23:59 EDT Thứ sáu, 26/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thánh kinh Thông lãm

Xa-cha-ri

Thứ năm - 25/04/2013 05:13
Xa-cha-ri

Xa-cha-ri

I/. TÁC GIẢ: Tên: Tên Xa-cha-ri có nghĩa là: Đức Giê-hô-va đã nhớ đến. Gia thế: Xa-cha-ri là con trai của Ba-ra-chi, cháu của Y-đô (Ê-xơ-ra 5:1; 6:14) Về Y-đô, có 2 điều cần nói đến:

--------------------

 I/. TÁC GIẢ:
  1. Tên:
Tên Xa-cha-ri có nghĩa là: Đức Giê-hô-va đã nhớ đến.
  1. Gia thế:
Xa-cha-ri là con trai của Ba-ra-chi, cháu của Y-đô (Ê-xơ-ra 5:1; 6:14)
Về Y-đô, có 2 điều cần nói đến:
  1. II Sử 12:15; 13:22, nói đến Y-đô là đấng tiên kiến, cũng là nhà chép sử cho các vua Giu-đa.
  2. Nêh. 12:4, 12-16, Y-đô thuộc họ Lê-vi, dòng dõi thầy tế lễ, và Xa-cha-ri cũng thuộc dòng dõi thầy tế lễ.
Như vậy, Xa-cha-ri là người có gia thế cao trọng, có nhiều điều kiện gần gũi với Chúa, nhất là trong vấn đề liên quan đến đền thờ.
Qua những dòng gia thế, chúng ta biết Xa-cha-ri là người sống thời hậu lưu đày (1:1, năm thứ hai đời Đa-ri-út – 520 TC.). Có lẽ Xa-cha-ri được sinh ra và lớn lên trên đất Ba-by-lôn và đã hồi hương với E-xơ-ra để góp phần xây lại đền thờ.

II/. NIÊN HIỆU:
Có 3 niên hiệu được ghi trong sách với 3 sự kiện quan trọng khác nhau:
  1. Đoạn 1:1, Tháng 8, năm thứ hai, đời Đa-ri-út:
Chức vụ của Xa-cha-ri bắt đầu vào thời điểm nầy, tức là sau A-ghê độ 2 tháng (A-ghê 1:1, ngày 1 tháng 6), và trước khi A-ghê chấm dứt chức vụ độ 1 tháng (A-ghê 2:10, 20)
Thời gian nầy, Xa-cha-ri đã giảng với lời kêu gọi dân Chúa quay về thờ phượng Chúa.
  1. Đoạn 1:7, Ngày 24 tháng Sê-bát (tháng 11), năm thứ hai đời Đa-ri-út:
 Đây là thời điểm Xa-cha-ri thấy các dị tượng ghi từ 1:7 đến đoạn 6:
  1. Đoạn 7:1, Ngày 4 tháng Kít-lêu (tháng 9), năm thứ tư:
Niên hiệu nầy ghi lại sự kiện qua Xa-cha-ri, Đức Chúa Trời đã trả lời một số câu hỏi của các đại diện cho người Giu-đa về việc kiêng ăn trong tháng 5 như lệ định (7:3)
Tổng cộng chức vụ của Xa-cha-ri đã kéo dài 2 năm: từ năm thứ hai đến năm thứ tư đời vua Đa-ri-út, nghĩa là từ khi đền thờ được phép tiếp tục xây cất lại (Exơra 4:24) và suốt trong thời gian xây cất đó.

