17:13 EDT Thứ sáu, 26/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thánh kinh Thông lãm

Ma-la-chi

Thứ năm - 25/04/2013 05:41
Ma-la-chi

Ma-la-chi

I/. TÁC GIẢ: 1. Tên: Tên Ma-la-chi có nghĩa là Sứ Giả của Ta (3:1), hay Sứ Điệp của Ta. 2. Nghi đề: Có vài ý kiến cho rằng Ma-la-chi (Mal’àkhì) chỉ là chức vụ, không phải tên riêng. Đa số đều nhận Ma-la-chi là tên nhân vật
-------------------

I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:
Tên Ma-la-chi có nghĩa là Sứ Giả của Ta (3:1), hay Sứ Điệp của Ta.
2. Nghi đề:
Có vài ý kiến cho rằng Ma-la-chi (Mal’àkhì) chỉ là chức vụ, không phải tên riêng.
Đa số đều nhận Ma-la-chi là tên nhân vật
Bản Targum (Cựu Ước tiếng A-ram) thì 1:1 ghi: “Bởi sứ giả là E-xơ-ra, văn sĩ” so với E-xơ-ra 7:6.
Cũng có ý kiến cho là do Nê-hê-mi viết, vì giọng văn vừa khoan hòa vừa cứng rắn (Mal. 1:2 so với Nêh. 1: - 2:; 1:8-9; 2: - 3: so với Nêh. 13:)
 
II/. NIÊN HIỆU:
Sách đề cập nhiều đến những vấn đề liên quan đến đền thờ như:
  • Đoạn 1:, việc dâng của lễ
  • Đaọn 2:, cuộc sống của thầy tế lễ
  • Đoạn 3:, luật lệ về đền thờ.
Như vậy, sách Ma-la-chi được viết ra trong lúc có đền thờ, hoặc còn đền thờ, nhưng tinh thần thì đã sa sút. Thời kỳ nầy chỉ có trong hai thời điểm của lịch sử Y-sơ-ra-ên:
  • Thời kỳ sắp bị lưu đày
  • Thời kỳ sau lưu đày, lúc Nê-hê-mi trở lại kinh đô Su-sơ (Nêh. 13:)
Thế thì thời kỳ nào thích hợp nhất?
Để giải quyết, chúng ta phải để ý một điểm nữa là Ma-la-chi không hề nói đến một vua nào, dù là vua của Y-sơ-ra-ên, của Giu-đa, hoặc của dân ngoại, như hầu hết các tiên tri tiền lưu đày.
Do đó, các nhà giải nghĩa Kinh Thánh thường chọn niên hiệu cho sách Ma-la-chi là sau khi hồi hương, tái thiết đền thờ xong, tức là sau A-ghê và Xa-cha-ri độ 100 năm.
Chúng ta lược qua các thời điểm đó:
  • 536 TC., chiếu lịnh của vua Si-ru: 50.000 người trở về với sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên (Exơra 1: - 2:)
  • 534 TC., đặt nền xây lại đền thờ, nhưng bị đình chỉ (Exơra 3:)
  • 520 TC., đền thờ được xây lại với sự hiệp tác của A-ghê và Xa-cha-ri (Exơra 5:; A-ghê 1:15)
  • 516 TC., đền thờ hoàn thành (Exơ-ra 6:15) sau 20 năm từ khi hồi hương
  • 457 TC., E-xơ-ra hướng dẫn cuộc hồi hương với 1.800 người (cùng vợ con và đày tớ), có đem theo thơ của Ạt-ta-xét-xe.
  • 445 TC., Nê-hê-mi về xây lại vách thành (Nêh. 2:1) nhằm năm thứ 20 đời trị vì của Ạt-ta-xét-xe.
  • 430 TC., Nê-hê-mi sau khi về kinh đô Su-sơ đã trở lại Giê-ru-sa-lem (Nêh. 13:6-7).
Và có lẽ Ma-la-chi đã có mặt trong thời kỳ nầy (nếu niên hiệu trễ, từ 420-397 TC.)
Có vài điểm cần lưu ý:
  • Dù vắng Nê-hê-mi (Nê-hê-mi về Su-sơ), nhưng nếuE-xơ-ra còn sống, thì trật tự thờ phượng khó sa sút.
  • Ma-la-chi 1:8 dùng chữ “Quan trấn thủ” không dùng ‘vua’. Nếu quan trấn thủ nầy là Nê-hê-mi, thì Exơra 4:14-15 cho biết nê-hê-mi không nhận quà biếu của bất cứ ai.
Hai ý kiến trên có thể được giải quyết là lúc Nê-hê-mi về Su-sơ, thì E-xơ-ra vắng mặt (già yếu, qua đời, ẩn dật, để sưu tập và viết Kinh Thánh Cựu Ước). Trong thời gian nầy, có thể có quan trấn thủ mới, và chúng ta cũng phải nhớ, bên cạnh Nê-hê-mi còn nhiều người phụ tá.
Người học sách Exơra thấy được hình ảnh của hai Tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri; người học sách Nê-hê-mi thì lại thấy hình ảnh của Tiên tri Ma-la-chi.
 
