20:39 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Trang Chủ » Thần Học » Thần học Mục vụ (ứng dụng)

Thần Đạo Học - Chương II - Kinh Thánh

Thứ tư - 23/04/2014 23:44
Thần Đạo Học - Chương II - Kinh Thánh

Thần Đạo Học - Chương II - Kinh Thánh

Thần Học về Đức Chúa Trời rất sâu xa, như chúng ta đã nói trong chương I ngoài chính Đức Chúa Trời mặc khải, thì loài người không thể nào hiểu được về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã dùng Ba Nguồn Mặc Khải:
----------------------------

CHƯƠNG II:
 
KINH THÁNH

 
 

Thần Học về Đức Chúa Trời rất sâu xa, như chúng ta đã nói trong chương I ngoài chính Đức Chúa Trời mặc khải, thì loài người không thể nào hiểu được về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã dùng Ba Nguồn Mặc Khải:
  • Mặc khải qua thiên nhiên
  • Mặc khải qua Kinh thánh
  • Mặc khải qua chính Chúa Jêsus Christ.
Trong chương II này chúng ta sẽ tìm hiểu Nguồn mặc khải thứ hai của Đức Chúa Trời là KINH THÁNH.
Để mặc khải về Ngài cho loài người, Đức Chúa Trời đã bởi Thánh Linh dùng các Thánh đồ, các Tiên tri, các Sứ đồ, tỏ cho họ ý muốn mầu nhiệm của Ngài, ban cho họ ân tứ để viết ra, đồng thời soi sáng, dẫn dắt họ viết hầu không sai trật một chấm một nét, rồi hà hơi trên những lời đã được viết ra để dạy dỗ dân Chúa cũng như cả nhân loại. Những lời, những sách đó được sưu tập lại thành bộ với sự mầu nhiệm, lạ lùng, nhưng đơn giản ai cũng có thể hiểu được, gọi là Kinh thánh.
Đứng trước bộ sách quý báu lạ lùng là Kinh thánh, một trong các thánh đồ thời Cựu Ước đã thốt lên: ‘Xin Chúa mở mắt tôi, đặng tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi thiên 119:18); còn Sứ đồ Phao-lô, một người trí thức thời Tân Ước, đã nói về Kinh thánh: “Cả Kinh thánh là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Timôthê 3:16-17)

I. ĐỊNH NGHĨA KINH THÁNH:

1.   Nguyên ngữ:

Nguồn gốc chữ Kinh thánh là từ chữ Hi Lạp [Ta Biblia],  nghĩa là những sách, các sách. Chữ ‘Ta Biblia’ có gốc chữ từ chữ Biblos là tên phần trong của vỏ cây papyrus, dần dần được Hội thánh dùng trở thành số ít là Biblios nghĩa là Quyển Sách, Sách.
Từ ngữ ‘Ta Biblia’ được dùng để dịch chữ bassè pàtim trong Hi Bá Lai văn, nghĩa là ‘các sách’ (Đaniên 9:2).
Từ nguyên ngữ Hi Lạp này mà có chữ:
  • The Bible (Anh ngữ) là Thánh Kinh
  • Scriptura (La Tinh) hay Scripture (Anh ngữ) có nghĩa là Thánh Văn.”
Lúc đầu từ ngữ này dùng để chỉ Cựu Ước, sau đó được Hội thánh dùng để gọi cả quyển Kinh thánh.

2. Việt ngữ:
Dùng theo Hán tự là Thánh Kinh (tính từ đi trước), dùng theo Việt ngữ là Kinh thánh (danh từ đi trước).
  • KINH: Tự điển Việt Nam định nghĩa ‘Kinh’ là sách thuộc về tôn giáo (như Kinh Tam Tạng, Kinh Kim Cang, Kinh Cora), hoặc sách ghi lời dạy của các bậc thánh hiền (như Kinh Thi, Kinh Thư, Đạo Đức Kinh…)
  • THÁNH: Theo Tự Điển Việt Nam thì ‘Thánh’ là sạch sẽ, đạo đức (như các bậc thánh hiền, Thánh Gandhi). Còn theo cách dùng của Kinh thánh thì theo Hi Bá Lai văn là qodesh; Hi Văn là Hagiazô, có nghĩa là phân rẽ, biệt riêng ra (hàm ý biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời) - II Côrintô 6:17-18.
Như vậy, Kinh thánh là một quyển sách được biệt riêng ra thuộc về Đức Chúa Trời, hoặc một quyển sách ghi chép những lời dạy của Đức Chúa Trời dành cho con người.
Nếu không có chữ ‘Thánh’ thì mất đi ý nghĩa đích thực của Kinh thánh, dễ bị làm lẫn với các sách khác hoặc các sách của các tôn giáo. Ngược lại, cũng không có tôn giáo nào hoặc sách nào của thế gian được gọi là Kinh thánh.

Sau đây là ý kiến của Nhà văn Phan Khôi đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 16 tháng 10 năm 1930, viết về Kinh thánh của người Tin Lành.
Kinh thánh đây tức là Bible, gồm cả Cựu Ước và Tân Ước. Người có đạo Cơ-đốc ở xứ ta bất luận Cựu Giáo (Catholique) hay Tân Giáo (Protestant) đều dịch ra tiếng ta kêu bằng Kinh thánh.
Có nhiều người An Nam mình, theo cái óc cũ, thấy đạo khác thì không ưa, nói rằng: Kinh thánh là do người có đạo họ tôn trọng kinh của họ mà kêu như vậy; còn mình, người ngoại, không tội chi mà kêu Kinh thánh như họ.
Ai nói vậy là còn hẹp hòi quá, không hiểu sự học đời nay. Ở bên Tàu và Nhựt Bổn, người không theo đạo cũng kêu bằng Kinh thánh như người có đạo vậy, vì hai chữ ấy đã thành một cái tên riêng (nom Propre) rồi.
Ở đời nay, bất kỳ nước nào, nếu là một nước văn học đúng đắn thì trong đó cũng có chịu ảnh hưởng của Kinh thánh. Đương thời đây, các nhà văn học đại gia bên Tàu, dầu không phải tín đồ Cơ-đốc đi nữa, trong khi họ làm văn cũng dùng đến chữ Kinh thánh luôn luôn. Như họ dùng chữ“’tẩy lễ’ là do chữ ‘Baptême’ mà ra; chữ ‘phước âm’, là do chữ ‘Evangile’ mà ra. Mà những chữ ấy ngày nay họ dùng đã quen lắm, chẳng khác nào chữ gốc trong ngũ kinh tứ thơ vậy.
Còn nói chi về chữ Pháp, thì muốn nói là gốc bởi Kinh thánh mà ra, cũng không phải quá đáng. Tức như bởi một chữ Bible đó mà sanh ra bộn bề chữ có nghĩa về sách vở. Ấy là như: Người làm sách thì kêu bằng Bibliographe, sự học về biên chép sách vở thì kêu bằng Bibliographie; người ham mê sách vở thì kêu bằng Bibliomane; cái tánh ham sắm sách thì kêu bằng Bibliomanie; người hay tìm mua sách vở thì kêu bằng Bibliophile; cái nhà chứa sách vở thì kêu bằng Bibliothèque, …
Lại có nhiều câu trong Kinh thánh đã thành ra tục ngữ (proverbe) hay là thành ngữ (expression) trong tiếng Pháp. Như: ‘Kẻ tiên tri không được trọng đãi trong quê hương mình’; ‘Dưới mặt trời chẳng có sự gì lạ’,  mấy câu đó đều là ở trong Kinh thánh cả.
Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.
Đừng nói mấy ông nhà nho họ cho là dị đoan họ không ngó tới đã đành. Các ông học chữ Pháp giỏi mà cũng ít có ông nào đọc tới Kinh thánh thì cái học ấy cũng gọi được là cái học không gốc.
Có nhiều chữ trong tiếng Pháp - nhiều không xiết kể - nếu chẳng biết đến Kinh thánh thì chỉ hiểu nghĩa cạn mà thôi. Ai đã thông thạo Kinh thánh rồi thì chắc hiểu sâu hơn mà lấy làm khoái lắm.
Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu (Bài này ông Phan Khôi trích dẫn được đăng trên Trung Lập Báo số 6235, ngày 1/9/1930. Trong bài viết đó, Phan Khôi ký tên với bút hiệu Chương Dân).
Cái bài của tôi đó tuy ngắn cũng đủ thấy Kinh thánh có quan hệ với văn học ngày nay thế nào. Các chi hội Tin Lành ở xứ ta, đâu đâu cũng có bán đủ Kinh thánh bằng ba thứ chữ Pháp, Hán và quốc ngữ; ước gì mỗi người có học đều tùy mình biết thứ chữ gì thì mua mà xem. Vì tôi đối với Kinh thánh có lòng sốt sắng như vậy.[1]

 

[1]  Chân Trời Mới, Văn Phẩm Nguồn Sống, tháng 8.2009
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những bài viết mới hơn

Những bài viết cũ hơn