III/. VĂN THỂ:
Sách Xa-cha-ri đã dùng 3 loại văn thể:
  1. Văn giảng: 1:1-6
Xa-cha-ri đã bắt đầu phần giảng với bố cục rất chuẩn:
1:1-2   Nguồn gốc bài giảng
1:3       Mục đích bài giảng
1:4-6   Giải thích bài giảng
Tính chất bài giảng bao giờ cũng bao gồm 2 phương diện: kêu gọi và giải thích (lập luận), và Xa-cha-ri đã làm đúng như vậy.
  1. Văn Tự Thuật: 1:7 – 6:
Đây là phần Xa-cha-ri tự thuật những gì ông đã thấy với những từ ngữ: Ta thấy (1:18), ta ngước mắt lên (1:18), Ta xem (1:20), Ta ngước mắt lên và nhìn xem (2:1, 3:1; 4:2; 5:1; 6:1).
Đặc biệt trong phần Văn Tự Thuật nầy, Xa-cha-ri đã thuật lại những sự hiện thấy về các dị tượng (từ 7 đến 10 dị tượng tùy theo cách chia của các nhà giải kinh).
Lối Văn Tự Thuật dị tượng nầy giống như lối văn của Tiên tri Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên (hai Tiên tri Lưu đày).. Có 2 ý giải thích cách dùng Văn Tự Thuật theo lối dị tượng:
  1. Do ảnh hưởng lối văn của người Canh-đê với cách viết theo lối thần bí.
  2. Hoặc để tránh sự dò xét của người Ba-by-lôn đối với tinh thần hoài vọng quê hương của người Y-sơ-ra-ên.
  1. Văn Đối Thoại: 7: - 14:
Phần sứ điệp nầy là câu trả lời của Chúa nên giọng văn tự nhiên như một cuộc trò chuyện, không có tính chất cầu kỳ.

IV/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Dị Tượng:
  1. Người cỡi ngựa: 1:8-17.
Câu 10-11 giải thích ý nghĩa của dị tượng:
  • Những người cỡi ngựa là những sứ giả (thiên sứ) của Chúa.
  • Rất nhiều những màu sắc của ngựa xen lẫn
  • Cả đất yên lặng, nghĩa là tình trạng dân Giu-đa bị lưu đày chưa có dấu hiệu thay đổi như các tiên tri đã rao báo sau 70 năm thì họ sẽ được hồi hương.
  • Sự yên lặng nầy khiến các thiên sứ và Xa-cha-ri thắc mắc (1:12-13)
  1. Bốn Cái Sừng: 1:18-21
“Sừng” chỉ về sức mạnh, quyền thế (I Vua 22:11; Giê. 48:25; Mi-chê 4:13).
So với dị tượng của Đa-ni-ên (7:7-8; 8:3); thì ‘sừng’ chỉ về quyền lực của các đế quốc làm bá chủ thế giới (1:21), có liên hệ đến sự an nguy của dân Y-sơ-ra-ên.
  1. Dây Đo: 2:1-13
Tường thành có công dụng bảo vệ
Một Giê-ru-sa-lem mới được thạnh vượng (2:4) sẽ không cần tường thành vật chất, nhưng chính Chúa sẽ làm tường thành bằng lửa (2:5)
  1. Thầy tế Lễ Giê-hô-sua: 3:
Thầy tế lễ Giê-hô-sua làm hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên, là dân được chọn làm chức tế lễ, được đến gần Đức Chúa Trời.
Áo bẩn là tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên đã phạm, họ như cái đóm ra khỏi lửa (que củi cháy dở – Amốt 4;11), đáng lẽ đã bị diệt hoàn toàn, nhưng được thương xót (Ê-sai 6:13)
  1. Chơn Đèn Bằng Vàng: 4:
Trong sự hiện thấy nầy, ngoài chơn đèn bằng vàng, còn có hai cây Ô-li-ve ở hai bên.
4;14 giải thích hai nhánh Ô-li-ve đó là 2 chứng nhân (Khải huyền 11:4-13). Dầu Ô-li-ve dùng để thắp đèn (Xuất. 27:20), và pha chế làm dầu thánh.
Còn về “chơn đèn” thì được áp dụng theo hai cách:
  • Chơn đèn chỉ về chính Chúa Jêsus Christ (Giăng 8:12), vì Ngài là sự sáng)
  • Chơn đèn cũng chỉ về Hội Thánh (Khải huyền 1:13, 20). Về Hội Thánh, theo nghĩa hẹp là người Y-sơ-ra-ên (Cựu Ước), theo nghĩa rộng là cộng đồng Cơ-đốc nhân (I Côrintô 1:2)
Nhưng trọng tâm của dị tượng nầy là DẦU, dầu Ô-li-ve để thắp đèn. Vì luật lệ qui định đèn phải cháy luôn (Xuất. 27:21), và hai chứng nhân đều được xức dầu (4:14).Điểm nầy được nhấn mạnh trong 4:4 – “bởi Thần ta
  1. Cuốn Sách Bay: 5:1-4
Cuốn sách mô tả ở đây có kích thước lớn, vì 1cuđê = 0, 45m (từ cánh chỏ đến đầu ngón tay). Như vậy, cuốn sách có kích thước dài 9 mét, ngang 4,5 mét.
Cuốn sách bay là sách ghi sự rủa sả (Ê-xê-chi-ên 2:9-10; Khải huyền 10:9-11).
  1. Ê-pha: 5:5-11
Ê-pha là đơn vị đo lường lớn nhất dùng cho các vật khô, ước chừng 36,5 lít. Có lẽ ở đây vật nầy to hơn, vì một người có thể ngồi trong đó, nên Tiên tri mượn một đơn vị to nhất của người Y-sơ-ra-ên để nói đến, hoặc vật đó có hình như Ê-pha.
5:6b, Ê-pha hình bóng vật đo lường tội lỗi cả đất phải dùng đơn vị lớn nhất để đo.
Khối chì tròn là cái nắp hay dấu ấn để đóng khằn trên miệng Ê-pha.
Ê-pha chứa một người nữ (người đàn bà) làm hình bóng về sự gian ác (5:8).Điềm cần lưu ý là có thêm hai người đàn bà nữa (5:9), sự gian ác đã được thêm lên và chắp cánh. Chữ Trung quốc cũng dùng 3 chữ NỮ để chỉ chữ GIAN (gian ác = 姦).
Đất Si-nê-a tức là đồng bằng Ba-by-lôn (Sáng. 10:10). Thành tội ác nầy được nói rõ trong Khải huyền 17: - 18:
  1. Bốn cổ xe: 6:1-8
Núi bằng Đồng. “Đồng” chỉ về sự đoán phạt, cho nên sự hiện thấy nầy mang ý nghĩa về sự đoán phạt.Sự đoán phạt nầy là chắc chắn, vì ra từ Hai hòn núi. Số HAI (2) là số làm chứng.
Bốn cổ xe với 4 ngựa kéo có màu sắc khác nhau. Bốn màu nầy trùng hợp với 4 hướng [theo Dịch lý Đông phương]:
  • Màu đen, xanh dương = hướng Bắc
  • Màu trắng (từ ngữ “Ra Theo Nó” trong tiếng Hi-bá-lai cũng có nghĩa là “Hướng Tây”. Như vậy, con ngựa trắng nầy từ hướng Tây ra đồng lúc với con ngựa màu đen phía Bắc)
Còn lại 2 con ngựa:
  • Xám vá hay là đốm xanh lá cây (dappled gray)
  • Câu 7 chỉ về con ngựa hồng (hung đỏ)
Theo Dịch lý thì màu xanh lá cây thuộc hướng Đông, màu đỏ thuộc hướng Nam. Nhưng câu 6b-7 lại ghi ngựa xanh kéo đến phương Nam, mà không nói đến hướng của ngựa đỏ. Do đó, chúng ta thấy có sự phối hợp của 4 lực lượng chia làm hai phe:
  • Màu ĐEN có sự hỗ trợ của màu TRẮNG
  • Màu ĐỎ có sự hỗ trợ của màu XANH
Cuộc chiến tranh mang tính chất đoán phạt nầy đưa đến 2 kết quả. Theo Xa-cha-ri 6:8,
  • Lực lượng phương Bắc thắng
  • Làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời (Thần ta yên lặng)
  1. Ngày Tái Lâm: 14:
Đặc biệt trong đoạn 14 ghi lại quang cảnh ngày Chúa Jêsus tái lâm trong chặng thứ hai rõ ràng:
  1. Giờ tái lâm: 14:1-2
Ấy là lúc mọi nước kéo về bao vây Giê-ru-sa-lem.
  1. Địa điểm Chúa Jêsus tái lâm: 14:3-5a
Bàn chân của Chúa Jêsus Christ sẽ đặt trên núi Ô-li-ve. Núi ấy sẽ bị chia xé làm hai từ Đông sang Tây.
  1. Cảnh Trạng Chúa Jêsus tái lâm: 14:5b-12
    • 5b, Chúa Jêsus sẽ đến với các thánh (Khải huyền 19:11-14)
    • 6-7, có những biến động trong bầu trời
    • 8-11, Giê-ru-sa-lem được giải cứu
    • 12, khí giới sử dụng rất đặc biệt, khiến con người chết trước khi biết mình chết.
  2. Kết quả Chúa Jêsus tái lâm: 14:13-21
  • 13-19, các kẻ thù nghịch với Giê-ru-sa-lem và thù nghịch với Chúa Jêsus đều bị đoán phạt.
  • 20-21, Chúa được tôn thánh và Giê-ru-sa-lem được tẩy sạch.
V/. BỐ CỤC:
Đề mục: TRỞ LẠI
Câu gốc: 1:3
  1. Nhu cần trở lại: 1:1-6
  1. Vì Chúa kêu gọi: 1:1-3
  2. Vì bài học quá khứ: 1:4-6
  1. Tiến Trình trở lại: 1:7 – 6:
  1. Giải quyết quá khứ: 1:7-21 (các thế lực bị diệt)
  2. Việc làm cho hiện tại: 2: - 4: (Chúa bảo vệ và ban năng lực như đã ban cho Giê-hô-sua với Xô-rô-ba-bên)
  3. Bày tỏ về tương lai: 5: - 6: (sự đoán phạt hoàn thành)
  1. Kết Quả Trở Lại: 7: - 14:
  1. Giê-ru-sa-lem sẽ không còn sầu thảm: 7: - 8:
  2. Giê-ru-sa-lem sẽ không còn bị hà hiếp: 9: - 14:
    • Các nước hà hiếp Y-sơ-ra-ên bị phạt: 9: (9:8)
    • Giê-ru-sa-lem trở nên hùng mạnh: 10: - 12: (10:11-12)
    • Giê-ru-sa-lem được tẩy sạch: 13: (13:2, 9)
    • Giê-ru-sa-lem được Chúa cai trị: 14:3-4
    •  
VI/. SO SÁNH VỚI TÂN ƯỚC:
  1. So sánh với các sách Tin Lành:
 Sách Xa-cha-ri được trích dẫn nhiều trong thời kỳ cuối của Chúa Jêsus trên đất, từ khi Chúa Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem đến khi Chúa Jêsus chịu chết.
  • Mathiơ 21:4          Chúa Jêsus vào Giê-ru-sa-lem.
  • Mathiơ 26:31        các môn đồ bị tan lạc (Mác 14:27)
  • Mathiơ 27:10,       Tiền Giu-đa bán Chúa Jêsus
  • Giăng 19:37, Chúa Jêsus chịu chết sẽ sống lại và mọi người sẽ thấy.
Sự trích dẫn nầy tỏ ra Xa-cha-ri được mặc khải nhiều về sự đắc thắng, sự vinh hiển của dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ sau rốt.
Thật vậy, qua sứ điệp của Xa-cha-ri, chúng ta thấy Tiên tri chỉ nhắc đến quá khứ tội lỗi sẽ được trừ bỏ, mô tả một tương lai vinh hiển. Xa-cha-ri đã không nhìn vào sự thương khó của Chúa Jêsus Christ như một cớ đau buồn, nhưng như một bài ca đắc thắng, TOÀN THẮNG. BÀI CA TOÀN THẮNG nầy bắt đầu từ sự kiện vào Giê-ru-sa-lem vinh hiển, kết thúc với câu: CHÚNG SẼ NGÓ THẤY NGƯỜI MÀ MÌNH ĐÃ ĐÂM (Giăng 19:37 so với Xa-cha-ri 12:10).
  1. So với sách Khải huyền:
Chúng ta cũng có thể so sánh giữa sách Xa-cha-ri với sách Khải huyền để thấy sự tương đồng kỳ diệu:
 
XA-CHA-RI KHẢI HUYỀN Ý NGHĨA
1:1-6 1: - 3:1 Lời khuyên
1:7-13 4: - 18: Dị tượng và án phạt
14: 19: - 22: Chung cuộc
Đọc sách Xa-cha-ri, người đọc sẽ có cảm nghĩ như đọc sách Khải huyền: Khó hiểu các dị tượng, nhưng chắc chắn cũng sẽ có sự vui mừng vì,
  • Nhận được một lời khuyên ăn năn
  • Biết được số phận của kẻ thù nghịch là ma quỉ sẽ kết thúc.
  • Nhìn thấy được cảnh ToànThắng của Chúa Jêsus Christ và các thánh đồ.
 
 
 
Đề mục: TRỞ LẠI CÙNG CHÚA
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 1:1-6
Câu gốc: Xa-cha-ri 1:3
Mục đích: Một đời sống biết trở lại cùng Chúa bao giờ cũng là một đời sống phước hạnh.
 
I/. NGƯỜI CẦN TRỞ LẠI CÙNG CHÚA:
  • 1:3, Vậy ngươi khá nói cùng CHÚNG rằng: Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng CÁC NGƯƠI…
  • Niên hiệu ghi trong 1:1, Tháng tám năm thứ hai Đa-ri-út… cho chúng ta biết lời của Chúa đang phán với dân Y-sơ-ra-ên đang ở dưới sự cai trị của người Phe-rơ-sơ (Hay là người Mê-đi Ba-tư).
  • Tại sao dân Y-sơ-ra-ên bị người Phe-rơ-sơ cai trị? Lịch sử Kinh Thánh và Lịch sử thế giới đã ghi lại người Y-sơ-ra-ên bị dân Ba-by-lôn bắt lưu đày từ năm 606 TC. Đến năm 538 TC. người Phe-rơ-sơ hay người Mê-đi Ba-tư đã nổi lên đánh hạ được Đế quốc Ba-by-lôn, bởi đó dân Y-sơ-ra-ên đang bị người Ba-by-lôn lưu đày được chuyển sang cho người Phe-rơ-sơ cai trị.
  • Cũng chính vào năm đó, vua Si-ru của người Mê-đi Ba-tư đã ra chiếu lịnh cho phép dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương (II Sử 36:22-23; E-xơ-ra 1:1-4)
  • 1:1, vua Đa-ri-út nầy là người cai trị nước Phe-rơ-sơ từ năm 521-485 TC., là người đã hứa cho người Y-sơ-ra-ên tiếp tục hồi hương và tái thiết Đền thờ dưới sự chỉ huy của Xô-rô-ba-bên.
  • Trong thời gian tái thiết Đền thờ, Tiên tri A-ghê mà chúng ta đã học, chú trọng đến sự chểnh mảng của dân Chúa đối với việc xây dựng Đền thờ, còn Tiên tri Xa-cha-ri – 1:3, truyền lại mạng lịnh của Chúa kêu gọi dân Chúa ăn năn tội lỗi với Chúa.
  • Cho nên những chữ NGƯƠI, CÁC NGƯƠI trong câu gốc là Chúa đang phán với dân Y-sơ-ra-ên của Chúa.
  • Lời kêu gọi ăn năn tội nầy được bắt đầu bằng việc Chúa nhắc lại quá khứ của dân Chúa qua các tổ phụ họ trước lúc bị lưu đày đã không nghe lời dạy của Chúa, họ chẳng nghe, chẳng hề để ý đến. Những điều mà dân Chúa tỏ ra không vâng theo Lời của Chúa dạy là:
    • Trước khi bị lưu đày, dân Chúa phạm tội thờ lạy hình tượng (Giê-rê-mi 11:13; Ê-xêchi-ên 8:10-11)
    • Trước khi bị lưu đày, đời sống của dân Chúa đầy dẫy tội lỗi – Ô-sê 4:1-2  cho thấy xã hội không có lẽ thật, không có nhơn từ, không có sự nhìn biết Đức Giê-hô-va, trái lại họ chỉ có thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm và tà dâm.