III/. SỰ LIÊN QUAN CỦA MA-LA-CHI:
  1. Liên quan đến Cựu Ước:
Ma-la-chi thường trưng dẫn Cựu Ước
  1. Sáng thế ký:
    • 1:2-3, câu chuyện thay đổi ngôi thứ của Ê-sau và Gia-cốp.
    • 2:15, sự dựng nên loài người, Ma-la-chi xác quyết Đức Chúa Trời chỉ hà sinh khí một lần cho A-đam mà thôi.Rồi từ đó có sự sống (sinh khí) di truyền ra. Đây là câu Kinh Thánh quan trọng để giải thích giáo thuyết về linh hồn di truyền.
  2. Lê-vi ký:
Hầu hết các vấn đề nêu ra trong Ma-la-chi đều là những vấn đề thuộc về sự thờ phượng trong đền thờ đã ghi trong sách Lê-vi ký:
  • Đoạn 1, dâng sinh tế (Lê-vi 1: - 7:)
  • Đoạn 2, Tư cách thầy tế lễ (Lê-vi 8: - 10:)
  • Đoạn 3:7-12, dâng 1/10 (Lê-vi 27:)
Dù chúng ta không biết rõ Ma-la-chi là ai, nhưng tác giả đã tỏ ra rất quen thuộc với công việc của một thầy tế lễ, nếu không muốn nói Ma-la-chi là thầy tế lễ hay dòng dõi tế lễ.
  1. Với nhân vật Cựu Ước: 4:4-5
Đặc biệt sách Ma-la-chi nói đích danh hai nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, có hoạt động trực tiếp với dân sự là Môi-se và Ê-li. Chẳng những nói đến mà còn nêu ra nét đặc thù của hai nhân vật nầy.
  • Môi-se với luật pháp, tiêu biểu thời kỳ luật pháp
  • Ê-li với lời giảng quở trách, tiêu biểu thời kỳ tiên tri.
Đối với dân Y-sơ-ra-ên thì hai nhân vật nầy rất quen thuộc và được kính trọng.
Điểm đáng chú ý là đã đặt vào phần kết thúc của sách với hai nhân vật nầy, chú ý bao gồm tất cả sứ điệp của Cựu Ước.
  • Với một Môi-se, Ma-la-chi muốn nhắc lại 2 điều: Cựu Ước là giao ước của luật pháp; Cựu Ước ghi lại tình trạng phạm pháp của dân Y-sơ-ra-ên và của cả nhân loại.
  • Với một Ê-li, sách Ma-la-chi rao báo về sự hình phạt, đồng thời cũng rao báo một con đường mới sẽ mở: “Con đường Ân Điển trong Tân Ước”.
  1. Liên Quan đến Tân Ước:
  1. Bắt đầu Tin Lành:
So sánh giữa Mathiơ 3:3 với Mác 1:1-3, chúng ta thấy sách Ma-la-chi đã được Đức Thánh Linh dùng để bắt đầu Tin Lành trong Tân Ước, một vị trí hết sức quan trọng, vừa kết thúc Cựu Ước với ý tưởng không phải là chấm dứt mà là chuyển tiếp, vừa bắt đầu giới thiệu Tân Ước
  1. Sự kiện hóa hình:
Mathiơ 17:3 (Mác 9:5; Luca 9:30) nhắc đến hai nhân vật là Môi-se và Ê-li của Ma-la-chi 4:4-6. Chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà có sự cai trị của Đức Thánh Linh.
Do đó, chúng ta thấy sách Ma-la-chi dù có 4 đoạn ngắn (nhất là đoạn 4), nhưng là một sứ điệp không thể thiếu để chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước.
  1. So sánh với toàn bộ Kinh Thánh:
Dù sách Ma-la-chi ngắn (chỉ 4 đoạn), nhưng trải ra so với toàn bộ Kinh Thánh trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho con người, cho dân Y-sơ-ra-ên, thật rõ ràng, thật tương hiệp kỳ diệu.
 
MA-LA-CHI KINH THÁNH Ý NGHĨA
1:1-5 Sáng thế ký Chương trình yêu thương sáng tạo loài người (hay dân Y-sơ-ra-ên)
1:6 – 3:12 Sáng thế ký 3: đến hết Cựu Ước Tội lỗi của loài người (và của Y-sơ-ra-ên) chống nghịch Đức Chúa Trời
3:13 – 4: Tân Ước Sự cứu rỗi cho loài người và Y-sơ-ra-ên

IV/. BỐ CỤC:
Đề mục: DÂNG CỦA LỄ
Câu gốc: 3:4
  1. Lý Do Dâng Của Lễ: 1:1-5
  1. Vì Lời Chúa dạy: 1:1
  2.  Vì được Chúa yêu: 1:2-5
    1. Cách Dâng Của Lễ: 1:6 – 3:12
  1. Phẩm chất của lễ: 1:6 – 3:6 (Phải trọn vẹn từ sinh tế đến người dâng)
  2. Định lượng của lễ: 3:7-12 (tối thiểu 1/10)
    1. Phước Hạnh Dâng Của Lễ: 3:13 - 4:
  1. Được Chúa nhớ đến: 3:13-18
  2. Được vui mừng: 4:
GIẢI THÍCH BỐ CỤC:
Sách Ma-la-chi dành phần lớn nói về vấn đề dâng của lễ (1:6 – 3:12), cho nên chúng ta cũng có thể đặt làm đề mục cho cả sách.
  1. Lý Do Dâng Của Lễ: 1:1-5
  1. Vì Lời Chúa dạy: 1:1
Lời Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên qua sứ điệp của Ma-la-chi, như đã nói, là chỉ đề cập vấn đề dâng của lễ. Lời nầy được mô tả như một gánh nặng.
Gánh nặng nầy là gánh nặng về Lời Chúa phải rao ra, không phải gánh nặng về tội lỗi, hay sự phán xét như trong Ê-sai 13:1; Na-hum 1:1, hoặc Ha-ba-cúc 1:1,.
Vì vậy, sự dâng của lễ là chính Chúa bắt buộc phải rao giảng và bắt buộc phải thi hành.
  1.  Vì được Chúa yêu: 1:2-5
Lời Chúa tuyên bố cách khẳng định: “Ta yêu các ngươi!” Và Chúa đã chứng minh tình yêu đó bằng câu chuyện Gia-cốp là một người không đáng yêu mà lại được yêu.
Gia-cốp, một người lừa anh, gạt cha.Tên của Gia-cốp đã nói lên điều đó (Sáng. 25:26). Người đáng được yêu, được phước đáng lẽ là Ê-sau, nhưng Đức Chúa Trời đã yêu Gia-cốp, một đối tượng không đáng yêu và đã ban phước cho ông đến nỗi “Mắt các ngươi sẽ thấy” (1:5)
  1. Cách Dâng Của Lễ: 1:6 – 3:12
Trong phần Kinh Thánh nầy, Đức Giê-hô-va đòi hỏi của lễ dâng cho Ngài phải có 2 điều kiện về “Phẩm” và “Lượng”
  1. Về “Phẩm” chất: 1:6 – 3:6
Của lễ dâng cho Chúa phải là sinh tế thánh sạch, trọn vẹn: không mù, không què, không bịnh (1:8), không phải là của cướp (1:13)
Không thể lừa dối Chúa (1:14 so với Công vụ 5:1-11)
Chẳng những sinh tế có phẩm chất tốt, mà người dâng của lễ cũng phải là người thánh:Thánh trong đời sống riêng (sống theo Lời Chúa dạy – 2:8), tốt trong gia đình (2:13-16), tốt với những người chung quanh (3:5).
  1. Về định lượng: 3:7-12
Mức định lượng tối thiểu là 1/10(Mal. 3:10). Lời Chúa nói rõ là 1/10, ít nhất là 1/10.
Nếu chúng ta so sánh với Tân Ước, thì Chúa lại đòi hỏi cao hơn:
  • Luca 21:4, dâng hết của mình có
  • Rôma 12:1, dâng chính thân thể mình cho Chúa
  1. Phước Hạnh dâng của lễ:
Cảm ơn Chúa, vì phần cuối sách Ma-la-chi đã nói đến phước hạnh mà Chúa sẵn ban cho người dâng của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời (3:4)
  • Chúa sẽ đổ phước xuống không chỗ chứa (3:10)
  • Chúa sẽ ban cho cuộc sống vật chất thinh vượng (3:11-12)
  • Chúa sẽ nhớ đến họ. Chữ “nhớ” được nói rõ: Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện, họ sẽ thuộc về Chúa, sẽ làm cơ nghiệp cho Chúa, làm con trai của Chúa (Hãy hiểu con trai như là con quý trọng, không nên hiểu lầm Chúa không yêu thương phái nữ – Ê-sai 49:15).
  • Mặt trời công bình sẽ mọc lên cho họ, trở nên sáng láng, vui mừng, mạnh mẽ (Êph. 5:8-14)
Chúng ta đã đi qua loạt bài về các sách tiên tri, Nếu nhìn lướt qua, hình như đều là những lời quở phạt. Nhưng thật ra đó là cái roi sửa phạt của một người cha nhân từ (Hêb. 12:5-11)
Chứng tích của tình yêu thương Cha đối với con đã thể hiện ngay trong sách Ma-la-chi:
  • Bắt đầu tuyên bố yêu thương
  • Diễn giải những sai lầm cần sửa
  • Kết thúc với vui mừng và hi vọng
TIN LÀNH LÀ NHƯ THẾ!
Một sứ giả Tin Lành nhất định phải như thế. Nếu vậy, chắc chắn Chúa sẽ đẹp lòng mà gọi chúng ta là MA-LA-CHI! SỨ GIẢ CỦA TA!


 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: Ma-la-chi
Đổng Ngọc Hải - 07/05/2017 12:24
cho xin bài giảng về sách Ma-la-chi Chủ đề: DÂNG CỦA LỄ
Câu gốc: 3:4 hoàn chỉnh không ạ! xin Chúa ban ơn dư dặt trên đầy tớ Chúa
Luan Y - 18/03/2017 17:45
KHAM PHA LOI CHUA VA DE GAN CHUA HON

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn