữ là Ahasuerus. Như vậy tên Ahasuerus đọc theo âm tiếng Ba-tư, cai trị đế quốc Ba-tư từ 485 – 465 TC.
Ahasuerus nầy đã ra lịnh xây một chiếc cầu ngang eo biển Hellespont để vua kéo quân sang tấn công quân Hi-lạp. Nhưng chiếc cầu bị gió bão phá hủy. Vua Ahasuerus tức giận mù quáng ra lịnh đánh 300 roi trừng phạt biển, cho làm một cặp xiềng sắt ném xuống biển để xiềng biển lại, sau đó cho chặt đầu tất cả những người xây cầu. Đây là cuộc viễn chinh đánh người Hi-lạp nổi tiếng của vua Ahasuerus.
Đại Tiệc trong Ê-xơ-tê 1: là dịp vua lập kế hoạch đi đánh Hi-lạp vào năm thứ 33 trị vì của vua. Kế hoạch nầy chuẩn bị 4 năm. Vua đã dẫn 5 triệu quân viễn chinh (giữa đoạn 1 và đoạn 2). Vua A-suê-ru bị thảm bại tại Thermopylae và Salamis.
Bốn năm sau (2:16) so với 1:3, A-suê-ru chọn Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu (2:16), có lẽ để tìm sự an ủi sau khi bại trận.
  1. Ê-xơ-tê:
Ê-xơ-tê là một cô gái mồ côi người Y-sơ-ra-ên, con của A-bi-hai (2:13), cậu của Mạc-đô-chê bị phu tù tai Ba-tư. Ê-xơ-tê được mạc đô chê nuôi dưỡng (2:7).
Tên của Ê-xơ-tê theo tiếng Ba-tư có nghĩa là Ngôi Sao; tên Hadassah tiếng Hi-bá-lai có nghĩa là Cây Mía.
Ê-xơ-tê được tuyển chọn làm Hoàng hậu thay cho Hoàng hậu bị truất phế Vả-thi.
Ê-xơ-tê có những đặc điểm như sau:
  • 2:7, xinh đẹp
  • 2:15, khiêm nhu, không chú trọng chưng diện
  • 4;16; 7:6, can đảm vì tin cậy Chúa.
  • 7:3-4, yêu thương dân tộc mình (người Y-sơ-ra-ên)
Hoàng hậu Ê-xơ-tê làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Đấng binh vực, cầu thay cho người tin Chúa (Rôma 8:31-39)
  1. Haman:
Bắt đầu đoạn 3 xuất hiện một nhân vật hoàn toàn tương phản với Ê-xơ-tê trong đoạn 2, đó là Ha-man, được gọi là “kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên (3:10b; 8:1; 9:10, 24)
3:1 cho thấy câu chuyện giữa đoạn 3 là 5 năm sau khi Ê-xơ-tê được làm Hoàng hậu (so với 2:16).