    • Trước khi bị lưu đày, dân Chúa đã vi phạm ngày Sa-bát của Chúa, suốt 490 năm từ khi Sa-lô-môn phạm tội đến đời vua sau cùng của nước Giu-đa là Sê-đê-kia, tổng cộng họ ăn cắp của Đức Chúa Trời 70 năm Sa-bát – đó là lý do Chúa phạt dân Chúa bị lưu đày 70 năm cho đất nghỉ.
  • Dù Chúa đã sai nhiều Tiên tri đến giảng dạy quở trách họ, kêu gọi họ ăn năn, nhưng như Chúa phán: c. 4, họ chẳng nghe, chẳng hề để ý nghe. Kết quả là những người của thế hệ 70 năm trước đã bị Chúa phạt lưu đày qua Ba-by-lôn.
  • 1:5-6, Cảm ơn Chúa, sau khi thế hệ bị phạt lưu đày và các tiên tri đã chết, đến thế hệ bị lưu đày biết ăn năn và Chúa đã tha thứ cho họ hồi hương.
  • 1:8-13, (11, 12), cho chúng ta thấy sự kiện dân Y-sơ-ra-ên hồi hương là quan trọng biết dường nào, việc chuẩn bị sự kiện nầy đã được Chúa bày tỏ cho Tiên tri Xa-cha-ri qua một sự hiện thấy. Rõ ràng chính các thiên sứ trên trời cũng nôn nóng về nhu cần hồi hương của dân Y-sơ-ra-ên khi thời hạn 70 năm lưu đày đã hết rồi mà cả đất vẫn yên lặng, đến nỗi họ phải hỏi Chúa: Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân! Ngài sẽ không thương xót Giê-ru-sa-lem và các thành của Giu-đa cho đến chừng nào, là những thành Ngài đã nổi giận, nghịch cùng nó bảy mươi năm nay? (1:12).
  • Anh chị em hãy để ý câu 13, khi nghe thiên sứ hỏi tại sao qua 70 năm rồi mà dân Y-sơ-ra-ên chưa được hồi hương? Đức Giê-hô-va lấy những lời lành (lời nhân từ) để an ủi thiên sứ, Chúa muốn nói với thiên sứ là không cần phải nôn nóng như vây, dường như Chúa đang chờ đợi một điều – Chúa đang chờ đợi dân Chúa: Hãy trở lại cùng ta … Chúa chờ đợi dân Chúa thật lòng ăn năn quay về với Chúa.
  • Sự ăn năn trở lại với Chúa bao giờ cũng là một sự bắt đầu trang sử mới của một quốc gia, một gia đình, và một con người.
    • II Sử ký 7:14, Chúa hứa: khi một dân tộc biết ăn năn hạ mình trở lại cùng Chúa, thì Chúa sẽ cứu xứ khỏi tai họa.
    • Luca 15:17-20, một con người biết ăn năn quay trở lại cùng Chúa chẳng những sẽ làm thay đổi tình trạng của gia đình mà cũng thay đổi tình trạng tuyệt vọng cá nhân, như tình trạng tuyệt vọng của người con trai hoang đàng sẽ không bao giờ thay đổi cho đến khi nó quyết định trở về với Cha mình. Và khi nó trở về ăn năn với Cha, một trang sử mới cuộc đời của nó đã được lật qua và gia đình của nó trở nên một gia đình vui vẻ.
  • Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc Việt-nam chúng ta biết trở lại cùng Chúa để được thay đổi – nhưng sự ăn năn trở lại cùng Chúa phải bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta là những người đã thuộc về Chúa. Lạy Chúa, xin hãy phục hưng đất nước của con, phục hưng dân tộc của con, phục hưng Hội Thánh của Ngài, bắt đầu từ chính con!




 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: Xa-cha-ri

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn